Sau gần 5 năm điều trị bệnh ung thư xương, các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh đã chính thức “chào thua” và chẩn đoán, bệnh nhân Trần Thị Bé Năm (23 tuổi ở xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, Bến Tre) chỉ còn kéo dài sự sống được khoảng ba tháng nữa. Trong cơn thập tử nhất sinh, mới đây, một lần nữa Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) lại lắc đầu trả Bé Năm về trong sự đau đớn và tuyệt vọng vô bờ của gia đình. Và thật bất ngờ, cô con gái út của họ đã “sống” lại, thậm chí đã khỏe mạnh trở lại trong lúc cả nhà đang lo chuyện ma chay đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng.
Bé Năm đang phụ bốc thuốc từ thiện tại chùa Phước Thiện.
Hai lần bệnh viện trả về
Năm 19 tuổi, khi đang học lớp 12, cha mẹ Năm đưa đi khám và phát hiện em mắc bệnh ung thư xương. Thời gian trước đó, Năm nhiều lần ngất xỉu tại lớp học và được cha mẹ, thầy cô, bạn bè đưa đi cấp cứu. Mỗi lần như vậy em lại được truyền dịch và khỏe lại nên cha mẹ nghĩ rằng cô con gái út vì ham học nên mới yếu ớt như vậy. Sau đó bà con hàng xóm và người thân mới khuyên chị Hợp đưa con đi xét nghiệm. Đọc kết quả của con, cả nhà bàng hoàng, cô con gái út ngoan hiền, học giỏi và là niềm hi vọng của cả gia đình đã mắc phải căn bệnh ưng thư xương quái ác.
Nhưng Bé Năm vững vàng hơn những gì cha mẹ và người thân em tưởng tượng. Mặc dù ở bệnh viện nhiều hơn ở trường nhưng Bé Năm vẫn tốt nghiệp Trường trung cấp Âu Việt với kết quả xuất sắc. Sau đó Bé Năm tiếp tục hành trình chống chọi với bệnh tật khi vừa đi làm vừa điều trị ung thư vì chi phí quá cao gia đình không kham nổi.
Chị Hợp, mẹ Năm cho biết, nếu không tính tiền xạ trị và vô hóa chất, thì chi phí hằng tháng cũng hơn 10 triệu đồng, đây là một con số quá cao nhưng vì thương con gia đình cũng cố gắng gói ghém, thu xếp. Bé Năm cũng vì thương cha mẹ nên em vẫn tiếp tục đi làm để tiếp sức chữa bệnh cho chính mình. Nhưng mọi cố gắng của gia đình bắt đầu sụp đổ khi các bác sĩ thông báo không còn hy vọng vì sức khỏe Năm xuống dốc nhanh chóng.
Bên cạnh căn bệnh ung thư xương ngày càng nặng thêm, trong ổ bụng Năm lại xuất hiện hai khối u một nhỏ một lớn. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi và cắt đi khối u lớn nhưng sau đó vài tháng thì khối u còn lại “lớn nhanh như thổi” và gần như chiếm luôn ổ bụng. Cũng thời điểm này, cơ thể Bé Năm có dấu hiệu bán thân bất toại khi hai chân không còn cử động như ý muốn và cũng mất dần cảm giác. Các bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khuyến cáo gia đình nên đưa Năm về và chẩn đoán em chỉ còn sống được chừng ba tháng. Chị Hợp vội vàng đưa con về vì tin rằng nếu để chết tại bệnh viện thì hồn con gái sẽ mãi mãi “không nhà không cửa”.
Sau khi đưa về nhà, hàng ngày nhìn thấy sức khỏe con gái út mà mình yêu thương nhất suy sụp rõ rệt, chị Hợp và chồng vô cùng đau xót. Hai vợ chồng tiếp tục gói ghém tiền bạc để chữa bệnh cho con. Vì “Tây y” đã chào thua nên anh chị bắt đầu nghĩ đến phương pháp sử dụng thuốc Nam cho con uống và kết hợp với châm cứu. “Sức khỏe của cháu cũng có phần nào cải thiện được một thời gian, sau khi uống hàng trăm thang thuốc Nam và liên tục châm cứu, nhưng sau đó lại bắt đầu suy sụp. Cháu thường xuyên ngất xỉu nên gia đình lại phải đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, có đợt nằm cả chục ngày trời vẫn không khỏe lại” – chị Hợp kể lại.
Ngày 6/9, chị và chồng đưa con gái cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) sau khi Bệnh viện huyện Ba Tri yêu cầu chuyển lên tuyến trên với chẩn đoán “suy kiệt do ung thư xương giai đoạn cuối”. Tại đây, các bác sỹ nhận định: Bệnh nhân Trần Thị Bé Năm, SN 1989, ngụ An Hòa Tây, Ba Tri nhập viện ngày 6/9 và xuất viện sáng hôm sau trong tình trạng lừ đừ, huyết áp thấp 80/50, hai chân liệt hẳn do u chèn. Chẩn đoán cuối cùng là Bé Năm bị suy kiệt sức khỏe do ung thư xương giai đoạn cuối.
Với tình trạng sức khỏe này, các biện pháp Tây y coi như đã bó tay và bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Khi các bác sĩ thông báo thông tin này thì người nhà vội vã làm thủ tục xuất viện do mong muốn con mình được trút hơi thở cuối cùng tại nhà. Lúc này, Bé Năm gầy nhom, chỉ còn khoảng 36 kg, hơi thở yếu ớt, lại thường xuyên hôn mê, biểu hiện của người “gần đất xa trời”. Dù không biết con mình có thể “đi” bất cứ lúc nào nhưng vì thương con nên hai vợ chồng vẫn cố gắng “còn nước còn tát”. Sáng hôm sau, khi một lần nữa các bác sĩ bệnh viện “chào thua” vì sức khỏe em quá yếu và có thể tử vong bất cứ lúc nào, thì đến lúc này hai vợ chồng chị lại ngậm ngùi đưa con về quê để chuẩn bị hậu sự.
Bà Trần Thị Hợp đang kể lại chuyện con gái mình với phóng viên.
Hồi sinh diệu kỳ
Sau khi được đưa về nhà vào khoảng 9h sáng ngày 7/9, Bé Năm ngủ li bì hơn 20 giờ đồng hồ trong sự lo lắng và đau buồn vô bờ bến của người thân, ai ai cũng tin chắc lần này em “đi” thật rồi. Kể lại sự kiện này, chị Hợp bảo: Cả nhà tính đi đặt quan tài nhưng sau nghĩ lại thấy con mình dù thoi thóp vẫn chưa trút hơi thở cuối cùng nên thôi không đặt nữa. Chị lấy quần áo trắng mặc cho con và chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho việc tang lễ. Tuy nhiên, khoảng 2 giờ sáng hôm sau Bé Năm bắt đầu tỉnh dậy. Đầu tiên, trí nhớ của Năm bị giảm sút nghiêm trọng. Năm không nhận ra bất kì ai xung quanh và gọi mẹ mình bằng “cô”. Năm cũng thắc mắc vì sao lại bị thay đồ trắng, tại sao mọi người tập trung đông và ai cũng buồn phiền, khóc lóc thế này?… Chị Hợp kể lại: “Tui cố gắng trả lời khéo léo vì “sợ” nó lo lắng nên bảo mẹ mặc đồ trắng là để con ấm áp và bà con mừng con tỉnh lại nên mới tập trung đông như vậy”.
Dù cố gắng làm yên lòng con, nhưng chị Hợp hết sức lo lắng, không biết sức khỏe cháu thế nào và liệu đây có phải là “ngọn lửa bùng lên lần cuối” trước khi tắt hẳn?… Diễn biến sức khỏe, tâm trạng của Bé Năm càng lúc càng khiến gia đình ngạc nhiên và lo lắng. Sáng hôm sau, khi chị đem cơm vô ăn, Năm nôn thốc tháo vì không chịu được mùi cá thịt. Chị Hợp vội vàng bỏ hết và nấu đồ chay cho con thì Năm ăn được nhưng càng lúc càng khó vì chỉ cần bỏ xíu bột ngọt vô là Năm cũng không ăn được. Cả nhà nấu đồ mặn cũng phải đem giấu và tránh mặt để ăn vì chỉ cần nghe mùi là Năm không chịu nổi và nôn ọe đến khổ sở. Sau đó Bé Năm nói với cha mẹ là cô chỉ muốn vào chùa vì đây là nơi “không thị phi, dối trá như ngoài đời”. Nói rồi chỉ vài ngày sau Năm quyết định vào chùa Phước Thiện, thị trấn Ba Tri phụ nhà chùa bốc thuốc.
Kể về sự hồi sinh diệu kỳ này, chị Hợp vẫn như chưa tin những gì mới diễn ra: Sau khi tỉnh dậy khối u khổng lồ trong ổ bụng con bé cũng biến mất. Đôi chân bị liệt hẳn cả năm nay bắt đầu cử động trở lại. Hiện nay, sức khỏe Bé Năm đang hồi phục tốt sau 13 ngày trải qua cơn thập tử nhất sinh. Từ một người bán thân bất toại và mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ và người thân, nay Bé Năm có thể đi xe máy. Tuy nhiên Năm không đi xe đạp được vì hai đầu gối chưa thể cử động bình thường. Mọi đau nhức do chứng ung thư xương cũng biến mất, “nó như lột xác sau cái đêm định mệnh 23/7 âm lịch đó”, chị Hợp bồi hồi chia sẻ. Đối với chị hiện nay, quan trọng là con gái khỏe mạnh dù rằng có thể cháu không khỏi hẳn, “nhưng được ngày nào hay ngày đó” – chị Hợp nói thêm. Chị và chồng cũng thống nhất sẽ để cho con được làm những điều mình thích. Hiện nay, Bé Năm muốn chuyển sang học Đông y và theo nghiệp bốc thuốc từ thiện cứu giúp người nghèo.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch xã An Hòa Tây và hai cán bộ xã đã đến nhà hỏi thăm và lấy thông tin chính thức từ phía gia đình. Chị Trần Thị Hợp cho biết: Những ngày đầu người dân tụ tập rất đông và hỏi thăm rất dữ. Nhiều lời đồn đoán hoang đường, li kì được thêu dệt khiến gia đình rất buồn và bản thân Bé Năm rất sốc. Thậm chí có người nói là Bé Năm chết đi sống lại nên đi đến đâu ruồi bâu đến đó… Ông Sơn cho biết: UBND xã nghe sự việc này nên đi xác minh để có thông tin chính thức báo cáo lên trên. Bác sĩ Trương Thị Vúng, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cho biết, việc bệnh nhân Bé Năm trở nên khỏe mạnh như hiện nay là một trường hợp kì diệu mà khoa học chưa giải thích được. Theo nhận định ban đầu, có thể đây là kết quả của các biện pháp Tây y kết hợp với các phương thức điều trị Đông y, châm cứu. “Hơn 20 năm trong nghề, tôi từng gặp một vài trường hợp bệnh nhân ung thư “hồi phục” hi hữu như thế này” – Bác sĩ Vúng cho biết thêm. Tuy nhiên, bác sĩ Vúng nhận định vẫn còn sớm nếu khẳng định bệnh nhân đã hồi phục hẳn, hoặc đã khỏi bệnh ung thư xương. |