Chẳng có gì tự hào khi là người đồng tính - Tạp chí Đẹp

Chẳng có gì tự hào khi là người đồng tính

Review


Trước khi bàn tới chuyện những người LGBT* và xã hội đang đòi hỏi được tôn trọng sự khác biệt, được sống hạnh phúc với chính con người của mình hay vận động pháp luật và xã hội công nhận lại giới tính và hôn nhân đồng tính, chùm bài “LGBT: Là chính mình” của Đẹp Online xin gửi tới độc giả 3 góc nhìn, 3 cuộc trao đổi với chính những người trong cuộc, để có cái nhìn chân thực hơn về bản thân họ.

Các bài viết trong chuyên đề:

Chẳng có gì tự hào khi là người đồng tính

Jerry Minh Ngọc: Ý trời muốn chúng ta phải mạnh mẽ hơn

John Badalu: Khó khăn nhất là tìm sự yên bình ở bên trong mình  

Tổ chức: Đinh Phương Linh             

Nhiều ngày nay, tôi thấy các bạn trẻ hay dùng cụm từ “tự hào đồng tính” để nói về vấn đề này tại Việt Nam. Họ đi đâu cũng nói bản thân tự hào khi là người đồng tính, họ có quyền nói điều đó, nhưng thú thật, tôi thấy chả có gì tự hào khi bản thân mình là đồng tính.

đồng tính

Như đã nói từ rất rất lâu về trước, người ta đã công nhận rằng đồng tính không phải một bệnh lý có thể điều trị. Nó đơn thuần là một xu hướng tính dục, như đàn ông thích đàn bà, đàn bà thích đàn ông. Nếu nói cách khác, nó cũng thuộc về phạm trù giới tính như đàn ông, đàn bà. Vậy thử hỏi, có ai đi tự hào rằng mình là đàn ông, là đàn bà không? Thứ chúng ta nên tự hào là những thành quả bản thân đạt được, những đóng góp cho xã hội, hay chí ít, là cho gia đình. Chứ đi tự hào về giới tính, tôi thấy nó… hơi buồn cười.

Có đợt, một loạt bài báo tôi thấy đưa thông tin về thành tựu của những người đồng tính, với cái cách đăng tin rất hớn hở, kiểu như “dù là đồng tính nhưng anh A, chị B vẫn làm được cái này, cái kia…” Những bài báo đó, ngoài mặt như đang cổ vũ, thể hiện sự bình đẳng, nhân sinh quan các kiểu, nhưng thực chất, tôi thấy chúng như đang tát mấy bạt tay vào mặt, đau lắm. Đồng tính thì không có được quyền thành công trong cuộc sống à? Từ chính cách đặt vấn đề của những bài viết kiểu như vậy đã bao hàm ý nghĩa coi thường người đồng tính, chẳng qua, họ khéo đặt nó dưới cái lớp vỏ nhân đạo nên người ta nhìn vào khó thấy.

Giống tôi nói thế này “dù khuyết tật, nhưng bạn học sinh vẫn học giỏi”, vậy với kiểu nói chuyện của bài viết đó, thì khác nào đồng tính là một khiếm khuyết, rào cản và người ta đã vượt qua nó để thành công? Người đồng tính chúng tôi, cần sự hiểu biết đúng đắn về mình, chứ không cần sự bố thí lòng thương hại.

Tôi có một người anh, đang làm tới giám đốc sáng tạo của một công ty truyền thông, cũng như có việc kinh doanh riêng. Anh thường im lặng, ít lên tiếng về cuộc sống của mình, dù rằng anh không giấu diếm xu hướng tính dục. Tất cả người thân, hàng xóm, hay bà con cô bác, đều biết đến việc anh là người đồng tính. Có lần, một tổ chức nào đấy đến xin phỏng vấn, anh lắc đầu từ chối, vì bởi lẽ, anh thấy bản thân là đồng tính đâu có gì đáng để đi kể hay khoe. Và đó là một người tôi khâm phục.

 

Một điểm thứ hai, tôi thấy các bạn đồng tính hiện nay đang cố làm một việc, đó là bắt buộc người ta phải thích mình trong khi họ chẳng hiểu biết hết về bạn.

Yêu thích hay ghét bỏ một thứ gì, đó còn tùy vào thói quen và những trải nghiệm, hiểu biết của một cá nhân cụ thể về vấn đề đó. Ví dụ như, ai cũng biết rằng ăn cá là tốt, nhưng cũng có người không ăn được cá vì chịu không nổi mùi tanh. Vậy khi bạn càng ép họ ăn cá, càng ra rả bên tai họ rằng cá ngon lắm, cá tốt lắm, sẽ càng làm họ khó chịu hơn. Những người có thái độ tiêu cực về đồng tính, bản thân họ chưa chắc thật lòng ghét, nhưng thử hỏi, khi ngày ngày đọc báo chí, thấy những tin tức về đồng tính đâm chết bạn tình do ghen tuông, rồi giết người cướp của, hay khi ra đường, chứng kiến những bạn nam mặc quần xanh, áo vàng, dây nịt hồng, ăn nói õng ẹo, lớn tiếng chọc ghẹo mọi người… với những thứ được chứng kiến như vậy, khó trách họ có thái độ chưa cởi mở đủ với người đồng tính.

Cách đây chưa lâu, một thạc sĩ phát biểu rằng đồng tính là bệnh. Tôi không quan tâm lắm đến bài phát biểu này, vì nghe qua đã biết cô ta thiếu kiến thức và cố chấp, nhưng những người bạn tôi biết thì phản ứng dữ dội. Họ dùng những từ ngữ khiếm nhã để bài xích, chửi bới, rồi đăng lại những ý kiến phản bác với giọng điệu hả hê hết sức. Rồi thì sao nhỉ? Cái cô thạc sĩ đó vẫn thế thôi, thậm chí là ghét những người đồng tính hơn vì họ đã xúc phạm đến mình. Và câu chuyện cứ thế mà tiếp diễn, những ai ghét tiếp tục ghét và những ai chửi rủa vẫn tiếp tục chửi rủa. Và ngẫm thử đi, hình như chưa ai có thể thay đổi suy nghĩ của người khác bằng cách chửi rủa họ.

Một trong những biểu ngữ người đồng tính dùng gần đây, tôi thấy có câu “tôn trọng sự đa dạng”, điều này tôi đồng ý vì chính sự đa dạng làm nên thế giới đầy màu sắc như hiện nay. Nhưng thiết nghĩ, sự đa dạng trong sở thích của mỗi người cũng là một sự đa dạng cần được tôn trọng. Mà nói thật, với những việc hiển nhiên ai ai cũng hiểu mà còn nhiều tranh cãi xung quanh, thì với vấn đề còn chưa được hiểu biết tường tận như đồng tính thì chuyện người ta còn tranh cãi là bình thường.

Với lại, một số bạn đồng tính trẻ tôi biết, đang có xu hướng “đồng tính hóa” thế giới xung quanh họ. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng được biết dân số đồng tính của thế giới vào khoảng 6% – 10%, dao động thay đổi theo từng vùng miền. Có thể, ở những nơi đông dân cư và có nhịp sống hiện đại, sôi nổi hơn như Sài Gòn, thì số người đồng tính ở đây sẽ nhiều hơn những vùng hẻo lánh khác. Nhưng, không có nghĩa là tất cả mọi người đều là đồng tính.

Mà đặc biệt, khi vào một nơi nào đó, có xuất hiện một cậu trai ăn mặc đẹp, trải chuốt, thì những bạn đồng tính của tôi 
bắt đầu tròn mắt nhìn, rồi hỏi nhau: “Ê mày, thằng đó có phải gay không?”. Thường tôi im lặng, nếu hỏi dồn tôi chỉ trả lời: “Có gay hay không đâu ảnh hưởng đến mày.” Thử nghĩ xem, nếu bạn bước vào một quán ăn, thực khách xung quanh cứ nhìn bạn, chỉ trỏ “thằng đó có phải gay không?” liệu bạn có vui vẻ, hài lòng không? Chúng ta yêu cầu người khác tôn trọng tính dục của mình, nhưng lại đi săm soi về tính dục của những người khác, thật bất công cho họ.

 

Hôm trước, có cậu em vào bảo tôi đổi ảnh đại diện trang Facebook thành hình trái tim bảy màu, thêm dấu bằng cùng dòng chữ “Tôi đồng ý”, mục đích ủng hộ cho hôn nhân đồng tính gì đó. Tôi từ chối, vì tiêu chí bản thân thì ảnh đại diện luôn là mặt mình. Cậu em nói vài câu trách móc, viết hẳn một status về tôi, thất vọng khi một người đồng tính lại không ủng hộ cho phong trào này. Tôi chỉ cười, thấy làm biếng trả lời. Trước đó, tôi cũng có share một cái link trên Tacebook về phong trào đó, ghi rõ là “cho những ai quan tâm”, vì tôi chưa đọc cũng không quan tâm đến chuyện này lắm. Đời tôi, thú thật đặt gia đình lên đầu, xong tới sự nghiệp bản thân, còn chuyện tình cảm, không quan trọng. Yêu thì ở với nhau, hết yêu thì chia tay, trái tim mới giữ được người, chứ còn tờ giấy đăng ký, xé đi thì coi như hết.

Cuối cùng thì người ta sẽ vẫn kêu gọi, ai quan tâm sẽ quan tâm, ai bài xích cũng tiếp tục bài xích. Người đồng tính có được kết hôn hay không, còn là câu hỏi phía trước, nhưng có một điều mọi người nên nhớ: dù có là đồng tính hay không, cũng sống và nên tự hào với cách sống không hổ thẹn với đạo đức, lương tâm, chứ bản thân giới tính của mỗi người, không có gì là đáng để tự hào.

*LGBT: là viết tắt chỉ nhóm người đồng tính nữ (Lesbians), đồng tính nam (Gays), song tính (Bisexuals) và chuyển giới tính (Transgender)

Bài: Thụy Ân

“Trước giờ cũng đâu ai cấm được người đồng tính sống chung với nhau. Không lẽ cứ hai trai, hai gái cùng thuê phòng trọ là vi phạm pháp luật? Muốn sống với ai là quyền tự do của mỗi cá nhân và pháp luật không có quyền cho phép hay không” – tác giả trẻ đồng tính Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ sau khi nghe tin: kể từ ngày 12/11/2013, tất cả những cặp đôi đồng tính đều được pháp luật cho phép tổ chức đám cưới và sống chung như vợ chồng.


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

25/10/2013, 16:59