Con gái nhờ đức cha - Tạp chí Đẹp

Con gái nhờ đức cha

Sống
Còn gì quý giá hơn sự ân cần, dịu dàng của con gái đối với cha, nhất là lúc bạn đã ở tuổi xế chiều. Chưa kể hành trình nuôi dạy một cô con gái còn giúp các ông bố tự trau dồi biết bao phẩm chất quý báu…

Bố = đại biểu của phái mạnh

Nhiều người đã nhầm khi nghĩ con gái thường gần gũi mẹ hơn và đối với con gái thì thiếu cha cũng chẳng thành vấn đề. Tất nhiên, cùng phe tóc dài với nhau nên con gái dễ ảnh hưởng phong thái, thói quen từ người mẹ. Tuy nhiên, vẻ khác biệt đầy nam tính của bố lại gây ấn tượng mạnh cho con gái và giúp con bộc lộ nữ tính rõ nét nhất.

Hãy hình dung một bé gái vừa e lệ vừa phấn chấn khi được bố công kênh trên vai đi dạo phố! Khi “giao du” nhiều với bố, con gái còn nhận thấy sự khác biệt giữa bố và mẹ – tức là giữa đàn ông và phụ nữ, sẽ có những trải nghiệm đầu tiên trong giao tiếp với người khác giới.


Ảnh: Shutterstock

Các nhà tâm lý còn phát hiện một điều lý thú là những cô gái thuở nhỏ thân thiết với bố, sau này thường thành đạt hơn trong cuộc sống. Họ cũng bác bỏ quan niệm trước đây cho rằng người cha nên bắt đầu tham gia vào việc dạy dỗ con gái từ khi các bé được 3-5 tuổi, đồng thời khuyến cáo các ông bố cần quan tâm đến cô con gái rượu sớm hơn – ngay từ lúc bé vừa cất tiếng chào đời. Đơn giản là trẻ nhỏ thường có sự đánh đồng về giới tính nên sự hiện diện sớm của người bố rất cần thiết cho bé. Điều này còn giúp con gái từ lúc nhỏ xíu đã cảm nhận được gia đình là một tổ ấm được xây đắp bởi cả cha và mẹ chứ không phải là một mớ bòng bong chỉ xoay vần quanh một mình mẹ.

Mẹ = gương sáng cho con soi

Không thể không nói đến vai trò của người mẹ trong mối quan hệ giữa cha và con gái. Chỉ ở những gia đình mà hai vợ chồng hiểu biết, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau thì mới hình thành một mối quan hệ “chất lượng” giữa cha và con gái. Một người mẹ có lối ứng xử cửa quyền, luôn coi ý kiến của mình là tối thượng để áp đặt lên cả gia đình sẽ ảnh hưởng rất xấu đến quan hệ cha – con gái. Một khi những hành vi, cách ứng xử kiểu “mama tổng quản” đã ăn sâu vào tiềm thức con gái thì con sẽ quan niệm rằng trong nhà, đàn bà mới là “tướng”, còn đàn ông chẳng là “cái đinh” gì cả. Người mẹ cần ghi nhớ và tỏ rõ cho con gái thấy: trong gia đình, phụ nữ trước hết phải là một người vợ hiền hòa, chứ không phải bà chủ. Chỉ như vậy, mẹ mới truyền dạy cho con gái – người phụ nữ của tương lai – cách ứng xử thích hợp với bạn đời nói riêng và những người khác giới nói chung.

Cũng đừng sợ rằng tình cảm thương yêu mà mẹ dành cho bố sẽ khiến con gái ghen tị, tủi thân. Việc cha mẹ bày tỏ tình cảm với nhau (một cử chỉ săn sóc, một vòng tay âu yếm…) thực ra rất hữu ích với con gái, bởi con cần hiểu rằng tình yêu là nền móng không thể thiếu để dựng nên lâu đài hôn nhân.

Nếu chẳng bao giờ nhìn thấy mẹ săn sóc, âu yếm bố thì rất có thể trong tiềm thức con gái sẽ hình thành ý nghĩ: bố chẳng có ý nghĩa gì với mẹ cả. Hình ảnh người đàn ông trong mắt con gái sẽ méo mó đi và có thể “làm khó” con trong cuộc sống đôi lứa sau này.

Người vợ đừng bao giờ tước mất của chồng quyền quan tâm dạy dỗ con cái cho dù kiểu quan tâm, dạy dỗ của chồng nhiều khi “lệch pha” với kiểu của mình. Vợ hãy thử tin chồng đi và niềm tin ấy sẽ đem lại kết quả tích cực – con gái của hai bạn sẽ hiểu rằng giữa đàn ông và phụ nữ có những nét khác biệt trong suy nghĩ, cách hành xử, rằng cha và mẹ đều chăm lo cho đứa con chung nhưng bằng những cách thức riêng và mỗi cách đều có ưu điểm nhất định. Rồi dần dần trong con sẽ hình thành một khái niệm rất cần thiết cho cuộc sống của con sau này: đàn ông và đàn bà khác biệt về bản chất nhưng bình đẳng với nhau. Từ đó con cũng hiểu được rằng đàn ông cần và có thể tham gia vào các vấn đề gia đình một cách bình đẳng với phụ nữ.

Làm cha khó lắm?

Bạn có bao giờ tự hỏi những phụ nữ thành đạt xuất thân từ đâu? Các nhà tâm lý đã bỏ công nghiên cứu vấn đề này và đưa ra lời đáp: chính từ gia đình mà ở đó cô con gái có mối quan hệ tin cậy với cha, có sự giao lưu thường xuyên với phái mày râu. Những cô gái ấy thường sở hữu những phẩm chất được đánh giá cao trong thời đại mới như: nhiều hoài bão trong sự nghiệp, có tư duy phân tích, biết hoạch định và phấn đấu để đạt mục tiêu, biết cạnh tranh hiệu quả với phái mạnh trong nhiều lĩnh vực.

Quả là bố thì thường dễ bày trò chơi cùng con trai hơn, bởi bố vốn rành mấy trò đá bóng, đấu kiếm, bắn bi… hơn là bán hàng hay chơi khâu váy búp bê. Nhưng đừng lo, điều quan trọng là bạn có sẵn lòng chơi cùng con gái cưng hay không. Chơi bán hàng hay búp bê đâu có khó gì mà còn mang lại cho bạn cơ hội thư giãn tuyệt vời cũng chẳng kém gì bắn bi hay đá bóng.

Xin nói thêm rằng về tâm lý, người cha thực ra dễ thân với con gái hơn con trai, bởi cha thường kỳ vọng ở con trai như một người “kế cận” và mối quan hệ cha – con trai vì thế thường phức tạp hơn, thậm chí đầy xung đột. Con gái thì lại khác – trước bố, con gái luôn được là chính mình.

Thời gian mà người bố bỏ ra để “giao du” với con gái sẽ chẳng bao giờ lãng phí. Khi cảm nhận được ý nghĩa của bản thân trong mối quan hệ với cha – một người đàn ông tốt bụng, luôn yêu quý mình, con gái sẽ trở nên ân cần, chu đáo trong cư xử, trước hết là với cha mình, sau đó là với những người khác giới. Như vậy, chẳng những ông bố hoàn toàn có thể trông đợi vào sự kính trọng và yêu thương mà cô con gái
trưởng thành sẽ dành cho mình mà bản thân con gái cũng sẽ có được sự nể trọng, thương mến từ mọi người xung quanh.

Để sự khác biệt về giới không trở thành vấn đề trong quan hệ với con gái, các ông bố cần giữ thái độ “trung dung vàng”: không quá nghiêm cẩn, xa cách nhưng cũng đừng hồn nhiên đến mức… tồng ngồng đi ngang qua mặt con gái hoặc bô lô ba la chuyện “người lớn” trước mặt con. Ngoài ra, cách ứng xử của cha với con gái cũng phải thay đổi cho phù hợp theo độ tuổi của con. Chẳng hạn, cha cần phải hiểu rằng con gái sắp thành thiếu nữ sẽ không muốn để cha tắm cho như thời lớp 1 nữa, và điều đó hết sức bình thường, chẳng có gì gọi là gây tổn thương cho cha cả. Đơn giản là con gái đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới và người cha cần có những thay đổi trong cư xử cho thích hợp.

Mẹ dù sao cũng dễ gần gũi với con gái hơn bởi họ đã gắn bó với bé con từ thuở bé còn trong bụng. Chưa kể họ còn có sự nhạy cảm thiên phú, hay còn gọi là bản năng làm mẹ mách bảo cách cư xử thế nào cho đúng mực với con gái ở từng thời điểm. So với vợ, các ông bố có thể lơ ngơ hơn trong việc thấu hiểu con gái. Nhưng bản năng làm cha luôn tiềm tàng trong mỗi người đàn ông. Hãy sớm gần gũi, chăm sóc con gái để bản năng ấy được đánh thức, để vai trò người cha không lu mờ trong mắt con gái, để con gái thực sự được “nhờ đức cha”.


Bài: Bình Minh Mưa

Thực hiện: depweb

14/10/2010, 12:01