Cùng cực nỗi đau người mẹ đi nhận xác con

Chiều 8/3, tại nhà đại thể, tang lễ tỉnh Khánh Hòa, những tiếng khóc nức nở, thét gào của gia đình nạn nhân vụ tại nạn thảm khốc sáng cùng ngày đã làm cho những người có mặt tại đây cũng không thể cầm lòng.

Vừa bước tới nhà đại thể để nhận xác đứa con xấu số là Lê Trịnh Duy Khoa (SN 1977, trú xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, Bình Định), bà Trịnh Thị Lạnh (59 tuổi) nức nở, chỉ gào thét câu: “Con tôi đâu, bác sĩ cứu con tôi”.

Bà cho biết, Khoa là con thứ ba trong gia đình, đã có vợ và hai con gái, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học lớp 3.

 

Mẹ nạn nhân Khoa đến nhận xác con 

Gia đình bà rất nghèo, Khoa làm ở một xí nghiệp gỗ ở Bình Định, vợ Khoa cũng làm công nhân.

Dạo này bỗng dưng da Khoa bị vàng, trong người đau nhức, không đi làm được nên một mình đón xe vào thành phố Hồ Chí Minh để khám tổng quát.

Sau khi khám xong, chiều ngày 7/3 Khoa ra bến xe Miền Đông đón xe về lại Bình Định.

Trước khi về Khoa có gọi điện thoại báo cho gia đình biết; đồng thời trên đường đi khoảng vài tiếng Khoa cũng báo cho gia đình biết xe đã tới đâu hoặc gia đình cũng điện hỏi thăm.

Thế nhưng, sau đó gia đình bà không thấy Khoa gọi về nữa. Bà hỏi đưa con gái (em kề Khoa) thì người này nói ‘chắc điện thoại của anh hết pin điện không được chứ không có gì đâu’.

Nào ngờ đến 9h sáng, bà nhận được tin báo con trai bà đã mất vì tai nạn. Lúc này, bà cùng đứa con gái và 4 người khác trong gia đình đang ở trên Đắc Lắc làm thuê vội vàng ra đón xe để xuống Nha Trang nhận xác con.

Ai ngờ, khi ra bến xe, 2 người bà con của bà ở Đắc Lắc bị móc túi không còn một đồng để về nên bà và con gái và một người bà con nữa đi trước xuống Nha Trang.

Bà cho biết thêm, do Khoa bị bệnh nên thời gian gần đây vợ Khoa cũng phải ở nhà để lo cho chồng. Nhà bà năm vừa rồi bị bão đánh sập, nhà nước phải cho tiền sửa để ở tạm.

“2 con của Khoa đi học cũng được Nhà nước nuôi, nay Khoa mất đi không biết vợ con nó sống sao?” – bà nức nở.

Tương tự, ông Ngô Văn Vàng (SN 1952, trú Quảng Ngãi, hiện tạm trú tại khu 7, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) là cha của nạn nhân Ngô Hữu Phước (SN 1986).

Nghe tin con bị tai nạn, ông đã vội vàng cùng gia đình đón xe ra Nha Trang để nhận xác con.

Ông cho biết, ông quê ở Quảng Ngãi, vào Đồng Nai sinh sống nên con ông xin vào làm nhân viên cho nhà xe Chín Nghĩa (phụ xe) đã được 4 năm.

Ăn tết xong, ông nói với Phước để hết tháng giêng rồi đi làm, nhưng Phước không nghe nên mới xảy ra tai nạn.

Ông nói Phước là một người con rất hiền lành, nhà xe rất thương, không thuốc men, bia rượu gì. Làm được bao nhiêu Phước đem về phụ giúp cho gia đình.

Hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn. Ông thì chạy xe thồ còn chị và đứa em trai của Phước thì đi làm mướn. Phước là lao động chính trong gia đình, vợ ông vừa mất vào ngày 20/11 âm lịch, đến nay chưa được 100 ngày thì Phước lại ra đi đột ngột…

Cũng trong chiều 8/3, tại nhà tang lễ, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Đình Thọ – Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ (Bộ GTVT) và Ban an toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa cũng đã có mặt để chia buồn gia đình những người xấu số.

Cha của nạn nhân Phước khóc con

Ông Thọ chia sẻ: “Tai nạn xảy ra không ai mong muốn, gia đình nên nén đau thương vượt qua nỗi đau này, động viên những người còn lại sống học tập cho tốt”.

Ông cho biết, đã thị sát nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông và khẳng định đoạn đường này an toàn giao thông đảm bảo, do lái xe Quảng Ngãi không làm chủ tốc độ, lấn đường mới xảy ra cớ sự trên.

Tại đây, UBND tỉnh Khánh Hòa và TP. Cam Ranh trao cho gia đình những nạn nhân xấu số mỗi gia đình 5 triệu đồng, đại diện Tổng cục đường bộ và Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa mỗi đơn vị trao cho gia đình những nạn nhân xấu số mỗi gia đình 2 triệu đồng.

Đến 18h chiều cùng ngày, đã có 7 gia đình đến nhận xác thân nhân của mình.

Và 3 nạn nhân nữ cũng đã được xác định danh tính, trong đó có hai chị em ruột trú ở Quảng Ngãi.

Theo Vietnamnet

From the same category