Chef Tuấn Hải: Vì nghề, phải hy sinh chuyện riêng

– Tìm thông tin về anh trên internet, tôi thấy anh thích trích dẫn “Đằng sau tất cả những món ăn là những cảm nhận, niềm đam mê, và sự nhiệt huyết của một đầu bếp. Và một đầu bếp giỏi là người luôn biết cách đem đến những thông điệp cảm xúc ấy cho người thưởng thức.” Anh có thể nói lại với độc giả của tôi rằng anh đã làm được điều này như thế nào?

– Đơn giản là mỗi món ăn tôi thực hiện đều có nét riêng của mình, và tôi luôn hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu, thỏa mãn những mong muốn của thực khách khi họ đến với nhà hàng của mình.

Đầu bếp Phạm Tuấn Hải 

– Món ăn gắn liền với khẩu vị, mà khẩu vị lại gắn liền với ký ức và kinh nghiệm cá nhân, do đó, rất chủ quan. Theo anh, thế nào là một món ăn ngon?

– Thế nào là một món ăn ngon? Khái niệm này rất trừu tượng, vì một món ăn ngon hay không phụ thuộc vào khẩu vị và cảm nhận của mỗi người thưởng thức. Thế nhưng, nếu chúng ta nấu đúng phong cách và không quá xa lạ với khách hàng thì sẽ chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ.

– Món ăn Việt được đánh giá rằng ngon và nổi bật, nhưng có ý kiến cho rằng cách trang trí món Việt hơi lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Anh có đồng ý như vậy không?

– Tôi cho rằng chúng ta chưa có sự sắp đặt, trình bày một cách rõ ràng. Nói đúng hơn là món Việt cần có cách trang trí riêng của mình. 

– Nói về trang trí món ăn, dường như ở thế kỷ này, biên giới giữa ẩm thực và nghệ thuật đã không còn. Thậm chí, theo như tôi đọc trên báo, một trường về mỹ thuật ở Paris đã mời các đầu bếp có tiếng trên thế giới tạo ra những tác phẩm. Đầu bếp Ferran Adria còn được coi là Salvador Dali của nghề bếp. Bản thân anh có đặc biệt quan tâm tới trang trí món ăn? Và anh lựa chọn phong cách nào?
 
– Tôi rất quan tâm đến cách trang trí món ăn. Cách tạo hình món ăn sẽ tạo nên phong cách riêng của người nấu. Với một món ăn, hình thức trang trí chiếm khoảng 15% nhưng lại rất quan trọng vì nó chính là ấn tượng và sự cảm nhận đầu tiên của thực khách về món ăn đó.
 
Nói về phong cách, tôi chọn sự hiện đại. Đó chính là việc sử dụng chính nguyên liệu nấu để trang trí, không quá màu mè và phải cân đối với tổng thể món ăn, với nguyên liệu chính, cân đối với dụng cụ dùng món ăn và tất cả những nguyên liệu trang trí phải ăn được, phải tạo nên sự hài hòa về vị trong toàn bộ món ăn.

– Các đầu bếp thường rất khó tính với chính bản thân, nhưng sau khi đã rất khắt khe với mình rồi, điều anh muốn ở thực khách là gì?

– Chính là hãy thưởng thức một cách trọn vẹn các món ăn của mình và cho ý kiến về món ăn đó. 

– Khi xem chương trình Master Chef của Mỹ, tôi thấy mỗi đầu bếp lại coi trọng một (số) ưu điểm ở các thí sinh. Còn anh, anh coi trọng điều gì nhất ở họ, và những đầu bếp khác?
 
– Với tôi, nghề đầu bếp luôn cần sự sáng tạo, nhưng dù bạn sáng tạo thế nào thì vẫn phải giữ được bản chất của món ăn đó. Khi đầu bếp chế biến một món ăn của vùng miền hoặc nước nào thì cần giữ được hương vị và phong cách của nước đó. Ví dụ món Pháp thì cần nhẹ nhàng, tinh tế. Món Thái thì luôn giữ vị cay và chua. Còn sáng tạo chính là sự hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, kết hợp nguyên liệu có sẵn mà không làm thay đổi vị của món ăn.

– Tôi có một thắc mắc nhỏ và riêng tư là giữ được hạnh phúc khi cứ phải ra khỏi nhà vào giờ mà các gia đình khác đang quây quần bên bàn ăn có phải là thử thách với anh?

– Đây quả thật là điều rất khó khăn cho những ai làm nghề bếp nói chung. Cũng vì đặc thù của công việc mà đôi khi họ phải hi sinh cả chuyện riêng của gia đình, và tôi không phải là trường hợp ngoại lệ.

– Đầu bếp là nghề vừa nhọc nhằn vừa khó thành danh. Vậy mà anh chẳng bao giờ nói về chuyện đó với báo giới, và với cả những người, biết đâu, muốn theo nghề đầu bếp. Vì sao?
– Đam mê, hi sinh và chăm chỉ chính là những yếu tố mà bất cứ ai muốn theo nghề bếp phải hiểu rõ. Nếu không thì bạn sẽ mãi chỉ là một người biết nấu ăn đơn thuần mà thôi.

Điều khó khăn và thách thức đối với đầu bếp Việt Nam để theo đuổi nghề này chính là bản thân mình. Hiện nay, phần lớn các đầu bếp trẻ đến với nghề như một chuyện vô tình, hay vì vui mà đến, có bạn thì để lấp chỗ trống thời gian. Chính vì vậy, khi gặp phải những khó khăn như phải làm việc suốt 12 giờ một ngày, ăn uống không đúng giờ, bị khách chê món ăn của mình, hay đơn giản chỉ là bị sếp la mắng… thì các bạn lại nản và bắt đầu suy nghĩ bỏ cuộc. Hay có một số đầu bếp trẻ mới làm, làm được một thời gian ngắn thì cho mình đầy đủ kiến thức, chủ quan và kiến thức ngày một mất đi.

 

Để theo đuổi nghề này thì cái “tôi” phải bỏ đi, luôn xem mình “là một người bình thường”, luôn nghiêm khắc với bản thân mình, phải chịu khó học hỏi, nghiên cứu và lắng nghe những phản ứng của khách hàng và của những người xung quanh mình. Phải tích lũy kiến thức và biến những kiến thức đó thành những món ăn mang phong cách đặc trưng của mình. 

Ví dụ như chính bản thân tôi, cho đến hôm nay nhiều người bạn đầu bếp cũng không biết rõ tôi làm công việc gì. Tôi đi dạy, mở nhà hàng, nghiên cứu sản phẩm gia vị, làm giám khảo, lên truyền hình …  Có một số người còn nói tôi không biết nấu, nhưng tôi vẫn luôn tự hào về công việc của mình và tôi vẫn vào bếp mỗi ngày để thực hiện những món ăn mới.

 Điều tôi thấy vui và tự hào nhất là tôi biết lựa chọn và sáng tạo ra những món ăn mới, sau đó đặt chúng đúng vào những nhà hàng khác nhau để các món ăn đó phát huy hết “năng suất” của mình.

– Cũng giống như nhiều ngành khác, ẩm thực Việt thiếu những người viết phê bình chất lượng. Thời buổi này cũng thiếu những người kĩ lưỡng và tinh tế như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân… Món ăn ngon không được giới thiệu và quảng bá một cách xứng đáng, anh có thấy chạnh lòng?
 

– Người phê bình ẩm thực phải là một người có kiến thức chuyên sâu về văn hóa ẩm thực, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa ẩm thực. Điều quan trọng là họ phải hiểu nhiều loại mô hình nhà hàng, nhiều loại khách hàng khác nhau để đưa ra những lời nhận xét trung thực và chính xác nhất. Khi họ nói về một món ăn thì nhiều người sẽ đọc và đánh giá về món ăn đó. Sức ảnh hưởng của những lời nhận xét này là rất lớn. Chính vì vậy, tôi rất mong những người thực hiện công việc này phải rất công tâm, phải có sự tìm hiểu kỹ càng khi đưa ra lời bình phẩm. Tôi tin trong tương lai gần sẽ có một người hoặc một nhóm người làm việc này.

– Cảm ơn những chia sẻ của đầu bếp Tuấn Hải!

Hoa Đường (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo 

>>> Có thể bạn quan tâm: “Chúng tôi đã mất mát nhiều sức lực, tiền bạc, tuổi trẻ mà không mang về nhà được gì ngoài tiếng vỗ tay hò reo đọng lại chút ít trong những giấc ngủ mê… Đây là một thực tế.” – nhạc sĩ Trần Lập, tổng đạo diễn của Rock Concert “Battleship” 2014 chia sẻ với Đẹp Online những khó khăn trước khi chương trình bắt đầu.

 


From the same category