Biến rác thải thành đồ lưu niệm - Tạp chí Đẹp

Biến rác thải thành đồ lưu niệm

Giải Trí
Chuyên đề: Những người muôn năm cũ

–  Những người khắc chữ ở Sài Gòn
–  Người khắc bút cuối cùng ở Hà Nội
–  Nghề gia truyền ngõ Thanh Miến
–  Cắt tóc vỉa hè
– Người chụp ảnh dạo
–  Biến rác thải thành đồ lưu niệm

                                                                     Tổ chức: Vũ Thủy
                                                                     Bài: Nha Trang, Bích Diệp
                                                                    Ảnh: Tuấn Đào, Dy Duyên



– Từ đâu mà ông có ý tưởng tái chế túi nilon phế thải thành đồ lưu niệm?

– Ngồi sửa xe ở đây lâu năm, tôi thấy rất nhiều người không có ý thức, tiện tay vứt tất cả mọi thứ ra vỉa hè, lòng đường hay hồ nước, công nhân vệ sinh dọn không xuể. Tôi nghĩ sao mình không làm một cái gì đó để giữ vẻ đẹp cho nơi mình làm việc hàng ngày? Ban đầu tôi chỉ thu lượm rác vào thùng, lựa những đồ có thể dùng được mang bán. Sau mới nghĩ ra cách làm con giống bằng túi bóng. Nghĩ ra được cách làm này tôi phấn khởi lắm. Ban đầu chỉ để tặng khách hàng, rồi người qua đường, đặc biệt là khách nước ngoài hỏi mua. Họ rất yêu quý những món đồ thủ công này.

Biến rác thải thành đồ lưu niệm 

– Ông có lo lắng khi hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với đồ phế thải và người mua cũng e ngại?

– Nói là phế thải nhưng tôi phải lựa chọn rất kĩ những túi còn khô, sạch, thường là túi người đi đường đựng đồ khô. Tuyệt đối không dùng những túi đựng đồ ăn, túi đã quá bụi bẩn hay đã phân hủy. Túi mang về đều được giặt, phơi sạch sẽ rồi mới làm thành phẩm.


– Hẳn làm ra được một sản phẩm đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, kì công?

– Hàng ngày, ngoài thời gian bơm vá xe cho khách, tôi đi lượm túi phế thải quanh Hồ Tây. Ban đầu, nhiều người không biết cứ nghĩ tôi là ông già lẩm cẩm, không bình thường mới đi nhặt rác. Công việc này không nặng nhọc nhưng rất lâu công khi phải ngồi cắt túi rồi se thành dây. Dây phải nhỏ, mảnh như dây cước mới đạt yêu cầu. Đan một con giống nhỏ bằng ngón tay mất hàng trăm dây cước như vậy.

Để hoàn thành, khó khăn nhất là khâu tạo hình con giống. Ban đầu tôi thường làm 12 con giáp theo năm sinh của từng vị khách, sau có thêm nhiều mẫu khác như cây cổ thụ, nhà cao tầng… Mỗi lần đan luôn cố gắng đặt tình cảm vào đôi tay thì con vật sẽ sinh động, có hồn cốt, không con nào giống con nào. Tôi thấy vui vì mỗi lần tạo hình là một lần tưởng tượng màu sắc, hình dáng khác nhau.  

– Từ đâu ông có được khiếu thẩm mỹ và kỹ năng đặc biệt này?

– Tôi quê gốc ở Gia Lâm, gia đình có nghề mây tre đan đã truyền qua sáu đời. Nhờ thế mà tôi có thể nghĩ ra cách đan con giống bằng sợi túi bóng và đan thành hình rất nhanh. Chỉ tiếc vì thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên giờ gia đình tôi không ai còn giữ được nghề.

Biến rác thải thành đồ lưu niệm 

– Công việc hiện tại có đảm bảo cho cuộc sống của ông không?

– Đan con giống không phải là công việc mưu sinh. Mỗi con giống chỉ bán được trung bình từ 100 đến 200 ngàn đồng và mất tới 3, 4 ngày để hoàn thành. Tôi làm vì yêu thích là chính. Nhưng tôi quen với cuộc sống tằn tiện rồi. Thời trẻ, trong tay không một đồng vốn, tôi đi làm thợ mộc, thợ nề. Đến khi khá hơn thì mở cửa hàng sửa chữa ti vi. Hơn chục năm nay, mắt mờ tay run tôi buộc phải bỏ nghề ra vỉa hè bơm vá xe kiếm sống. Ốm đau từ nhỏ lại mặc cảm nghèo, tôi không nghĩ đến chuyện lập gia đình. Giờ vẫn sống một mình trong căn nhà thuê, tháng một lần đi xe buýt đến bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Tôi buộc lòng phải tìm mọi cách để mưu sinh. Có đêm mùa đông lạnh giá, đi lang thang nhặt phế thải tôi đã ngã xuống hồ. May có người dân cứu giúp. Tôi chỉ mong sao mình đủ tiền thuê nhà, chữa bệnh là vui rồi.


– Bệnh tật lại sống một mình, sức mạnh nào giúp ông lạc quan đến vậy?

– Có những lúc tôi cảm thấy rất bi quan vì ốm đau, bệnh tật lại chỉ có một mình. Nhưng tôi nghĩ trời còn cho mình tồn tại thì mình phải sống có ích. Dù không duy tâm nhưng tôi tin mỗi con người có số phận vì thế mà xem mọi khó khăn là điều đương nhiên, không được phép bất mãn hay làm những việc phải hổ thẹn.

 

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Cứ mỗi ngày trôi qua, lại có vài trăm loài động vật tuyệt chủng trên Trái đất. Và bất cứ thứ gì cũng có thể rơi vào tình trạng tuyệt chủng hàng loạt như thế, khi hệ sinh thái của chúng thay đổi. Ví dụ, như một môn nghệ thuật.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

17/12/2013, 21:29