1. Nhắc đến haute couture, không thể không nhắc đến Chanel. Tạo nên thương hiệu cho mình bằng những show diễn hoành tráng cả về số lượng lẫn chất lượng của các thiết kế, mùa Xuân Hè lần này, Chanel tiếp tục tái hiện cả một khu vườn kiểu Pháp giữa không gian quen thuộc – tòa nhà Grand Palais. Sự cứng cáp, nam tính của chất liệu tweed trên những bộ suit sắc sảo được cân bằng hài hòa bằng sự mềm mại, nữ tính trong những lớp voan và lông vũ của các thiết kế dạ hội. Dù chủ đề về khu vườn và hoa cỏ vốn đã quá quen thuộc trong thời trang, nhưng với tầm nhìn và kỹ năng khó bì kịp của mình, Giám đốc Sáng tạo Karl Lagerfeld cùng những người thợ tại Chanel vẫn mang đến những cảm nhận vô cùng mới mẻ thông qua cách xử lý chất liệu thông minh và kết hợp màu sắc đầy tinh tế.
2. Nếu như vườn xuân Chanel ngập tràn ánh sáng và chim muông, thì khu vườn của Givenchy lại cuốn hút bằng nét bí ẩn khi màn đêm buông xuống. Bộ sưu tập Xuân Hè 2018 đánh dấu sự quay lại của Givenchy với sàn diễn haute couture sau một thời gian dài vắng bóng. Dù chưa từng có kinh nghiệm với haute couture, nhưng những gì mà Clare Waight Keller – Giám đốc Sáng tạo mới của Givenchy – mang đến sàn diễn có thể khiến bất cứ cặp mắt khó tính nào cũng cảm thấy thỏa mãn. “Tôi muốn tận dụng sức mạnh của kỹ thuật cắt may, nhưng bằng một cách thật sự nữ tính”, Waight Keller nói. Sử dụng tông chủ đạo màu đen, với điểm nhấn ánh kim, xanh thẳm hay đôi khi là cả màu đỏ rực, khu vườn đêm dưới ánh trăng của Givenchy hiện ra hết mực hiện đại mà vẫn không thiếu đi vẻ sang trọng cần thiết.
3. Năm nay, nhà mốt Dior mang đến kinh đô Paris sự ma mị và mê hoặc của thế giới hội họa siêu thực từ một xứ sở xa xôi phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Tiếp tục thông điệp nữ quyền đã luôn là trọng tâm cho các bộ sưu tập của mình tại Dior, Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri chọn nguồn cảm hứng là những tác phẩm của nữ họa sĩ người Argentina Leonor Fini, một trong những nghệ sĩ được chính ngài Christian Dior chọn triển lãm tác phẩm tại phòng tranh cá nhân trước khi trở thành một “couturier” (nhà thiết kế đồ couture).
Những thiết kế đơn sắc với mô típ kẻ bàn cờ được bẻ cong như ma trận tạo nên hiệu ứng thị giác đặc biệt, cuốn điểm nhìn của người xem vào tận sâu thẳm. Không dừng lại ở đó, bà Chiuri còn mời nhà thiết kế nổi tiếng Stephen Jones cùng sáng tạo nên những chiếc mặt nạ tinh tế theo phong cách siêu thực, làm nên điểm nhấn độc đáo cho bộ sưu tập. Chính vì thế, BST Haute Couture Xuân Hè 2018 được đánh giá là nỗ lực tốt nhất của Maria Grazia Chiuri kể từ khi bà nhậm chức Giám đốc Sáng tạo của nhà mốt Dior vào đầu năm 2016.
4. Bỏ ready-to-wear để tận tâm với haute couture, cặp đôi nhà thiết kế Viktor Horsting và Rolf Snoeren của thương hiệu Viktor & Rolf đã mang đến cho khán giả hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Bộ sưu tập Xuân Hè 2018 của họ lần này bề ngoài trông đơn giản, cho đến khi chúng ta biết được tất cả các thiết kế đều được làm từ một loại chất liệu duy nhất: vải lụa satin dày. “Tôi cho rằng chất liệu này là biểu tượng của haute couture. Khi làm việc trực tiếp, tôi thật sự bất ngờ bởi tính linh hoạt của nó. Trước đó, tôi cứ nghĩ rằng chúng phải vô cùng cứng nhắc”, NTK Rolf Snoeren chia sẻ. Và điều này được chứng tỏ qua những phom dáng đa dạng, biến chuyển linh hoạt từ trang phục ban ngày sang trang phục dạ hội, thậm chí cả một chiếc váy ngắn được cắt laser đầy tinh tế. Chính thiết kế này cũng nói lên tinh thần chung của các nhà mốt haute couture ngày nay: biến những điều xưa cũ trở nên mới mẻ, nhưng vẫn không làm mất đi những giá trị nhà nghề quý báu của mình.