Họa tiết in ngụy trang
Paris thực sự đã dành trọn hết các phiếu bầu của mình cho những họa tiết in ngụy trang. Vậy nên, dù yêu hay ghét, mùa tới sẽ vẫn là mùa bạn cần học cách sống chung với phong cách này. Và nếu bạn là người e sợ những lối mòn nhàm chán thì cũng đừng ngần ngại chọn cho tủ quần áo của mình một bộ trang phục họa tiết camouflage bởi trong mùa thu tới, những cái tên nổi loạn nhất của làng thời trang như Dries van Noten, Kenzo, Comme des Garcons đều sẽ chọn họa tiết in ngụy trang làm nguyên liệu cho bữa tiệc phong cách của mình.
Nếu như ở Dries van Noten, các chất liệu được sử dụng có phần đậm chất tương phản với hình ảnh người đàn ông – chất liệu nylon mỏng và ren bện (màu san hô, màu nude) được sử dụng và mô phỏng những chiếc lưới của quân đội. Họa tiết in ngụy trang của Comme des Garcons có thiên hướng nghiêng sang phong cách loang màu hoặc theo kiểu mài màu. Trong khi đó, Kenzo lại đưa họa tiết ngụy trang vào trong các thiết kế mang đầy tinh thần vintage của mình. Thú vị là, giống họa tiết báo in trong các thiết kế dành cho nữ giới, họa tiết camo cũng có thể sử dụng với các màu trung tính, và gần như có thể kết hợp với tất cả các trang phục.
|
Kenzo – Comme des Garcons – Pringle of Scotland |
Họa tiết in hoa
Mùa tới không chỉ là mùa của các họa tiết ngụy trang. Trong mùa tới, các bạn sẽ chứng kiến cuộc lên ngôi của các họa tiết hoa. Với cuộc lên ngôi này, bạn sẽ thấy việc các thương hiệu thời trang đình đám nhất thế giới đang tìm cách chiều lòng những khách hàng là đàn ông – hoặc chí ít là những vị khách trong hình hài đàn ông thế nào. Carven thì có vẻ như đang muốn khẳng định: “Chúng tôi không chỉ là một thương hiệu dành cho phụ nữ” với những mẫu áo sơ mi với họa tiết paisley. Balenciaga cũng tham dự vào xu thế này khi lấy cảm hứng từ nhà soạn nhạc đương đại nổi tiếng người Nhật Ryuichi Skamoto để tạo ra những bông hoa đỏ được xử lý kỹ thuật số trên nền đen cho bản trình diễn. Còn bản thương mại của thương hiệu này là những bông hoa vàng trên nền trắng.
Christopher Kane cũng tham dự vào xu hướng này với những bông hồng được xử lý bằng kỹ thuật số và những nét brush stroke đầy táo bạo trong bộ sưu tập kết hợp với những thương hiệu J Brand. Có vẻ hoàng tử của mảnh đất thời trang London Christopher Kane đã dành một tình cảm đặc biệt cho những bông hoa này tới mức tất cả các mẫu thiết kế của anh, dù đó là áo T-shirt hay quần bơi đều có những bông hồng này. Raf Simons – vị tân tổng lãnh sáng tạo của thương hiệu Dior – cũng bỏ một phiếu cho xu thế này khi đưa ra mẫu hoa nhỏ Ditsy vào trong những chiếc áo khoác cotton mùa hè của mình hoặc trong các cổ áo sơ mi trắng để tạo sự tương phản.
|
Balenciaga – Ann Demeulemeester – Carven – Raf Simons |
Đa văn hóa
Sự giao lưu và kết hợp với các nền văn hóa trên một trang phục là điều luôn diễn ra ở trong thế giới của thời trang nam. Điều này càng đúng hơn khi các nhà thiết kế thời trang với những nền văn hóa khác nhau đặt dấu ấn của mình trong thế giới thời trang. (Vậy nên, thế giới thời trang đang phẳng, cách ranh giới đang bị xóa nhòa). Những ảnh hưởng từ các nền văn hóa tiếp tục lớn mạnh và nhờ thế, thế giới thời trang được làm giàu phong cách. Chỉ trong một mùa thời trang mà bạn có thể chứng kiến từ các hình ảnh của các nền tiểu văn hóa tới việc kết hợp các họa tiết dân tộc, lối biểu tượng Ikat, kỹ thuật nhuộm vải Batik và trang trí của Indonesia.
Mặc dù những cái tên bỏ phiếu bầu cho phong cách thời trang nam này rất lớn. Có thể ví dụ ra đây gồm Mihara Yasuhiro, Vivienne Westwood, John Richmond, Yohji Yamamoto, Henrik Vibskov, Missoni, Phillip Lim. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn phải kể tới là cậu bé hư Jean Paul Gaultier. Thay vì sử dụng các yếu tố không thuộc về châu Âu như một phần không thể tách rời của bộ sưu tập, Jean Paul Gaultier đã cho kết hợp những bộ trang phục phong cách Pháp với những chiếc mũ vải cuốn Turban của Ấn Độ để mỗi người mẫu trở thành một lữ khách toàn cầu. Chiếc mũ vải cuốn Turban này cũng được Etro đưa vào trong bộ sưu tập của mình, mặc dù hiệu ứng của nó có phần thiên về phong cách Bohemian hơn là đa văn hóa.
|
John Richmond – Jean Paul Gaultier – Etro |
Kẻ ca rô
Thời trang nam giới trong mùa mốt Xuân – Hè 2013 cũng là một cuộc triển lãm của những họa tiết kể ca rô. Từ Thom Browne tới Daks, Junya Watanabe Man; từ John Galliano tới Pringle of Scotland, Moschino hay Dries van Noten tất cả đều chọn những họa tiết kẻ ca rô cho các trang phục của mình. Mặc dù đều là những đường kẻ ca rô nhưng mỗi thương hiệu đều có cách tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn với Thom Browne thì đó là những đường kẻ ca rô đầy phá cách và thú vị khi là sự kết hợp của những dải màu xanh, vàng, đỏ hồng. Với Daks, đó là bộ suit với những đường kẻ sọc của hai màu đen và đỏ nhạt trên nền vải màu kem. Suit được cắt may khéo, kiểu hai khuy, kết hợp với áo trắng dựng cổ để tạo kiểu dáng phá cách.
John Galliano vẫn trung thành với những trang phục nhiều lớp của mình. Vải ca rô trắng đen được may theo kiểu áo choàng bên ngoài áo khoác màu xám. Áo khoác ca rô của Polu Brouwer là những đường kẻ ca rô ô to, được tạo ra từ những đường kẻ đen trên nền trắng. Kẻ ca rô của Pringle of Scotland cổ điển nhưng vẫn lôi cuốn bởi chất nam tính, trong khi đó kẻ ca rô của Moschino mặc dù đơn giản nhưng không phải vì thế mà mất đi cái chất trẻ và phá cách. Hay họa tiết ca rô của Dries van Noten là sự kết hợp của những ô màu nhỏ màu vàng, xanh, đen.
Xanh chàm
Thêm một từ khóa cho xu hướng thời trang của mùa tới: Indigo. Màu xanh đặc biệt này thường xuyên là lựa chọn của trang phục nam giới khi cần làm nổi bật những đường nét nam tính. Mặc dù vậy, dưới những điều chỉnh của các nhà thiết kế, màu xanh chàm sẽ có những thay đổi. Chẳng hạn chiếc áo khoác suit cua Etro với màu xanh chàm nhưng khi được kết hợp với một chiếc áo dài họa tiết dân tộc sẽ có nét phá cách riêng. Trong khi đó, chiếc áo len màu xanh chàm của Missoni lại mạnh mẽ. Xanh của Louis Vuitton lại phong cách với kiểu patchwork. Trong khi đó xanh chàm của 3.1 Phillip Lim lại có thêm sự kết hợp của da. Còn Richard Nicoll thì quay trở lại với mẫu áo khoác bò truyền thống.
|
3.1 Phillip Lim – Louis Vuitton – Missoni – Etro |
Triển lãm di động
Mùa tới của thời trang nam giới cũng là mùa của những cuộc triển lãm nghệ thuật. Rất có thể bạn sẽ thấy người ta đua nhau mặc những bộ trang phục với các hình sơn vẽ xuống phố. Từ những bức hình được vẽ tới những bức họa trừu tượng khổ lớn, từ những nét chấm phá của sơn tới trường phái Bauhaus, từ những họa tiết số (digital) tới những kết hợp đầy sáng tạo hay những kết hợp kiểu patchwork, tất cả sẽ là tâm điểm thời trang của mùa sau.
Những cái tên ủng hộ cho phong cách này trong mùa tới là Givenchy, Poul Brouwer, Ports 1961, Mihara Yasuhiro, Raf Simons, Agi & Sam, Bernhard Willhelm. Bạn có thể dựa vào đặc điểm phong cách của từng thương hiệu để có thể lựa chọn cho mình. Chẳng hạn nếu muốn lựa chọn những tranh vẽ, hãy chọn Givenchy. Hay nếu muốn chọn Bauhaus, hãy chọn Raf Simons. Còn nếu muốn chọn họa tiết số (digital) thì chắc chắn Agi & Sam sẽ là cái tên mà bạn không thể bỏ qua
|
Givenchy – Ports 1961 – Mihara Yasuhiro |
Vũ Tyn
Theo Style