Con xin phát biểu ý kiến


Mối quan hệ giữa cha mẹ con cái như thế nào là do chính người cha, mẹ tạo ra, đó cũng được coi là nền dân chủ trong gia đình nhỏ. Nhưng không phải môi trường giáo dục của gia đình nào cũng làm được điều đó khi mà con cái trong mắt cha mẹ “mãi còn trẻ thơ” ngay cả khi con trẻ đã trưởng thành.



Đặc biệt, do ảnh hưởng phong tục tập quán xưa, việc con cái được nêu ý kiến, được đóng góp, tham gia trong các hoạt động của gia đình là rất hiếm hoi, hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là một “con đường”, một cách thức vô cùng quan trọng trong việc dần hình thành tính cách của trẻ, có ý nghĩa quyết định trong sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy để trẻ được phát triển đầy đủ cũng như nhắc nhở rằng việc trẻ tham gia ý kiến ngay từ trong gia đình không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, đây cũng là cách thức vô cùng hữu hiệu trong việc tránh đưa trẻ đến hiện tượng nói dối, biện minh trước hay sau khi xảy ra sự việc nào đó.

 
Hãy luyện cho trẻ ý thức này ngay từ các hoạt động tưởng chừng rất đơn giản trong gia đình như đóng góp ý kiến, nói lên sở thích khi các thành viên trong gia đình cùng thảo luận địa điểm đi du lịch, việc chọn trường, chọn nghề, chọn bạn để chơi, thậm chí cả việc nên hay không và sẽ mua sắm đồ đạc trong nhà như thế nào… Nếu như ý kiến của trẻ nhiều lý do chưa thiết thực, không thỏa đáng, bằng cách nào đó hãy giải thích để trẻ hiểu. Như thế sẽ giúp chúng mở mang sự hiểu biết và cũng cảm thấy thỏa đáng, thuận tình theo lý do chính đáng của cha, mẹ. Không nên hỏi ý trẻ rồi lại ấn định cho trẻ bằng những câu, từ ngữ “phủi tay”, áp đặt…

 
Kể cả trong trường hợp có khách đến chơi nhà, nên con được ngồi cùng mâm, cùng tiếp khách với cha mẹ, được tham gia vào câu chuyện chung, được phát biểu ý kiến, quan điểm và có nhận định riêng về mỗi vấn đề… Qua đó, con sẽ biết học hỏi cách suy nghĩ của người lớn, lễ phép trong cách giao tiếp, nên nói lúc nào và dừng lức nào khi tham gia ý kiến, biết lắng nghe và đồng thời cha mẹ cũng sẽ có cơ hội lắng nghe con trẻ nói lên suy nghĩ của mình. Thông qua cách ứng xử hàng ngày của cha mẹ sẽ tạo dựng mối quan hệ tôn trọng, thân thiện, bình đẳng, giúp trẻ cảm thấy mình có giá trị. Như thế, tự thức trẻ sẽ phát triển lòng tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, tính tự khẳng định.

 



Bằng cách này cách khác cho trẻ biết rằng chúng cũng có quyền nói, đưa ra ý kiến hay phát biểu điều mình muốn nói, dù đó là điều riêng tư nhất. Không còn để quan điểm mẹ là người duy nhất con có thể chia sẻ mà cha, các thành viên trong gia đình cùng luôn luôn lắng nghe trẻ. Hãy lên lịch cố định về một khoảng thời gian trong tuần, tháng để sinh hoạt cùng nhau, lắng nghe trẻ nói, tìm hiểu về những gì các em đang suy nghĩ và mong muốn như những người bạn cùng lứa tuổi, thân thiết của chúng. Cha mẹ hãy thể hiện sự quan tâm của mình đối với con qua các cử chỉ hay thái độ rằng cha mẹ đang rất quan tâm và tôn trọng những gì con nói. Hãy nhớ rằng, trẻ sẽ không bao giờ nói lên ý kiến của mình khi người lớn không lắng nghe trẻ nói và giễu cợt trước những gì chúng “tâm huyết”.

 
Trong sự nghiệp làm tư vấn tâm lý của mình, tôi không bao giờ quên được hình ảnh hai cô gái xinh tươi, là con của một nữ doanh nhân tên tuổi của Tp.HCM khi lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Hai cô từ nhỏ đã được mẹ sắp đặt chu toàn mọi việc, từ nếp ăn ở cho việc khi đã trưởng thành thì du học nước ngoài… Bây giờ họ đã là những Thạc sỹ, Tiến sĩ có học vị cao nhưng họ cứ như người vô hồn vì những cơn trầm cảm, họ tìm gặp các chuyên gia tâm lý để chia sẻ: “Thật ra em không biết bây giờ em muốn gì, thích gì và làm gì, vì cái gì trong cuộc đời em cũng đều do mẹ em sắp đặt hết, mẹ quá tài giỏi và sắc sảo, nên cái gì mẹ cũng lo được hết…”

 
Yêu thương con vô bờ bến, không muốn là thân gái mà con vất vả, lao đao… thế nhưng để con tự bất mãn với cuộc đời, sống không cảm thấy có ý nghĩa, có quyền công dân thực sự, thì có học vị cao đến đâu, con cái cũng tự thấy bế tắc, giam hãm mình trong tình yêu không lối thoát của cha, mẹ suốt đời, Đó phải chăng cũng là một câu hỏi lớn đặt ra cho những bậc làm cha làm mẹ?

 

  Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt


From the same category