Cannes 2014: Niềm hy vọng của điện ảnh - Tạp chí Đẹp

Cannes 2014: Niềm hy vọng của điện ảnh

Review

Kéo dài trong vòng 10 ngày, Liên hoan phim Cannes vừa kết thúc vào ngày 24/5 vừa qua với giải thưởng Cành cọ vàng danh giá được trao cho “Winter Sleep” của nhà làm phim Thổ Nhĩ Kỳ Nuri Bilge Ceylan. Không quá lùm xùm với những scandal bên lề như năm ngoái, Liên hoan phim Cannes lần thứ 67 này trở lại với giá trị nguyên bản khi đem tới một không khí nghệ thuật đậm chất hàn lâm và một minh chứng hùng hồn về chỗ đứng không thể chối cãi của một sự kiện điện ảnh danh giá.

Poster phim “Winter Sleep” 

Khi xét riêng tới tính đa dạng, có thể nói Cannes 2014 đã hòa quyện được những tính nghệ thuật với nỗ lực đổi mới tới tận cùng, đem tới một năm đầy hứng khởi cho những ai yêu điện ảnh. Bộ phim phóng túng “Goodbye to Language” của Jean-Luc Godard thọc tay cù khán giả bằng sự vui tươi trong tư tưởng văn hóa kết hợp với công nghệ 3D. Ngôi sao đang tỏa sáng Xavier Dolan chứng minh tài năng của mình bằng tác phẩm tốt nhất tới nay “Mommy”. Trong khi đó, “Leviathan” của Andrey Zvyagintsev đưa tới một góc nhìn kiệt xuất vào những thách thức nghiệt ngã của xã hội hiện đại Nga…

Tất cả những tài năng kể trên đều giành được những phần thưởng xứng đáng. Ban giám khảo thông thái của Jane Campion thậm chí còn chia đôi “Huy chương Bạc” cho Godard và Xavier Dolan, hai ứng cử già và trẻ tuổi nhất năm nay. Nhưng vượt lên tất cả, chính là Nuri Bilge Ceylan với chiến thắng phản ánh sự đón đầu trong dòng chảy điện ảnh, cũng như khát khao làm phim hay hơn sau mỗi tác phẩm. Cách kể đặc trưng của Nuri đã từng giúp anh đoạt giải của Hội đồng giám khảo LHP Cannes hai năm trước với tác phẩm “Once Upon a Time in Anatolia”, cũng như một số giải quan trọng khác trước đó. 

Xavier Dolan và nhà sản xuất Alain Sarde (nhận thay Godard)

Không một chiến dịch quảng bá nào của các studio Hollywood có thể tạo ra được sự kích động như một buổi chiếu phim lớn ở LHP Cannes. Như trong buổi chiếu “Winter Sleep”, hàng ngàn kẻ nghiền phim và hoạt động trong nghề đã đổ xô tới nhà hát Lumiere để kiếm được một chỗ ngồi cho bộ phim 3 tiếng chậm rãi này. Đẫm mồ hôi, khó thở và kiệt sức, họ ngồi đó để xem 196 phút nói thoại trên những hình ảnh sâu nét của một đề tài nặng nề. Nếu đây là một sự kiện bình thường, nó có thể trở thành cơn hoảng loạn trong khán giả. Nhưng đây là Cannes, và đó lại là chuyện khác. 

Tác phẩm của Nuri đem tới một cách tiếp cận ổn định, đậm tính thôi miên, đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ nhưng sẽ làm khán giả thỏa mãn khi dần đi theo hành trình câu chuyện. Và tràng vỗ tay kéo dài sau buổi chiếu đã nói rõ được những nỗ lực của Nuri xứng đáng tới mức nào. Tuyệt vời trên mọi cấp độ, “Winter Sleep” gắn kết khả năng diễn tả hoàn chỉnh với phần hình ảnh giàu cảm xúc, để làm cho khán giả không hề cảm thấy buồn chán. 

Với ý nghĩa đem tới những bộ phim hàn lâm như vậy, Cannes khuyến khích khán giả nghĩ về tính ưu việt của mình, bởi ít ai bình thường lại đi xem một phim khó nhằn như vậy. Do đó, có thể nói, chủ nghĩa tinh hoa đã phán tán rộng rãi sau những buổi chiếu như vậy. Hoặc ít nhất, ý tưởng của Cannes là thế, nhưng có lẽ nó chỉ thực sự thành công khi bộ phim đó thực sự có sức lay động.

Cảnh trong ‘Winter Sleep”

Nhưng khi xét về khía cạnh công nghiệp, nhiều nhà phân phối hàng đầu Hollywood tỏ vẻ thờ ơ với bộ phim này. Và khi ngẫm lại, đó lại là một lời than thở dễ hiểu. 

Khán giả hiện nay gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tập trung vào bất cứ thứ gì đòi hỏi sự chú ý trong một khoảng thời gian dài, và các phim tham gia Cannes năm nay ẩn chứa khá nhiều suy nghĩ về vấn đề này. Jean-Luc Godard tấn công trực diện nó với cảnh những bàn tay chuyền nhau chiếc điện thoại một cách đầy châm biếm. “Maps to the Stars” của David Cronenberg mô tả công nghiệp điện ảnh là một nơi phù phiếm và không hề có tính nghệ thuật, trong khi tác phẩm tự họa “Clouds of Sils Marie” của Olivier Assayas lại chỉ ra những cú đâm tàn nhẫn từ sự thống trị của phim bom tấn. Tựu chung, họ tạo ra những tiếng chuông cảnh báo về một nền văn hóa được thiết lập để giao tiếp nhanh hơn bao giờ hết, và chấp nhận sự hài lòng dễ dãi, để rồi các mô hình kinh doanh phim ảnh được tạo ra để đáp ứng điều đó.

Bộ phim của Nuri đem tới một hướng tiếp cận đối nghịch: làm chậm câu chuyện lại và nghĩ tới mọi yếu tố sáng tạo thông qua việc chuyển hướng tâm trạng và hình ảnh một cách thận trọng. Chỉ có một liên hoan phim duy nhất trên thế giới có khả năng đem tới phương pháp tiếp cận không được lòng nhiều người ấy, để góp phần nâng cao nhận thức toàn cầu về tính nghệ thuật của điện ảnh. 

Khi thế giới tiếp tục lao về phía trước quá nhanh và tương lai của điện ảnh vẫn còn là một câu hỏi mở, thì có lẽ LHP Cannes là niềm hy vọng lớn nhất của bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Bài: Trung Rwo

Ảnh: EPA, NBC Film


logo
 

>>> Có thể bạn quan tâm: Nếu như trước đây, mùa phim hè tại thị trường Bắc Mỹ thường được tính từ đầu tháng 5 đến khoảng gần cuối tháng 8 thì trong vài năm qua, mọi chuyện đã dần thay đổi. Ngay từ tháng Tư trở đi, không khí đã sôi động lắm rồi khi Hollywood tung ra hàng loạt tác phẩm bom tấn.


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

27/05/2014, 10:42