Chiếc hộp đã đầy - Tạp chí Đẹp

Chiếc hộp đã đầy

Sống

1. Cả chung cư ai cũng gọi cô gái là “con bé”, bởi khi cùng ba mẹ dọn về đây nó mới lên sáu. Bây giờ “con bé” đã hai mươi mốt tuổi. Với bằng ấy số tháng gia đình cô gái sống ở đây, lối xóm đã nghe bằng ấy những trận chửi con vang động khu phố của bà mẹ, nhất là khi nhà có thêm đứa con mà mẹ cô rất cưng yêu. Mới hôm kia cô gái than thở với cụ hàng xóm “Chắc con đi nữa bà ơi…”. Đi nữa, bởi cách đây ba năm, cô đã một lần bỏ đi do không chịu nổi những cú chửi vang động: “Biết vậy hồi mới sanh tao bóp mũi mày chết cho rồi!”, “Tao thật vô phúc mới đẻ ra mày!”, “Cái thứ như mày có ma nó rước!”…

Chị công tác xa lâu lâu về căn hộ một lần, vậy nhưng mỗi khi về là có dịp nghe tiếng la lanh lảnh của mẹ cô gái. Một lần không kềm được bất mãn, chị nói với ông bố cũng lâu lâu mới về nhà như chị, rằng nên khuyên vợ đừng gây ồn lối xóm. Chị không dám nói khuyên vợ đừng chửi con vì sợ mang tiếng can thiệp chuyện riêng. Ông bố ngơ ngác. Hóa ra những vang động chỉ xảy ra những lúc anh đi vắng! Từ đó chị đành im lặng cho đến lúc nghe tin cô gái bỏ đi. Nghe nói “nhờ” lần con bỏ đi mà cha biết con tổn thương. Cũng nghe nói “nhờ” lần con bỏ đi mà mẹ bớt la mắng con hơn. Nhưng chỉ được vài tháng lại như cũ. Giờ mỗi khi có cuộc la mà không nghe tiếng đứa con cãi lại, chị bỗng nhớ, ám ảnh câu nói của đứa con với cụ láng giềng…

2. Trong nhiều điều đáng nhớ, chị nhớ bức ảnh hai cha con ôm nhau khóc trên báo Tuổi Trẻ năm ngoái. Bài báo kể cuối năm học 2010-2011, như thông lệ, trường Trung học phổ thông Nhân Văn, quận Tân Phú, Tp.HCM khuyến khích học sinh lớp 12 viết lên suy nghĩ tri ân những người yêu kính. Và lá thư viết tay của cô học sinh quê Bình Phước Lê Thị Như Ngọc đã khiến hiệu trưởng bàng hoàng. Đây là đoạn trích của lá thư nhiều trang:

“… Khi về nhà con khoe với ba những tờ giấy khen, những chiếc cúp thủy tinh mà con đã dồn bao công sức mới có được, chỉ mong nhận được ở ba một lời khen dù ngắn nhất, vậy mà con cũng không có được… Đã nhiều lần con viết thư nói lên tâm sự của mình cho ba nghe nhưng rồi lại thôi không gửi, con đem cất vào trong hộp. Nay cái hộp đó đã đầy rồi ba ạ. Vậy mà ba có bao giờ chịu hiểu con chưa ba? Từ khi gia đình mình tan vỡ, chắc chưa lần nào con làm ba buồn phải không? Con nhớ có lần, vì quá áp lực nên con đã nghĩ dại mà đi tự tử. Con còn nhớ rất rõ lúc nằm súc ruột, con nắm rất chặt tay ba. Lúc đó, ba biết con đau lắm không? Sao phải đến lúc giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, con mới được ba nắm lấy bàn tay…?”.

Đọc xong thư của Ngọc, cô hiệu trưởng đã mời ba em đến trường, trao lá thư cho ông xem; cùng lúc xin Ngọc đưa bài viết của em giới thiệu trong buổi lễ tri ân. Nhà trường cũng mời ba Ngọc đến Tp.HCM dự lễ, sau khi ông đồng ý cho con công bố lá thư. Trong clip ghi hình buổi lễ, Ngọc đã đọc thư mình trong nước mắt. Con chưa đọc xong, cha mắt hoe đỏ đã bước lên sân khấu, ôm con thổn thức: “Ba hiểu rồi”. Thực ra người cha đã hiểu từ sau hôm con tự sát. “Đó là sai lầm lớn nhất đời tôi. Tôi đã đi quá giới hạn của sự nghiêm khắc. Tôi bị áp lực vì đặt tất cả kỳ vọng vào con (…). Khi cháu khoe giấy khen học sinh giỏi, tôi vui lắm. Nhưng tôi chỉ khoe với bạn bè, người thân…”. Tâm sự với nhà báo, ông nói ông sẽ giữ bài văn của con gái suốt đời. Và rằng buổi lễ tri ân “là buổi xúc động nhất đời tôi”.

Hè năm ngoái, sau cái chết tức tưởi của một nữ sinh bị ghép ảnh tung lên facebook, một tờ báo mở diễn đàn trao đổi “Kỹ năng vượt khủng hoảng”, nhằm đi tìm giải pháp tránh vấn nạn tương tự. Tham gia diễn đàn có lá thư của một nữ sinh (trích):

Ba mẹ thân yêu,

Tối nay trong bữa cơm, con nghe ba mẹ nhắc đến chuyện chị học sinh lớp 12 vì bị trêu đùa trên Facebook mà uống thuốc diệt cỏ tự tử, ra đi trong đau đớn, ngay trước kì thi đại học. Nghe tin con đã rùng mình. Con hình dung đến nỗi lo sợ, cô đơn cùng cực và nỗi bế tắc, hoảng loạn của chị ấy khi đứng trước mũi châm chọc ác ý của bạn bè, hoàn toàn chẳng biết bấu víu vào đâu. Con nghe tiếng mẹ bảo “Chuyện có vậy mà cũng tự tử, dại dột quá!”. Con giật mình, cặm cụi ăn, bỏ hẳn ý định góp chuyện với ba mẹ. Ba mẹ có biết không, con gái ba mẹ thời gian này lúc nào cũng quanh quẩn ý nghĩ dại dột ấy.
(…)

Con đã rớt nước mắt khi nhìn thấy ảnh của ba mẹ người chị xấu số mà con không quen, những gương mặt thẫn thờ vì đau đớn xót xa. Con chợt nghĩ đến ba mẹ và thương ba mẹ nhiều lắm (…). Con ước sao một ngày nào đó con có thể thổ lộ hết với ba mẹ những điều con lo sợ, để bất cứ khi nào cảm thấy bất an, con cũng có thể sà vào vòng tay ba mẹ, được ba mẹ chở che, bảo vệ như ngày thơ ấu, được ba mẹ chỉ cho con nên làm gì bằng sự cảm thông chứ không phải trách cứ của người trên.

Một chiếc hộp khác đang đầy…

Bài: Việt Linh

logo

Thực hiện: depweb

15/11/2014, 11:16