"Choáng" với tài năng của nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình - Tạp chí Đẹp

“Choáng” với tài năng của nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình

Giải Trí

Nhạc sĩ Anh Quân giới thiệu

Chưa bao giờ tôi thấy nhạc sĩ Anh Quân lại sửng sốt và bực bội với một nhà báo đến thế, khi anh liên tục hỏi đi hỏi lại trên điện thoại: “Em không biết cậu Bình là ai ư? Em thực sự không biết một chút nào luôn ấy hả? Chưa từng nghe nói đến? Em không đùa đấy chứ?…”

Ước là Thần Đèn để “hô biến” trong âm nhạc

Những câu hỏi dồn dập làm tôi hơi hoảng và phát ngượng. Dù lỗi, có thể một phần là ở… anh Quân, vì trước đấy, khi tôi hỏi: “Anh muốn đề cử ai, trong lĩnh vực của mình?”, thì anh đáp ngay một từ gọn lỏn: “Cậu Bình”. Thế nên, tôi mới phải mắt tròn mắt dẹt hỏi anh: “Cậu Bình nào cơ?”, rồi ngay lập tức, nhận cả trận mưa câu hỏi đầy trách móc nói trên.

Chứ kể mà anh nói đầy đủ tên họ, thì chắc chắn là tôi đã nhớ ra ngay. Vì thực ra là tôi từng biết Bình. Và chắc là nhiều người vẫn còn nhớ, nếu như gắn bó với Bài hát Việt, nơi Bình từng giành cú đúp: Nhạc sĩ Ấn tượng và Nhạc sĩ trẻ triển vọng cho sáng tác “Những giấc mơ” tại đêm chung kết Bài hát Việt 2009, rồi đến tháng 8/2012, lại tiếp tục nhận giải Phối khí hiệu quả cho ca khúc “Lắng nghe” của tác giả Phạm Thanh Hà… Và Nguyễn Thanh Bình cũng là một cái tên ấn tượng tại Vietnam’s Got Talent 2013, khi một người khiếm thị mà có thể chơi được tới 15 loại nhạc cụ…

“Tôi biết Bình từ năm 2009, khi ngồi ghế giám khảo Bài hát Việt. Cảm giác đầu tiên là choáng, sau khi biết đến hoàn cảnh của Bình. Vì công việc mà Bình làm (sáng tác, hòa âm, phối khí) – một công việc liên quan rất nhiều đến công nghệ, khả năng cập nhật, trình độ thẩm âm cùng độ kiên trì…, với một người bình thường đã là vất vả, huống hồ là với một người khiếm thị. Vậy mà, bản phối của cậu lại cho thấy một tay nghề chuyên nghiệp hết sức.



Vào facebook của cậu ấy cũng vậy. Nếu như không biết trước về Bình, bạn sẽ thấy Bình không khác gì một người bình thường, cũng “chém gió” như ai và không hề sống khép kín. Về tinh thần sống, tôi nghĩ Bình còn lành lặn hơn hẳn nhiều người trong chúng ta vì tôi gần như chưa bao giờ thấy cậu ấy than vãn kêu ca một lời nào. Tràn ngập con người Bình là một thái độ sống lạc quan, yêu đời hết sức…” – Nhạc sĩ Anh Quân cảm phục.

“Thế nhưng, ngày hôm nay đây khi tôi chọn đề cử Bình, thì hoàn toàn không phải vì Bình là một người tàn tật nữa mà là trên phương diện một bạn nghề, thực sự có khả năng và hết sức đam mê với công việc. Thế nên, dù ở trong một hoàn cảnh đặc biệt nhưng Bình không bao giờ phải lo thiếu việc làm. Và lý do của những lá đơn đặt hàng’, đến từ nhiều ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp chắc chắn cũng không phải với mục đích ‘làm từ thiện’. Trong dự án dài hơi ‘Young Hit, Young Beat’ của tôi và Mỹ Linh, Bình đã góp sức rất nhiều với những bản phối hết sức ấn tượng. Bao giờ nhận bản phối từ Bình, tôi cũng thấy rất yên tâm. Có thể nói không ngoa rằng, cho đến nay, Bình hẳn hoi là một cái tên thuộc top không nhiều những nhạc sĩ hòa âm, phối khí có nghề mà không hề lép vế chút nào cả về phần sound lẫn tư duy âm nhạc…”

Hẹn gặp Bình ở quán café Highland ngay sát hông Nhà hát Lớn Hà Nội – nơi Bình hay ngồi tán chuyện với bạn bè, tưởng Bình phải có người dẫn đi, hóa ra cậu đến một mình. “Có gì đâu, em gọi cái taxi đến tận nhà, thế là xong” – Bình cười. Trông Bình thậm chí còn khá cuốn hút nữa là đằng khác: chiều cao xấp xỉ 1m80, diện đồ rất “lên”, gương mặt sáng, nụ cười duyên, giọng nói trầm ấm, câu chữ đáo để…

Bình chả lạ gì Hà Nội. Rời Quảng Ninh lên Hà Nội học từ năm 9 tuổi, học trường dành cho trẻ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, rồi năm 16 tuổi (2005) thì thi vào Nhạc viện Hà Nội, lúc đầu học đàn dân tộc, về sau chuyển qua guitare bass, với hy vọng dễ kiếm việc làm hơn. Mà đúng là dễ hơn thật: cơ hội việc làm đầu tiên Bình có chính là chơi nhạc ở Jazz Club của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Năm 2008, gia đình Bình gom góp mua được cho con một căn nhà ở gần Nhạc viện, thì hai anh em Bình (người anh theo học ĐH Bách Khoa và chính là đôi mắt của Bình) mới quyết thành lập một phòng thu riêng tại nhà để Bình đỡ vất vả đi lại. Còn giờ đây, khi những cơ hội làm nghề ngày càng một mở ra thì bọn họ lại quyết định chuyển nhà ra một nơi yên tĩnh hơn, cũng là tiện cho taxi đỗ cửa mỗi lúc đưa đón Bình. “Cái nhà bây giờ lãng mạn lắm, nhìn ra hồ, yên tĩnh kinh khủng, và cũng rộng hơn hẳn nhà cũ, rất tiện làm phòng thu…” – Bình hài lòng.

Còn nhiều điều khác để Bình hài lòng hơn thế, vì giờ đây, ngoài phòng thu riêng với những đơn đặt hàng tới tấp, anh còn có cả một ban nhạc riêng gồm 5 người (chính là ban nhạc đã chơi cho Sao Mai điểm hẹn mùa vừa qua). Là tác giả của nhiều bản phối đã góp phần làm nên thành công của những bản hit gần đây như “Tình yêu màu nắng” (Đoàn Thúy Trang), “Lạc bờ” (Mỹ Linh), “Nắm lấy tay anh” (Tuấn Hưng)…, Bình tự nhận: “Có vẻ như tôi cũng khá mát tay…”. Đã là lúc tự lo được cho bản thân mình với những nhu cầu sống khá đơn giản: thỉnh thoảng ra phố cà phê tán gẫu, và nếu may mắn hơn nữa, thì gặp được một ai đó yêu mình (trước giờ nghe đồn cũng không phải là ít). Nhưng nhu cầu làm nghề ở Bình thì không hề đơn giản, vì Bình kể, khoản chi lớn nhất của anh chính là mua sắm những nhạc cụ đắt tiền và thiết bị phòng thu…

Tên ban nhạc, đồng thời là địa chỉ e-mail của Bình, có nghĩa tiếng Việt là “Thần Đèn”, chính là tâm huyết làm nghề của anh: “Nếu được ước, tôi mong mình có thể “hô biến” trong âm nhạc, để từng bước một góp phần nâng cao gu thẩm mỹ của đại đa số công chúng nghe nhạc, bằng vào những bản phối của mình…”

Chuyên đề: New Faces, New Talents 2015
Nhà soạn nhạc người Pháp thuộc trường phái lãng mạn Hecto Berlioz (1803-1868) nổi tiếng nhờ bản “Grande Messe des morts” (Khúc cầu hồn) từng nói, “sự may mắn vì có được tài năng là không đủ; anh còn phải có tài năng tìm được may mắn”.
Rõ ràng không phải tài năng nào cũng tìm được sự may mắn. Nhưng cũng có rất nhiều người, nhờ được phát hiện, được giới thiệu bởi một tài năng đã được công nhận, họ dần dần bước ra khỏi vùng bóng tối để giới thiệu tài năng của mình đến công chúng. Được phát hiện và được công nhận, đó có lẽ là sự may mắn lớn nhất đối với bất cứ một tài năng nào. Và biết đâu sau này, chính những tài năng trẻ này lại tiếp tục phát hiện và giới thiệu những tài năng mới của thế hệ tiếp theo. Nó cũng giống như hình ảnh “pay it forward” – sự tiếp nối, sự liên tài giữa các thế hệ tài năng. 
Những gương mặt trong cụm chuyên đề “New Faces, New Talents 2015” có người đã khá nổi tiếng (như nhóm 365 và Ngô Kiến Huy); có người bắt đầu được chú ý (như Hoàng Hà và Thanh Duy sau bộ phim “Đập cánh giữa không trung”); và có những gương mặt còn rất mới mà rất có thể quý vị mới nghe lần đầu như nhạc sĩ hòa âm Nguyễn Thanh Bình, nghệ sĩ violon nhí Quang Tiến và chàng nhân viên ngân hàng đi đóng phim Lê Công Hoàng. Và hầu như tất cả họ đều là những tài năng được phát hiện (hoặc tái phát hiện) bởi những người thầy, những người đào tạo và hướng dẫn họ – những tên tuổi đã được “bảo chứng” như nghệ sĩ violon Bùi Công Duy; đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Quang Dũng; nhạc sĩ Anh Quân; nghệ sĩ giải trí đa năng Ngô Thanh Vân. Trong chuyên đề này, chính những người thầy, những người đồng nghiệp lớn này sẽ giới thiệu và chia sẻ về họ. 

Bài cùng chuyên đề:

Text: Thư Quỳnh

Photo: Thai Pham

Thực hiện: depweb

04/02/2015, 14:17