“Cuộc tình” giữa Raf Simons và Calvin Klein đổ vỡ dẫn đến hàng tá hệ lụy. Theo ước tính sơ bộ, nhà mốt nước Mỹ mất hàng trăm triệu đô-la cho giai đoạn tái thiết thương hiệu trong thời gian tới.
Tháng 12/2018, Calvin Klein tuyên bố chấm dứt hợp đồng với NTK Raf Simons, sớm hơn dự kiến 9 tháng. Đây là một trong những tin tức gây chấn động trong làng thời trang thế giới vào cuối năm ngoái và đến nay vẫn còn nhiều lời đồn đoán về lý do nhà mốt này gấp rút cắt đứt mối quan hệ. Thế nhưng, điều mà giới mộ điệu trong những ngày gần đây quan tâm lại là con số hàng trăm triệu đô-la, được tiết lộ là khoản chi phí “khủng” mà Calvin Klein phải chi ra để rũ bỏ “tấm áo cũ” mang dấu ấn Raf Simons với BST 205W39NYC.
Không cần bàn cãi, BST 205W39NYC gây tiếng vang ngay từ những ngày đầu. Tham vọng của Raf Simons được thể hiện triệt để qua BST cao cấp, vốn từng được ông chủ PVH Corp – công ty mẹ của Calvin Klein – kỳ vọng sẽ làm nên những thành tựu mới cho thương hiệu. Không chỉ đầu tư tiền cho khâu sản xuất và chuẩn bị show diễn, Calvin Klein còn đổ vốn cho việc mở rộng thị phần bằng cách tăng số cửa hàng từ 30 lên 300 trong mùa đầu tiên của BST 205W39NYC. Đã có lúc, Chủ tịch Emanuel Chirico nghĩ rằng đây sẽ là con đường hoa hồng nhưng rồi ông nhận ra mọi chuyện diễn ra không như ý.
Chia tay với Raf Simons là hành động dứt khoát của Calvin Klein, khi chứng kiến doanh số tụt giảm trong nhiều tháng liên tục. Minh chứng là thu nhập trước thuế chỉ tăng vỏn vẹn 2%, còn cổ phiếu công ty giảm đến 35% trong thời gian BST 205W39NYC còn được quảng bá. Chính vì thế, phía PVH Corp đã chính thức đặt dấu chấm hết cho các thiết kế mang dấu ấn của Raf Simons. Đồng thời, sau khi tuyên bố Chủ tịch của dòng sản phẩm 205W39NYC – bà Michelle Kessler-Sanders – sẽ từ chức trong tháng 6 năm nay, nhiều nguồn tin còn cho biết thương hiệu này đang bắt đầu cắt giảm 100 nhân sự ở 2 thành phố Milan (Ý) và New York (Mỹ).
Theo tờ WWD, ước tính sơ bộ Calvin Klein còn phải đối mặt với chi phí khoảng 240 triệu đô-la để tái thiết thương hiệu sau thời gian Raf Simons toàn quyền kiểm soát. Trong đó gồm có 65,7 triệu đô-la cho thủ tục chấm dứt và hủy hợp đồng, 55 triệu đô-la tính vào khấu hao tài sản cố định (liên quan đến việc ngừng sản xuất dòng sản phẩm 205W39NYC và đóng cửa các cửa hàng flagship), 45 triệu đô-la phí hủy các hợp đồng thuê mướn và 5 triệu đô-la là khoản giảm giá hàng tồn kho.
Khác với thời anh còn làm việc ở Jil Sander hay Christian Dior, vị trí Giám đốc Sáng tạo toàn cầu giúp Raf Simons được toàn quyền quyết định mọi thứ, kể cả định hướng kinh doanh và tiếp thị thay vì chỉ xoay quanh bàn thiết kế thời trang. Để rồi những ý tưởng đậm chất thời trang cao cấp của Raf Simons dần trở thành giấc mộng viển vông so với định hướng đại chúng từ xưa đến nay của Calvin Klein. Các báo cáo bán hàng không mấy lạc quan, chỉ số trên sàn chứng khoán liên tục biến động và giờ đây PVH Corp lại phải chi một khoản tiền không nhỏ để đưa Calvin Klein trở lại là chính mình.