Chữ nghĩa đàn bà

Chữ nghĩa ngày xưa vốn của cánh đàn ông, đàn bà hay chữ như Hồ Xuân Hương thì thường đa đoan, bạc mệnh. Chữ nghĩa là thứ lao động khổ hạnh. Đàn ông viết văn như con trâu ì ạch với xá cày của mình quanh năm, mà chưa chắc đã nên cơm cháo.

Còn đàn bà, vốn đã phải lo từ cấy hái ngoài đồng đến chuyện quanh xó bếp, lại còn xấp ngửa với chữ nghĩa thì họa là dính án chung thân. Đàn ông có thể coi văn chương như một thứ say mê, tạo kỳ đài. Còn đàn bà viết văn xưa nay phần nhiều để trải lòng. Viết cho mình. Viết bằng thứ bản năng mách bảo thần thánh nhiều hơn là viết bằng trí khôn. Thế nên, đàn ông viết văn nhiều khi viết bằng cái thông minh lồng lộng, còn đàn bà thường viết bằng tình yêu.



"Đó là một chuyến phà qua sông Mê Kông. Tôi mười lăm tuổi rưỡi, xứ sở này không có bốn mùa, chúng tôi sống trong một mùa duy nhất, nóng nực, đơn điệu, chúng tôi sống trên một miền đất nóng nực trải dài, không có mùa xuân, không có hồi sinh"…

Duras đã mở đầu cuốn tiểu thuyết tự truyện “Người tình” của mình như thế. Một cô gái 15 tuổi và tình yêu với một công tử người Hoa. Một thứ tình yêu bất thường nhưng lại vô cùng say đắm. Ở đó, người con gái đã đi đến cùng bản năng sống và yêu của mình. Một thứ không ai dạy ai, mà nảy nở từ bên trong, phát lộ dần cùng với thứ cảm xúc kỳ lạ của con người.

Ai cũng nói, đó là mối tình rực rỡ, đẹp và buồn của chính Duras với công tử Huỳnh Thủy Lê. Và vì thế “Người tình” gợi cho người ta cái cảm giác, Duras đã lấy chính cuộc đời mình, viết từng chữ của đời mình. Và khi yêu, đàn ông và đàn bà có thể cuồng nhiệt giống nhau. Nhưng đàn ông hiếm có ai viết về những cuộc tình của mình một cách cuồng nhiệt.

Còn đàn bà, nhiều khi đó lại là cái cớ để họ cầm bút viết văn. Họ muốn lưu giữ vĩnh viễn những khoảnh khắc hạnh phúc lẫn khổ đau. Và trong tâm trí họ, đó là thứ quyến rũ nhất. Những câu chuyện tình vì thế mà ăm ắp sống động, day dứt và khắc khoải. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà những cuốn tiểu thuyết nhuốm màu tự truyện đều được viết bởi những người đàn bà. Và điểm nhấn đặc biệt của tự truyện, đó chính là tình yêu.

Như “Lê Vân – Yêu và sống”, cuốn tự truyện của một người nghệ sỹ, nhưng tình yêu vẫn là thứ mà người ta dễ đồng cảm nhất, dễ chia sẻ nhất và… văn chương nhất. Vì đó là khoảng không gian thật nhất. Và khi viết về tình yêu, mọi sự thêu dệt, dối trá sẽ rất dễ hiện hình. Thế nên, không phải quá lời khi cho rằng, tình yêu trong văn chương thường được tạo dựng bởi những người đàn bà.

Suốt hai thập kỷ qua, người ta thấy văn chương Việt Nam có dáng dấp của những người đàn bà. Họ, những người phụ nữ, viết bằng cuộc sống của họ. Tình yêu. Và những phận người. Đàn bà viết văn, giản đơn như Nguyễn Thị Thu Huệ, vũ trụ xoay quanh một chữ tình. Những dằn vặt, ngổn ngang, mất mát, đau đớn… cũng chỉ xoay quanh chuyện đàn ông và đàn bà, hôn nhân và chia cách.

Nguyễn Thị Thu Huệ viết văn khiến người ta nghĩ, chị làm công việc đó như hầu hết những công việc bình thường khác của người đàn bà, như làm mẹ của hai đứa con, đi siêu thị, nhặt rau, nấu lẩu, hoặc đơn thuần là mỗi ngày uống một ly cà phê. Và đọc những con chữ ấy lên, ai đó nói, nữ tính hiện ra trên từng dấu phẩy.

Và sự điệu đàng có chủ ý trong cách ngắt câu đột ngột, những con chữ không muốn ràng buộc nhau bởi chủ ngữ và vị ngữ. Chúng chỉ ràng buộc nhau bởi cái ý, cái tình của tác giả mà thôi.

Đàn bà viết văn như Nguyễn Ngọc Tư, như viết về một miệt đồng quấn quít. Người ta hay nói, Ngọc Tư đi theo con đường của ông Sơn Nam. Nhưng thực chất, ở họ là hai sự đối lập. Ông Sơn Nam viết về miệt đồng Nam Bộ, về hương rừng Cà Mau, đọc lên thấy một miền đất dậy hương. Còn Ngọc Tư mượn cái bối cảnh ấy, mượn sông nước cây cỏ ấy, để viết về chính lòng mình, viết về nỗi vui hay niềm đau của chính mình.

Ngọc Tư không có cái chất dư địa chí trong những trang viết. Nhưng Ngọc Tư nặng tình hơn, u hoài hơn. Bởi đơn giản chị là người phụ nữ và chị đang viết bằng nỗi u hoài của chị. Điều ấy giải thích vì sao, người ta có thể mê đắm “Cánh đồng bất tận”, nhưng đã ngần ngại với “Gió lẻ”. Vì “Cánh đồng bất tận” là cái bản năng viết mạnh mẽ đã khiến những trang viết không gò bó. Còn “Gió lẻ” đã thấy trong đó một lý trí mạnh mẽ, muốn đổi thay, nhưng sự đổi thay ấy chưa thực sự thành công…

Đàn bà viết văn, như Y Ban, cả đời sáng tác, từ truyện ngắn đầu tiên “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, đến cuốn tiểu thuyết mới nhất “Xuân Từ Chiều”, vẫn là chuyện đàn bà, yêu, ghen, giường chiếu, sinh nở, nuôi nấng con cái, chê trách đàn ông, mạnh mẽ như sư tử nhưng cũng lại yếu mềm như rong biển. Nếu gặp Y Ban ở ngoài đời, sẽ cảm thấy chị là người đàn bà nồng nhiệt.

Miệng nói, mắt cười, cũng chuyện đàn ông đàn bà, chữ nghĩa văn chương, nói một chút là má hồng rực lên, người như được ủ ấm trong một cái bếp lò mùa đông, nói chuyện say sưa không biết mệt. Thường, người ta nghĩ văn là người, với Y Ban hẳn nhiên là thế. Những thân phận đàn bà hiện ra, chỗ này hay chỗ khác, như một sự tuôn chảy từ vô thức trong tâm trí chị.

Ý thức mạnh mẽ về bản năng sống và yêu trong những phận đàn bà, các nhân vật của Y Ban, dù ngu muội cả tin hay tỉnh táo thông tuệ, dù có nhiều lần thất vọng về đàn ông (vì những người đàn ông của họ đều là những người khuyết thiếu, trong đó khuyết thiếu lớn nhất là họ không có đủ khả năng làm cho người phụ nữ sung sướng và không biết nuôi dưỡng tình yêu của mình), nhưng chưa bao giờ ngừng yêu và tỏ ra không cần có đàn ông.



Thế giới những người đàn bà của Y Ban như một cái chợ đầu mối, đủ loại, đủ màu, cái nào cũng tươi mơn mởn như rau buổi sáng mới hái, cá mới vớt dưới sông lên, thịt mới đưa từ lò mổ tới vẫn còn hơi ấm… Đủ những câu chuyện, đủ những tréo ngoe, cả những biến thái của đời sống hiện đại. Có lẽ, bản năng của người đàn bà này quá mạnh, mà những trang viết của chị cứ vận vào đời sống.

Gặp Y Ban sau cuộc sóng gió lớn trong công việc, chị vẫn cười rinh rích, chị bảo đã tha thứ cho người đàn ông có ý định làm hại chị rồi. Vì dù sao họ… cũng là đàn ông. Còn Y Ban tự mặc định rằng, đã là đàn bà thì chữ tha thứ phải dán ngay vào trán…

Đàn bà viết văn như Vi Thùy Linh, mỗi bài thơ viết ra như thể một lần vắt kiệt mình. Vi Thùy Linh cũng là một người nồng nhiệt, và bản năng mạnh mẽ phủ lên những câu thơ.

“Tự nhủ không thể yêu ai nữa
Người đàn bà sống một mình, vừa muốn quên, vừa mong ngóng
Chị cố tránh con đường xưa…
Lại đêm…
Lại đêm…
Lại một giao thừa mùa xuân hực nhựa
Để mặc những người đàn ông đến và đi, ngoài cánh cửa
Mười bảy đêm giao thừa đi qua…
Rồi lịch cũng không muốn xé
Tờ lịch lẻ loi đến đầu giường, như lá bùa sã cánh
Chị nhặt lên,
dán lại
đêm…
Lại một giao thừa nữa đi qua, bằng tốc độ bằng số năm sống của mình, bằng số tuổi khi chị gặp anh
Người đàn bà hổn hển lao về con đường bấy lâu chị tránh
Tiếng gọi cứ sôi lên không dứt
"Anh cần em, hãy trả lời anh!" – Không phải anh! Mà là người đã đứng 18 giao thừa bên cánh cửa
Vẫn đứng đúng chỗ hẹn trên con đường cũ
Thiếu phụ đưa bàn tay phải ra trước mặt
Nhìn vào đường tình duyên đầy nhánh ngang chồng chéo và đứt đoạn:
"Anh có đi hết con đường này không?".
(“Thiếu phụ và con đường”)

Vi Thùy Linh không chọn đề tài về những người đàn bà. Nhưng những tâm sự của chị trong thơ luôn là tâm sự đàn bà, những khao khát bé bỏng, những tình yêu mãnh liệt, mơ ước về những đứa con và cả những dự cảm về mất mát. Đàn bà khi làm thơ giống như một sự hành xác.

Và Vi Thùy Linh đã làm được một việc hơn nhiều người khác, là yêu tha thiết những con chữ của mình. Nói một cách khác, cái bản năng sống và yêu trỗi dậy mỗi ngày trong chị, phập phồng cùng những con chữ. Và khi chị viết ra, là viết về mình mỗi ngày, nên những con chữ luôn tha thiết quyền được yêu…

Đàn bà viết văn là những người đàn bà khổ ải. Những con chữ như một nỗi băn khoăn, như một niềm hoan lạc, nhưng cũng mang nhiều dằn vặt.

Đàn bà viết văn sẽ mang theo mình một cuộc đời thua thiệt. Vì không thể sống giản đơn, để biết chấp nhận những hạnh phúc giản đơn.

Nhưng hạnh phúc là gì? Với họ? Những người đàn bà biết bầu bạn với chính mình, bằng cách viết ra cuộc đời mình trên giấy…

Dương Bình Nguyên – Hình ảnh: Blacky

From the same category