Chúc nhau thành công - Tạp chí Đẹp

Chúc nhau thành công

Sống
Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, hay, giống như một con tàu… Trên chuyến tàu miệt mài phăm phăm về phía trước ấy, hẳn hành khách chúng ta chỉ háo hức dừng chân ở các ga lớn, rực rỡ, sôi động… Trên chuyến tàu chộn rộn miên man ấy, hẳn chúng ta không có thì giờ ghé thăm các ga xép. Để, đôi khi, bắt gặp ở đây chút bồi hồi, xao xuyến… Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…

Sáng nay, bỗng nhiên thấy bên dưới email em có tên một loài… cỏ. Lý thú, thắc mắc, để nghe em… hớn hở khoe: Cỏ đấy từ đây sẽ là chữ ký tự động của em trên email điện thoại, để thay thế cái chữ ký – đại diện văn hóa tiêu thụ và sự lên ngôi của chủ nghĩa thương hiệu – cài sẵn trên điện thoại được gửi từ điện thoại thông minh iPad, iPhone hay gì gì đó… của tui. Với em, tiểu trừ được cái không thích cũng là một thành công, nho nhỏ.

Còn em, sau hai năm chia tay chồng, bỗng kêu lên sung sướng: “Chị ơi, em yêu chính mình quá. Hơn lúc nào hết, em thấy mình đang tận hiến và tận hưởng cuộc sống; đã có thể an nhiên nhìn mọi việc đến rồi đi, có thể dịu dàng chia sẻ với nhiều người, giúp họ bình tâm giữa muôn trùng rối ren cuộc sống, truyền được ngọn lửa lúc nào cũng nồng đượm của mình cho họ… Giải quyết được những vấn đề của mình cũng là tiếp sức được cho người khác. Em sẽ sống mãnh liệt, lãng mạn và tử tế hơn nữa. Đó cũng là cách biết yêu thương bản thân. Em thấy mình đẹp lắm”. Mà em đẹp ra thật, trong mắt tôi, trong mắt mọi người. Em đã vượt qua được hàng rào luân lý, tâm lý; giải phóng mình, giải phóng cho người. Nghe nói chồng em hiện đang rất vui có con với vợ mới.

Đầu năm, sau sức khỏe, thông thường chúng ta hay chúc nhau thành công. Nhưng thế nào là thành công thì có lẽ quan điểm, trải nghiệm riêng của mỗi người mỗi khác. Tôi tâm đắc chủ kiến của nhà văn Ý Alberto Moravia, khi cho rằng thành công là cả hành trình chứ không phải điểm đến; nên tôi khá dị ứng kiểu giật tít công thức, bề trên về kết quả những cuộc thi có Việt Nam tham gia: Ai đó, cái gì đó đã… trắng tay tại… Hẳn nhiên đi thi ai cũng mong thắng, nhưng người thi lẫn người đợi trông đều quá biết đối thủ rất đông, rất mạnh; vậy hà cớ gì cứ đinh ninh ta thắng để rồi đua nhau… “trắng tay” – lối chê giễu kênh kiêu nhưng cùng lúc cũng phô bày sự dễ dãi. Thật vô lý nếu ai cũng (đòi) thắng trong khi giải có hạn. Ừ thì thua, ừ thì buồn nản, nhưng vẫn có biết bao từ ngữ tinh tế…

Thử nói riêng về những cuộc thi hoa hậu, tôi rất thích nội dung trả lời phỏng vấn của á hậu Hoàng My về cảm giác “trắng tay” sau một cuộc thi sắc đẹp quốc tế, trong đó cô có nhắc ý của Moravia: “Thành công không phải là kết quả mà là cả quá trình. Tôi chỉ muốn nói với mọi người rằng, nếu các bạn cảm thấy thực sự tôi mang đến hình ảnh một Việt Nam ấn tượng và các bạn hãnh diện vì đại diện của các bạn, nghĩa là chúng ta đã thành công rồi […]. Tôi được trải nghiệm một chuyến hành trình dài ở một miền đất mới, với những người bạn đồng hành không thể tuyệt vời hơn. Tôi được nếm trải nhiều cảm xúc mới để nhận ra nhiều hơn nữa giá trị bản thân. Tôi học được cách kiên nhẫn khi những người tập chương trình kiên nhẫn và mỉm cười với chúng tôi. Và cái được lớn nhất chính là cơ hội để Việt Nam được kết nối và tỏa sáng trước bạn bè thế giới. Nếu trải nghiệm là thứ giúp con người ta trưởng thành thì chuyến đi này mang tới cho tôi sự ấm áp kỳ lạ”. Rõ ràng những câu chữ tự tin, tươi sáng và đôn hậu này – như nụ cười đáng yêu của người nói ra nó – cho ta thêm một định nghĩa khác về thành công. Hoàng My thành công bởi cô xứng đáng đại diện Việt Nam trong thời điểm đó. Hoàng My thành công bởi cô biết mục tiêu của mình đến đâu và đã điềm tĩnh đi tới đích.  

Tôi theo dõi khá lâu vụ kiện cách đây ba năm của bô lão Nguyễn Văn Lang, bởi ông là người đầu tiên dám đi kiện… “lô cốt”, đúng hơn kiện Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM dựng rào chắn đào đường suốt nhiều năm trước nhà ông, làm ảnh hưởng công việc kinh doanh. Và hâm mộ hơn một câu nói chí lý của ông: “Dù tòa trả lời luật không quy định cơ quan quản lý phải xin lỗi, song tôi cho rằng đạo lý ở đời là cứ làm sai thì phải xin lỗi. Ngay cả đứa trẻ cũng biết đạo lý này”. Trong phiên sơ thẩm cuối năm 2012, Tòa án Nhân dân Tp.HCM đã tuyên bác yêu cầu đòi bồi thường doanh thu của ông Lang đối với Sở Giao thông Vận tải, chỉ chấp nhận bồi thường một phần chi phí sửa chữa căn nhà bị hỏng do công trình đào cống gây ra. Ông Nguyễn Văn Lang đang đề nghị phúc thẩm bản án mà theo đa số dư luận là bất công. Hiện ông chưa thắng, thậm chí sẽ lại thua vì thân phận thế cô khi – dám – đáo tụng đình; nhưng trong ý nghĩa nào đó ông đã thành công. Là công dân đầu tiên tiến hành vụ kiện chưa có tiền lệ với cơ quan nhà nước, ông đã kêu lên được tiếng nói chung của những người đồng cảnh, nhắc nhở được thế gian đạo lý vay – trả.

Người ta hay nói thành công giá trị nhất là sống được – không phải được sống – cuộc sống theo cách mình muốn. Với chiều suy nghĩ đó, tôi tin người phụ nữ viết đoạn thư này cho người đàn ông “bắt cá hai tay” đã thành công sau thời gian sụp đổ: “Anh không dứt khoát được vậy thì em dứt khoát. Em buông tay anh không phải em nhường anh cho cô ta mà vì anh không còn xứng đáng với tình yêu của em. Em sẽ mạnh mẽ bước tiếp về phía trước, em sẽ sống thật hạnh phúc, cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra”. Vậy đó, để tự tin và có được những niềm vui đằm thắm, ta hãy chúc nhau năm mới thành công từng đích nhỏ. Như em: Tránh được cái không thích. Như em: Giải quyết được những vấn đề của mình cũng là tiếp sức được cho người. Như… Như…

Bài: Việt Linh

Thực hiện: depweb

28/02/2013, 16:13