Thật thú vị khi những bộ phim được cho là có khả năng lọt vào chung kết của giải Oscar năm nay đều viết dựa trên những sự kiện có thật. “Fruitvale Station” của Ryan Coogler là chuyện thật về một người đàn ông bị giết chết tại ga xe lửa, “The Wolf of Wall Street” của Martin Scorsese tái hiện chân dung của Jordan Belfort – tay môi giới chứng khoáng khét tiếng ở New York, trong khi “American Hustle” của David O. Russell lại phanh phui một vụ tai tiếng lớn của FBI xảy ra trong thập niên 1970,…
Tương tự, nói một cách vắn tắt thì “Captain Phillips” là chuyện cướp biển thời hiện đại. Kịch bản của Billy Ray (tác giả của “The Hunger Games”, “Flight Plan”) được viết dựa trên cuốn tiểu thuyết “A Captain’s Duty” của thuyền trưởng Richard Phillips – nhân vật chính của bộ phim – xuất bản năm 2010. Theo đó, cuốn sách thuật lại chi tiết trải nghiệm của chính Phillips về sự việc xảy ra năm 2009, khi con tàu chở lương thực cứu trợ Maersk Alabama do anh chỉ huy bị bọn cướp biển Somali tấn công. Để đối phó với chúng, thuyền trường Phillips đã bày ra rất nhiều mưu kế và thậm chí, phải tự hy sinh bản thân mình làm con tin để giải cứu cả đoàn tàu.
Với một nội dung có phần đơn giản như vậy thì thuyền trưởng Phillips hiển nhiên trở thành người anh hùng của bộ phim. Kịch bản của Billy Ray hầu như không có nhiều đột phá, mà vẫn sử dụng cách kể truyện thông thường là đi theo trật tự thời gian từ trước đến sau. Những màn căng não trong phim cũng không có nhiều mới lạ, thậm chí đôi chỗ có phần đi theo lối mòn nhằm đề cao phẩm chất “anh hùng” của Phillips. Thậm chí, nếu mong đợi một cái kết ấn tượng hoặc phá cách thì bạn sẽ thất vọng. Ngay cả đối với những khán giả chưa hề biết đến sự kiện trong tiểu thuyết cũng có thể dễ dàng đoán được số phận của nhân vật chính. Điều đó khiến cho “Captain Phillips” trở thành một bộ phim dài quá mức cần thiết với thời lượng 134 phút.
Tuy nhiên, nhờ vào tài năng đạo diễn của Paul Greengrass mà “Captain Phillips” vẫn có một số khoảnh khắc khá hồi hộp và gây cấn. Với kinh nghiệm hơn ba mươi năm, nhà làm phim này đã từng tạo ra một số tác phẩm hành động được yêu thích, điển hình là hai phần phim về điệp viên Jason Bourne là “The Bourne Supremacy” (2004) và “The Bourne Ultimatum” (2007). Trong đó, Paul đã từng nhận được một đề cử Oscar về đạo diễn cho bộ phim “United 93” (2006), cũng dựa trên sự kiện có thật về ngày 11/9 kinh hoàng của nước Mỹ. Do đó, “Captain Phillips” giữ vững những thủ pháp điện ảnh đặc trưng của Paul khi kết hợp những yếu tố rùng rợn, hành động kịch tính vào một tác phẩm dạng tiểu sử, sự kiện. Phần lớn các cảnh phim được quay bằng máy cầm tay, sử dụng âm thanh, tiếng động mạnh để tạo kịch tính.
Ngay khi vừa được công bố, dự án
“Captain Phillips” của Columbia đã gây được chú ý, phần lớn nhờ vào tên tuổi của đạo diễn Paul Greengrass, cộng với đội ngũ từng sản xuất
“The Social Network” và sự xuất hiện đặc biệt của
Tom Hanks trong vai chính. Tuy nhiên, kết quả lại là một nỗi thất vọng dành cho những ai trông đợi vào sự trở lại của nam diễn viên này – sau khi tham gia một số bộ phim thuần giải trí không được đánh giá cao.
Nhìn chung, Tom Hanks đã làm tròn vai diễn của mình, thể hiện được cảm xúc, tâm lý, tình cảm của nhân vật. Nhưng nếu thử so với những vai diễn đã từng đem lại cho Tom hai tượng vàng Oscar – chàng luật sư Andrew nhiễm AIDS của “Philadelphia” hay là chàng ngốc Forrest Gump trong bộ phim cùng tên – thì vai thuyền trưởng Phillips trong bộ phim mới của anh lại quá nhẹ ký.
Gần hết thời lượng của bộ phim Phillips giữ một phong thái ổn định, luôn tỏ ra bình tĩnh trước mọi tình huống. Duy chỉ có một lần vào cuối phim, khi tình cảm dành cho gia đình trỗi dậy thì Phillips mới nổi giận và tấn công bọn cướp biển. Điều này vừa làm cho bộ phim rơi vào lối mòn quen thuộc, vừa làm bình thường hóa hình tượng “anh hùng” của Phillips. Bởi lẽ là con người, ai chẳng dành tình cảm đặc biệt cho những người thân yêu, ruột thịt của mình. Cách Billy Ray sắp đặt tình tiết này ở cuối phim hóa ra lại gượng gạo, cũ kỹ thay vì trở thành trường đoạn tạo cảm xúc.
Bên cạnh đó, nhân vật chính Phillips của Tom Hanks lại có phần lép vế so với một nhân vật khác trong phim là Muse – gã cướp biển Somali, đối thủ chính của Phillips. Đảm nhận nhân vật này là Barkhad Abdi, một người chưa hề có kinh nghiệm diễn xuất trước ống kính, nhưng lại để lại nhiều ấn tượng hơn hẳn nam diễn viên từng hai lần đoạt Oscar.
Trái ngược với thân hình nhỏ bé, gầy yếu của mình, Muse lại nuôi một tham vọng rất to lớn trong đầu. “Tao có thể còm, nhưng tao không hèn”, Muse tuyên bố chắc nịch như vậy và quyết tâm thực hiện điều đó. Sinh ra và lớn lên trong một làng chài nghèo khổ, ai chẳng muốn đổi đời, nhưng cách làm của Muse không khỏi khiến ta phải kinh ngạc: sử dụng một con thuyền đánh cá thông thường để tiến vào tấn công một con tàu lớn gấp chục lần, mà lại là của chính phủ Mỹ, thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Thế mà gã lại thực hiện thành công.
Đứng bên cạnh một “anh hùng” Phillips quen thuộc trong nhiều bộ phim, thì hóa ra gã da đen Muse lại nổi bật hơn hẳn, trở thành điểm nhấn thú vị của “Captain Phillips”. Barkhad Abdi thực sự đã cuốn hút người xem bởi vẻ mặt độc ác, tàn bạo, sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích của mình. Nên nhớ, ngay khi chiếm được con tàu, Muse hoàn toàn ở thế áp đảo và tuyên bố rằng mình mới là thuyền trưởng, hoàn toàn trái ngược so với tên phim một cách hài hước.
Ranh giới giữa thiện và ác vô tình trở nên mong manh, giữa một Phillips – sự nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc – và một Muse – sống trong nghèo đói. Cuối cùng, người xem lại dành nhiều tình cảm dành cho Muse hơn là ghét bỏ, khinh bỉ. Và nếu phải chọn một người xứng đáng để trao tặng đề cử Oscar, thì đáng tiếc sẽ là Barkhad Abdi, thay vì Tom Hanks.
Bài: Sơn Phước
Ảnh: IMBD
>>> Có thể bạn quan tâm: Từ sách lên phim, “The Hunger Games” (Đấu trường sinh tử) đã tạo nên cơn sốt trên màn ảnh rộng toàn cầu, trừ một số nước như Việt Nam, vì… bị cấm chiếu. Tuy nhiên, tốc độ lan tỏa mạnh mẽ chỉ thực sự bùng lên ở phần 2 “Catching Fire” (Bắt lửa).
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!