“Tôi chán Thanh Bùi ngày xưa lắm rồi!”
– Ở thời điểm hiện tại, phải gọi Thanh Bùi thế nào cho đúng nhất? Là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất, thầy giáo hay một doanh nhân?
– Cứ gọi Thanh Bùi là được rồi. (cười)
– Điều đó có nghĩa cái tên Thanh Bùi đã bắt đầu trở thành một thương hiệu?
– Tôi nghĩ đơn giản thế này: khi nhắc đến Thanh Bùi, mọi người sẽ lập tức mường tượng được đam mê tôi dành cho âm nhạc, và những gì tôi đã làm được ở Việt Nam. Ra album thì tôi cũng ra rồi, những ca khúc cũng đã được đón nhận. Đầu cũng hai thứ tóc, hai đứa con, vậy là… già rồi! (cười)
Còn ở thời điểm hiện tại, nếu bảo làm album như Thanh Bùi ngày xưa thì tôi… chán lắm! Những gì tôi muốn bây giờ phải lớn hơn, phải ảnh hưởng hơn.
– Vậy cái mốc tiếp theo sẽ là…?
– Đã đến lúc tôi cần cống hiến nhiều hơn cho xã hội, góp phần xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiệm cận với thế giới. Vở nhạc kịch “The Secret Garden” được Sân khấu SOUL Live Project tổ chức gần đây là một ví dụ, vừa tạo điều kiện cho các bạn trẻ đam mê nghệ thuật vừa mang lại lợi nhuận giúp đỡ cho cộng đồng.
“Ở Việt Nam mà không biết thông cảm, thì làm sao sống được?”
– Khi anh quyết định quay về Việt Nam, bố mẹ anh nói gì?
– Ban đầu bố mẹ tôi lo lắng lắm. Nhưng khi thấy tôi từng bước thích nghi và làm tốt công việc mình đam mê thì bố mẹ lại ủng hộ. Tôi thích thì tôi làm, và tôi có niềm tin là tôi làm được!
– Việt Nam có giống với những gì anh từng tưởng tượng?
– Khi còn ở Úc, ba mẹ thường kể cho tôi nghe về Việt Nam, những câu chuyện về quê hương thời ba mẹ sống. Đến khi đặt chân về Việt Nam, tôi mới cảm nhận hết những điều ba mẹ nói. Tôi bắt đầu thấy yêu cuộc sống ở đây. Bây giờ mỗi lần ra nước ngoài, tôi lại thấy nhớ những điều rất đỗi bình dị, những âm thanh quen thuộc… Tất cả tạo nên sức sống rất Việt Nam. Ngày xưa Úc là nhà, giờ Việt Nam cũng là nhà.
Nói thật, nhiều bạn bè tôi ở nước ngoài nghĩ Việt Nam vẫn còn chiến tranh… Mà tôi thấy cũng có một “cuộc chiến” thật (cười).
– Đến mức là “cuộc chiến” ư?
– Ở đây, bất cứ thành công nào cũng đều là một cuộc chiến nội tại. Vì vậy, tôi luôn sẵn sàng đấu tranh cho niềm tin và đam mê của mình. Việt Nam, đối với tôi, chỉ có hai lựa chọn: chấp nhận hoặc không – đơn giản thế thôi! Mà thực tế là tôi từng muốn về lại Úc rồi đấy chứ.
– Sau 5 năm, anh đã bước ra khỏi “cuộc chiến” ấy chưa?
– Mình không thể tự huyễn hoặc rằng mọi thứ đã đi vào quy củ, mà phải dùng trái tim để bước tiếp. Nói thật, nếu không học được từ “thông cảm”, tôi nghĩ mình sẽ không sống được ở đây.
– Người ta chỉ có thể thông cảm một vài lần thôi chứ?
– Tôi có niềm tin rằng, người ta chưa hiểu mình ngày hôm nay, nếu mình làm tốt, đến một ngày họ sẽ hiểu được. Năm đầu tiên, người ta vẫn chưa tin. Hai năm sau, họ tin chút xíu. Ba năm sau, tin thêm xíu nữa. Nên mình phải hiểu để mà sống chứ (cười).
– Anh có cảm giác cô độc trong showbiz Việt không?
– “Điếc không sợ súng” nên tôi mặc kệ, người ta cho là thất bại thì tôi lại coi đó là bài học. Mà tôi đâu có đơn độc, tôi có những cộng sự tuyệt vời và cả tập thể SMPAA (Học viện Âm nhạc và nghệ thuật SOUL – PV) đấy thôi.
Tôi cảm nhận được sự công nhận của khán giả, của học trò, của gia đình các em, đó là động lực rất lớn để tôi tiếp tục công việc của mình.
– Làm nghệ thuật ở Việt Nam mà anh lại bắt tay với người nước ngoài nhiều hơn. Có phải showbiz trong nước quá khác biệt để bắt tay cùng?
– Từ năm 21 tuổi, tôi đã ký hợp đồng đầu tiên với Universal Music, được lưu diễn khắp nơi trên thế giới – nên chuyện đó đâu có gì lạ?
Tôi thường chia sẻ với các học sinh ở SOUL rằng, mỗi người đều có một vẻ đẹp riêng, không ai giống ai, mình phải tôn trọng sự khác biệt đó. Quan trọng nhất là phải hiểu giá trị cốt lõi của mình ở đâu. Tôi làm việc với những nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế (RedOne, Apl.de.ap, Wayne Hector,…), với anh Chi Thanh (DJ producer người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Grammy), với anh Alexander Tú (biên đạo quốc tế, Top 3 “America’s Best Dance Crew”)… Tất cả cũng vì một mong muốn lớn nhất: đưa những nghệ sĩ gốc Việt có tầm ảnh hưởng quốc tế trở về Việt Nam, cùng xây dựng môi trường nghệ thuật ở Việt Nam.
“Hãy học cách chúc mừng và khen ngợi”
– Khá nhiều nghệ sĩ Việt hiện vẫn đang loay hoay trong việc tìm đường “xuất khẩu” sản phẩm của mình ra thế giới. Theo anh, chìa khóa nằm ở đâu?
– Làm nghệ thuật trong nước, tôi nghĩ, ngoài tài năng thì người nghệ sĩ còn cần có cái tâm. Điều này chắc ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được.
Muốn “xuất khẩu” âm nhạc, ngoài hai yếu tố trên còn cần ngoại ngữ và tư duy âm nhạc tiến bộ, đó chính là chìa khóa để kết nối với thế giới. Mình thể hiện tiếng nói của mình, kể câu chuyện của mình bằng âm nhạc. Chính điều đó sẽ tạo nên danh tính âm nhạc trên thị trường quốc tế.
Tôi nghĩ để thành công, rất cần sự khiêm tốn, hãy học cách chúc mừng và khen ngợi, hãy biến sự đố kị thành động lực để phấn đấu. Ở nước ngoài, khi một nghệ sĩ đạt giải thưởng hay thành công nào đó, bạn bè và người trong nghề sẽ gọi điện chúc mừng. Ở Việt Nam, không có văn hóa đó.
– Liệu anh có tiêu cực quá khi đánh giá về thị trường âm nhạc Việt Nam không?
– Tôi nghĩ ít người Việt Nam hiểu đúng về hai chữ “nghệ sĩ”, điều này khiến cho thị trường âm nhạc đi giật lùi. Người ta nghĩ, chỉ cần tham gia một chương trình truyền hình thực tế thôi là thành nghệ sĩ. Nhưng tôi đâu thấy ai được gọi là bác sĩ, luật sư, hay nhà báo chỉ sau một show truyền hình?
– Có khi đó lại là cách mà xã hội cho rằng đang “đào tạo” ra một thế hệ nghệ sĩ mới, thông qua sự nổi tiếng và cơ hội tiếp cận với khán giả?
– Tôi không cho đó là đào tạo. Thế hệ sau chỉ phát triển thành tài nếu được học hành bài bản, giỏi ngoại ngữ, biết kết hợp âm nhạc truyền thống với tư duy âm nhạc thế giới. Khát vọng trong tôi là mở được đường đi để các em không bị sai hướng, rồi chỉ cho các em một lối ra lành mạnh, không chiêu trò, không phụ thuộc vào truyền hình thực tế.
– Nhưng cũng phải thừa nhận rằng nhiều người biết đến Thanh Bùi là nhờ các show truyền hình đình đám?
– Ở thời điểm tôi tham gia làm giám khảo, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam còn mới và hồn nhiên lắm. Bây giờ thì… nhiều quá! Thử làm một phép so sánh nhỏ, nước Mỹ có trên 300 triệu dân và 50 bang mà chỉ có chừng 2 đến 3 show nổi bật về âm nhạc. Còn Việt Nam gần 90 triệu dân nhưng lại nhập về đủ loại format truyền hình thực tế từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc,… – chưa kể các chương trình nội địa. Thí sinh thi không đậu bên này thì chạy sang bên kia, cứ chạy vòng quanh như vậy mãi.
– Vậy nếu ví truyền hình thực tế là một con đường đã được mở, thì anh nghĩ lối ra cho nó nằm ở đâu?
– Hoặc phải ngừng lại một thời gian. Hoặc chuyển thành “edutainment” – kết hợp giữa “education” (giáo dục) và “entertainment” (giải trí). Việc nhà nhà xem ti vi giải trí là chuyện bình thường, nhưng để tạo ra được sự kết hợp giữa giải trí và giáo dục giúp định hướng cho các thí sinh, đó là điều mà xã hội đang cần.
– Nghe nói học trò của Thanh Bùi toàn những người đặc biệt?
– Các học trò của tôi rất tiềm năng, suy nghĩ hiện đại và vô cùng trong sáng.
Tôi nghĩ trách nhiệm lớn nhất của mình là tạo ra môi trường để các em phát triển toàn diện, không chỉ về âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa mà còn cả kỹ năng giao tiếp cộng đồng, ý thức trách nhiệm với bản thân và xã hội. Tôi mong muốn các em có thể truyền cảm hứng cho mọi người thông qua âm nhạc, nghệ thuật.
– Anh có phải là ông thầy nghiêm khắc?
– Tôi làm hết mình, nhưng chơi cũng hết sức đấy(cười). Tôi luôn nói với các em: “99% là công sức, 1% là tài năng. Vì vậy đừng nói nhiều, hãy cho thầy thấy con đã làm được gì”. Tôi nghĩ nghiêm khắc chưa đủ, còn cần phải uyển chuyển, bởi mỗi học sinh là một thế giới rất phong phú.
“Lãi to là nhờ… vợ”
– Anh nói phải thông cảm mới ở được Việt Nam, nhưng ai cũng thấy anh “lãi to” khi trở về Việt Nam đấy chứ. Vừa có sự nghiệp, danh tiếng, lại đề huề vợ con?
– Môi trường và lối sống ở Việt Nam quả thật rất khó thích nghi. Nhưng nếu xác định được mình muốn gì, thì tôi sẽ quyết tâm để đạt được. Tôi sống cho từng phút giây hiện tại, nên “lãi to” là điều hiển nhiên thôi.
– Lãi mà sao anh cứ giấu vợ mình mãi thế?
– Tôi muốn mọi người nhìn vào những sản phẩm nghệ thuật, chứ không phải cuộc sống riêng của mình. Nhưng tôi “lãi” như vậy là nhờ Vân (vợ nhạc sĩ Thanh Bùi – PV) cả đấy. Vân chịu đứng sau hỗ trợ để tôi thực hiện khát khao của mình. Có lần tôi đã định rời khỏi Việt Nam vì chưa quen được với lối sống và văn hóa ở đây, chỉ nhờ một câu hỏi của Vân: “Anh may mắn hơn nhiều người, thế anh đã làm được gì cho đất nước chưa?”, tôi “cứng họng” luôn. Thế là tôi ở lại.
– Đó có phải là lần “cứng họng” duy nhất của anh trước vợ?
– Nhiều lần nữa là đằng khác! (cười) Vân rất giỏi, thông minh, và tự tin. Nói chung ai mà chấp nhận yêu Thanh Bùi thì phải… tự tin dữ lắm.
Ca sĩ – Nhạc sĩ thanh bùi: Gã lữ hành thời đại
Sinh ra và thành danh ở Úc, nhưng Thanh Bùi đã kịp… chạy một vòng thế giới trước khi trở về Việt Nam. Từng bị sốc vì môi trường showbiz Việt, anh thậm chí đã muốn bỏ hết và xách va li về Úc. Câu hỏi “Anh đã làm gì được cho đất nước này?” là lí do giữ Thanh Bùi ở lại Việt Nam. Âu đó cũng là cái “ngông” của một gã lữ hành thời đại.