Xin miễn bàn đến việc người cha phạm tội như thế nào, dư luận xã hội rồi thì cũng qua theo năm tháng… Thế nhưng, người mẹ có nên lấy chính sự việc xảy ra với cha để làm gương cho con, giúp con không đi theo con đường sai trái sau này? Việc giáo dục con vốn dĩ là một nghệ thuật, đòi hỏi sự hiểu biết và khéo léo trong cư xử của người làm cha, làm mẹ. Nó liên quan đến các vấn đề về tâm lý, môi trường xã hội, truyền thống gia đình, giới tính và lứa tuổi của trẻ…
Cha mẹ chính là tấm gương để con cái học hỏi cách giải quyết vấn đề, cách xử lý tình huống trong cuộc sống hàng ngày, trong suốt quá trình trưởng thành của chúng. Nếu trong gia đình có cha hoặc mẹ là tội phạm, sự thiếu vắng cha hoặc mẹ là thiệt thòi lớn cho trẻ. Những trẻ nhỏ sẽ có cảm giác sợ hãi, mất mát, không an toàn; những đứa trẻ lớn hơn, có hiểu biết thì xuất hiện sự xấu hổ, mặc cảm đối với những người xung quanh… Khi cha (mẹ) không thể là tấm gương cho con cái noi theo, người còn lại sẽ phải dạy con biết đối diện với sự thật, khi có lỗi thì dám nhận và sẽ sửa sai.
Chị Tâm Nhàn, chuyên gia tư vấn Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, chia sẻ: “Trong trường hợp này, trẻ sẽ mặc cảm với những ánh mắt, những lời bàn tán, sự dè bỉu, chế giễu của những người xung quanh. Có khi là những lời chỉ trích, lên án hoặc ánh mắt thương hại. Khi đó, trẻ sẽ có hai thái độ, hoặc là thu mình lại, sống trầm lặng, tránh né mọi người, hoặc trở nên phá phách, bất cần và gây hấn, oán trách cha hoặc mẹ – người đã gây ra tội lỗi.
Cả hai thái độ trên đều không tốt cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, cha hoặc mẹ nuôi dạy trẻ cần nói cho trẻ biết người lớn cũng có thể phạm lỗi, cần sửa chữa lỗi lầm. Thời gian và hình thức sửa chữa như thế nào tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của lỗi lầm ấy và chính cha, mẹ của trẻ đang thực hiện sự sửa chữa đó. Mặt khác, khi cha hoặc mẹ phải đóng hai vai trò cùng một lúc, người đó dễ rơi vào trạng thái hẫng hụt, lo âu và khủng hoảng. Lúc đó, tâm lý và cuộc sống gia đình bị đảo lộn.
Bên cạnh việc mưu sinh, người cha hoặc mẹ còn phải lo giáo dục con cái. Vì vậy, trước hết họ phải chấp nhận hoàn cảnh thực tại, ý thức được những thách thức trước mắt, nên nói cho trẻ biết về sự vắng mặt của cha hoặc mẹ. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy không bất ngờ với sự vắng mặt này, tất nhiên là tùy thuộc vào lứa tuổi, vào khả năng nhận thức của trẻ mà giải thích cho phù hợp. Điều quan trọng là không nên nói dối hoặc giấu trẻ, đã có trường hợp người mẹ nói với con rằng, cha đã chết hay người ta đổ oan cho cha… bởi họ cho rằng, khi đó con còn thơ dại, chưa hiểu biết gì, nói cho qua chuyện. Điều này cũng không nên vì sớm muộn gì cũng sẽ gây nên thương tổn về tâm lý cho trẻ”.
Theo một số công trình nghiên cứu, trong gia đình có người phạm tội, nguy cơ trẻ cũng phạm tội là gần 50%, tùy theo thành phần gia đình. Để tránh cho trẻ không đi vào con đường sai phạm của bố hoặc mẹ, người nuôi dạy trẻ cần hiểu biết tâm lý lứa tuổi để kịp thời ứng xử với những thay đổi trong suy nghĩ của chúng. Trẻ cần có được sự đối xử công bằng của những người xung quanh. Tình yêu thương được biểu lộ qua thái độ, sự gần gũi, chia sẻ, thấu hiểu trẻ của người cha hoặc mẹ là vô cùng quan trọng, sẽ giúp trẻ vượt qua những sang chấn tâm lý và phát triển tốt hơn. Tạo cho trẻ cảm giác an toàn để giúp cho trẻ bình ổn về tâm lý, vượt qua được những khó khăn, hòa nhập với cuộc sống và phát triển bình thường.
Một hình thức thiết thực nhất có thể áp dụng trong trường hợp này là hãy luôn nhắc cho trẻ về những tấm gương cùng lứa tuổi trong trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng xóm láng giềng, rằng làm sai một việc gì mà biết nhận lỗi và biết sửa chữa chính là một đức tính tốt, rất đáng được tuyên dương. Vì thế, ngay khi trẻ bắt đầu hình thành nhân cách và nhận thức cũng là lúc các bậc cha mẹ bắt đầu dạy cho trẻ sớm định hình phẩm chất đạo đức.
Hãy chỉ rõ cho trẻ biết thế nào là một việc làm sai trái và cần làm gì ngay khi đó để sửa sai. Trong mọi trường hợp, người lớn cần tìm ra cách giải quyết mềm mỏng mà hiệu quả nhất. Nhiều lần như thế trẻ sẽ ý thức được việc mình làm và dần hình thành một nét đẹp trong tâm hồn.
Hoàng Yến |