Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Đi tìm tuổi thơ biến mất - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Đi tìm tuổi thơ biến mất

Giải Trí

Diễm vừa trở về từ Hà Lan sau khi nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 với bộ phim “Children of the mist” (Những đứa trẻ trong sương), ngay sau 7 ngày tự cách ly tại Hà Nội, cô lại bay đến Sài Gòn và rất bận rộn với việc tổng kết khóa học làm phim ngắn của Doc Cicada – nhóm các nhà làm phim độc lập do cô và ba người nữa lập ra. Cuộc trò chuyện này vì thế diễn ra dưới hình thức video call qua màn hình máy tính khi Diễm đã về Bắc Kạn – quê hương cô, và lại đang tự cách ly tại nhà.

Vẫn là gương mặt tròn xoe và ánh mắt sáng lấp lánh ấy, hình như khi được làm đúng công việc khiến mình vui, người ta không già đi thì phải.

Sự nghiệp 10 năm làm phim của Diễm mới có 3 tác phẩm, trừ “Giường xinh” là bài tốt nghiệp khóa học làm phim tài liệu Varan Vietnam năm 2016, còn lại đều đạt giải. “Con đi trường học” – phim đầu tay Diễm tự làm một mình từ A đến Z khi còn là sinh viên đại học – đạt giải Cánh diều Bạc năm 2013 (năm đó Cánh diều không có giải Vàng). Còn “Children of the mist” do Diễm quay, có sự hỗ trợ sản xuất, dựng phim của vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, hậu kỳ bởi Purin Pictures và White Light Studio (Thái Lan) vừa giúp Diễm giành giải thưởng tuyệt đối cho vai trò đạo diễn tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam, dự kiến sẽ tham gia thêm một vài liên hoan phim nữa trước khi phát hành tại Việt Nam. Bộ phim dài 92 phút, quay trong 4 năm, dựng mất 6 tháng, nguyên việc dịch nháp phim từ tiếng Mông sang tiếng Kinh đã mất 3 tháng.

Năm 2017, khi lên Sa Pa theo một chương trình sáng tác và sống cùng cộng đồng người dân tộc thiểu số, Diễm gặp Di – một cô bé người Mông 12 tuổi. Nhìn cảnh Di và đám trẻ con chơi với nhau rất vui, Diễm nhớ lại quãng thời gian vô tư mình luôn muốn được trở về và nảy ra ý tưởng làm một bộ phim về tuổi thơ trong trẻo. Sau, ở đó lâu Diễm mới biết thêm nhiều chuyện không vui về cộng đồng người Mông, như là tục kéo vợ hay chuyện bọn trẻ con bị bắt cóc bán sang biên giới. Dần dần bộ phim thay đổi từ không khí vui vẻ sang một bầu không khí mà chính Diễm cũng không thích. Cô thấy hơi sợ: “Mình nhìn bọn trẻ con lớn lên mà không biết chúng sẽ biến mất lúc nào”.

Những chuyện như vậy đã xảy ra nhiều ở các vùng biên giới từ Quảng Ninh đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Có đứa bị bán sang làm vợ, có đứa bị bán làm gái mại dâm, mà… còn do người thân của chúng lừa đi. “Như một bạn của Di, nhân vật chính trong ‘Children of the mist’, bị chính anh rể và một bạn trai trong lớp tổ chức bắt cóc bán sang Trung Quốc. Một bạn khác thì tưởng được bạn trai đưa về nhà làm vợ nhưng cuối cùng lại bị đưa thẳng qua biên giới, vài năm sau mới trốn về được. Về được nhưng cũng bị người ta kỳ thị, chẳng sống ở làng được nữa”.

Nhà Diễm ở trong làng, một cái làng nằm trên núi, xung quanh chẳng có ai, bối cảnh y chang “Con đi trường học” hay “Những đứa trẻ trong sương” mà Diễm làm. Bạn bè Diễm có người lấy chồng từ cấp 3, lại có người lấy chồng ngay từ cấp 2, may quá, bố mẹ Diễm cũng làm nông nhưng chỉ bảo con đi học.

Tuổi thơ Diễm trôi qua với tất thảy niềm vui của bọn trẻ con miền núi: tắm sông, hái mận, ăn trộm củ cây, đi lang thang trên những con đường đất vắt vẻo. Mỗi ngày Diễm đi bộ vài cây số đến trường, đường nhỏ xíu, sáng sớm toàn sương mù và mạng nhện, vừa đi Diễm vừa phải cầm cành cây gạt bớt, nếu không chúng sẽ giăng vào mặt.

Diễm rất sợ sương mù. Có một buổi sáng nhiều sương, cô không nhìn thấy đường đi học đâu nữa. Lúc ấy còn bé, Diễm nghĩ sương mù là một thứ gì đó dày đặc như bức tường, không đi xuyên qua được. “Mình sợ lắm, về nói với mẹ: ‘Con không muốn đi học nữa’. Nhưng không trốn học được mãi, rồi mình cũng phải xuyên qua lớp sương mù ấy mà đi”. Từ đấy Diễm mới biết, nếu mình cứ đi về phía trước thì con đường sẽ hiện ra từng tí, từng tí một.

“Thật ra cũng có lúc mình thích sương mù, vì nhìn từ xa nó rất đẹp, như một miền đất cổ tích. Nhưng sống trong màn sương ấy đáng sợ lắm vì mình dễ bị lạc. Có lần mình đã bị lạc rồi, là lần đầu tiên mình lên Sa Pa một mình, cứ lạc mãi trong đống sương mù, trời bắt đầu trở tối, mình chẳng biết mình đang đi về đâu”.

Tôi biết Diễm từ hơn chục năm trước khi cả hai cùng học chung khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Diễm dưới tôi hai khóa. Cô gái dân tộc Tày có nước da trắng bóc và giọng nói tiếng cười lảnh lót luôn khiến người ta thấy quý mến từ ngay lần gặp đầu tiên. Cũng như bao sinh viên báo chí khác, ban đầu Diễm chọn ngành này đơn giản vì thích được đi nhiều và muốn nhìn thấy nhiều câu chuyện của đời sống. Nhưng từ hình dung đến thực tế là một khoảng cách xa, thật may là khi không tìm thấy tiếng nói chung trong môi trường báo chí truyền hình, Diễm tìm thấy mình trong phim tài liệu. Từ những bước dò dẫm đi xuyên qua sương mù trên con đường đất miền núi chỉ rộng bằng hai gang tay, đôi bàn chân ấy giờ đã đi đến cả Hàn Quốc, Hồng Kông, Canada, Hà Lan, Ấn Độ… cho những khóa học và chợ dự án phim quốc tế.

– Ngoài làm phim tài liệu, Diễm có thú vui nào khác không?

Nhiều lúc mình thấy hội làm phim tài liệu chúng mình thật tẻ nhạt, lần nào gặp nhau cũng chỉ nói chuyện về phim. Thế là mình cố gắng bồi đắp thêm nhiều thứ khác vào cuộc sống của mình. Mình đi học nhuộm vải, nhưng học nhuộm vải rồi mình còn thấy căng thẳng hơn vì nó rất khó. Mình học đàn, thấy học đàn cũng khó. Rồi mình phát hiện ra học ngoại ngữ rất vui, nó khó nhưng mang lại cho mình sự tự do, là tự do tiếp nhận một văn hóa khác. Ngoại ngữ cũng giúp ích nhiều cho mình khi tham gia các khóa học làm phim hay đi kêu gọi quỹ ở nước ngoài. Hiện tại ngoài tiếng Anh, mình đang học thêm tiếng Pháp nữa.

– Phim tài liệu có gì khiến Diễm quyết định bỏ hết tất cả các công việc báo chí truyền hình trước đó để theo đuổi nó?

Phim tài liệu có những cảnh mà không một bộ phim điện ảnh nào có thể set-up được bởi nó đi ra từ đời sống. Mình chỉ thích nhìn cuộc sống thực thôi chứ không thể nào ngồi nghĩ và tạo dựng lên những câu chuyện không có thật được. Mỗi khi dấn thân vào một dự án phim, mình có cơ hội được sống một cuộc sống khác, ví dụ như khi làm phim về Di, mình đã sống như một người Mông ở Sa Pa.

Phim tài liệu hợp với mình cũng vì để thực hiện nó, mình không tốn quá nhiều tiền và cũng không phải làm việc với quá nhiều người. Ê-kíp của mình thường chỉ có 2-3 người, có phim mình làm một mình từ đầu đến cuối. Với tính cách hơi khép kín của bản thân, chắc chắn mình sẽ thấy mệt nếu phải ngoại giao nhiều. Làm phim một mình đã ngốn của mình rất nhiều thời gian và sức lực rồi.

– Câu hỏi này đã quá quen nhưng đúng là vẫn phải hỏi: đi liên hoan phim về, bạn cảm thấy thế nào?

Mình thấy tự do. Tự do vì cuối cùng mình cũng có thời gian dành cho những thứ khác, không bị mắc kẹt trong bộ phim đó nữa. Mình đã theo đuổi dự án này suốt 4 năm rồi. 4 năm, đầu mình lúc nào cũng chỉ nghĩ về nó. Người khác có thể làm song song hai hoặc nhiều dự án một lúc nhưng mình thì chỉ làm được một thôi.

– Thú thật, mình cứ nghĩ sẽ là một câu trả lời quen thuộc kiểu “Ở nước ngoài họ làm phim khác lắm, phim của họ đã đến tầm nào rồi…” như những gì thường được nghe từ dân làm phim truyền hình hay điện ảnh. Thực tế, ở lĩnh vực phim tài liệu có sự phân cấp này không?

Thế giới phim tài liệu khá dễ chịu so với phim truyện, và những người làm phim tài liệu mà mình biết thường rất hỗ trợ nhau. Mỗi khi nộp dự án phim, mình thường nhận được những phản hồi kiểu như: “Ôi vui quá, nhận được dự án của Việt Nam”. Người nước ngoài rất thích những câu chuyện Việt Nam. Các quỹ Đông Nam Á cũng thường ưu tiên cho những dự án của nước mình.

– Phẩm chất nào theo Diễm là quan trọng nhất với một người làm phim tài liệu?

Khi nói chuyện với những nhà làm phim tài liệu, mình nhận thấy ai cũng thích lắng nghe và có khả năng lắng nghe người khác. Chúng mình đều bị hấp dẫn bởi cuộc sống thực và những điều chân thành. Ngoài ra, người làm phim tài liệu còn phải là người biết cách để những thứ hay ho của cuộc sống được hiện diện trên phim.

– Có điều gì mà Diễm luôn muốn kể trong các phim của mình không?

Mỗi bộ phim phản ánh một câu hỏi của mình vào thời điểm đó. Như khi làm phim về Di, câu hỏi của mình là: “Tại sao tuổi thơ lại biến mất? Tại sao mình phải lớn lên? Tại sao phải đối mặt với những vấn đề của người lớn?”. Suốt quá trình quay, mình cũng lớn lên cùng bộ phim, và khi nó kết thúc, mình không còn bị ám ảnh vì những câu hỏi đó nữa, mình lại để cho mình được tự do quan sát thế giới và nảy ra những ý mới. Gần đây thì mình đang muốn làm phim về những đứa trẻ bị buộc phải hành xử như người lớn, những đứa trẻ đang phải lo lắng ngược lại cho bố mẹ của chúng.

– Bạn có nghĩ cái nghèo và cái khổ là những chất liệu phổ biến của phim tài liệu nói chung, hoặc ít nhất là ở phim của bạn nói riêng không? Bởi thường các bộ phim tài liệu đều có điểm chung là xem xong thấy cứ… buồn buồn, buồn cho những phận người trong đó.

Mình nghĩ là có đấy, bởi nghèo và khổ là hiện thực tồn tại trong cuộc sống này rồi, tương tự như chiến tranh, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng hay khủng hoảng bản dạng…, mà những người làm phim tài liệu như mình thì không thể nào từ chối những hiện thực cuộc sống được.

Ngay cả những người trong nghề khi đi xem phim của nhau cũng thấy rất mệt. Giả dụ với phim truyện, mình có thể xem một ngày 4-5 phim, nhưng phim tài liệu thì chỉ được 2-3 phim thôi, vì phim tài liệu luôn bắt mình phải nghĩ.

Mỗi khi bắt đầu làm một dự án, bọn mình thường phải trả lời những câu hỏi này với chính mình và với những người hỗ trợ: “Tôi là ai? Tại sao tôi cần làm về vấn đề này? Tại sao nhân vật này lại quan trọng khiến tôi muốn dành 2-3 năm cuộc đời mình để đi theo họ?”. Thường sau cùng, câu trả lời sẽ là: vì những câu chuyện đó phản ánh một vấn đề rất quan trọng với bản thân mình. Luôn là những vấn đề không hề dễ dàng để đối mặt.

Nhưng những phim của mình, nếu người xem thấy cái nghèo và cái khổ ở trong ấy thì chỉ là vô tình thôi, mình không đi tìm những thứ đó. Mình chỉ đơn giản là thích các đề tài về trẻ con, phụ nữ hoặc mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Mình thường không muốn làm phim có bối cảnh thành phố vì không biết xử lý tiếng ồn thành thị như thế nào. Việc xử lý âm thanh tốn khá nhiều tiền. Mình cũng không thích ở thành phố luôn. Tưởng tượng phải sống một năm liền ở thành phố để làm một bộ phim tài liệu, mình đã thấy khó chịu rồi, còn cho mình ở quê cả năm thì mình lại thích.

– Bạn thường giữ mình ở vị trí như thế nào đối với các nhân vật khi xâm nhập vào cuộc sống của họ?

Khi ở bên cạnh một ai đó quá lâu, năng lượng tích cực hay tiêu cực của họ đều có thể ảnh hưởng đến mình. Nếu không cởi mở để họ đến gần thì mình sẽ không có đủ sự nhạy cảm để làm phim. Nhưng nếu đến quá gần và đón nhận tất cả những vấn đề cá nhân của họ thì thành ra lại rất mệt mỏi.

Cũng vì quá yêu các nhân vật, dần dần coi họ như người thân nên nhiều khi mình quên mất vị trí của một người làm phim. Có những lúc, trước những cảnh đáng ra rất cần thiết cho bộ phim, chẳng hạn như khi bố mẹ Di cãi nhau, mình lại không muốn cầm máy lên quay nữa.

– Điều gì ở một nhân vật khiến bạn quyết định làm phim về họ?

Có lẽ là điều gì đó khiến mình cảm động.

Mình làm phim về chị Ngoan (nhân vật người mẹ nhiễm HIV trong phim “Con đi trường học” – PV) vì lúc gặp chị ấy, là một ngày trời rét 1-2 độ, mình bắt gặp cảnh chị đang cõng con sang sông, nước sông dâng đến ngang đùi chị, mình thấy cảm động quá.

Còn như phim về Di, mình cảm động khi ngắm các em nhỏ chạy chơi trên đồi. Lúc đó mình nghĩ: “Trẻ con luôn có một thế giới thật đẹp ở trong đầu, nhưng vì sao khi lớn lên, chúng ta không còn một trí tưởng tượng nào hết? Ta đã đánh rơi nó từ bao giờ?”. Mình muốn quay lại xem nó đã biến mất ở khoảnh khắc nào của tuổi thơ.

Cũng có những hình ảnh vừa tình cờ nhìn thấy là mình đã muốn làm phim rồi, như cảnh một bạn gái lái tàu ở miền Tây hay bọn trẻ con chơi trên đồi cát ở Ninh Thuận chẳng hạn.

Ảnh: Hà Kiều Vân

– Khi bắt tay làm một bộ phim tài liệu, bạn có cần nghĩ luôn đầu ra cho nó không?

Một số nhà làm phim, ngay từ lúc chưa bấm máy, họ đã biết phim của mình làm ra để làm gì, chiếu ở đâu, đem đi liên hoan phim nào. Còn mình thì cứ làm cái mà mình muốn kể trước. Khi bắt đầu, mình thường không biết phim của mình sẽ ra sao. Mình vừa quay vừa tìm hình hài và kết thúc của nó. Với “Children of the mist”, có thể nói là mình, Di và bộ phim đã cùng dắt nhau đi.

– Mà cuối cùng thì… “tôi là ai?”, sau bộ phim đã thắng giải đạo diễn xuất sắc đó?

Khi làm “Children of the mist”, mình nhận ra mình cũng là một đứa trẻ sinh ra trong sương mù, cũng có nhiều vấn đề lớn hơn so với lứa tuổi mà mình cần phải đối mặt. Dần dần mình chấp nhận rằng cuộc sống này không phải màu trắng hẳn hay đen hẳn, không phải ai cũng là người tốt hẳn hoặc xấu hẳn, kể cả mình cũng thế. Và rồi mình thấy thoải mái hơn với những mảng tối trong con người mình.

Tác giả: Hương Thủy 

08/07/2022, 13:54