Nhiều diện tích lúa ở Hà Giang không thể phát triển do hạn hán. (Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN)
Do ảnh hưởng của El Nino, nền nhiệt độ trên toàn quốc đã tăng cao, lượng mưa thiếu hụt. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và hiện tượng mùa Đông ấm ở khu vực miền núi, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Để tìm hiểu sâu hơn về El Nino và các hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
– Hiện nay, El Nino đang ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm. Xin ông cho biết đánh giá về đợt El Nino này?
Ông Lê Thanh Hải: Các mô hình dự báo của Việt Nam cũng như trên thế giới đều thống nhất, đợt El Nino 2015-2016 sẽ ở mức tương tự như đợt El Nino mạnh kỷ lục trong hai năm 1997-1998. Tuy nhiên, đợt El Nino này còn có thời gian kéo dài hơn và diện phủ rộng hơn.
Theo dự báo, El Nino sẽ tiếp tục đến hết mùa xuân 2016 nhưng hiện tượng El Nino thường có độ trễ, khi chuyển sang pha trung tính thì còn kéo dài thêm 3 tháng nữa. Do đó, không những mùa xuân mà sang đến mùa hè 2016 tác động của El Nino vẫn còn được nhận thấy.
Biểu hiện của El Nino lần này rất rõ rệt. Trước tiên là tần suất xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới. Mùa bão năm nay, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương xảy ra bão nhiều nhưng bão vào Biển Đông rất ít. Năm nay trên Biển Đông chỉ xuất hiện 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới.
So sánh với năm 2013, năm xuất hiện nhiều bão nhất, đến thời điểm này đã có tới 18 cơn bão. Như vậy, số cơn bão năm nay chỉ bằng 1/3 so với năm nhiều nhất.
Bên cạnh đó, nền nhiệt cũng tăng hơn so với trung bình nhiều năm. Hè năm 2015 rất nóng, nhiều kỷ lục nhiệt độ đã được ghi nhận và bị phá vỡ. Trong khi đó, mùa mưa lại bắt đầu muộn và kết thúc sớm, lượng mưa cũng rất ít so trung bình.
Các tỉnh miền Trung đang trong mùa mưa (từ tháng 9-12), lẽ ra đến thời điểm này phải mưa nhiều do đang là đỉnh điểm mùa mưa nhưng đến nay lại rất ít.
Mùa mưa chính ở các khu vực khác như Tây Nguyên, Nam Bộ, Bắc Bộ cũng thiếu hụt so với trung bình hai năm liên tiếp.
Năm 2014, thiếu hụt 10%, năm 2015 thiếu hụt khoảng 20-40%. Việt Nam, quốc gia nhiệt đới gió mùa với tài nguyên nước ngọt thấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn nước mưa bị hạn chế.
Tình trạng hạn hán của Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung khác như Khánh Hòa, Phú Yên…cũng có nguyên nhân sâu xa từ mùa mưa trước. Ở các địa phương này, mùa mưa trước do lượng mưa ít nên đã thiếu hụt đến 60% lượng nước mưa.
Các hồ chứa nước ngọt không đủ nước để tích trữ. Mùa mưa năm nay lẽ ra sẽ bù lại lượng nước thiếu hụt đó nhưng lại thêm một mừa mưa ít nên khu vực này lại tiếp tục thiếu hụt nước.
Hơn nữa, tại các tỉnh miền Trung, bão và áp thấp nhiệt đới đóng góp 40% lượng nước ngọt. Do đó, năm nào khu vực này thiếu bão, năm đó sẽ thiếu nước. Hai năm 2014 và 2015 chỉ có 2 cơn bão ảnh hưởng đến miền Trung nên việc thiếu hụt nước là tất yếu.
– Thưa ông, mùa Đông năm nay được dự báo sẽ ấm hơn trung bình nhiều năm? Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Thanh Hải: Nhiệt độ của mùa Đông năm nay được dự báo sẽ tăng lên từ 1-2 độ C. Theo quy định, nhiệt độ mùa Đông nếu ấm hơn từ 0,5-2 độ C là mức tương đối lớn, mức vừa phải là từ 0,5 đến 1 độ C. Trong tháng 9, 10, nền nhiệt của Việt Nam đã cao hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo, nền nhiệt của tháng 11 cũng sẽ cao hơn.
Cùng với đó là việc các đợt gió mùa Đông Bắc cũng ít hơn. Thông thường từ tháng 10 trở đi, mỗi tháng sẽ xuất hiện 3-4 đợt gió mùa Đông Bắc tràn về gây rét nhưng hiện nay rất ít, thậm chí trong tháng 10, một số khu vực ở miền Bắc vẫn có những ngày nhiệt độ nắng nóng.
Cũng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến Trái Đất ấm dần lên nên gần đây khái niệm về rét đậm rét hại là rất ít. Trong vài năm gần đây, các đợt rét có thời gian rất ngắn. Trừ năm 2008 với đợt rét kéo dài 38 ngày còn lại các đợt rét thường rất ngắn ngày và nhiệt độ ấm hơn so trung bình.
Các đợt rét đậm, rét hại vẫn xuất hiện nhưng chỉ kéo dài từ 5-7 ngày, thậm chí có đợt chỉ từ 3-4 ngày. Chúng tôi dự báo, Tết Nguyên đán năm nay sẽ ấm hơn mọi năm. Trong 9 ngày nghỉ Tết sẽ chỉ có khoảng 3-4 ngày là có rét.
– Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra ngày càng nhiều. Việc này có liên quan đến hiện tượng El Nino không, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hải: Chính hiện tượng El Nino đã tạo ra sự tương phản mãnh liệt giữa các vùng miền trên cả nước. Một ví dụ điển hình là trong khi Ninh Thuận nắng hạn khốc liệt thì ở Quảng Ninh lại xảy ra trận mưa lịch sử với lượng mưa có nơi lên đến 1.600mm. Lượng mưa lớn như vậy chưa từng được ghi nhận tại đây và nếu tính xác suất xảy ra thì có lẽ phải đến hàng nghìn năm.
Ruộng đồng ở huyện Giang Thành, Kiên Giang, không thể gieo sạ do khô hạn và xâm nhập mặn. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Biến đổi khí hậu cùng El Nino sẽ gia tăng các hiện tượng cực đoan. Mưa có nơi rất lớn nhưng nơi khác lại xảy ra tình trạng hạn hán khốc liệt; có nơi xuất hiện rét đậm vào mùa Hè (như Sapa trong tháng Bảy vừa qua với nền nhiệt được ghi nhận là 12 độ C). Do vậy, mỗi khi có một hiện tượng cực đoan xảy ra chúng ta phải lường trước sẽ có một hiện tượng cực đoan gay gắt hơn xuất hiện ngay sau đó.
– Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang trong mùa lũ nhưng mùa lũ năm đến rất muộn. Xin ông lý giải nguyên nhân và dự báo tình hình lũ trong thời gian tới?
Ông Lê Thanh Hải: Theo chu kỳ hàng năm, tháng 10 là mùa lũ của Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa lũ ở đây có mực nước trung bình 3m. Nhưng năm nay rất đặc biệt, gần như không có mùa lũ, hay nói đúng hơn là lũ rất thấp, thấp hơn trung bình từ 1 đến 1,5 mét. Đây là hiện tượng cực đoan rất khác thường, chỉ được ghi nhận trong lịch sử vào năm 1926.
Về nguyên nhân, chúng tôi đang xem xét khía cạnh ảnh hưởng từ thủy điện thượng nguồn sông Mekong. Tuy nhiên, có một nguyên nhân không thể phủ nhận, đó là việc thiếu nước từ thượng nguồn.
Lũ Đồng bằng sông Cửu Long từ thượng nguồn về phải làm đầy vùng Biển Hồ của Campuchia sau đó mới về đến Việt Nam. Nhưng do các vùng đều mưa ít nên nguồn nước năm nay chỉ đủ cho vùng Biển Hồ.
Do lũ đến muộn và lượng nước ít nên tình trạng xâm nhập mặn xảy ra khá nghiêm trọng. Trước đây xâm nhập mặn từ biển vào nội đồng khoảng 30-40km thì năm nay đã sâu hơn rất nhiều. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, môi sinh và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trung tâm dự báo và Khí tượng Thủy văn Trung ương đã đưa ra cảnh báo hiện tượng từ rất sớm và hiện nay cứ 2 tuần một lần Trung tâm lại đưa ra dự báo và quan trắc về độ ngập mặn của vùng này.
Trong thời gian tới, chúng tôi dự báo mùa khô sẽ rất khốc liệt do xâm nhập mặn, thiếu nước, thiếu mưa, nắng nhiều, rét ít. Những hiện tượng cực đoan này sẽ gây nguy cơ cháy rừng, ô nhiễm môi trường…Đặc biệt, tình trạng hạn hán của Ninh Thuận và Bình Thuận trong năm kế tiếp sẽ còn khốc liệt hơn nhiều so với năm nay.
– Trân trọng cảm ơn ông./.
Theo VietnamPlus