>> Việt Linh: Ánh sáng từ phía sau
Nói theo dân gian, đây là người buông dầm thì cầm chèo và nói theo Nguyễn Du “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Không nhận mình đẹp, không nhận mình tài năng lớn, chỉ nhận mình là người có tâm. Với mọi người, Việt Linh là một cái tên, một gương mặt, một sự tin cậy và hơn tất cả, là một giá trị.
Hãy đưa tay ra khi người trẻ cần, vỗ tay nhiệt thành khi họ thành công
– Đã trò chuyện với nhau khá nhiều. Bên bàn ăn của nhà Việt Linh ở Sài Gòn và cả ở Paris. Chuyện thế thời, chuyện chồng con, chuyện làm dâu, chuyện xê dịch, chuyện tiền nong…đủ cả. Hôm nay nói chuyện nghề thôi nhá, được không?
– Chẳng những được, mà thích vậy. Thời còn làm phim, mình đã từng công khai xếp thứ tự rồi: phim số một, con số hai, chồng số ba…
– Mình thích Việt Linh – đạo diễn, “Gánh xiếc rong”, “Dấu ấn của quỷ”, “Chung cư”, “Mê Thảo thời vang bóng”… Mình cũng bắt đầu thích Việt Linh – nhà văn trẻ với mảng truyện ngắn như là thử sức nữa. Nhưng vẫn tiếc một Việt Linh không còn đủ sức khỏe để làm phim. Linh cũng tiếc đúng không, vậy cảm giác tiếc ấy nếu diễn tả bằng ngôn từ thì nó như thế nào? Có thể nói giai đoạn của nữ đạo diễn điện ảnh phải là thời vang bóng của một người đàn bà có tên Việt Linh hay chưa?
– Thứ nhất, chưa bao giờ mình nghĩ mình là nhà văn – dù “trẻ”. Chỉ biết mình yêu chữ từ nhỏ, thấy nó như bầu bạn, bầu trời, như vũ khí, như dược liệu… Cuộc đi nào rồi cũng có điểm dừng, vì trở ngại hay vì chọn lựa. Đúng là ngay sau khi bệnh mình buồn lắm (không có chữ nào thật hơn chữ buồn) vì không còn được làm phim, nhưng bây giờ tĩnh tâm rồi. Thử hình dung mình chưa từng có vấn đề sức khỏe thì có lẽ hôm nay cũng không còn đau đáu lên sàn quay trong hiện tình phim ảnh nước nhà. Nó quá bất trắc, luống cuống, hỗn độn… May mà mình vẫn còn vài cánh cửa khác để lân la nghệ thuật, để tiếp tục vui chơi trong cuộc sống tinh thần. Sức khỏe tinh thần của mình tạm ổn.
– Việt Linh viết văn có phẩm chất nhà báo, Việt Linh viết báo lại rất có văn. Tố chất văn xuôi ở Linh rất mạnh. Linh có thấy như thế không? Có phải do hoàn cảnh không thể làm phim nữa mà thành ra đắm đuối với văn xuôi? Nghĩa là, tố chất này tiềm ẩn, rất tiềm ẩn, bỗng nhiên sau bạo bệnh, cơ thể ươn yếu như cái cây bon-sai, đời chậu bắt đầu nên suy tư trĩu hơn và ngôn từ bật dậy?
– Trời ơi, nhà văn hỏi có khác (cười). Đọc thử mấy bài – tạm gọi là văn – trong cuốn sổ rách bươm này đi. Ả viết chúng từ khi… mười ba tuổi, sau dồn dập biến cố của gia đình. Không biết có thể gọi những cảm xúc lâm ly, những dòng chữ tưng tiu nhưng thô vụng kia là tố chất tiềm ẩn hay không, nhưng đúng là cuộc sống phải gập ghềnh một chút thì mới nhìn cuộc đời quanh co ngóc ngách, cung bậc. Viết với mình là một cách tự thoại, thẳm sâu hơn, tự… trưởng thành.
– Có khi nào Việt Linh nghĩ sẽ viết tiểu thuyết, nhất là thời khắc “từ cõi liệt cõi xe lăn” trở về nếu cuốn tiểu thuyết ấy từ cảm hứng tự truyện? Linh có nghĩ đến một thứ văn xuôi dài hơi như vậy không?
– Bạn không phải là người đầu tiên hỏi mình câu này. Bản thân mình đôi khi cũng bâng quơ với mình như vậy. Nhưng hoàn toàn không phải do đứng sát cái chết mà do vốn sống tích tụ. Nó đòi hỏi được chia sẻ. Văn xuôi dài hơi ư, có thể, nhưng sẽ không hẳn là tự truyện vì mình có nhược điểm lớn là không nhớ rõ thời gian (cười). Nhưng một cuốn sách dày về những ký ức liên quan đến tình mẹ con – mà mình là chứng nhân giữa ba thế hệ – bà, mẹ, con gái – thì mình luôn ấp ủ, bởi tin nó sẽ như lời thủ thỉ đáng yêu, không vô ích cho bản thân, cho con gái và, biết đâu, cho xã hội…
– Vẫn muốn Việt Linh nói kỹ thêm về điện ảnh nước nhà. Mình hơi thất vọng về sản phẩm điện ảnh Việt Nam những năm gần đây. Đạo diễn Việt Linh thì còn hơn cả thất vọng, đúng không?
– Thất vọng là cảm giác ngoài cuộc, còn những người (vẫn cảm thấy) trong cuộc như mình thì sốt ruột, bần thần ghê lắm. Cách đây vài tháng nhân đợt tham gia ý kiến cho Dự thảo điện ảnh 20 năm sắp tới, mình có đăng bài viết khá dài trên báo Người đại biểu nhân dân với tựa “Cơ ngơi không đồng nghĩa cơ đồ”. Cái tựa thẳng thắn này đi thẳng vào điều mọi người không thông trong dự thảo, đó là việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị chiếm tỉ lệ quá cao so với sản xuất, so với cái bất ổn cần cải cách của điện ảnh Việt Nam là cơ chế, nhân lực, chính sách – những thứ mà nếu không xây dựng lại thì chuyện tạo nên một “Thương hiệu điện ảnh Việt Nam” danh giá trên bản đồ thế giới chỉ là… mộng mơ.
– Điện ảnh Trung Quốc với những cái tên như mọi người biết và ngưỡng mộ. Iran bắt đầu được kỳ vọng là nền điện ảnh tiên phong Trung Đông. Họ cũng nhiều cấm đoán chứ. Mới đây, Campuchia còn có một phim được nể. Việt Nam mình thì vì sao nên nỗi?
– Vì những điều như mình nói bên trên, vì cả lớp tuổi – không còn thanh niên – như bọn mình nữa đó. Chúng ta đã bỏ mất thói quen xem phim ngoài rạp. Điện ảnh muốn sống phải có khán giả. Khán giả lớn tuổi không đi xem thì nhà sản xuất phải nhắm vào lớp trẻ, mà phim dành cho lớp trẻ thì người lớn lại không xem. Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ mãi tiếp diễn giết chết chất lượng điện ảnh. Vào rạp phim của Pháp bạn sẽ thấy đủ mọi lứa tuổi, và chuyện đi xem phim một mình cũng là chuyện rất thường. Thói quen – mà về sau biến thành sở thích – xem phim này phải được tạo từ nhỏ, từ trường học, gia đình, các câu lạc bộ…, trong đó nhà nước đóng vai trò rất lớn. Để có trung bình 200 phim/năm và đương đầu với Hollywood, chính phủ Pháp có nhiều đối sách về trợ cấp điện ảnh, ưu đãi thuế đầu tư điện ảnh, buộc truyền hình phải trích doanh thu sản xuất phim nhựa… Điện ảnh Pháp tồn tại nhờ sự đồng tâm giữa quốc sách kiên định, truyền thông tri thức và các LHP uy tín. Điện ảnh của mình giống như đứa con thả rông, lâu lâu cha mẹ quát cho một phát, tặng cho miếng bánh gọi là…
– Ngày xưa yên bình, ngày xưa rau cá sạch, ngày xưa nghèo mà sạch. Trong điện ảnh mình cũng thấy “nỗi niềm ngày xưa” như vậy. Nếu Linh đồng cảm với mình thì thử lý giải hiện tượng ấy xem?
Không nên quá nấn níu ngày xưa đó. Thế giới thay đổi, tiến hóa, phim ảnh cũng phải thích nghi theo sự thay đổi đó. Vấn đề ở đây là những nhà lãnh đạo điện ảnh phải thật sự và vô tư làm việc vì cơ đồ của điện ảnh quốc gia. Thật sự và vô tư, nghe khuôn sáo nhưng đúng như vậy. Bởi chỉ cần không có đủ hai tâm thế đó thì mọi sự sẽ thê thảm dù mọi thứ có được… lót thảm.
– Có người đòi phải nâng cấp người xem, cũng như khi sách sáng tác ế, người ta đổ thừa do văn hóa đọc xuống cấp. Công trình “Tủ sách điện ảnh” của Linh sống và tác động thế nào với khán giả điện ảnh?
– Mọi cuộc chiến đơn độc đều gian nan. Khi quyết định làm “Tủ sách điện ảnh”, ban chủ biên bọn mình cũng lường trước chuyện này nhưng vẫn cố gắng theo câu: nước tới đâu bắc cầu tới đó…Sách của bọn mình, như bạn thấy và dư luận đánh giá, có chất lượng cao, cập nhật, công phu, nhưng phát hành rất nhọc nhằn. Nhọc nhằn cũng dắt díu nhau qua được, nhưng điều đáng buồn là mỗi khi sách ra, phần lớn khách mua là các hãng phim tư nhân, cá nhân, còn những cơ quan nhà nước thì không mấy mặn mà, đặc biệt Trường điện ảnh – nơi tưởng như rất cần loại sách này thì… hờ hững nhất! Nản lắm.
– Với thế hệ đạo diễn và diễn viên trẻ, Linh vẫn tiếp tục làm bà đỡ nóng tim, mát tay. Theo Linh thì bao giờ họ gánh vác được sứ mệnh lịch sử với điện ảnh quốc gia? Và cá nhân Linh thấy mình đóng góp được gì trong phần lịch sử đó? Có những cái tên nào được kỳ vọng? Hay lại phải chờ những tác giả sống và làm việc ở hải ngoại như Trần Anh Hùng?
– Cũng trong bài “Cơ ngơi không đồng nghĩa cơ đồ”, mình nói mục tiêu đến năm 2020 đưa điện ảnh Việt Nam lên hàng đầu Đông Nam Á của Dự thảo điện ảnh theo mình không viển vông, nếu ngay bây giờ nó được lèo lái đúng hướng. Có không ít cái tên khiến chúng ta kỳ vọng, nhưng các bạn ấy đang bị câu thúc. Hoặc cơ chế, hoặc áp lực thương mại, hoặc áp lực kiểm duyệt. Thế hệ mình đã bước lên lề rồi. Việc mình tự giao bây giờ là đưa tay ra khi người trẻ cần, vỗ tay nhiệt thành khi họ thành công. Phản biện cái chưa ổn, động viên cái tốt đẹp cũng là sự đóng góp nho nhỏ, phải không?
Đời thật đáng yêu khi ta gọi lời hay có người ơi!
– Nói về sự thích của mình dành cho bạn, một nữ đạo diễn hiếm quý, mình còn rất là thích Việt Linh – nhà báo. Nói kỹ về cơ duyên với “Ga xép” đi nào.
– Nếu gọi duyên thì mục “Năm phút với Ga xép” của mình ở Đẹp chính là duyên. Một kết thúc bất ngờ, ấm áp, sau một cuộc trao đổi… lạnh ngắt. Chuyện là ngay sau khi mình nghỉ việc ở cơ quan, tức đang khá rảnh, thì nhà báo L. nhắn lời của Đẹp mời tham gia giữ mục. Mình từ chối ngay với lý do rất chân thật: “Tờ báo đó giống như chiếc xe lửa sang trọng, trong khi những gì chị muốn và có thể viết lại giống như mấy cái… ga xép”. Hai ngày sau mình nhận được email của đại diện ban biên tập, nói chị ơi, tụi em cũng cần ghé “Ga xép”. Hóa ra câu từ chối hơi sỗ sàng của mình đã được chàng L. chuyển nguyên văn! Cũng hay. Mình hỏi bài viết khoảng bao nhiêu chữ. Đại diện Đẹp cho biết trên dưới ngàn chữ. Mình nói “Vậy thì đặt tên mục ‘Năm phút với Ga xép’ nhé”. Người đại diện ok. Mục “Ga xép” đã ra đời như thế, nhanh chóng, đơn giản, đáng yêu như hạnh ngộ. Và thú thật là sau hai năm giữ mục, mình chưa có dịp diện kiến ai ở Đẹp, dù cảm nhận có một sợi dây thắm thiết vô hình. Mình nói vui “Ga xép” của mình trong Đẹp giống như món kho quẹt trong nhà hàng 5 sao! Có thể vì vậy chăng mà nó… mặn, hơi lạ?
– Phần lớn thời gian giữ “Ga xép”, bạn ở bên Paris, bạn nhập vào đời sống xã hội nước nhà bằng con đường nào và nghe ngóng phản hồi từ độc giả ra sao?
– Mình ví cuộc sống giống như cái rương, ở đó mình tích cóp, gìn giữ biết bao những “món” tình cờ có được qua nhiều cách, nhiều ngả – những cái “có được” đôi khi trả bằng nước mắt. Các bạn ở Đẹp hay cảm ơn “Ga xép”, độc giả đôi khi cũng chia sẻ cảm ơn, nhưng mình nghĩ chính mình mới phải cảm ơn mục “Ga xép” – nơi nhờ đó mình có dịp lôi ra biết bao cảm xúc dồn nén từ cái rương lớn của cuộc đời… Chữ “lôi ra” có vẻ hơi thô bạo nhưng chân thật.
– Một Việt Linh – kịch tác gia và Việt Linh – đạo diễn sân khấu đang khiến người hâm mộ tò mò với dự án kịch “Thiên Thiên”. Cơ duyên, là thử sức thêm “cho thiên hạ biết mặt”, hay cái máu đạo diễn nó ngứa ngáy, hay đây là cuộc phiêu lưu thuần túy?
– Loại trừ ngay cái chuyện “cho thiên hạ biết mặt”, vì nó không phải là nhu cầu hay thuộc tính của mình. Thám hiểm thì có thể chứ không phải phiêu lưu. Việt Linh không đủ… gan và đủ lực để giỡn chơi với sức khỏe và gia sản. Chỉ là tại vẫn mê làm việc. Sân khấu là một cửa khác, sau điện ảnh, sau chữ nghĩa cho nàng tiếp tục dan díu, lân la nghệ thuật.
– Rất nhiều biên kịch đo ni đóng giày từ những gửi gắm sâu nặng cho một hoặc một vài diễn viên mà họ yêu quý. Như mình vẫn thầm mong viết được kịch bản sân khấu cho Thành Lộc, Việt Anh hay những vở hài cho Hoài Linh. Việt Linh đo ni đóng giày cho Minh Trang trong “Thiên Thiên” ư?
– Mình không có khả năng và cũng không muốn đo ni đóng giày cho ai cả. Nếu có tính toán thì sẽ theo quy trình ngược: thấy giày mới đi kiếm… ni. Bắt tay viết “Thiên Thiên” mới nghĩ tới Minh Trang.
– Loại hình nghệ thuật nào cũng có ma lực đối với nghệ sĩ. Sân khấu là một ví dụ. Linh có thấy thách đố quá sức khi viết và dựng “Thiên Thiên”?
– Thách đố thì có chứ không quá sức. Mình rất sợ nhón chân, thấy cái gì quá sức thì… bỏ chạy liền. “Thiên Thiên” là một thiên lực hút mình đi tới, mệt nhọc lắm nhưng háo hức. Làm “Thiên Thiên” bỗng thấy giống như hồi mang thai con gái, nhiều khi cứ phải hình dung ngày được tận mắt, tận tay ôm ấp hình hài đứa con máu mủ mới đủ sức gồng mình vượt qua. Nhưng “Thiên Thiên” ít hồi hộp hơn vì được chủ động, được nhìn thấy diện mạo đứa con trong giai đoạn hình thành…
– Đã có dư luận từ một số nhà báo rằng, hai truyện ngắn mà Việt Linh lấy làm gốc cho kịch bản “Thiên Thiên” không nhiều chất kịch lắm, Linh thấy sao?
– Nếu chỉ đọc hai truyện ngắn đó thôi thì nhận xét như vậy là khá đúng, nhưng thực ra hai truyện đó chỉ là khích hứng để mình viết ra cái gì khác, riêng tư và… kịch hơn. Ngay chính hai tác giả – mà nay đã trở thành thân thiết với mình – cũng nói chất liệu của họ có tỉ lệ quá ít trong kịch bản. Nhưng giống như hóa học, chất xúc tác nhỏ nhưng có thể tạo ra phản ứng để cho ra chất khác. “Thiên Thiên” là một chất khác… Một kiểu “lôi ra” từ rương khác của mình.
– Tự viết kịch bản văn học, rồi làm đạo diễn sân khấu luôn, lợi thế là mình trọn quyền với đứa con này. Nhưng đạo diễn sân khấu là một thứ tư duy khác kia mà?
– Việt Linh: Ánh sáng từ phía sau
– Lý do thứ 5 xem “Thiên Thiên” được viết: “Đánh thức ước mơ được sẻ chia, đồng cảm”. Nên hiểu như thế nào?
– Lý do thứ 5 với bọn mình cũng là lý do quan trọng nhất. Trong kịch có đoạn người phụ nữ này mát-xa cho người phụ nữ khác, khi người kia nhấp nhổm, người này bật cười chua chát: “Chị nhột phải không? Vậy thì chị vẫn còn cảm giác. Chồng tôi thì… hết rồi!”. Hết rồi… Bạn có thấy con người thật cô đơn trong nhiều thứ “hết rồi” của xã hội hôm nay?
– Tào Ngu viết kịch để diễn. Nguyễn Huy Tưởng cũng viết kịch để diễn. Nhưng Nguyễn Đình Thi viết kịch để dốc bầu tâm sự, diễn khó nhưng đọc bằng mắt thích hơn. Nguyễn Huy Thiệp thì viết kịch để chơi, độc giả chuyền tay nhau đọc để ngấm. Còn Việt Linh với “Thiên Thiên” có phải là kịch thể nghiệm?
– Bọn mình hoàn toàn không có ý định thể nghiệm. “Thiên Thiên” là vở kịch chân phương, cũng cười cũng khóc, hỉ nộ ái ố…, dù có hơi khác thường. Câu slogan “Thiên Thiên không kể một câu chuyện, mà để lại một cảm xúc” trên áp phích không có nghĩa “Thiên Thiên” thiếu cốt truyện, mà muốn nói mục tiêu và mong ước của những người làm “Thiên Thiên” là gửi được chút vấn vương khi khán giả ra về. “Thiên Thiên” làm ra để diễn, để dốc tâm sự, để chơi, và cả để ngẫm…
– Có cảm giác các bạn chú ý rất nhiều về mặt tinh thần của “Thiên Thiên”…
– Mình rất thích tiểu thuyết “Phần hồn” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, đặc biệt cái tựa. Nó cho thấy phần hồn mới là cái tự do, cái khó chạm, khó câu thúc của con người. Trong “Thiên Thiên” có câu thoại của một phụ nữ bị phản bội: “Giống như những ngón tay thông minh và ma giáo của tôi, tôi cắt cơ thể mình ra làm hai khúc. Khúc dưới cho anh ta dày vò thỏa thích. Khúc trên tôi bay đi…”.
Sự phân thân bất đắc dĩ ấy không cá biệt trong xã hội mình. Ám ảnh đấy.Rất mong Việt Linh thắm duyên với sân khấu, cũng như viết tiểu thuyết, mệt nhoài và nhiều hệ lụy, nghĩ cuốn này là thôi, nhưng xong lại quên và lại thai nghén cuốn khác. Như sinh con, như tình mẫu tử, sinh rồi thấy đứa con quá đẹp, lại cứ muốn sinh thêm. Sân khấu cũng nhiều ma lực như vậy. Đừng cáo lui sớm, phí của đời, nha.
Bài: Nhà văn Dạ Ngân
Nhiếp ảnh: Tang Tang
Trang điểm: Quân Nguyễn
>>> Có thể bạn quan tâm: Với công việc chuyên môn của một đạo diễn điện ảnh, Việt Linh luôn phải làm việc trước các nguồn sáng. Khi rời khỏi chức trách đạo diễn, chị trở về cuộc sống đời thường của một phụ nữ Việt Nam truyền thống. Bên cạnh cá tính mạnh mẽ, chị vẫn giữ gìn cung cách của một người đàn bà, người con – người vợ – người mẹ Việt Nam đúng nghĩa.