John Badalu: Khó khăn nhất là tìm sự yên bình ở bên trong mình - Tạp chí Đẹp

John Badalu: Khó khăn nhất là tìm sự yên bình ở bên trong mình

Sao


Trước khi bàn tới chuyện những người LGBT* và xã hội đang đòi hỏi được tôn trọng sự khác biệt, được sống hạnh phúc với chính con người của mình hay vận động pháp luật và xã hội công nhận lại giới tính và hôn nhân đồng tính, chùm bài “LGBT: Là chính mình” của Đẹp Online xin gửi tới độc giả 3 góc nhìn, 3 cuộc trao đổi với chính những người trong cuộc, để có cái nhìn chân thực hơn về bản thân họ.

Các bài viết trong chuyên đề:

Chẳng có gì tự hào khi là người đồng tính

Jerry Minh Ngọc: Ý trời muốn chúng ta phải mạnh mẽ hơn

John Badalu: Khó khăn nhất là tìm sự yên bình ở bên trong mình  

Tổ chức: Đinh Phương Linh             

Không ai có thể khiến chúng tôi ngừng đấu tranh 

– Hãy nói cho tôi lý do để anh trở thành một người nhà hoạt động, đấu tranh đòi quyền lợi cho những người LGBT.

Tôi là một người LGBT. Chúng tôi muốn mọi người được thấy các vấn đề của mình, muốn cuộc sống của mình được thể hiện trên màn ảnh.

Ở Indonesia, không thể chiếu được những bộ phim này ở ngoài rạp, nên chúng tôi phải tổ chức các festival.

Nhà sản xuất John Badalu 

– Tại sao các bộ phim về LGBT của anh lại không thể được ra rạp, nó nói về chuyện gì?

– Chúng tôi cũng phải chịu kiểm duyệt trước khi bộ phim được ra rạp, và các bộ phim của tôi chưa bao giờ vượt qua được vòng này. Tất cả những chuyện về người đồng tính đều không được kể ở ngoài rạp, dù đó là những câu chuyện đời thường và riêng tư. Đó là những câu chuyện cá nhân, nhưng nó lại chống lại tôn giáo.

– Hãy nói cho tôi biết thêm về môi trường xã hội dành cho những người LGBT ở đất nước của anh được không?

John Badalu là một nhà hoạt động LGBT* của Indonesia. Anh đồng thời là đạo diễn của Jakarta’s Q-Fest (một liên hoan phim được tổ chức thường niên dành cho những người đồng tính) trong suốt 6 năm qua. Ngoài ra, John là đại diện của LHP Berlin, LHP Quốc tế Thượng Hải tại khu vực đông Nam Á và từng là giám khảo của LHP Berlin, LHP Pusan và LHP Quốc tế Bangkok.

John Badalu đồng sản xuất ba bộ phim, trong đó có “Parts of the Heart” (2012), một bộ phim có 8 phần kể về những trải nghiệm của một người đồng tính nam, từ khi 10 tới 40 tuổi, về chuyện những cuộc tình đã giúp hình thành nên con người anh hiện tại như thế nào.


– Không có luật nào chống lại chúng tôi cả. Chúng tôi không bị phạt, hay phải vào tù vì là những người LGBT. Nhưng có rất nhiều người bận tâm về đời sống riêng tư của chúng tôi. Và những người LGBT cũng không chấp nhận được chính bản thân họ. Họ sợ gia đình, bạn bè biết sự thật về mình.

Đó là nỗi sợ về chính bản thân mình nhiều hơn, và còn cả sức ép từ tôn giáo nữa. Ở Indonesia, 80% dân số theo đạo Hồi, và họ không chấp nhận những người LGBT. Vì thế, những người LGBT theo đạo Hồi càng khó chấp nhận bản thân họ hơn.

– Như vậy, anh phải rất can đảm để trở thành một nhà hoạt động trong lĩnh vực này?

–  Cảm ơn bạn đã khen. Tôi ổn, chẳng ai làm gì được tôi. Tôi làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, những người trong môi trường của tôi rất hiện đại, rất cởi mở, họ không ghét những người LGBT. Nhưng nếu tôi làm việc trong ngân hàng, hay trong các công ty thì mọi chuyện khó khăn hơn.

Tôi đoán là mọi thứ đều khó khăn với những người đấu tranh cho giới LGBT. Khi bạn bắt đầu trở thành một nhà hoạt động, khi bạn tiến thêm được một bước mới, bạn đòi được nhiều quyền lợi hơn cho giới của mình… thì các rắc rối bắt đầu tới.  Ví dụ như khi chúng tôi bắt đầu tổ chức festival này, có rất nhiều người đã tổ chức biểu tình chống lại chúng tôi, nhất là những người thuộc các tổ chức tôn giáo. Những người bảo thủ cũng biểu tình nhiều, nhưng họ không khiến chúng tôi ngừng lại được, vì chúng tôi không làm gì sai luật. Và sẽ không ai ngăn chúng tôi được, không ai cả.

Một cảnh trong phim “Parts of the Heart”

–    Thế còn những khán giả của anh thì sao?

–    Festival này đã được tổ chức 12 năm rồi. Từ những năm đầu tiên cho tới năm thứ 4, có nhiều người dị tính tới xem các bộ phim của chúng tôi hơn là những người LGBT, vì  những người LGBT quá sợ hãi để tới. Nếu họ tới, họ lo sợ rằng họ sẽ bị phát hiện ra giới tính của mình.

Thời gian đầu, nhiều người dị tính tới để xem phim, vì họ tò mò về đời sống của chúng tôi, và cả những sinh viên điện ảnh, các nhà phê bình… Sau vài năm, những người LGBT tới nhiều hơn, và bây giờ thì khán giả chủ yếu của chúng tôi là những người này.

–    Sự thay đổi của họ trong cái nhìn, cảm xúc và suy nghĩ về bản thân họ có phải một phần tới từ các bộ phim ở festival?

–    Tôi đoán là vì chúng tôi không bao giờ dừng lại, bất chấp các cuộc biểu tình, bất chấp sự phản đối, nên họ cũng muốn ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi cũng hợp tác với các hãng truyền thông dòng chính nên có nhiều người biết tới chúng tôi.

Bây giờ, festival của chúng tôi giống như một sân chơi, một nơi gặp gỡ với những người LGBT. Ở Jakarta, những người LGBT tụ tập với nhau thành những nhóm nhỏ, những người giàu chơi với nhau, và dân lao động tự nhóm họp lại. Festival là nơi duy nhất tất cả mọi người LGBT đều tới và gặp gỡ nhau, và hiểu biết nhau. Đây là cảm giác rất tuyệt, đây là nơi tôi bắt đầu biết về những người khác ngoài nhóm của mình, một nơi có cảm giác là gia đình.

Người trẻ Việt đã muốn chấp nhận sự khác biệt ở người khác

–    Anh có nhận xét gì về những bước tiến trong việc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho những người LGBT ở Việt Nam không?

–    Tôi không biết gì nhiều về những người LGBT Việt Nam, tôi chỉ đọc qua báo chí, nhưng tôi nghĩ họ đang tiến những bước rất nhanh. Chỉ trong vài năm, đột nhiên các bạn nhìn thấy người LGBT ở nơi công cộng rất nhiều, cả ở truyền hình, báo chí nữa. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi đoán là những người trẻ luôn muốn được chấp nhận và muốn chấp nhận sự khác biệt.

Một cảnh trong phim “Parts of the Heart”

–    Anh có biết rằng ở Việt Nam, gần đây, những người LGBT ở Việt Nam rất vui mừng vì việc họ tổ chức đám cưới đã được loại ra khỏi những điều cấm trong luật?

–    Ở Indonesia, đám cưới đồng tính cũng không phải là một vấn đề, nhưng công nhận kết hôn đồng tính thì chưa. Ở nước tôi, chúng tôi không muốn tổ chức đám cưới để ăn mừng, chúng tôi chỉ đơn giản là sống cùng nhau. Tôi đoán là do mối quan hệ của những người LGBT khá mong manh, và họ không bao giờ biết nó sẽ kết thúc lúc nào. Họ không muốn tổ chức đám cưới, rồi chừng hai năm sau lại chia tay nhau. Có lẽ lý do là vì kinh tế và vì sự ngượng ngùng nữa, họ không thể nói rằng tôi sẽ yêu anh mãi mãi rồi sau đó lại đường ai nấy đi.

–    Có phải các mối quan hệ của người thuộc giới LGBT thường rất mong manh không?

–    Không phải đâu, các mối quan hệ bây giờ đều không dài lâu. Tất cả đều giống nhau giữa người đồng tính và dị tính thôi. Mọi người đều cô đơn, đều tìm kiếm một ai đó, rồi ngay khi họ tìm thấy, họ muốn nhảy ngay vào cuộc phiêu lưu mà không hiểu rõ nhau. Khi bắt đầu sống cùng nhau, bắt đầu hiểu nhau, người ta mới nhận ra rằng đây không phải là người họ tìm kiếm, và họ chia tay nhau.

–    Anh đã có những thành công trong việc đấu tranh đòi bình quyền cho giới của mình. Anh có thể chia sẻ với tôi một vài lời khuyên dành cho các nhà hoạt động LGBT ở Việt Nam?

–    Điều quan trọng trước nhất và đầu tiên là các bạn phải chấp nhận bản thân mình, chấp nhận một cách hoàn toàn. Rất nhiều người vẫn cảm thấy căm ghét chính mình. Hãy hài lòng với việc là người LGBT, và không cần phải sống hai cuộc sống.

Nhiều người giả vờ là dị tính tại nơi làm việc, nơi công cộng. Tôi nghĩ, hãy thể hiện:  Ok, tôi gay, và tôi yêu bản thân, và nếu không ai yêu quý tôi, chấp nhận tôi, thì đó là vấn đề của họ, chứ không phải vấn đề của tôi.

Tôi xin nhắc lại là điều quan trọng nhất là sự yên bình bên trong mỗi người, đây cũng là điều khó tìm kiếm nhất ở những người LGBT.

Lúc đầu, khi biết mình gay, tôi cũng thấy căm ghét bản thân và nghĩ mình sẽ có một đời sống rất khó khăn. Tôi cũng muốn trốn tránh, không dám thể hiện tình cảm với những người khác, nhưng sau này, tôi tìm thấy những người bạn khác và chúng tôi cùng nhau giúp đỡ để tất cả trở nên mạnh mẽ hơn.

 

Một cảnh trong phim “Parts of the Heart”  

Nhiều người  đồng tính vẫn kết hôn với người dị tính để che lấp đi vấn đề của mình, họ có con cái, và vẫn đi gặp gỡ, quan hệ với những người đồng tính khác. Tôi không có quyền đánh giá, phán xét họ, mỗi người đều có cuộc đời của mình, và có quyền sống cuộc sống mình mong muốn. Nhưng điều tôi không chấp nhận là họ đã lừa dối, lừa dối xã hội, lừa dối người vợ và những đứa con của mình.

Nếu bước đầu tiên đã hoàn thành xong, tất cả những điều khác đều trở nên rất dễ dàng. Vì bạn không cần phải giấu diếm, không cần giả vờ, nên bạn sẽ hài lòng và muốn giúp những người LGBT khác để họ trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ có cảm giác của một gia đình, ở nơi đó, bạn dám ủng hộ, giúp đỡ những người khác, những người đang chịu sức ép từ gia đình, bạn bè, vì họ cũng chính là người thân của bạn. Và cuối cùng, bạn sẽ đấu tranh vì quyền của những người LGBT.

Các bạn có thể đấu tranh theo cách trực diện như tổ chức các cuộc biểu tình, diễu hành, hoặc những cách khác, như tôi: thực hiện qua nghệ thuật.

Tôi muốn mọi người được truyền cảm hứng qua những bộ phim, tôi thể hiện qua hình ảnh, vì nó dễ chấp nhận hơn, và mọi người cũng hiểu thông điệp của tôi hơn.

–    Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

*LGBT: là viết tắt chỉ nhóm người đồng tính nữ (Lesbians), đồng tính nam (Gays), song tính (Bisexuals) và chuyển giới tính (Transgender)

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Nhân vật cung cấp


 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

19/11/2013, 16:43