Đạo diễn Bá Vũ hé lộ catse của diễn viên phim điện ảnh - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Bá Vũ hé lộ catse của diễn viên phim điện ảnh

Sao

Người ta đang lầm tưởng tôi ấp ủ 10 năm để có một cái phim kinh dị

– Vừa ra mắt một bộ phim đầu tay, lại thuộc thể loại phim kinh dị, anh hài lòng đến đâu?

– Tôi chỉ tạm hài lòng về bộ phim. Ba truyện của Hoàng Anh Tú, nếu đánh ra giấy A4 chỉ khoảng 5 trang. Nên Tú sửng sốt khi tôi gửi kịch bản ra cho cậu ấy, và cậu ấy không có thêm một góp ý chỉnh sửa nào. Nhân vật Thiện Tâm trong truyện của Tú chỉ xuất hiện một chút trên sân thượng và ở bệnh viện, nhưng tôi đã phát triển cô ấy trở thành nhân vật chính. 

Ở Việt Nam, tôi có thể nói, “Ngủ với hồn ma” là phim đầu tiên nữ chính xuất hiện ở nửa sau của phim. Tôi cũng liều lắm, vẫn cố gắng làm những thứ mà tôi tin, tôi thích.

– Ra rạp giữa mùa phim bom tấn, chen giữa các phim Việt Nam sử dụng toàn sao khủng (“Ma Dai”, “Bộ ba rắc rối” ) anh không lo lắng sao?

– Điều vui nhất của tôi bây giờ là điện ảnh Việt ngày càng xôm tụ, số lượng phim ra rạp một năm ngày càng nhiều. Bây giờ các phim muốn ra rạp phải “né” nhau, phải lựa thời điểm để ra mắt. Các nhà làm phim phải nhìn nhau, và tôi nghĩ yếu tố thị trường thực sự của phim điện ảnh Việt Nam đã xuất hiện. Tôi hạnh phúc về điều đó.

Vì thế, với bộ phim đầu tay này, nếu tôi có bị nhận “gạch đá”, tôi cũng vui lắm, thực sự là như vậy. Vì nếu phim tôi làm như của Điệp (Nguyễn Hoàng Điệp) hay Di (Phan Đăng Di) thì tôi mới phải đắn đo. Nhưng tôi không làm ra được những bộ phim đó, tôi thực sự không làm được. Tôi rất trân trọng con đường của Điệp, của Di và tôi tin lịch sử điện ảnh Việt Nam sẽ phải nhắc về những bộ phim ấy của các bạn. Chứ thể loại kinh dị mà tôi lựa chọn để làm thì thế giới người ta đã làm từ lâu lắm rồi, nào có mấy phim sau này được nhắc đi nhắc lại đâu. 

– Là một người viết phê bình sắc sảo, tên của anh gắn với nhiều bộ phim kinh điển thế giới. Những kiến thức anh tích lũy qua quá trình xem, đọc và viết có khi nào tạo thành giới hạn khi anh làm phim?

– Khi tôi ra mắt bộ phim này, hạnh phúc nhất là những người thân trong gia đình tôi. Họ là những người hiểu hơn ai hết những khó khăn nằm gai nếm mật, để cuối cùng tôi có được một bộ phim mang tên mình. Nhưng tôi xác định mình làm một cái phim giải trí, nên áp lực thực sự, nếu có chính là doanh thu thôi.

Đạo diễn Bá Vũ

10 năm trước, tôi là người “xới” lên việc làm phim kinh dị đầu tiên ở Việt Nam, khi dự định làm “Khách sạn không đèn”. Lúc đó, những hợp đồng ký tá với nhà đầu tư, nhà sản xuất đã gần như hoàn tất,  nhưng phút chót lại đổ bể. Vì là người khởi xướng nên tôi bị “lĩnh búa” nhiều nhất.

Nhưng thông tin báo chí thời gian qua gây ra một sự hiểu lầm là tôi đã ấp ủ 10 năm để cho ra đời một bộ phim kinh dị như “Ngủ với hồn ma” là không đúng. 10 năm đó chỉ là 10 năm tôi theo đuổi để có được bộ phim đầu tay, và tôi trầy vi tróc vẩy với con đường này chứ chẳng có ấp ủ gì ghê gớm cho một bộ phim kinh dị. Nếu ấp ủ 10 năm thì phải ra một cái tầm cỡ như “Xích lô” của người đạo diễn mà tôi rất ngưỡng mộ và biết ơn, Trần Anh Hùng, hoặc chí ít ra được như phim “Áo lụa Hà Đông” của anh Lưu Huỳnh chẳng hạn chứ. Còn tôi chỉ định làm một cái phim thương mại kiếm tiền thôi. “Ngủ với hồn ma” tôi coi như mình có một món hàng để mang đi bán, tôi không đủ tài năng làm những phim đỉnh cao hơn.

Chi phí cho diễn viên ở Việt Nam còn thấp lắm

– Được biết, vai ma nhí trong phim là do con gái 2 tuổi của anh đảm nhận. Do đâu anh có sự lựa chọn đặc biệt này?

– À, thực tình lúc đầu con gái tôi chỉ đến phim trường chơi với cô bé vào vai ma nhí chính thức trong phim, do bạn kia cũng nhỏ, và cần có bạn chơi cùng. Nhưng đúng ngày quay cảnh ma nhí thì cháu bé được chọn lăn ra ốm, nên con gái trở thành lựa chọn bất ngờ. Thành ra, vai ma nhí trong phim có đến hai cô bé con cùng đóng, nhưng xem phim hình như khán giả không nhận ra điểm khác biệt nào. Tôi vì điều này cũng rất cảm ơn con gái mình, con gái đã trở thành vật cứu tinh của bố và trở thành con ma nhí nhất trên màn ảnh xưa nay. (cười)

Những cảnh có ma nhí được đánh giá là những cảnh thành công nhất trong phim

– Trên poster phim và quá trình PR đều nhắc nhiều tới diễn viên Kim Tuyến, trong khi đó, nữ chính trên phim là vai của Băng Khuê. Cô gái lần đầu chạm ngõ điện ảnh này cũng đã làm rất tốt vai diễn của mình. Thực ra, đây là “chiêu” của nhà sản xuất hay có chuyện “có tên, có tiền” mới được xuất hiện như chuyện thường thấy ở các đoàn phim?

Tôi nghĩ đây là “chiêu” của nhà sản xuất, vì đó cũng là cách giữ bất ngờ cho khán giả đến rạp. Băng Khuê là diễn viên tôi lựa chọn và cô ấy đúng là khiến tôi rất hài lòng về khả năng diễn xuất lẫn ngoại hình. Tuy nhiên, trên thảm đỏ ra mắt phim, ít người nhận ra Băng Khuê. Có lẽ cô ấy cần chờ thêm những cơ duyên mới. Chuyện “tên và tiền” tôi nghĩ không tồn tại ở trong bộ phim của chúng tôi, vì từ ban đầu tôi không chủ trương lựa ngôi sao cho phim của mình.

– Việc anh không sử dụng ngôi sao trong phim, thậm chí không casting mà chọn thẳng diễn viên anh chỉ định, thực tế có phải do phim đầu tư thấp, không đủ tiền mời ngôi sao?

– Tôi đã làm công việc casting 10 năm, tôi có cách lựa diễn viên cho riêng mình. Người ta vốn nghĩ việc thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền ra cho mình làm phim là khó nhất. Nhưng tôi thấy, việc thuyết phục nhà đầu tư để cho đạo diễn lựa diễn viên vô danh còn khó hơn thuyết phục họ đồng ý đầu tư dự án của mình.

Băng Khuê trên phim

Băng Khuê trên thảm đỏ

Còn chuyện vì chi phí bị giới hạn thì hoàn toàn không đúng. Bởi, ở Việt Nam, catse cho diễn viên không đáng kể trong tổng kinh phí một dự án điện ảnh. Chi phí trung bình cho diễn viên của một phim chỉ vào vài trăm triệu, kể cả diễn viên nổi tiếng (trừ Hoài Linh và Thái Hòa). Và đó chính là lợi thế của các nhà sản xuất phim ảnh tại Việt Nam. Hiện diễn viên cần phim điện ảnh hơn là phim cần diễn viên. Ở Việt Nam gần như chưa có ngôi sao điện ảnh, chưa có diễn viên có thể quyết định vận mệnh một bộ phim kiểu Leonardo DiCaprio, Johnny Depp hay Angelina Jolie. Hiện mình chỉ có người nổi tiếng thôi, chưa có ngôi sao trong lĩnh vực điện ảnh.

Minh chứng là mấy năm qua điện ảnh Việt Nam không thiếu những bộ phim (tôi không tiện kể tên) quy tụ cả đống sao, đầu tư lớn, được báo chí lăng xê, thế mà vẫn thất bại khi ra rạp. Đặt cược vào ngôi sao ở Việt Nam thì ban đầu cũng yên tâm chút đỉnh, nhưng về sau hồi hộp lắm.

– Lợi thế của một người làm hậu trường, làm casting cho nhiều dự án phim lớn kiểu như “Người Mỹ trầm lặng” có giúp gì thêm cho anh trong công việc đạo diễn?

– Tôi từng được nhiều người trong giới biết phim ảnh vì là một người casting mát tay. Tôi tự hào vì đã nhìn ra tiềm năng của những người chưa có tên, để sau khi tham gia một dự án tôi lựa chọn, họ trở nên nổi tiếng. Nhiều người từ zero (số 0) đã trở thành hero (anh hùng), nhưng không ít người trong số họ, sau khi nổi tiếng thậm chí muốn xóa đi sự thật trước bộ phim ấy mình là cái gì, và đôi khi giáp mặt, họ xem mình như bóng ma. Tôi nhận ra, nghề casting bạc lắm, nên đó là lý do tôi không bao giờ muốn làm công việc casting nữa – từ rất lâu rồi. Ước mong được làm phim càng giúp tôi tăng thêm động lực để từ bỏ công việc này. (cười).

– Xin cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn Bá Vũ

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Galaxy và nhân vật cung cấp

logo

Thực hiện: depweb

19/05/2015, 11:12