Vừa qua, tại bữa tiệc thời trang lớn nhất trong năm – Met Gala 2015 – với chủ đề “China: through the looking glass”, mọi người đã được chứng kiến những “màn trình diễn” ngoạn mục từ những mẫu thiết kế mang cảm hứng Trung Hoa cực kỳ ấn tượng. Không chỉ vậy, qua triển lãm “China: through the looking glass” tại Viện Bảo tàng Metropolitan, New York, mọi người sẽ thấy rõ được tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong các thiết kế thời trang của những thương hiệu hàng đầu như Chanel, Christian Dior, Roberto Cavalli,… và cả những tác phẩm nghệ thuật trưng bày. Câu chuyện về sức ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đã được viết lên từ lâu và cho đến bây giờ vẫn chưa tới hồi kết.
Với sức mua khủng khiếp, những “thượng đế” đến từ Trung Quốc luôn được chào đón tại bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Quá trình xin visa vào các nước đối với người dân Trung Quốc đã trở nên dễ dàng hơn, một số quốc gia còn chào đón họ ghé chân (để mua sắm) mà không cần visa. Tuy nhiên, vì sao người Trung Quốc ngày càng đổ xô đi mua sắm ở nước ngoài? Có rất nhiều lý do dẫn đến việc này, mà có thể điểm ra ở đây: thứ nhất, giá cả các mặt hàng tại Trung Quốc bị đội lên bởi thuế nhập khẩu và các loại thuế khác; thứ hai, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Trung Quốc đang phát triển rất mạnh; thứ ba, sự phát triển bùng nổ của bán hàng trực tuyến và đặc biệt là dịch vụ “daigou” (mua hàng xách tay); và thứ tư, do hàng loạt những thay đổi về chính trị.
Trước kia, những tín đồ mua sắm của Trung Quốc thường ghé tới Hong Kong, nhưng giờ đây họ đã có rất nhiều lựa chọn mới hấp dẫn hơn trong khu vực Châu Á. Nhật Bản là điểm đến vô cùng thú vị với đồng yên đang giảm giá; Hàn Quốc là một lựa chọn không tồi với sức hấp dẫn từ những sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp và nhiều điểm bán hàng miễn thuế ở các khu TTTM sầm uất; còn Singapore cũng đang lấy lại phong độ và sức hấp dẫn đối với người dân Trung Quốc. Du khách Trung Quốc tới Hong Kong đã sụt giảm rất nhiều so với 5 năm trước.
Mặc dù Anh quốc không thuộc khối Schengen và đồng bảng vẫn là đồng tiền đắt giá nhất thế giới, nhưng những yếu tố ấy cũng không khiến dân du lịch Trung Quốc cảm thấy ngần ngại. Họ vẫn luôn có tên trong nhóm đối tượng mua hàng miễn thuế nhiều nhất tại Anh, chiếm khoảng 25% lượng hàng miễn thuế bán ra. Sự đóng góp nhiệt tình này đã tạo điều kiện cho việc giảm bớt những thủ tục rườm rà trong quá trình xin visa đối với khách du lịch và người đi công tác từ Trung Quốc đại lục.
Tại Ý, khách du lịch Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% lượng khách nước ngoài, thua xa lượng khách từ các quốc gia như Đức (18%), Pháp (10%), và Mỹ (10%). Tuy nhiên, tính trung bình theo đầu người, mỗi khách du lịch Trung Quốc bỏ ra tới khoảng 3.200USD để mua sắm. Bên cạnh những địa danh nổi tiếng, công trình kiến trúc hàng nghìn năm tuổi và nền văn hóa lâu đời, Ý còn hấp dẫn khách du lịch Trung Quốc bởi nhiều điểm bán hàng giảm giá (factory outlet) với mức giá cực kỳ hời và chính sách hoàn thuế hấp dẫn.
Những mẫu áo khoác trench của Burberry rất được ưa chuộng tại Trung Quốc
Bên cạnh Anh và Ý, Mỹ cũng đang là một điểm đến mới rất hấp dẫn đối với du khách Trung Quốc. Dự đoán trong 4 năm tới, lượng du khách Trung Quốc tới Mỹ sẽ tăng 18% qua mỗi năm. Mỹ đồng thời cũng là nơi có nhiều người nhập cư đến từ Trung Quốc và những trường đại học ở Mỹ luôn có sức hấp dẫn đối với sinh viên Trung Quốc. Với đồng đô la mạnh, thị trường Mỹ đang trở nên đắt đỏ hơn thị trường Châu Âu: một chiếc áo khoác trench của Burberry ở New York có giá đắt hơn 5% so với ở Paris; túi xách Speedy cỡ 30 ở New York đắt hơn 32% so với ở Paris…
Thêm vào đó, người dân Trung Quốc giờ đang có xu hướng mua sắm tùy ý – mua các món đồ mình thích chứ không phải những thứ thực sự cần thiết. Thu nhập của họ giờ đã dư dả, đáp ứng được những nhu cầu cần thiết hàng ngày, do đó, nhu cầu mua sắm tùy ý bắt đầu nảy sinh và nở rộ. Họ dần hình thành thói quen nhìn người khác để mua sắm, luôn luôn bắt kịp với thời đại và những xu hướng đang thịnh hành.
Ngoài ra, sự phát triển rất mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Trung Quốc, đặc biệt là với việc mua bán hàng xa xỉ khiến cho giá cả sản phẩm được công bố minh bạch tại các khu vực. Và, một yếu tố quan trọng, không thể không nhắc đến đó là việc thuế nhập khẩu và các chi phí khác đối với hàng cao cấp tại Trung Quốc là rất cao. Năm ngoái đã có một thỏa thuận về chính sách thuế giữa Thụy Sĩ và Trung Quốc được ký kết (điều này sẽ có lợi cho các sản phẩm của tập đoàn Richemont và Swatch). (Tuy nhiên, việc gỡ bỏ thuế giữa EU và Trung Quốc dường như vẫn là một chuyện xa vời bởi nó còn liên quan tới rất nhiều yếu tố khác.) Vì vậy, hình ảnh các “thượng đế” Trung Quốc bước ra từ những cửa hiệu thời trang cao cấp với lúc lỉu túi lớn, túi nhỏ vẫn sẽ là cảnh tượng thường thấy.
Bài: Tuấn Anh