Sau 8 tiếng vật vã ở công sở, nhiều người trở về nhà vừa đem theo những gánh nặng mệt mỏi của cơm áo gạo tiền, những lo toan kinh tế thường ngày lại vừa chất thêm những gánh nặng các công việc không tên trong gia đình. Và nhiều người không còn chút năng lượng...
Trong khi đó không hiểu sao bọn trẻ con lại luôn có nhiều năng lượng để vận động không ngừng như thế.
Thử tưởng tượng bạn sẽ bị “tăng xông” thế nào khi thường xuyên chứng kiến cảnh náo nhiệt, hai đứa chạy rầm rập rầm rập từ phòng này sang phòng khác. Nếu không chạy thì hai đứa lại leo lên hai con xe máy đồ chơi rồi phóng ào ào theo nhau và đâm sầm vào mẹ đang chân thấp chân cao quay cuồng với một núi việc không tên trong nhà bếp, làm cho mẹ đau điếng. Càng la hét chúng ra ngoài phòng khách thì chúng càng phản ứng dữ dội. Thế mà đột nhiên thấy rất lặng lẽ thì chắc chắn là một sự im lặng đáng sợ. Không sai, nhìn ra phòng khách, thế nào cũng thấy hai anh đang đu đeo trên song cửa ra ban công như hai con khỉ. Hay là hai chàng đang đứng trên ghế sô pha, đứng trên ghế sô pha không có nghĩa là đứng thông thường đâu, tức là đứng trên thành lưng ghế và bắt đầu nhảy xuống “một cảm giác thật là yomost”. Bạn thử la hét cấm chúng không được làm như thế thì chúng càng hô hào nhau cùng thực hiện các trò phá phách khác.
Thử tưởng tượng, các bé sinh đôi thường rất ít biết cách nhường nhịn nhau mà luôn tranh giành nhau, cứ chơi với nhau một chút thôi là hai chàng đã lăn xả vào nhau “huynh đệ tương tàn”. Tất yếu là chiến tranh to luôn xảy ra. Công việc thì chồng chất mà luôn phải đi giải quyết mâu thuẫn của các chàng sẽ khiến cho bạn dễ dàng “lên cơn”.
Tôi cũng tìm hiểu kỹ giai đoạn từ 2 tuổi đến 4 tuổi là giai đoạn bé hay mâu thuẫn với chính mình, khó dạy bảo và thích thể hiện mình, có tính hiếu thắng. Đặc biệt, bé muốn phản kháng lại những yêu cầu của người lớn, tự mình làm việc này, việc nọ. Vì thế, các bé thường tỏ ra bướng bỉnh, cáu bẳn, quăng ném đồ dùng khi bị ngăn cấm.
Giai đoạn 2 tuổi, tôi gọi là khủng hoảng “tụt huyết áp”. “Tụt huyết áp” là từ kinh điển hay dùng nhất của nhà mình chỉ những cơn nằm vạ, trạng thái thường gặp là nhũn như con chi chi nằm lăn lóc dưới đất giống như bị “tụt huyết áp” khi không được đáp ứng yêu cầu.
Giai đoạn3 tuổi, tôi gọi là khủng hoảng “nói ngược”, có nghĩa là bé luôn làm ngược lại những gì bạn muốn bé làm. Tinh thần “tự chủ” của bé đã lên tầm cao mới.
Giai đoạn 4 tuổi hiện nay là đỉnh cao của sự bướng bỉnh phản khảng của các bé, giai đoạn “trêu ngươi” và “bắt thóp”. Bun vừa đổ nước ra sàn nhà lại vừa trêu tức mẹ bằng cách nhìn mẹ cười cười “con xin lỗi mẹ lần sau con không làm thế nữa” (vì lần nào phạm lỗi mẹ cũng bắt con phải làm như thế).
Mới tí tuổi đầu, các bé đã nhận ra hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong cách nuôi dạy con cái của một gia đình nhiều thế hệ: bố mẹ ra sức dạy con tự lập trong ăn uống, phục vụ bản thân, loại bỏ thói quen “đánh chừa”, đưa con vào nếp biết nghe lời thì ông, bà sẽ ngược lại, chiều chuộng, xót xa cháu, thậm chí lên án bố mẹ là “phát xít” với con cái. Thế nên mới có cảnh vừa định dạy dỗ con thì Bun Beo đã chu mỏ: “mẹ làm thế con sẽ mách với ông bà.”
Để nuôi con khôn lớn đến nay mới “bò” qua được giai đoạn bắt đầu mà mình đã thấy thật may mắn “sống sót” qua các cuộc “khủng hoảng” của các con.
Và mình rút ra một bài học hết sức đơn giản: chỉ cần mình hết sức bình tĩnh.
Nếu gặp tình huống như trên, mình càng mắng, bé càng chống đối điên cuồng thì mình càng nghĩ đang bị con thách thức nên mất bình tĩnh. Và lúc đó giận quá mất khôn, nhiều trường hợp bố mẹ đã gây ra những hậu quả đáng tiếc với con.
Bố mẹ không thể cho con những gì mà bản thân mình không có. Muốn dạy được con, chính bố mẹ phải hoàn thiện mình, nâng cấp mình lên vì bạn phải hiểu rằng cây xanh thì lá cũng xanh. Cách bố mẹ dạy con không chỉ là lời nói nữa, mà bằng lối sống, cách ứng xử của mình. Bạn mất bình tĩnh la hét om sòm, và lần tới bạn sẽ phải giật mình nhìn thấy phiên bản tí hon của mình bắt chước cái cảnh xấu xí ấy.
Khi bạn giữ được bình tĩnh, đầu óc của bạn sẽ trở nên sáng suốt, dễ dàng nghĩ ra những biện pháp đối phó tiếp theo đối với các chàng quỷ con này tùy vào từng tình huống cụ thể. Bạn có thể dùng chiến thuật phân tâm ly tán để đánh lạc hướng ý định của con, tạo ra không khí vui vẻ.
Bạn còn có thể dùng “mưa dầm thấm lâu” khuyên bảo, tỉ tê, giải thích đúng sai để giảm tần suất phạm lỗi, dần dần con bạn ngấm được những cách cư xử đúng lúc nào không hay.
Ông cha ta nói quả không sai: sinh con rồi mới sinh cha. Trong quá trình dạy con, người lớn cũng tự dạy cho mình những bài học lớn từ những điều nhỏ nhặt.
Hãy luôn giữ bình tĩnh, đó là chìa khóa của sự thành công!
Bài và ảnh: Thu Huyền
Vì sao mẹ hy sinh mái tóc dài của con?