Trong mắt Tường, anh Thanh là một người anh, một người truyền lửa và cũng là một người thầy. Tường thấy mình may mắn vì gặp được nhiều người thầy trên con đường nghệ thuật của mình. Trong những ngày mới đi hát và đang tập tành sáng tác, Tường đã gặp anh Thanh, chính anh là người “mở khóa” nguồn năng lượng tích cực trong Tường. Anh Thanh giúp Tường hiểu sứ mệnh của bản thân, từ đó tự vạch ra con đường phải đi như thế nào. Một nghệ sĩ nếu đặt quá nhiều cái tôi trong tác phẩm của mình, khi đến tai người nghe mà họ không hiểu ca khúc nói về điều gì, thì đó là một thứ âm nhạc ích kỷ. Người nghệ sĩ thực thụ, muốn đi đường dài phải là người truyền đi thông điệp âm nhạc khiến mọi người nghe, hiểu và cảm.
Để có được một Vũ Cát Tường như ngày hôm nay, hẳn Tường phải “tầm sư học đạo” gian nan lắm?
Thật ra, mỗi giai đoạn Tường gặp mỗi người thầy khác nhau và Tường cảm thấy may mắn khi được nhiều bậc thầy trong ngành dạy dỗ. Giai đoạn Tường mới tập tành sáng tác bằng piano, thì Tường ảnh hưởng phong cách từ thầy Trọng Nguyên, từng nốt luyến láy, từng nốt jazz ngẫu hứng. Khi học ở SOUL Academy, Tường ảnh hưởng từ cô Phương Uyên và anh Thanh Bùi, từ giọng hát đến cách viết nhạc. Sau này trưởng thành hơn, Tường học được phong cách chậm rãi từ thầy Đức Trí, và sau cùng là cách nhìn nhận thị trường âm nhạc của thầy Huy Tuấn.
Được biết anh Thanh Bùi là một người tràn đầy nhiệt huyết, Tường có được truyền nhiều lửa từ anh không?
Rất nhiều là đằng khác. Chính anh là người “mở khoá” nhiều năng lượng tích cực ở trong Tường. Thanh Bùi vừa là một người anh, một người truyền lửa, và cũng một người thầy. Tường may mắn khi có được nhiều thời gian trò chuyện cùng anh. Anh gợi mở những định hướng cho Tường, giúp Tường hiểu được sứ mệnh của bản thân mình từ đó tự vạch ra con đường phải đi như thế nào.
Lời khuyên nào của anh Thanh Bùi khiến Tường thay đổi bản thân?
“Be yourself. Be vulnerable.” Có nghĩa “Hãy là chính mình. Hãy cho phép bản thân được tổn thương, được mở lòng và để mọi người nhìn thấy và cảm nhận được mình.”
Tường từng đánh mất điều gì của tuổi trẻ chưa?
Đến thời điểm này thì Tường nghĩ mình chưa đánh mất đi điều gì. Tường cởi mở và đón nhận thách thức mỗi ngày, Tường chiến đấu, “nhảy múa” cùng với nó để hiểu rằng mình không tồn tại mà mình đang sống trọn từng giây từng phút.
Nếu có một chuyến xe quay hồi về quá khứ, Tường muốn quay về thời điểm nào nhất?
Tường muốn quay về sửa chữa sai lầm của những mối quan hệ trước kia mà Tường vô tình làm tổn thương. Cả hai cùng cho nhau một cơ hội để ngồi lại và giải thích. Tường tin rằng khi mình có sự chân thành thì hai bên sẽ hiểu nhau hơn, ta nhìn cuộc sống theo một hướng tích cực, lạc quan hơn là chỉ chăm chăm vào những lỗi lầm của nhau.
Chất liệu nào được Tường dùng cho những sáng tác của mình?
Cảm xúc và quan điểm cá nhân của Tường.
Thời điểm nào trong ngày Tường dành cho việc sáng tác?
10 giờ hay 11 giờ tối, hoặc là trên những chuyến bay dài.
Mỗi bài hát Tường sáng tác, nó có gắn liền với những gì Tường trải qua?
Không chỉ đơn thuần là những trải nghiệm gắn liền với Tường. Nó còn là những nét vẽ chi tiết của một bức tranh tổng thể giúp mọi người chiêm nghiệm được nhiều điều hơn.
Điều gì Tường nghĩ đến đầu tiên khi chấp bút một tác phẩm mới?
Không có điều gì cả. Có những bài hát Tường mất 2-3 năm mới hoàn thành, nhưng có bài hát Tường chỉ cần một hai ngày hoặc vài ba tháng. Tùy theo cảm xúc của mình mà Tường sáng tác, như “Mơ” nó là cảm xúc “thai nghén” cả một năm mà Tường góp nhặt được để tác phẩm ra đời. Còn với “Don’t you go”, đó là những giây phút tươi vui, được bật ra ngẫu hứng khi Tường ngồi với cây đàn của mình.
Qua ngôn ngữ âm nhạc, Tường muốn truyền tải giá trị gì đến người nghe?
Tường muốn truyền tải tất cả giá trị mà mình có, những điều góp nhặt được trong cuộc sống của Tường. Về cách nhìn của người trẻ với một cuộc sống đa chiều, theo nhiều hướng khác nhau Tường gởi gắm điều này qua “Góc đa hình”. Về nỗi day dứt, tiếc nuối hồi ức đẹp đã qua, Tường thể hiện nó qua ca khúc “Mơ”.
Cái khó khăn của Tường khi ngồi xuống bàn và sáng tác là gì?
Trong âm nhạc, theo quan điểm của Tường thì cái khó mỗi khi chấp bút cho một ca khúc là làm sao mình cân bằng được cái Tôi của mình với cái Ta của người khác. Một nghệ sĩ nếu đặt quá nhiều cái tôi trong tác phẩm của mình, khi đến tai người nghe mà họ không hiểu nó đang nói về điều gì. Thì đó là một thứ âm nhạc ích kỷ, chỉ phục vụ riêng cho bản thân mình. Người nghệ sĩ thực thụ, muốn đi đường dài phải là người truyền đi thông điệp âm nhạc khiến mọi người nghe có thể hiểu và cảm nhận được nó.
Nếu được hát ở một nơi khán giả không biết Tường là ai, Tường chọn ca khúc nào để bắt đầu?
(cười) Tường rất thích được hát ở những nơi khán giả không biết mình là ai. Lúc đó Tường không phải đắn đo, suy nghĩ mình sẽ hát bài gì đầu tiên, mình thích hát bài gì thì mình hát thôi!
Tường tìm thấy được điều gì qua âm nhạc?
Tìm được chính mình và những người đồng cảm với mình.
Bài học lớn nhất Tường có được cho tới bây giờ?
Tường biết mở lòng và trân trọng mọi thứ đang hiện hữu xung quanh mình.
Quan điểm “không thay đổi” của Tường về cuộc đời?
Tường rất thích câu nói “Nếu bạn nghĩ đường chỉ tay nói lên số phận của bạn. Hãy nhớ rằng, nó luôn nằm trong lòng bàn tay của bạn.”
Cảm ơn Tường về buổi chia sẻ đầy thú vị!
Ca sĩ – Nhạc sĩ thanh bùi: Gã lữ hành thời đại
Sinh ra và thành danh ở Úc, nhưng Thanh Bùi đã kịp… chạy một vòng thế giới trước khi trở về Việt Nam. Từng bị sốc vì môi trường showbiz Việt, anh thậm chí đã muốn bỏ hết và xách va li về Úc. Câu hỏi “Anh đã làm gì được cho đất nước này?” là lí do giữ Thanh Bùi ở lại Việt Nam. Âu đó cũng là cái “ngông” của một gã lữ hành thời đại.