Đàm Vĩnh Hưng – “Tôi nhiều lần bị chiếu tướng” - Tạp chí Đẹp

Đàm Vĩnh Hưng – “Tôi nhiều lần bị chiếu tướng”

Giải Trí

Ví dụ như: “Tôi nhiều lần bị chiếu tướng. Tất cả những lần đó tôi giấu hết. Làm sao để cho người khác thấy những thất bại của mình, những giây phút mình bị đứng hình”, hay: “Đời tôi, không có niềm vui nào đủ lâu, đều đặn đến nỗi, niềm vui vừa tới tôi đã dặn mình không được vui nhiều vì chuyện buồn phiền sắp đến, y như rằng, luôn là như vậy”. Hay như trong chân dung… 15 phút trên facebook gần đây, Đàm đã mượn 2 câu trong bài “Xin cho tôi” của Trịnh Công Sơn để tự họa về mình: “Xin cho mây che đủ phận người. Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài”.

Cuộc trò chuyện với Đàm Vĩnh Hưng diễn ra khá cởi mở tại nhà riêng của anh – khu cư xá Bắc Hải, TP.HCM, ngôi nhà được nhiều người biết mà người viết không cần phải nhớ địa chỉ chính xác, chỉ cần hỏi một người giữ xe quán cà phê trong khu này thì họ đã chỉ dẫn tận tình. Tại đây, anh sống cùng mẹ và gia đình em gái của mình. 

Nội dung nói chuyện đã được lược bỏ một phần quan trọng theo yêu cầu của Đàm Vĩnh Hưng, khoảng 1 tuần sau khi cuộc trò chuyện diễn ra, vì theo anh, nội dung đó có thể ảnh hưởng đến những quan hệ riêng tư trong cuộc sống của anh. Người viết hoàn toàn tôn trọng và hy vọng sẽ có ngày Đàm Vĩnh Hưng có thể chia sẻ được câu chuyện riêng tư của mình, bằng cách thức nào đó, để anh có thể nhẹ nhàng hơn, bớt nặng lòng hơn.

Ở trên đời này, có mắc tiền thì cũng có rẻ tiền

– Những người gần gũi với Đàm Vĩnh Hưng, những người theo dõi vai trò huấn luyện viên của anh trong The Voice thì có thể cảm nhận được có một Đàm Vĩnh Hưng khác, thanh lịch, bảo vệ đàn em, rất đàn anh, rất nghĩa khí chứ không phải lúc nào cũng thua đủ với mọi người, nổi tiếng với những phát ngôn đầy động chạm. Nếu ai chỉ đọc các bài báo phỏng vấn thì có thể khó có cảm tình với anh?

– Tôi thích mình là người bí hiểm. Tôi hiểu rõ ý nghĩa của hai từ giải trí. Ông trời sinh ra tôi để làm ngành giải trí, đứng trên sân khấu, tôi nắm bắt rất nhanh mọi sự, mọi diễn biến, mọi hoạt động, mọi nhúc nhích, mọi hơi thở của ngành giải trí, với tôi không có gì bất ngờ, không có gì ngạc nhiên. Tôi có thể quan sát, nghiên cứu và tự phân tích vì sao các ngôi sao trong và ngoài nước chựng lại, hoặc vì sao vẫn giữ được độ hot lâu năm. Tôi cũng tìm hiểu các hiện tượng ngôi sao trên thế giới, bao nhiêu phần trăm đời sống riêng tư của họ được phanh phui để khán giả thấy vừa đủ, vừa thèm thuồng. Tôi nắm bắt được điều đó và chấp nhận cuộc chơi. Tôi chưa bao giờ mong mình được cả thế giới yêu thương mình trăm phần trăm, vì như vậy mình không có gì để người khác tò mò, thắc mắc.

– Có vẻ như trong nghề này, càng nhiều người ghét cũng càng nhiều người thương?

– Một entertainer là phải biết tạo ra những làn sóng ghét và thương, thích và không thích đánh đá nhau mỗi ngày thì cái tên anh mới còn ở trên môi khán giả.

– Vậy hóa ra những scandal ầm ĩ nhiều năm qua mà nhiều người tạm gọi là trí thức đánh giá nó là trò rẻ tiền đều do anh dàn dựng, vì anh hiểu rõ quy luật giải trí như vậy? 

– Không. Tôi chưa bao giờ tạo ra scandal. Tôi không thích scandal một tí nào. Nhưng mà vòng xoáy cuộc đời của một thằng nghệ sĩ, nhất là một ngôi sao nó phải gắn liền. Không có ngôi sao nào không có scandal. Nếu một chuyện nhỏ xảy ra với người bình thường, chả ai quan tâm nhưng xảy ra với người nổi tiếng thì người ta chú ý. Ở trên đời này, có mắc tiền thì cũng có rẻ tiền. Bó rau muống bán cho một người bình dân, nhưng khi cần, cũng không cần phải bán cho người sang trọng, nếu người sang trọng đó không biết điều, không tôn trọng người bán. Vứt luôn bó rau giữa chợ còn hơn phải bán.

Đàm Vĩnh Hưng tự cảm thấy mình thiếu cái gì sẽ sắm cái đó. Tôi tự thấy mình thiếu tình thương thì sẽ sắm tình thương. Còn những người đã khác quan điểm thì không nói được, không cần phải giải thích. Hiểu được thì hiểu, không thì thôi, cóc cần.

Mọi người cần phải coi lại vì sao tôi nổi tiếng hoài như thế

– Anh có bao giờ gặp sự bức xúc với khán giả trong bao nhiêu năm qua, nhất là với việc anh trình bày nhạc xưa, nhạc Trịnh Công Sơn bằng một phong thái mới mà nhiều người nói là họ không thể nào chấp nhận nổi?

– Nói thẳng thắn nhé, chưa bao giờ có một người nào dám gặp Đàm Vĩnh Hưng nói thẳng bất kỳ một câu nào như họ đã từng viết một cách khuất mặt khuất mày. Họ có thể chửi bới, nói tùm lum tà la nhưng gặp Đàm Vĩnh Hưng nói thì chưa bao giờ dám. Còn việc ghét thương, Đàm Vĩnh Hưng tự cảm thấy mình thiếu cái gì sẽ sắm cái đó. Tôi tự thấy mình thiếu tình thương thì sẽ sắm tình thương. Còn những người đã khác quan điểm thì không nói được, không cần phải giải thích. Hiểu được thì hiểu, không thì thôi, cóc cần. 18 năm đi hát đến nay, trong đó có 15 năm nổi tiếng, thằng đó có chết không? Không chết. Nó vẫn cát sê ngất ngưỡng, tên vẫn đứng đầu và báo chí vẫn chạy theo nó. Mọi người cần phải coi lại vì sao tôi lại nổi tiếng hoài như thế.

– Anh có bao giờ tự lý giải không? Là một người làm báo, đôi khi tôi vẫn không thể lý giải được nhiều trường hợp?

– Haha, tôi vẫn không thể lý giải được.

– Khi anh lên sân khấu, anh trình diễn bất chấp mọi quy tắc, luật lệ. Không hẳn là đẹp, là hay nhưng người ta phát ngôn kiểu này thì anh phát ngôn kiểu khác, người ta mặc thế này thì anh chơi một kiểu kỳ dị hơn. Sự khác thường, lẽ ra người ta phải ghét trước, chứ vì sao anh lại nổi tiếng lâu đến vậy?

– Tôi vẫn không biết tại sao nữa, nó lạ lắm. Khá nhiều người là bác sĩ, trí thức có phản ánh, trước đây họ ghét cái kiểu hát của Đàm Vĩnh Hưng dễ sợ luôn, không hiểu sao có ngày họ thấy lạ, không đến nỗi làm bài hát biến chất và rồi họ bắt đầu thích thích. Khi họ chuyển qua đi coi phòng trà thì bắt đầu ghiền. Đó là một điều rất thật, không chối cãi. Nếu mọi chuyện tự dựng lên, tự vẽ lên cho hào nhoáng thì làm sao mà một liveshow luôn bán hết vé nhanh như vậy, phòng trà nào cũng đông, show nào cũng cần. Nếu mà đáng ghét, rẻ tiền như nhiều người nói thì không lẽ đám đông kia là một đám ngu à, hay họ bị mị dân, bịt mắt bắt phải nghe, hay Đàm Vĩnh Hưng trả tiền để họ tới nghe.

Ca sĩ Tấn Minh từng tâm sự, lúc đầu bạn ấy cũng ngạc nhiên lắm nhưng một khi đám đông đã chọn để nghe, đã cuồng lên thì phải có câu trả lời, đám đông có lý do của họ. Tấn Minh cũng thừa nhận là tôi xứng đáng. Còn ca sĩ Hà Nội, nhiều người họ bề trên lắm. Mà bề trên với ai? Khán giả là người quan trọng nhất vì khán giả là người trả lương cho mình chứ không phải bầu show nào cả. Khán giả trả tiền nên tôi chỉ cần biết làm vừa lòng họ thôi. Chứ nói thật, tôi cũng chưa bao giờ tính đến việc làm một liveshow để bán vé cho dân văn phòng, trí thức. Đơn giản lắm, lương họ 10 triệu/ tháng thì họ dám mua vé 5 triệu không? Nhưng tiểu thương, dân chơi ngoài đường, giang hồ thì 5 triệu, 10 triệu không vấn đề. Đó, khách của tôi là vậy đó. Tôi phục vụ họ. Các anh các chị thượng lưu, sang trọng cần mua những thứ thượng lưu, sang trọng thì cứ mua chỗ khác thôi, không cần phải rớ đến hàng của tôi.

– Vì sao anh lại có rất nhiều fan là các chị, các cô hơi lớn tuổi, họ gắn bó với rất nhiều hoạt động của anh, thậm chí tài trợ cho liveshow của anh?

– Tất cả các chị đại gia, các chị có tiền đều có mong muốn lại gần, được chơi chung với Đàm Vĩnh Hưng. Không hiểu tại sao như vậy luôn. Có thể họ đọc được đâu đó, họ thấy cách chơi của tôi, phong thái của tôi, cái nghĩa khí làm cho họ thấy tôi là một người đáng để lại gần và thân thiết. Và họ chưa bao giờ bị bất lợi cả vì Đàm Vĩnh Hưng rất biết chơi, lại chơi đẹp nữa. Vì tôi là một người biết điều, biết sống, biết thương, biết đáp trả một cách sòng phẳng, thậm chí hơn, với những gì người ta mang lại cho nó.

– Mâu thuẫn trong tính cách, ví như chuyện khoe đồ hiệu, khoe nhẫn kim cương, đó là dấu hiệu của một người khoe khoang nhưng ở một góc độ nào đó, lại thấy anh không phải là người đặt chuyện tiền bạc lên hàng đầu…

Nếu mọi người có tư duy một chút, xem xét tất cả các vấn đề của Hưng thì sẽ hiểu. Hưng chưa một lần nào tự đem kim cương lên chụp hình rồi khoe mua cái này bao nhiêu tiền. Tất cả đều gắn liền theo sự kiện, tôi đeo trên tay rồi báo chí chụp, tự focus vô nhẫn rồi nói viên này viên kia. Ngay cả sự kiện Hưng mất nhẫn kim cương, nếu chịu khó tư duy một chút sẽ hiểu. Liveshow của tôi, trước đó đã bán hết vé, không cần phải PR hạ lưu như vậy. Chuyện như vậy chỉ mang lại bất lợi cho tôi mà thôi, người ta để ý thằng này đi đâu cũng mang kim cương thì dí dao vô cổ hay tìm cách vô nhà. Tôi đâu có ngu như vậy. Vụ mất kim cương, tôi biết không kịp. Tôi không muốn báo chí nói tới nhưng khi khách sạn kêu công an tới, báo mất thì đến sáng hôm sau, mọi thứ đã rùm beng trên báo. Tất cả sự kiện đó, tôi chưa bao giờ cố ý. Có những sự kiện trong đời sống dẫn đến những lỗi lầm mà mọi người không hề xem xét quá trình, chỉ cần nhao nhao lên phán xét.

– Vậy thì tất cả những scandal kiểu như mất nhẫn kim cương, chuyện hôn nhà sư, hay chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đều có lý do của nó?

– Đúng, có lý do và đều có quá trình dẫn đến điều đó.

Tình cảm tôi đủ xài, khi nào thiếu thì tôi đi sắm 

– Nhưng để đọng lại trong đầu óc khán giả thì người ta không cần biết những lý do, và quá trình…?

– Đúng, họ cố tình không xem xét, không cần biết lý do. Người Việt mình là như vậy. Chỉ nhìn thấy sự kiện là phán xét trước đã. Ví dụ như chuyện nhà sư, hôm đó toàn bộ báo chí có mặt. Tôi tới, mang theo chai rượu để bán đấu giá, cho đi, làm phước mà còn mang thêm một vết nhơ, mang oán. Tôi nói, ai mua chai rượu này thì tôi hôn hai cái. Điều này vui, bình thường như bao nhiêu cuộc đấu giá khác. Không ngờ, cuối cùng là nhà sư thắng. Tôi quên đi mất vụ hôn thì nhà sư đó nhắc, mình hôn lên trán, vì mình là người rất biết chuyện. Ổng tự động ổng chu mỏ lên. Khán giả lúc đó vui quá, vỗ tay rần rần rần kích lên. Mình lại có máu điên trong người nữa. Đúng là một phút không kiểm soát, cũng muốn chiều đám đông để áp đảo sự thắng thế của người khác. Không muốn mình bị đơ, bị đứng hình nên quay qua, đụng nhẹ cái môi. 

Và sau câu chuyện đó, mọi người thấy hình ảnh của nhà sư đó như thế nào, ăn thịt, ăn ốc, đi chơi, nhiều hình ảnh tục tĩu. Vậy mà người ta cứ chửi rủa tôi mãi thôi. Người Việt Nam thích phán xét lắm. Từ tiệm nail, café, quán ăn, chỗ nào cũng nói về Đàm Vĩnh Hưng, nói về nghệ sĩ. Tôi từng viết một lá thư cho anti-fan, nói rõ, tôi không bao giờ tha thiết họ ngừng ném đá hay yêu thương tôi. Tôi không cần. Tình cảm tôi đủ xài, khi nào thiếu tôi đi sắm. Tôi biết cách sắm.

– Bây giờ có vẻ anh bình thản với mọi khen chê, nhưng những năm trước thì sao?

– Tôi là người dễ nổi nóng. Lúc trước, có phóng viên viết bài không đúng, tôi còn rủ ra quýnh lộn. Lúc đó tôi nóng lắm, hăng lắm, không thể để người ta nói sai, hiểu sai về mình được. Riết rồi tôi chả quan tâm nữa, kệ. Nhiều người thích chứng tỏ họ khen được thì đập được.

– Khi bức xúc với dư luận thì anh làm gì?

– Tôi chỉ muốn biến thành Tề Thiên thôi, đến từng nhà của từng đứa một trị nó, làm một người nhiều phép thuật banh mắt nó ra để nó thấy sự thật, biến nó thành con này con kia mới được.

– Anh có lần tự nhận mình giống nhân vật Hoàng Dung trong “Anh hùng xạ điêu” hay là Võ Tắc Thiên?

– Đúng. Hoàng Dung rất thông minh, cổ quái, láu cá, không ai qua mặt được mình. Tôi thích kiểu đó, và thấy đúng là mình. Còn với bà Võ Tắc Thiên, tôi thấy mình giống ở chỗ chịu đựng, hy sinh chuyện nhỏ để làm chuyện lớn, tới một ngày mình bước lên nấc thang cao hơn thì mình sẽ loại những đối thủ đã từng hãm hại mình. Thiệt, tôi có một cuốn sổ ghi tên những kẻ thù của tôi xuống.

– Giờ còn cuốn sổ đó không anh?

– Tôi dọn nhà, để cuốn sổ đó mất tiêu rồi.

– Danh sách đó nhiều không?

– Chừng mười mấy người. Tôi là người rất lành. Nói trên mạng sống của gia đình tôi luôn. Tôi không muốn gây hấn, thù oán với ai. Nhiều trường hợp tôi muốn bỏ qua cho xong nhưng có nhiều người họ muốn kích tôi, họ chọc tức tôi, xúc phạm tôi quá nặng nề nên tôi mới nổi điên mà thôi. Đừng có đụng tới tôi thì tôi rất thân thiện, đừng dồn tôi tới đường cùng, dồn tôi thì tôi phản ứng lại mà tôi phản ứng thì không có chuyện huề đâu.

– Mười mấy người trong danh sách thù oán theo thời gian dài hơn hay ngắn hơn?

Có những người, sau đó họ phải nhấc ghế cho tôi ngồi. Họ tự lại gần mình, vuốt ve mình, gần như nằm dưới trướng mình. Tôi gạch bỏ cái tên đó thì có một cái tên khác nhập vô.

– Anh đã thuyết phục những người đó như thế nào?

– Tôi không thuyết phục gì cả. Họ tự nhìn nhận, ân hận, nghĩ lại những gì họ đã đối xử sai với tôi trong cuộc sống. Tôi sẵn sàng bước tới nhà họ khi họ có tang, dù họ chơi xấu mình, dù trước đó mình giận không nhìn mặt. Tự nhiên họ mềm nhũn ra, họ khóc, không bao giờ nghĩ ra Đàm Vĩnh Hưng chơi đè họ như vậy. Hay như chuyện chú Nguyễn Ánh 9, tôi sẵn sàng đến tìm chú vì tôi nhỏ hơn, nghe chú giải thích, lắng nghe chú khi biết lịch diễn của chú, rồi từ đó mới nghe chú nói là chú bị báo gài, câu chữ bị thay đổi, bị mắc bẫy truyền thông… Thực ra, sau này tôi mới biết là tôi bị rơi vào một tầm ngắm, một chiến dịch đập Đàm Vĩnh Hưng để trang mạng đó nổi tiếng. Sau đó, họ còn chuẩn bị nhiều thứ nữa nhưng thấy tôi phản ứng mạnh quá nên thôi. Và sau đó nữa, tôi và người làm ra chiến dịch đó lại chơi rất thân với nhau. Bạn thấy tôi là người thế nào rồi chứ? Tôi có thể đè mọi bức xúc, tổn thương, giận của mình để có thể làm một người bạn với họ.

– Làm sao anh có thể làm được điều đó nhỉ?

– Trước đây tôi ghét thương rõ ràng, sau này tôi thử thay đổi mình. Tôi thử xem mình có bước qua được cái tôi của mình, thử xem mình có chiến thắng bản thân, vượt qua được cái khùng của mình được hay không. Lúc làm được điều đó nó sướng lắm. Bạn phải thử cảm giác đó. Trước, tin nhắn đến chửi tôi hả, tôi gọi lại chửi lại tay đôi luôn. Có những người tôi đã chửi lộn với họ, kinh khủng khiếp, không một từ gì tôi không chửi nha, những từ dơ bẩn luôn, nó chửi mình tùm lum tà la, mình chơi lại luôn, mày thích cỡ nào tao cỡ đó. Chửi một hồi nó chửi không lại, quay qua nói ai biểu tui gọi điện thoại không nghe, nhắn tin không trả lời. Tôi trả lời “Mày có biết người ta có đang hát, có đang bận việc gia đình gì không. Lỡ nhà người ta có người đi bệnh viện cấp cứu sao. Mày có phải ông nội bà nội người ta đâu mà trả lời liền. Tao là ngôi sao chứ không phải mày là ngôi sao nha mày. Mày muốn chảnh tao chảnh cho mày coi. Mày là ai mà tao phải trả lời, tao nói cho mày banh cái đầu mày ra mày hiểu cho hoàn cảnh người khác”, chửi qua chửi lại luôn. 

Nay tôi nén lại, tôi nghĩ, mình phải lớn hơn họ chứ. Nói chuyện nhẹ nhàng thôi, vậy mà sau đó họ nhắn tin xin lỗi, xin được làm fan. Lạ lùng vậy đó. Tôi chơi nhiều lần như vậy và bắt đầu thích cuộc chơi đó. Và rõ ràng, nó cao hơn, đến một cảnh giới khác. Tôi đã thu phục được người ta.

– Nhưng cũng có người trong showbiz giờ anh vẫn chưa xuống nước?

– Tôi lên nước bao giờ đâu mà xuống nước. Đôi khi đó là sự lựa chọn của phía bên kia, chứ tôi đâu có phản ứng gì đâu. Rất nhiều bài báo, câu nói, phán xét, tôi chưa bao giờ nói gì hết. Thực ra, có những người tôi không muốn nhắc, tôi chỉ xuống nước với những người nào có ý thức, có hiểu biết, có lý lẽ mà thôi.

18 năm đi hát đến nay, trong đó có 15 năm nổi tiếng, thằng đó có chết không? Không chết. Nó vẫn cát sê ngất ngưỡng, tên vẫn đứng đầu và báo chí vẫn chạy theo nó. Mọi người cần phải coi lại vì sao tôi lại nổi tiếng hoài như thế.

Phải kiếm một người thật lộng ngôn mới diễn tả được câu chuyện của tôi

– Có thể hình dung, trên bàn cờ tướng, Đàm Vĩnh Hưng như một con tướng tự bày binh bố trận, tự quyết các nước đi của mình, không phụ thuộc vào ai. Nhưng anh có bao giờ bị chiếu tướng không?

– Có chứ. Tôi nhiều lần bị chiếu tướng. Tất cả những lần đó tôi giấu hết. Làm sao để cho người khác thấy những thất bại của mình, những giây phút mình bị đứng hình. Đó là góc khuất. Có thể với người thân, bạn bè, họ có nghe Hưng chia sẻ. Nhưng với dư luận hoặc những người không hiểu rõ mình, có lợi gì hay không khi kể ra những góc khuất đó. Nhưng tất cả sẽ được phơi bày trong cuốn tự truyện của tôi, ở đó có những sự thật nhất, không giấu gì hết. Có vài nhân vật còn sống, vì đạo lý, không thể nào nói hết được. Tôi chọn cách ngồi thu âm lại tất cả những câu chuyện của chính mình, sau đó kiếm một người thật lộng ngôn mới có thể diễn tả được câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng.

– Những góc khuất trong đời đó, anh chia sẻ với ai? Ba mất lâu rồi, anh còn em gái và mẹ thôi, vậy anh có chia sẻ với mẹ anh không?

– Không. Tôi tự chịu một mình. Một mình tôi chống trả nhiều thứ. Chỉ có những bạn bè, những người chị mới có thể cảm thông cho tôi. Và một người làm tôi an tâm và nhẹ lòng là Dương Triệu Vũ.

– Khi bị chiếu tướng, anh làm gì?

– Tôi mất ngủ, tôi nằm suy nghĩ cả đêm một mình và tự tìm ra lối thoát. Lúc đó tôi gọi tổ nghiệp, Đức Mẹ, cô Thanh Nga – thần tượng của tôi. Tôi rất mạnh mẽ, không bao giờ trốn chạy chuyện gì của bản thân. Ngay cả những chuyện nghiệt ngã nhất của bản thân, chưa có thể nói ra đây được. Khá nhiều người bạn làm báo, fan thân thiết cũng biết sự nghiệt ngã đó trong gia đình tôi, nhưng người ta thương người ta không lên tiếng thôi. Tôi cũng bảo vệ điều đó nên có thể dư luận không biết, chứ thực ra, có thể gọi đó là bất hạnh. Những nỗi buồn đó lấy đi của tôi thời gian, sự căng thẳng nhất. Tôi có nhiều đêm mất ngủ.

– Một người như Đàm Vĩnh Hưng, mạnh mẽ như vậy, gút cuộc lại gặp nhiều đau khổ trong cuộc sống gia đình?

– Đúng. Mới đây, tôi có viết một status trên facebook nội dung thế này. “Cả một tuổi thơ gần như biến mất. Trưởng thành trong nghèo khó và bị khinh khi. Nhà cửa không có, gia đình ly tán, cha một nơi, mẹ một nơi, anh em một nơi. Bước xuống cuộc đời với hai bàn tay trắng. Đối diện và chống trả để tồn tại với cuộc sống bằng tất cả tận cùng của sức lực. Thành công được đổi ngang với tuổi trẻ và nước mắt. Thành đạt giữa trăm ngàn sóng gió búa rìu dư luận và sự mặc quyền phán xét – kết tội của miệng lưỡi thế gian. Một giấc ngủ cũng không tròn, một miếng ăn cũng không bình thường như bao người. Và một ngày mới với những trách móc muộn phiền. Suốt đời bị đẩy vào cửa giữa, giằng xé và phải làm quan tòa ngay chính trong ngôi nhà của mình. Hạnh phúc cũng chỉ là thuê hoặc mua. Đó là chân dung tự họa của tôi trong 15 phút. Xin cho mây che đủ phận người. Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài”. Đời tôi, không có niềm vui nào sống lâu, đều đặn đến nỗi, niềm vui vừa tới tôi đã dặn mình không được vui nhiều vì chuyện buồn phiền sắp đến, y như rằng, luôn là như vậy. Buổi sáng, ngủ dậy, những người thân giằng xé mình. Fan cũng vậy, mình luôn đứng ở cửa giữa, nhóm này không chịu nhóm kia…

Có lẽ, tôi là người nặng tình gia đình. Những biến cố trong gia đình, tôi đã chịu từ khi còn nhỏ. Nhưng thôi, chưa thể nói ra được vì sợ người ta không hiểu, lại phán xét, hoặc bình luận kiểu như ăn ở sao rồi trời mới bắt vậy. Nhưng chỉ thể nói là câu chuyện này nhiều khi khiến mình ê chề, nhục nhã. Có những chuyện tôi cố gắng thay đổi nhưng đúng là có những điều mình không thể lựa chọn được.

– Anh có phải là người đa tình không?

– Rất đa tình. Có thể diễn tả một cách ngắn gọn là có thể quan hệ với nhiều người nhưng chỉ yêu một người. Dễ cảm xúc, dễ thích, dễ thiện cảm với cái đẹp.

– Theo anh, thế nào là một người nam tính?

– Theo tôi, một người phụ nữ vẫn có thể nam tính. Hãy nghĩ theo các trần trụi nhất cho dễ hiểu thì nam tính phải là: mê gái, ít nói, hơi cộc một chút, thích uống rượu bia, thích xem bóng đá, tự kiếm tiền được và tự nuôi sống bản thân được, không nói qua nói lại nhiều chuyện, suy nghĩ độc lập, có lập trường rõ ràng, không núp váy vợ, không nhu nhược, không ăn bám, có một chút râu ria càng tốt… nhưng nhớ phải sạch sẽ giùm một cái.

– Vậy anh có phải là người nam tính không?

– Tôi tự thấy mình không có nhiều hạng mục như đã đưa ra. Tôi là tôi. Và tôi vui với những gì đã và đang có trong mình. Không cần phải là ai khác một cách giả tạo.

– Kế hoạch gần nhất của anh?

– Tôi đang có kế hoạch có con. Nhưng thôi bạn đừng nhắc đến kẻo người ta nói tôi nói hoài mà chưa làm.

Bài: Tram Anh K
Concept: Hiep Le Duc
Photo: Tangtang


Thực hiện: depweb

04/09/2015, 16:36