Coi chừng dị ứng thuốc nhuộm tóc - Tạp chí Đẹp

Coi chừng dị ứng thuốc nhuộm tóc

Làm Đẹp

Sau hai ngày cắn răng chịu đựng cơn ngứa với những nốt mẩn đỏ li ti trên da đầu, anh Nguyễn Trung Thanh (27 tuổi, Q3, TP.HCM) đã phải đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ và được chẩn đoán là dị ứng thuốc nhuộm. Còn chị Trần Thị Phương (22 tuổi, Q. Tân Phú, TP.HCM) vì muốn có mái tóc “bằng chị bằng em” nên đã nhuộm “highlight”. Đẹp đâu không thấy, chỉ thấy qua một đêm, khuôn mặt chị sưng húp, mặt phồng lên đầy những nốt đỏ nên phải đến Bệnh viện Da liễu để điều trị.

Tác hại khôn lường

Trên đây là hai trường hợp dị ứng thuốc nhuộm thường gặp. BS Võ Thị Bạch Sương – Chuyên khoa Da liễu, Đại học Y dược TP.HCM cho biết: Trong thành phần thuốc nhộm tóc có chứa các chất không “thân thiện” với da và tóc như: p-phenylenedamine (PPD), toluene-diamine-sulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine và aminophenol. Chúng thường làm tóc mất độ bóng mượt, khô, dễ gãy rụng, gây viêm chân tóc, viêm da tiếp xúc, dị ứng vùng da đầu sử dụng thuốc nhuộm tóc, thậm chí cả vùng da lân cận như: mí mắt, mặt, cổ…

 

Đặc biệt, khi nhuộm tóc, các chát độc hại (nhất là chất PPD) sẽ bám lại trên tóc trong một thời gian nên khi tóc tiếp xúc với da đầu và da tại các vùng lân cận thì các chất này sẽ ngấm sâu vào bên trong, có thể gây ra tình trạng loét ở da hoặc gây ung thư da, não, hệ tạo máu, bàng quang… Các biểu hiện này càng nặng khi sử dụng thuốc nhuộm có màu càng đậm vì hàm lượng chất PPD có trong thuốc rất cao.

Cân nhắc kỹ trước khi dùng

Để an toàn tuyệt đối, nên hạn chế tối đa việc nhuộm tóc, hoặc nên giãn cách thời gian giữa hai lần nhuộm tóc ít nhất 6 tháng trở lên. Bác sĩ Bạch Sương chia sẻ: “Trước khi nhuộm nên thử thuốc nhuộm bằng cách chấm một ít lên vùng da sau tai rồi để khoảng hai ngày, nếu cơ thể không có phản ứng gì thì thuốc nhuộm đó không gây dị ứng”. Người nhuộm tóc cũng nên lựa chọn những nhãn hiệu lớn, uy tín, được nhiều người tin dùng và hạn chế thay đổi nhãn hiệu thuốc nhuộm.

 

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các loại thuốc nhuộm có thành phần từ thiên nhiên cũng là giải pháp an toàn vì đại đa số thuốc nhuộm khác thường chứa thêm chất bảo quản, hương liệu… khả năng gây dị ứng rất cao. Khi nhuộm, cố gắng để thuốc nhuộm dính vào da đầu càng ít càng tốt, đặc biệt là những vùng da nhạy cảm. Riêng thợ làm tóc nên mang găng tay trong lúc nhuộm hoặc khi cắt chải cho mái tóc vừa nhuộm.

Bên cạnh đó, những người lớn tuổi, vốn có sức đề kháng yếu và hay mắc các bệnh mãn tính cần lưu ý khi sử dụng thuốc nhuộm đen. Bởi chúng rất dễ gây dị ứng nếu dùng lâu dài và thường xuyên, bác sĩ Bạch Sương khuyên.

Cần lưu ý:

– Với những người có cơ địa dễ dị ứng như: hen, nổi mề đay, dị ứng thức ăn, thuốc hoặc đã từng bị dị ứng thuốc nhuộm, tốt nhất không nên nhuộm tóc.

– Không nên trộn các loại thuốc nhuộm với nhau và cần tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc khi nhuộm.

– Không sử dụng thuốc nhuộm tóc để nhuộm lông mi hay chân mày vì thành phần hóa học trong nó sẽ rất nguy hiểm tới mắt, thậm chí có thể gây mù lòa vĩnh viễn.

– Khi thấy biểu hiện ban đầu của việc dị ứng như: đỏ, ngứa, nổi mụn nước, sưng phù, rỉ dịch, nặng hơn là gây biến dạng khuôn mặt… thì cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

 

Theo Thế giới Gia đình

Thực hiện: depweb

04/09/2012, 17:13