Câu chuyện ly hôn của Thư trong “Về nhà đi con”: Hôn nhân cuối cùng cũng chỉ là phép thử

Rốt cuộc, không phải cứ cùng ký vào một tờ hôn thú là sống với nhau một đời.

Tập 71 của “Về nhà đi con”, sau khi bố Sơn biết con rể có nhân tình bên ngoài, Thư quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân với Vũ (Quốc Trường).“Trên đời này, ngoại trừ gia đình, ruột rà thì tất cả đều là phép thử. Chúng ta đã thử và thất bại, thế có gì đâu mà phải đau lòng?”, câu này của Thư hẳn đã chạm vào không ít vết thương lòng, có khi đã cũ, có khi còn chưa kịp khép của khán giả. Bởi ngày trao cho nhau chiếc nhẫn cưới, ai cũng nghĩ mình sẽ có cuộc tình đằm thắm như bố mẹ hay ông bà mình. Ngày cởi chiếc nhẫn ấy ra khỏi tay, mới nhận ra, yêu dăm bảy bận, chốt cưới một người cũng chưa hẳn là cuối.

Từ chuyện Thư của “Về nhà đi con” lại nhớ đến vai diễn khác của Bảo Thanh, nhân vật Minh Vân trong “Sống chung với mẹ chồng”. Khác với Thư và Vũ, kết hôn bất đắt dĩ bởi sự xuất hiện của một đứa trẻ, Vân và Thanh (Anh Dũng) tự nguyện lấy nhau. Nhưng dù yêu nhau nhiều cũng không vượt qua được thử thách chỉ có trong đời sống vợ chồng. Vân bất lực trước mẹ chồng đến sổ nhật ký cũng soi, cái drap giường cũng can thiệp. Cô càng thất vọng trước người chồng nhu nhược không lên tiếng bênh vợ khi mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu xảy ra.

Và vào thời điểm then chốt, Vân muốn làm lại từ đầu với chồng thì Thanh chọn cách buông tay vì cảm thấy mệt mỏi, quan trọng hơn anh cũng đã có người phụ nữ khác bên cạnh. Hệt như lúc Thư muốn quên đi bản hợp đồng hôn nhân, thổ lộ tình cảm thật của mình cũng là lúc Vũ mải mê chinh phục cô gái khác.

Ừ thì, cái kết cuối cùng là “đường ai nấy đi, nhà ai nấy về”.

Chuyện của Thư hay Vân không phải là hi hữu, nói đúng hơn, đó là đời thật của nhiều người được tái hiện một cách sống động qua từng thước phim. Từ cái cảnh vợ đau đớn trở dạ, chồng du hí với người khác hay vợ thức một mình nửa trông con nửa đêm đợi chồng, còn chồng quấn quýt bên tình nhân đến đoạn đúng sai chưa rõ, chồng cứ một mực bênh “người thứ ba”.

Hôn nhân cuối cùng cũng chỉ là phép thử. Quan trọng là bản thân mình đã cố hết sức chẳng may phép thử ấy là sai cũng không có điều gì nuối tiếc. Phần tiếc nuối ấy nên để dành cho người đàn ông đã không biết nâng niu người phụ nữ mà mình gọi là vợ. Cũng như Thanh (“Sống chung với mẹ chồng”) trong những cơn say lại gọi điện cho Vân khóc lóc, hối hận vì đã ly hôn. Như Vũ (“Về nhà đi con”) đào hoa lãng tử, từng hả hê vì đưa bao cô gái lên giường lại phải rơi nước mắt vào giây phút Thư dứt khoát đặt nhẫn cưới trên bàn.

Phải chi, đàn ông hiểu rằng, trong hôn nhân, cả vợ và chồng đều bình đẳng như nhau. Cả hai cùng có trách nhiệm vun vén hạnh phúc chung và có quyền rời đi khi cảm thấy mình không được trân trọng. Nhưng có lẽ, các đấng ông chồng thường nghĩ, dù mình tốt hay xấu thì tờ hôn thú sẽ khiến hôn nhân bền chặt, câu xin lỗi như bùa chú hóa giải hết lỗi lầm. Và lòng bao dung của vợ thì vô hạn, cơ hội vẫn còn nhiều.

Nhưng phụ nữ, chung quy, khi yêu thì yêu lắm nhưng khóc cạn, đau hết sẽ không còn chờ mong.


From the same category