Đàn ông có ngại thay đổi? - Tạp chí Đẹp

Đàn ông có ngại thay đổi?

Giải Trí
Hai nhân vật của chuyên mục lần này, sẽ cho chúng ta thấy phần nào tâm lý lười/ ngại thay đổi của đàn ông nằm ở điểm nào, mức nào và thời điểm nào.

Hải Đông

Nhiếp ảnh gia

Đàn ông Á Châu nói chung và đàn ông Việt Nam nói riêng do tính cách bảo thủ nên rất khó thay đổi thói quen ư? Tôi thì không nghĩ như vậy. Ở đâu cũng có người này người kia, chứ không thể đánh đồng như vậy! Ông bà mình thường nói: “Giang sơn dễ đổi bản chất khó dời”, thói quen (dù xấu hay tốt) cũng gắn liền với tính cách, bản chất con người ta rồi nên thay đổi là một việc hết sức khó khăn, không thể một sớm một chiều. Tôi không biết mọi người thì sao chứ theo kinh nghiệm của bản thân thì tôi thay đổi nhiều từ khi lập gia đình, lấy vợ sinh con. Thậm chí nhiều khi “đổi” thói quen rồi mà mình cũng không biết nữa, sau một thời gian mới chợt nhận ra.

“Đàn ông ở tuổi tôi, thay đổi phần lớn vì vợ con”.

Sạch sẽ nhờ vợ

Yêu nhau mấy năm nhưng trước lúc cưới, cô ấy mới đặt chân vào phòng riêng của tôi lần đầu và… bị sốc nặng. Cô ấy bảo nhìn bề ngoài tôi gọn gàng, sạch sẽ nên đâu có ngờ ở nhà lại bầy hầy đến vậy (cười). Phòng ốc thì tối tăm, mùng mền, chăn gối tôi vứt lung tung. Quần áo nguyên một tuần cái nào thay ra tôi không đem đi giặt mà móc lại trên sào, đến tuần sau mặc lại từ đầu theo thứ tự… Khi tiến tới hôn nhân cũng là lúc tôi và bà xã đi đến quyết định: có bao nhiêu thói xấu bộc lộ ra cho đối phương biết hết, để sau này về ở chung nhà còn biết đường mà xoay sở. Ấy vậy mà hai năm đầu cũng gian nan lắm, yêu nhau, hiểu nhau cách mấy, cưới về rồi cũng nảy sinh nhiều thứ. Mỗi gia đình có một môi trường sống khác nhau, hợp đến đâu cũng có chuyện khó xử, nhưng một khi đã vượt qua rồi thì sẽ gắn bó lâu bền.

Thời gian đầu, tôi vẫn giữ thói quen bầy hầy đó, đồ đạc vẫn lung tung như cũ. Thậm chí đến đi toilet tôi vẫn “quên” là mình đang sống chung với phụ nữ, chẳng bao giờ nhớ mở nắp lót bồn cầu lên cho sạch sẽ, mọi thứ tôi cứ để cho cô ấy tự dọn dẹp. Lúc đầu cô ấy còn nói tiếng ra tiếng vào, sau thì có lẽ do chán quá nên chẳng buồn phàn nàn gì nữa. Cho đến khi bà xã sinh đứa con đầu tiên thì… tôi thay đổi. Thấy vợ làm việc nhà cực quá, vừa chăm con mọn lại phải một mình xoay sở mọi việc, dần dần tôi ý thức được mình cần phải ngăn nắp hơn để đỡ đần cho cô ấy. Dường như đó là động lực tự nhiên lớn nhất, mạnh mẽ nhất thúc đẩy người đàn ông thay đổi. Từ một người đàn ông bê bối, tôi trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn trong mọi thứ cũng vì… vợ. Nó trở thành một thứ quán tính, không chỉ ở nhà mà đi đâu mình cũng vẫn giữ thói quen như vậy. Khi đi du lịch hay công tác, bước ra khỏi phòng khách sạn, các cô phục vụ phòng đều bất ngờ vì không nghĩ rằng đàn ông mà lại sạch sẽ đến vậy. Vấn đề này, các anh cũng phải xem lại mình.

Chăm thể thao vì con

Từ khi có con, tôi cũng giảm hẳn nhậu nhẹt, bia rượu và thuốc lá. Mọi thứ bây giờ đều có điểm dừng chứ không phải là ghiền, là “chúi mũi” vào như trước nữa. Tôi mê rượu vang lắm, vậy mà bây giờ cũng uống ít lại. Biết tôi có thói quen uống rượu từ lúc còn độc thân, bà xã cũng chẳng cấm cản gì, chỉ biết là khi thấy tôi đi uống thì cô ấy nhẹ nhàng dặn dò là đừng đi nhiều quá thôi, rồi mình bớt dần dần, riết thành thói quen. Nhiều khi suy nghĩ lại thấy hồi còn độc thân mình khó thay đổi được chắc là vì không có động lực, cứ chần chừ là không bao giờ làm được cái gì cả. Ngay đến thuốc lá, càng già người ta sẽ càng “nghiện” nặng còn tôi thì giảm hẳn, lâu lâu hút vài điếu cho vui.

Đàn ông có vợ thường ông nào bụng cũng to vì lười thể thao. Tôi bỏ nhu đạo (Judo) cũng khá lâu rồi, mấy năm nay tự dưng lại siêng tập trở lại nhờ hai thằng con trai. Đưa chúng đi tập với mục đích rèn luyện sức khỏe, tập cho chúng “đằm” tính hơn chứ không nghĩ là mình sẽ trở lại với môn thể thao ngày trẻ này. Nhưng rồi như có thứ gì đó quen thuộc trở lại, tôi say mê chơi thể thao hơn trước. Đàn ông ở tuổi tôi, còn gì mà không dám làm, không dám nhận? Còn gì mà không chịu đổi thói quen xấu thành tốt? Tất cả cũng chỉ nêu gương cho con cái. Đó là những thứ tốt nhất mà đàn ông nhận được từ việc lập gia đình.

Đức Tuấn

Ca sĩ

“Đàn ông khó thay đổi thường bảo thủ”

Quan điểm của anh về sự thay đổi thói quen của một người đàn ông?

– Đó là một việc không hề dễ dàng chút nào. Thói quen là một thứ hình thành dựa trên trên bản tính của con người, giống như phản xạ không điều kiện vậy, khó mà thay đổi lắm. Để thay đổi được một thói quen thường nhật ở một người đàn ông thì cần phải có sự quyết tâm cao độ, kỷ luật “thép”, cần phải biến chuyển nhiều thứ để… làm thay đổi “thói quen” (có thể là xấu chẳng hạn) mà chính chủ nhân muốn bỏ.

Thói quen tốt và xấu của anh hiện nay là gì?

– Tốt: Tôi chăm tập thể thao, hễ có thời gian rảnh là tôi chạy ngay đến phòng gym để chạy bộ, đạp xe và tập một số bài rèn luyện cơ thể, ngoài ra tôi còn đánh tennis, cầu lông và thỉnh thoảng đi chơi bowling.

Xấu: Thức khuya. Tôi thức khuya đến mức kinh khủng. Có khi tôi chỉ ngủ từ 1-2 tiếng/ đêm. Một ngày tôi ngủ nhiều nhất là 6 giờ trong khi như các bác sĩ khuyên thì phải ngủ đủ 8 tiếng mới tốt cho sức khỏe con người. Vậy mà dù có thức đến 5 giờ sáng thì đúng 9 giờ tôi vẫn dậy bình thường chứ không ngủ “nướng”.

Anh biết điều đó không tốt cho sức khỏe, vậy sao vẫn chưa khắc phục?

– Nhiều người nghĩ thức khuya là “bệnh nghệ sỹ” nhưng tôi không phải vậy. Đi diễn về là tôi về nhà không ca là, tụ tập đến sáng. Tôi về sớm nhưng không phải để ngủ, mà… làm việc. Nghe thì có vẻ ngược đời, tuy nhiên đêm khuya là lúc điện thoại không còn hoạt động, tôi tập trung làm được nhiều việc, tư duy được nhiều thứ. Cảm hứng âm nhạc của tôi phát sinh mọi nơi, mọi lúc trong thời điểm ban ngày, vì vậy thời gian ban đêm là lúc mà tôi thống kê lại, suy nghĩ, chuẩn bị cho các dự án âm nhạc. Chẳng riêng gì nghệ sỹ mà bất cứ ngành nghề nào, cũng có thể trăn trở, thức đêm thức hôm. Cũng có khi tôi thức để xem thi đấu thể thao quốc tế trên truyền hình. Mùa Olympic vừa rồi, tôi xem không sót bất kỳ một trận nào, một môn thể thao nào. Lễ khai mạc và bế mạc tôi cũng chẳng bỏ qua.

Trở lại với chuyện chăm tập thể thao, động lực nào khiến anh hình hành một thói quen như vậy?

– Ngày còn là sinh viên tôi chơi thể thao vì nghĩ nó tốt cho sức khỏe. Còn sau khi đi hát, trở thành ca sĩ, tôi ý thức hơn về ngoại hình của mình. Làm ca sĩ mà xấu thì khán giả nào muốn xem, đặc biệt là khán giả Việt đa số trọng ngoại hình! Ca sĩ trẻ bây giờ xinh trai, đẹp gái quá; mình “nhừ” hơn nhiều (32 tuổi) nên cũng lo (cười). Với lại cơ thể tôi dễ mập, người ta tập một thì tôi phải tập gấp bốn lần họ để giữ được ngoại hình như thế này, không thì sẽ bị chê là béo. Nói chung động lực của việc này cũng là ý thức nghề nghiệp.

Còn chuyện thói quen thức khuya, chắc hẳn anh cũng từng nghĩ là “bỏ thì dễ mà, tại chưa muốn thôi”…

– Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa thay đổi, biết là nên và cần thiết nhưng thú thật vẫn nghĩ là mình chưa có lý do để thay đổi nó (cười). Không phải ngại mà là vì tôi thấy rằng mình làm đúng, không có gì sai, không có gì phải bỏ. Con người cần thời điểm, lúc nào cần hành động thì tự thân sẽ vận động. Còn một lý do nữa là tôi ăn tối hơi trễ, sau 11 giờ tối nên phải ít nhất ba tiếng sau mới ngủ được vì nếu ngủ liền sau khi ăn thì axit trong ruột sẽ trào ngược lên bào mòn thanh quản, làm ảnh hưởng đến giọng hát. Mà với ca sĩ như tôi thì thanh quản là của “gia bảo” rồi, làm sao mà dám để tổn hại. Vì vậy cũng có thể xem việc thức khuya này do… nhu cầu của công việc! (Cười lớn).

Anh đổ trách nhiệm cho nhiều thứ quá, không thấy cái hại ở tương lai sao?

– Tôi chưa có đủ sự quyết tâm cao độ như việc tập thể thao vì có lẽ do tôi thấy cái “mất” vẫn chưa nhiều bằng cái “được”, sức khỏe vẫn chưa có chiều hướng xuống dốc nên tôi nghĩ chưa tới lúc. Mẹ và người nhà tôi cũng hay la nhưng không có tác dụng, có lẽ do còn trẻ nên người ta thường “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”… Thói quen thức khuya định hình quá lâu, ăn theo cá tính con người tôi rồi. Đời sống độc thân khó có sự thay đổi, tôi nghĩ khi nào mình có gia đình thì sẽ có lý do mãnh liệt hơn để bỏ thói quen này dần dần. Hy vọng lúc ấy không quá muộn.

Khánh Nguyễn
Đại Ngô, Phạm Duy

Thực hiện: depweb

08/10/2012, 13:32