Chân dung những kẻ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris - Tạp chí Đẹp

Chân dung những kẻ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris

Hậu Trường

Các nghi phạm tấn công khủng bố ở Paris: Salah Abdeslam, Bilal Hadfi, Ahmad Almohamad, Omar Mostefai, Abdelhamid Abaaoud và Samy Amimour.  (Nguồn: Guardian)

Omar Ismail Mostefai

Omar Ismail Mostefai, 29 tuổi, quốc tịch Pháp là kẻ đứng đằng sau chuỗi các vụ khủng bố tồi tệ nhất xảy ra tại Pháp hồi cuối tuần vừa rồi. Hắn đã cho nổ bom tự sát trong nhà hát Bataclan sau khi cùng hai tay súng khác sát hại 89 người tại đây. 
Các điều tra viên đã tìm ra danh tính của Mostefai nhờ dấu vân tay trên một mẩu đầu ngón tay còn sót lại ở hiện trường.
Sinh ngày 21/11/1985 tại vùng ngoại ô Courcouronnes nghèo khó của Paris, Mostefai đã nhẵn mặt với cảnh sát với tư cách một kẻ chuyên ăn cắp vặt. Từ năm 2004-2010, hắn đã bị buộc tội 8 lần nhưng chưa lần nào phải ngồi tù. 
Mostefai sống ở Chartres, cách Paris 90 km về phía tây nam từ năm 2005 đến năm 2012, và thường xuyên đi lễ tại một nhà thờ Hồi giáo cách đó vài cây số ở Luce. Chính quyền đã xác nhận Mostefai bị cực đoan hóa năm 2010, nhưng không được liệt vào danh sách những cái tên thuộc mạng lưới khủng bố hay có kế hoạch khủng bố.
Mostefai đã qua mặt sự kiểm soát của chính quyền để tới Syria hồi năm 2014. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cảnh sát nước này đã gửi cảnh báo về Mostefai tới các đồng nghiệp tại Pháp hồi tháng 12/2014 và tháng 6/2015, nhưng “không nhận được bất cứ hồi đáp nào từ phía Pháp.”

Samy Amimour

(Nguồn: AFP)

Kẻ đánh bom tự sát thứ hai tại nhà hát Bataclan được nhận dạng là Samy Amimour, 28 tuổi tới từ Drancy, một vùng ngoại ô phía đông bắc Paris. Các điều tra viên chống khủng bố biết đến tên này sau khi hắn bị buộc tội “âm mưu tiến hành khủng bố” hồi tháng 10/2012. Amimour sau đó đã được bảo lãnh và thả ra. 
Hắn tới Syria ngày 11/9/2013, vi phạm các điều khoản trong đơn bảo lãnh, buộc tòa án phải ra lệnh truy nã quốc tế. Ba trong số các thành viên gia đình của Amimour đã bị tạm giam hôm thứ Hai vừa qua.

Brahim Abdeslam

Tên khủng bố 31 tuổi đã cho nổ bom tự sát bên ngoài một quán bar ở đại lộ Voltaire, khiến một người bị thương nặng. Hắn được cho là đã thuê một chiếc ôtô màu đen đăng ký tại Bỉ mà các nhân chứng đã thấy tại nhiều địa điểm khủng bố, sau đó được tìm thấy ở Montreuil, phía đông Paris với một số vũ khí bên trong. 
Truyền thông Hà Lan cho biết tên của Abdeslam đã được tìm thấy trong hồ sơ cảnh sát cùng với tên của kẻ lãnh đạo phong trào chiến binh thánh chiến ở Bỉ, Abdelhamid Abaaoud. 
Abdeslam từng là chủ một quán bar tại quận Molenbeek ở Brussels, nổi tiếng là nơi tập trung của những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Salah Abdeslam (đang bị truy nã)

(Nguồn: AFP)
​Em trai của Brahim Abdeslam, Salah Abdeslam hiện đang bị truy nã toàn cầu. Thứ Hai vừa rồi, cảnh sát tại Brussels đã bao vây một khu nhà ở Molenbeek, nhưng không tìm thấy Salah. 
Trong khi đó, em trai thứ ba của nhà Abdeslam, Mohamed Abdeslam đã bị bắt tại Molenbeek hôm thứ Bảy vừa qua, nhưng sau đó đã được thả hôm thứ Hai do chứng cứ ngoại phạm mà luật sư đưa ra cho thấy hắn không ở Paris đêm xảy ra khủng bố.

Bilal Hadfi


(Nguồn: AFP)

Tên khủng bố 20 tuổi này là một trong ba kẻ đã nổ bom tự sát bên ngoài sân vận động Stade de France, nơi khi đó đang diễn ra trận đấu giao hữu giữa Pháp và Đức với 80.000 khán giả, trong đó có cả tổng thống Pháp Francois Hollande. Một người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom này.
Các điều tra viên cho biết Hadfi có quốc tịch Pháp, nhưng sống ở Bỉ và đã từng có thời gian cư ngụ ở Syria.

Ahmad al-Mohammad

(Nguồn: news.com.au)

Bên cạnh xác kẻ đánh bom thứ hai ngoài sân vận động Stade de France, cảnh sát đã tìm thấy một cuốn hộ chiếu quốc tịch Syria có tên Ahmad al-Mohammad. Cuốn hộ chiếu này đã được dùng để đăng ký tị nạn tại đảo Leros thuộc Hy Lạp hôm 3/10 vừa qua, và dấu vân tay của tên khủng bố trùng khớp với những vân tay được lấy trong quá trình đăng ký. 

Các quan chức Serbia cho biết người dùng hộ chiếu này đã xin tị nạn khi đi từ Macedonia tới Serbia. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ cuốn hộ chiếu này có phải là đồ thật hay không, và cái tên trong hộ chiếu cũng chưa hề xuất hiện trong cơ sở dữ liệu chống khủng bố của cảnh sát Pháp./.

Theo VietnamPlus

Thực hiện: Đặng Trung Hiếu

17/11/2015, 15:56