Giữa sàn diễn bao phủ bởi 160 cây xanh, Dior mang đến các thiết kế ngập tràn hơi thở tự nhiên, thêu đính họa tiết cây cỏ; thể hiện rõ nét thông điệp về môi trường trong bộ sưu tập Xuân Hè 2020.
Khi khủng hoảng khí hậu trở thành vấn đề của toàn thế giới, phát triển bền vững theo đó trở thành mục tiêu chung, các ngành nghề sản xuất ngày càng có nhiều sự thay đổi. Và thời trang cũng không phải ngoại lệ. Trong ngày mở màn Tuần lễ Thời trang Paris vừa qua, nhà thiết kế Maria Grazia Chiuri – Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu Dior đã lan tỏa thông điệp phát triển thời trang bền vững bằng cách dựng 160 cây xanh trên sàn diễn giới thiệu bộ sưu tập Xuân Hè 2020.
Maria Grazia Chiuri chọn trường đua Longchamp làm nơi tổ chức show diễn của Dior. Một phần bởi đây chính là xuất phát điểm cho các thể nghiệm thời trang mới mẻ những năm 1930, là khởi nguồn của nhiều xu hướng đương đại. Gần một thế kỷ trước, Longchamp cũng chính là điểm hẹn quen thuộc của giới tinh hoa, nơi các tầng lớp ưu tú thường hội tụ dưới bóng cây hạt dẻ ngựa để hàn huyên, trao đổi. Trong quan niệm thời bấy giờ, những cây hạt dẻ ngựa cao lớn được coi là “loài cây của nữ giới”. Có thể thấy, ngay từ cách chọn địa điểm dựng show, Maria Grazia Chiuri đã gián tiếp tôn vinh giá trị tự nhiên và tinh thần nữ quyền đầy ẩn ý.
Và không chỉ dùng cây xanh trên sàn diễn, Giám đốc Sáng tạo của Dior còn chứng minh tinh thần bảo vệ môi trường một cách thiết thực bằng hành động. Sau khi kết thúc sự kiện, toàn bộ cây sẽ được đem trồng ở các khu vực khác nhau của Paris. Với cam kết về phát triển bền vững trong thời trang, các vật liệu dùng cho show bao gồm 2.200 mét vuông ván gỗ, 4.500 mét vuông vải,…cũng đều sẽ được hiệp hội Bảo tồn Nghệ thuật (La Réserve des Arts) thu hồi và tái sử dụng. Cùng với đó, toàn bộ thiết bị chiếu sáng trong quá trình diễn ra sự kiện đều được chạy bằng dầu canola (dầu hạt cải).
NTK Maria Grazia Chiuri tìm thấy cảm hứng cho bộ sưu tập Xuân Hè 2020 từ bức hình chụp Catherine Dior – em gái ruột của nhà thiết kế Christian Dior khi bà đang mỉm cười rạng rỡ trong khu vườn của riêng mình. Thuở sinh thời, Catherine là một người làm vườn, có đam mê mãnh liệt với cây cối, hoa lá. Tuy nhiên đây lại không phải công việc dành cho phái nữ thời điểm bấy giờ.
Sự lựa chọn của Catherine giống như cách bà thể hiện tình yêu với thiên nhiên, thẳng thắn bộc lộ tinh thần nữ quyền. Và cũng chính từ hình ảnh người phụ nữ quyết đoán, mạnh mẽ ấy mà Maria Grazia Chiuri muốn xây dựng biểu tượng người làm vườn độc nhất vô nhị, gắn liền với thiên nhiên, thực vật, tôn vinh lý tưởng bảo tồn đa dạng sinh học và truyền tải thông điệp phát triển thời trang bền vững.
Trở lại với các thiết kế trong bộ sưu tập Xuân Hè 2020. Dior đã khéo léo đan lồng hình ảnh của Catherine Dior, khơi gợi tình yêu dành cho thiên nhiên, cây cỏ qua cách ứng dụng chất liệu thuần tự nhiên vào trang phục. Nổi bật như thiết kế đầm cúp ngực làm từ raffia – một loại sợi cọ từng được dùng trong bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2017. Bên cạnh đó, họa tiết cỏ cây, hoa lá cũng được in, thêu trên nền vải tulle, organza,…mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Không phải hoa trong nhà kính hay những cây cối vườn nhà, Maria Grazia Chiuri dành nhiều ưu ái cho thực vật tự nhiên, có phần hoang dã. Những loài thảo mộc hoang sơ, dễ bắt gặp ven đường như hoa cúc dại, cây kế gai, hoa đại,…được chau chuốt tỉ mỉ trong từng mũi thêu trên nền vải.
Kỹ thuật thêu thủ công của các nghệ nhân cũng khiến hoa lá, cây cỏ trong những thiết kế của Dior trở nên gai góc, sống động, có độ sần vô cùng chân thực. Chất liệu xuyên thấu mong manh, để lộ nội y táo bạo như phô bày nét cá tính mạnh mẽ, dạn dĩ, ẩn khuất phía sau lớp vỏ bọc nhu mì, mềm mại của nữ giới.
Bên cạnh cảm hứng về thực vật, Chiuri còn thể hiện mối tương quan giữa con người và tự nhiên dựa trên ý tưởng đến từ phong trào Monte Verità – cộng đồng nghệ thuật với nhiều tư tưởng cấp tiến được thành lập ở Thụy Sĩ đầu thế kỷ 20. Những họa tiết trên các mẫu đầm xuyên thấu mỏng tang giống như tấm bản đồ cơ thể, có luân xa búi mặt trời (Chakra) ở tâm điểm, từ đó tỏa ra nhiều nhánh nhỏ tượng trưng cho năng lượng sống. Cách thể hiện của Chiuri về luân xa như muốn lan rộng sự sống tới toàn bộ cơ thể, ngụ ý tập trung chăm sóc trí lực con người giống như phương thức Catherine Dior và nữ giới săn sóc cho khu vườn của họ.
Một trong những nét đặc sắc thiết kế của Dior ở bộ sưu tập lần này là dù thuộc dòng thời trang ứng dụng, thế nhưng trang phục Xuân Hè 2020 lại mang nhiều dấn ấn Haute Couture. Không chỉ thêu họa tiết bằng tay, Dior còn thực hiện kỹ thuật in thân thiện với môi trường, thực tế là nhuộm màu thủ công từ chính cây cỏ, hoa lá.
Các nhánh thảo mộc, lá hoa sau khi thu gom sẽ được đặt lên trên nền vải lưới dùng để may mẫu. Sau đó, phủ lên trên một tấm vải len ướt đã vắt ráo nước, đặt một thanh trụ dài ở mép rồi cuộn tấm vải lại, cố định và đem luộc trong vòng 3 tiếng. Khi mở cuộn vải, gỡ các mảnh lá ra, phía dưới sẽ dần hiện lên những vết màu phai đẹp mắt, sắc độ vô cùng tự nhiên.
Những điểm mới ở bộ sưu tập Xuân Hè 2020 của Dior còn nằm ở trang phục bảo hộ lao động (boilersuit), xu hướng tẩy màu denim cùng kỹ thuật nhuộm nhúng (tye-die) lạ mắt. Đây cũng hứa hẹn sẽ trở thành trào lưu có sức hấp dẫn trong mùa hè năm sau.
Sẽ không thể trọn vẹn nếu show diễn của Dior thiếu đi chiếc áo khoác Bar kinh điển. Những mẫu Bar Jacket, phảng phất bóng dáng bộ sưu tập “New Look” ra mắt năm 1947, trở nên “trầm mặc” hơn với các tông màu nền nã. Những thiết kế họa tiết kẻ sọc, kẻ houndstooth được phối cùng thắt lưng bện thừng và chân váy midi, vừa tinh giản nhưng cũng vừa tinh tế.
Dành cho Miss Diors – những cô nàng thành thị, Maria Grazia Chiuri đã điểm xuyết nét Parisian với họa tiết kẻ sọc, kẻ Breton vào trong trang phục phong cách “điền viên”. Các mẫu áo kẻ còn được bắt cặp đa dạng từ chân váy hoa tới quần công sở, phối cùng boots quân đội hoặc giày đế cói phóng khoáng.
Đồng điệu với trang phục chính là phụ kiện. Ngoài những chiếc túi Montaigne, bộ sưu tập Xuân Hè 2020 còn có sự trở lại của túi Book Tote, túi Saddle phom dáng quen thuộc song được đổi mới màu sắc, họa tiết. Sự xuất hiện của boots cao cổ cut-out, kính mắt bản lớn hay giày đế cói, thắt lưng bện thừng cũng đều là những điểm sáng mới mẻ.
Một trong những phụ kiện thú vị nhất ở bộ sưu tập lần này còn là những chiếc mũ rơm, mũ cói, được thực hiện bởi Stephen Jones – nhà thiết kế mũ nổi danh đầu thế kỷ 21. Nhờ có những chiếc mũ, đôi giày làm từ chất liệu tự nhiên mà phong cách điền viên được “khắc họa” sắc nét, hoàn thiện chân dung cô nàng làm vườn mộc mạc, tinh tế.