Bữa tiệc thị giác trong thành phố

Hãy thử một ngày đóng vai khách du lịch ngay tại nơi mình sống: tới những nơi bạn chưa từng đến, thử những điều mình chưa từng làm, quan sát vạn vật dưới một con mắt khác. Mỗi ngày hãy “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” hơn con người, kiến trúc, thanh âm, mùi vị đô thị, tất thảy mọi chất thơ trong đời sống.

Thạch Lam từng bảo: “Muốn biết rõ một thành phố, không cần phải biết những lâu đài mỹ thuật, những nhà bảo tàng, những tờ báo hay những nhà văn, nhưng cần phải biết những chốn mà dân thành phố ấy ăn chơi. Ăn và chơi […] đó là hai điều hành động mà trong ấy người ta tỏ rõ cái tâm tình, cái linh hồn mình một cách chân thực nhất”. Cái hay trên đời là cũng có những người “ăn” bằng thị giác, hay xem sự nhìn là “món ăn” bồi bổ tinh thần và nuôi dưỡng tâm hồn, như nhiếp ảnh gia Bill Cunningham bày tỏ “I eat with my eyes” khi bàn đến công việc của mình, và “It educates the eyes” nhằm ám chỉ tầm vóc của kinh đô thời trang Paris.

Triển lãm sắp đặt “Khải” tại Manzi

Nhìn gì, nhìn thấy ra sao và nhìn nhận thế nào cũng là câu hỏi quan trọng, dù đó là thưởng lãm nghệ thuật hay quan sát phố phường đi chăng nữa. Ghé thăm bảo tàng, đến chơi phòng tranh, ta chiêm nghiệm tinh hoa thẩm mỹ cùng giá trị của các tác phẩm trong dòng chảy lịch sử, văn hóa. Không phải để tự xưng là am hiểu, nhìn ở đây nên là tự thân cảm thụ, và tuyệt vời hơn nữa khi ta tìm thấy sự rung động trong cảm xúc nội tại, chút gì đó đồng điệu, thấu cảm, hay thức tỉnh, vỡ lẽ về một vấn đề. Nhà phê bình Nguyễn Quân gọi đấy là “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” trong cuốn sách cùng tên của ông.

Tiệm cà phê Red Door (chi nhánh Đồng Khởi) là nơi bạn vừa có thể nhâm nhi tách cà phê vừa ngắm tranh đẹp.

Bên cạnh các “gia vị truyền thống”, “thực đơn” nghệ thuật tại Hà Nội và Sài Gòn còn ẩn chứa nhiều “hương vị” đương đại cũng lay động không kém. Cách đây không lâu, triển lãm đầu tiên mà tôi tham dự sau gần một tháng cửa đóng then cài vì đại dịch Covid-19 rơi vào một chiều cuối tháng Năm. “Lunar Breccia” cũng là triển lãm đầu tiên của Galerie Quynh sau đợt giãn cách xã hội, với những tác phẩm mới lẫn chưa từng trưng bày của các nghệ sĩ tên tuổi ở Sài Gòn như Hoàng Dương Cầm, Đỗ Thanh Lãng, Sandrine Llouquet, Võ Trân Châu… Dẫu rằng tại nhà chẳng bao giờ thiếu nguồn tranh ảnh để xem, nhưng khi đặt mình vào không gian này, trực tiếp đối thoại với tác phẩm bằng nhãn quan, để những đường nét ba chiều của cọ, màu vẽ cùng bề mặt chất liệu cứ thế lên tiếng, để từng hơi thở bị cuốn theo sự sắp đặt chỉn chu đầy chủ ý, trong tôi mới sống dậy thứ cảm xúc mãnh liệt như khi yêu lần đầu, hay có khi là sự vỡ òa sau một giai đoạn thiếu thốn tương tác với thế giới bên ngoài. Thưởng thức một tác phẩm tại phòng tranh so với việc xem nó trên mạng hay qua sách báo, chẳng khác nào việc nghe một bản nhạc trên đĩa than so với nghe file nén chất lượng thấp trên điện thoại.

Vincom Center for Contemporary Art

Đó cũng là điều bạn sẽ dễ dàng trải nghiệm khi đặt chân đến các không gian nghệ thuật đương đại như The Factory Contemporary Arts Centre, Sàn Art hay MoT+++ ở Sài Gòn, hoặc Manzi, Work Room Four, Vincom Center for Contemporary Art tại Hà Nội. Mỗi nơi chốn có một tinh thần và cách thức hoạt động riêng để thu hút những người trùng “sóng”.

Các không gian nghệ thuật đương đại tại Sài Gòn:
Galerie Quynh
The Factory Contemporary Arts Centre
Sàn Art
MoT+++
Các không gian nghệ thuật đương đại tại Hà Nội:
L’Espace Hanoi
Manzi
Work Room Four
Vincom Center for Contemporary Art

L’Espace là nơi để thưởng thức các tác phẩm điện ảnh và triển lãm nghệ thuật đậm màu văn hóa Pháp. Work Room Four kết hợp đa ngành thiết kế, mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng với hội chợ Art For You được tổ chức hai năm một lần, là dịp để bạn sở hữu các tác phẩm nghệ thuật với giá hợp lý. The Factory Contemporary Arts Center sở hữu không gian rộng hơn 500m2, đều đặn diễn ra các triển lãm quy mô lớn từ các nghệ sĩ trẻ cũng như các buổi thảo luận, workshop do các chuyên gia đa ngành dẫn dắt. Với 20 năm hoạt động, Galerie Quỳnh là phòng tranh tư nhân đại diện cho các nghệ sĩ thành danh với những triển lãm nhóm và cá nhân uy tín, thu hút giới sưu tầm trong và ngoài nước. Sàn Art và Mot+++ là hai không gian do nghệ sĩ sáng lập và điều hành, với các triển lãm và hoạt động thử nghiệm, đa chiều phản ánh dòng chảy ngầm của văn hóa. Còn nếu bạn muốn một nơi tao nhã dễ chịu để vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm tranh đẹp thì Sài Gòn có tiệm Red Door chi nhánh Đồng Khởi, ở Hà Nội là Manzi trên phố Phan Huy Ích.

The Factory Contemporary Arts Center

Hành trình cảm thụ tác phẩm khó có thể chạm đích một sớm một chiều, nó đòi hỏi người xem trước hết phải học, đọc, nghe và xem nhiều. Nếu thấy ngại thì cơ hội sẽ mãi đóng chặt cửa, còn sẵn lòng thì những không gian trên cũng chính là chìa khóa, là tiếng chuông reo để ta rung động cùng thị giác, là chất xúc tác khiến đời sống tinh thần thêm phần thi vị và sâu sắc hơn. “Người xem đương đại phải như một tâm hồn hiếu động và một người tiêu thụ thông minh gấp gáp”, theo lời Nguyễn Quân, “nghệ thuật xuất hiện mọi lúc, ở mọi nơi; vấn đề chỉ là nhận ra nó và hãy sống cùng nó”.

ĐI NÀO BẠN!

Đi để đối thoại với bản thể của chính mình.
Đi để kích hoạt tất cả các giác quan.
Đi để tới những nơi mình chưa từng đến, thử những điều mình chưa từng làm, quan sát vạn vật dưới một con mắt khác.
Đi để tham gia bữa tiệc thị giác, nghe những khúc ca gieo trên vách đá, định nghĩa lại hạnh phúc đôi khi chỉ là một miếng ngon vừa đủ.
Đi còn để “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” hơn con người, kiến trúc, thanh âm, mùi vị, tất thảy mọi chất thơ trong đời sống… trước khi chúng chỉ còn hiện diện trong những tấm ảnh bạc màu.
Đẹp mời bạn bước vào một chuyến du lịch lý thú mà “người dẫn đường” ở đây, không gì khác, chính là tất cả các giác quan của bạn.

See
• Bữa tiệc thị giác trong thành phố
• Chuyển kể dọc đường
• Đi tìm những bức tường nở hoa ở Sài Gòn

Hear
• Về vùng Mông nghe khúc ca gieo trên vách đá
 “loang thoang” xứ Quảng: Đã có bèn B tiếng Quảng chưa?
• Ngô Hồng Quang & tấm hộ chiếu được vẽ bằng âm thanh các vùng miền

Taste
• Hạnh phúc là một miếng ngon vừa đủ
• Từ điển bánh tráng Tây Ninh

Smell
 Mùi hương nước Việt
Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân
Nghe mùi trầm hương nhớ thương phố Hội

Touch
Khi tay “nhúng chàm”: Học nhuộm chàm của người Nùng An
Khi tay “nhúng chàm”: Đi Cát Cát học người H’Mông cách nhuộm chàm
• Những đôi tay nhảy múa
• Chạm vào tĩnh lặng

Feel
10 ngày im lặng ở Củ Chi
• Ngôi làng trong mây

Ảnh: Nha Đam, Thanh Dat Truong


From the same category