“Bye bye” nấm móng

Nếu xem cái răng, cái tóc là gốc con người thì với phái yếu phải thêm móng tay, móng chân mới đủ bộ làm đẹp! Kẹt cho nhiều bà, nhiều cô ưa trang trí móng tay lại gặp cảnh móng mới dũa ít ngày lại sần sùi, móng dễ gãy dù không động móng tay, dễ sưng đau ở góc móng dù không bội nhiễm! Lý do là vì móng tay nhiễm nấm! Đã vậy vì “xấu che tốt khoe” nên thường phủ lớp sơn mà không đè dưới lớp sơn ít dưỡng khí, nấm mốc tha hồ phát triển. Thêm vào đó, vì móng hay sưng đau nên nhiều người rửa móng tay bằng thuốc sát khuẩn. Hậu quả là nấm mốc như cá gặp nước vì lực lượng đối kháng là vi khuẩn bị diệt sạch.

 

Trong bối cảnh của xứ mình, với tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, sự hiện diện của đủ loại nấm mốc trên mặt da là chuyện bình thường! Nấm mốc bộc phát dễ dàng nếu có sự tiếp tay của stress, chế độ dinh dưỡng đơn điệu, rượu bia, thuốc lá, chất thải công nghệ, phân bón hóa học … Không quá khó vì không thiếu thuốc để trị nấm nhưng vẫn đề là làm sao tìm được thuốc không có phản ứng phụ?! Đáng tiếc là nhiều người chưa biết còn có một cách khác, thoải mái và an toàn hơn nhiều nếu so với biện pháp dùng thuốc, để nấm mốc tuy có mặt trong cơ thể nhưng không thể phát tán. Thực bào và bạch cầu của cơ thể khi đó có đủ thời giờ tỉa dần thành phần nấm mốc sinh bệnh. Đó là áp dụng chế độ dinh dưỡng theo nguyên tắc:

– Giảm đường cát, bột ngọt vì nấm mốc rất hảo ngọt. Chế độ dinh dưỡng càng làm tăng đường huyết càng tăng lực cho nấm. Người đã nhiễm nấm nên giới hạn các món tráng miệng như bánh ngọt, chè, kem cho đến khi đẩy lùi được bệnh.

– Nếu đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phảm thì rau sống, sữa chua, cải chua là những món khắc tinh của nấm mốc.

 

– Thay vì chiên xào nên thay thế bằng hình thức hấp, luộc, hay dùng lò vi ba, hoặc tối thiểu cũng thay mỡ bằng dầu ăn.

– Tăng các loại gia vị có tính diệt nấm như tỏi, củ hành, mù tạt, giấm.

– Giới hạn các loại thực phẩm công nghiệp với chất phụ gia khó lường. Thay vào đó là các món tươi xanh nhưng không giữ quá lâu dù là được bảo quản trong tủ lạnh.

– Chú trọng các loại sinh tố và khoáng tố cần thiết cho hoạt động của hệ miễn nhiễm như sinh tố A trong cà rốt, bí rợ, C trong ớt chuống, ngò rí; kẽm trong gan bò, selen trong đậu nành, mangan trong lòng đỏ trứng, magie trong thịt gia cầm …

– Thay đổi pH trên móng tay bằng cách rửa tay vài lần trong ngày với xà phòng trung tính không hương liệu, hay nước trà pha vài giọt chanh. Nhiều khi giải pháp đơn giản mà hiệu quả.

 

Nếu tưởng nhiễm nấm trên móng tay là chuyện hời hợt ngoài da thì lầm. Theo một số báo cáo y học gần đây, bội nhiễm nấm mốc kéo dài thậm chí là đòn bẩy gây rối loạn biến dưỡng chất béo, xơ vữa động mạch và thuyên tắc mạch máu vành tim. Trị bệnh nấm tay vì thế không chỉ vì xấu xí mà thậm chí mang ý nghĩa dự phòng nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác. Thay vì chỉ trông mong vào thuốc, khéo hơn nhiều nếu người chữa bệnh lưu tâm đến biện pháp phòng bệnh như tránh thức ăn mốc meo, giữ môi trường sống thoáng khí, khô ráo, đầy đủ ánh sáng mặt trời. Quan trọng hơn nữa là tăng lượng các món ăn có nấm trong khẩu phần, như nấm rơm, nấm mèo, nấm tuyết … vì hợp chất betaglucan và tạp thể khoáng tố vi lượng trong nấm có tác dụng khử nấm sinh bệnh. Mượn nấm này trù nấm kia, đã vậy lại ngon miệng, còn gì khéo hơn?!

Theo thống kê ở các nước Châu Âu, không dưới 30% cư dân bên đó đang là nạn nhân của bội nhiễm nấm mốc. Nếu tỷ lệ mắc bệnh ở nước ta chỉ cần chiếm phân nửa tỷ lệ của nước người thì hiện có tròm trèm gần chục triệu người đang cần được điều trị! Đừng xem thường chuyện trục trặc với móng tay. Lỗ nhỏ đắm thuyền như chơi.

Theo CNMS


From the same category