Chúng tôi đã tìm hiểu sự việc này trên góc độ pháp luật, để phân tích về khả năng Quỳnh Chi được gặp con và có quyền nuôi con thực sự sẽ phải trải qua những bước tiếp theo như thế nào. Bài phân tích này dựa trên tư vấn của luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng Văn phòng Luật sư Interla.
Chồng Quỳnh Chi chưa hết quyền nuôi con
Đầu tiên, phải xác định, việc vợ chồng Quỳnh Chi – Trần Văn Chương kết hôn ở Cần Thơ, nhưng tiến hành các thủ tục ly hôn ở Sóc Trăng – nơi gia đình họ đang cư trú hợp pháp là hoàn toàn đúng luật. Vì vậy, kết quả Tòa án ND tỉnh Sóc Trăng đưa ra được thi hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam (căn cứ theo Điều 53 Luật Hôn nhân gia và đình năm 2014) và những đất nước Việt Nam đã ký các hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự như hôn nhân, gia đình và các hiệp định đa phương khác về các vấn đề liên quan như công nhận và thi hành bản án.
Con trai của MC Quỳnh Chi và anh Trần Văn Chương
Vợ chồng Quỳnh Chi – Trần Văn Chương có một con chung dưới 36 tháng tuổi, tại thời điểm tòa án xử lý vụ việc 12/5/2015. Tòa án ND Sóc Trăng đã tuyên cho người vợ là Quỳnh Chi – đồng thời là nguyên đơn đơn phương xin ly hôn được quyền nuôi con. Kết quả này gọi là kết luận của tòa Sơ thẩm. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày, bị đơn (chồng Quỳnh Chi) có quyền kháng cáo, nhưng anh đã không kháng cáo, đồng nghĩa kết quả Tòa án Sóc Trăng có giá trị pháp lý hợp pháp. Như vậy, kể từ ngày 12/5 tòa Sóc Trăng tuyên án, đến hết ngày 27/5 anh Trần Văn Chương không kháng cáo, quyền nuôi con hợp pháp là thuộc về Quỳnh Chi.
Nhưng cần lưu ý một chi tiết, trong trường hợp anh Chương không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày bản án được giao cho anh. Tại thời điểm này, không biết anh Chương đã nhận được bản án từ Tòa án ND tỉnh Sóc Trăng?
Tuy nhiên, khi hết thời gian kháng cáo với bản án sơ thẩm, chồng Quỳnh Chi vẫn có thể tiếp tục có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm. Đối với thủ tục giám đốc thẩm, anh Chương có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị nếu phát hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo quy định tại khoản 1- Điều 284 BLTTDS là 1 năm, kể từ ngày bán án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Như vậy anh Chương còn gần 1 năm để kiến nghị lên giám đốc thẩm.
Bên cạnh đó, anh Chương còn có quyền kháng nghị đối với thủ tục tái thẩm trong trường hợp anh phát hiện ra tình tiết mới liên quan đến vụ án (Theo quy định tại khoản 1 Điều 306 BLTTDS). Thời hạn để anh Chương thực hiện quyền này cũng là 1 năm.
Quỳnh Chi còn phải trải qua nhiều gian nan nếu muốn nuôi con
Điều đáng nói, mặc dù nguyên đơn là Quỳnh Chi được xử có quyền nuôi con hợp pháp, nhưng con chung của họ vẫn đang ở với bị đơn là chồng của cô (có thể ở ngoài lãnh thổ Việt Nam). Nếu chồng và con trai cô đang ở một đất nước khác ngoài lãnh thổ Việt Nam, bản án này thuộc về trường hợp thi hành án khi có một bên đang ở nước ngoài.
Vậy khi có bản án có hiệu lực, anh Chương vẫn không chấp hành thi hành bản án, Quỳnh Chi có quyền gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án cấp tỉnh. Đơn vị này sẽ tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp để thực hiện một số hoạt động tương trợ tư pháp phục vụ cho việc thi hành án căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 34a Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013. Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Quốc Hòe, hiện pháp luật chưa có quy định riêng về trường hợp ủy thác tư pháp trong quá trình thi hành, vì thế, việc xác định trình tự, thủ tục của hoạt động này vẫn tuân theo Luật tương trợ tư pháp 2007.
Theo đó, Quỳnh Chi chỉ được luật pháp Việt Nam hỗ trợ với các nước mà Việt Nam đã ký các hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự như hôn nhân, gia đình và các hiệp định đa phương khác về các vấn đề liên quan như công nhận và thi hành bản án. Hiện Việt Nam đã ký hiệp định này với trên 20 quốc gia như Anh, Pháp, Cu Ba, Lào, Mỹ…
Xét trong trường hợp của Quỳnh Chi, con trai cô có quyết định xuất cảnh cùng với bố ở thời gian trước 30 tháng tuổi, tại thời điểm giữa bố và mẹ của cháu vẫn là vợ chồng. Sau đó họ ly hôn và mới đây tòa án đã quyết định cho Quỳnh Chi quyền nuôi con. Trong trường hợp này, Luật sư Trương Quốc Hòe khuyên Quỳnh Chi gửi đơn đến cơ quan thi hành án để tiến hành các thủ tục để nhận lại con. Muốn các thủ tục này được tiến hành nhanh chóng, Quỳnh Chi nên liên lạc kết hợp cùng các tổ chức bảo vệ quyền bà mẹ, trẻ em trong nước và tại quốc gia – nơi con cô đang cư trú, để có sự giúp đỡ trong quá trình yêu cầu thi hành án.
Cần lưu ý, mặc dù bản án kết luận quyền nuôi con thuộc về Quỳnh Chi có hiệu lực từ ngày 27/5/2015 (sau 15 ngày bản án không bị kháng cáo bởi bị đơn), nhưng chồng Quỳnh Chi chỉ không còn quyền nuôi con khi Quỳnh Chi gửi đơn đề nghị cơ quan thi hành án thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án với anh Trần Văn Chương. Vì vậy, nếu Quỳnh Chi chưa gửi đơn đề nghị thực hiện việc thi hành án với chồng cũ, anh Chương vẫn còn quyền nuôi con hợp pháp.
Trong khi nếu Quỳnh Chi đã gửi đề nghị thi hành án lên cơ quan có thẩm quyền, anh Chương dù có quyền kháng nghị lên giám đốc thẩm và tái thẩm, nhưng chỉ khi có kết luận của các đơn vị này, anh mới có quyền nuôi con trở lại, nếu anh thắng án.
Bài: Thục Khôi
Ảnh: Đẹp, FB Nhân vật