Balzac – “thợ mỏ” trong tình trường? (P 2)

Vào đầu những năm 30 thế kỷ 19 tên tuổi Balzac đã lừng lẫy với tư cách một nhà văn lớn, nhà tâm lý sắc sảo và đặc biệt là người “thấu hiểu trái tim đàn bà”. Tuy nhiên Balzac vẫn chưa thực sự hài lòng, bởi ông còn ôm mộng phải trở nên giàu sang và tìm cho mình một ý trung nhân hoàn hảo. Đối với Balzac thì “ý trung nhân hoàn hảo” nghĩa là phải đem lại cho ông cả đam mê sắc dục, cả tiền bạc để giải quyết nợ nần cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho ông viết lách. Chưa kể người ấy phải thuộc dòng dõi thượng lưu với phong thái hoàn hảo để có thể thỏa mãn bản tính sĩ diện nơi ông. Tuy nhiên, thời điểm đó Balzac thường miệt mài bên bàn viết mỗi ngày đến 16 tiếng, hầu như chẳng còn thời gian đi đến đâu nên việc tìm một bóng hồng có thể “kế nghiệp” Laura de Berny (lúc ấy đã 54 tuổi) quả không dễ chút nào.  

Honore de Balzac năm 1829

Và trong khi người tình trong mộng chưa xuất hiện, nhà văn trở nên rất buông thả trong quan hệ với phụ nữ. Chẳng hạn, cùng lúc ông có thể vừa cặp kè với nữ quận công de Castri, vừa dan díu với một cô gái bán hoa ngoài phố. Balzac còn rất hay làm quen với phụ nữ qua thư từ. Thường là họ chủ động viết thư cho nhà văn mình hâm mộ và ông cũng hào hứng đáp lại.

Người tình không quen biết

Năm 1832 Balzac nhận được một lá thư gửi từ Ucraina ký tên “Người đàn bà nơi xa”. Trong thư, bậc nữ lưu ấy tỏ ra rất thán phục sự tinh tế của Balzac khi mô tả tính cách các nhân vật nữ trong nhiều cảnh đời khác nhau, nhưng cũng chê rằng nhà văn quá chú tâm đến vấn đề sinh lý và thể hiện có phần thô thiển. Nàng mong rằng nhà văn sẽ có thêm những góc nhìn tích cực về phái nữ, mô tả những nét cao quý trong tâm hồn họ…

Tác giả của bức thư ấy là bá tước Evelyna Ganskaia, một nữ điền chủ người Nga giàu có xuất thân từ một dòng họ quý tộc lâu đời ở Ba Lan. Sống trong thái ấp Verkhovno xa hoa ở ngoại ô Odessa (Ucraina), nhưng người đàn bà được thụ hưởng một nền giáo dục hoàn hảo, thông thạo ba ngoại ngữ này vẫn cảm thấy buồn bã. Nàng từng sinh cho ông chồng đau ốm và hơn mình đến 20 tuổi  cả thảy 7 mặt con nhưng rốt cuộc chỉ có một bé gái duy nhất sống sót. Mới ngoài 30 tuổi nhưng Evelyna dường như chẳng còn chờ mong gì nữa ở cuộc đời… Để giúp bà chủ giải khuây, cô gia sư của con gái Evelina bèn xui nàng viết thư cho nhà văn nổi tiếng Balzac…

Nữ bá tước Evelyna Ganskai

Ngày 28/2/1832 bức thư đầu tiên của “Người đàn bà nơi xa” đến tay Balzac. Nhà văn thực sự hoan hỉ vì điều này chứng tỏ sự nổi tiếng của ông đã vượt ra ngoài biên giới nước Pháp. Hơn nữa, Balzac cũng cảm nhận được rằng tác giả của bức thư là một phụ nữ thượng lưu vì nàng sử dụng tiếng Pháp quá hoàn hảo. Nàng chắc hẳn cũng rất giàu có mới đủ khả năng đặt mua sách tận  Paris… Và ông hào hứng hồi âm bằng những bức thư với vô số mỹ từ: “Người phụ nữ khả ái”, “nữ chúa kiêu hãnh”, “bông hồng phương Tây”, “ngôi sao phương Bắc”…  Đến lá thư thứ ba thì nhà văn tỏ tình luôn với Evelyna dù chưa biết dung nhan nàng ra sao. Thêm vài bức thư nữa thì người đàn bà không quen biết đã trở thành “người mà ta lần đầu tiên tìm thấy niềm an ủi”, thành “thiên thần dấu yêu” của đại văn hào nước Pháp.

Sau rất nhiều mong chờ, vào mùa thu năm 1833, lần đầu tiên Balzac và Evelyna đã có dịp gặp nhau tại Neuchatel (Thụy Sĩ). “Người đàn bà nơi xa” đã khiến nhà văn rất đỗi hài lòng bởi nàng thật sự hấp dẫn với dáng vóc cân đối, nước da trắng mịn, mái tóc đen nhánh và phong thái tao nhã. Còn Evelyna thoạt đầu hơi thất vọng khi thấy trước mặt mình là một người đàn ông thấp béo, có gương mặt thô kệch, mái tóc bù xù và ăn mặc quá bình dân. Song chỉ cần nhà văn cất lời và cặp mắt ông sáng bừng lên thì Evelyna lập tức quên hết mọi khiếm khuyết nơi ông! Tuy nhiên, vì nàng đi cùng với chồng – ngài Ganski – nên họ không tiện bộc lộ cảm xúc… Vài ngày sau, nhà văn cũng chỉ tranh thủ hôn trộm “thiên thần dấu yêu” của mình khi hai người có dịp ngồi riêng với nhau một lát… Sau đó, vợ chồng Ganski qua Đức, Ba Lan rồi quay về Ucraina, còn Balzac – trở lại Paris trong niềm phấn chấn với hình ảnh “người đàn bà nơi xa” xinh đẹp ngự trị trong tim.

Sau đó vài tháng, hai người lại có cuộc hẹn hò tại một khách sạn nhỏ ở Geneve, Thụy Sĩ. Lần này thì Evelyna trao tặng người tình một chiếc nhẫn quý và ông đã đeo nó như một vật thánh cho đến ngày cuối đời. Evelyna Ganskai đã bị Honore de Balzac chinh phục hoàn toàn và hai người còn hẹn ước sẽ lấy nhau sau khi chồng Evelyna qua đời (ngài Ganski đã già yếu và theo lời bác sỹ thì chẳng sống được bao lâu nữa).  

Nhưng trong lúc chờ đợi để trở thành phu quân của nữ bá tước giàu có, Balzac vẫn vùi đầu vào bàn viết để trang trải nợ nần. Khát khao làm giàu, Balzac từng đầu tư vào ngành đường sắt, khai thác mỏ, xuất bản… nhưng rốt cục đều thất bại. Lối sống xa hoa và thói quen xài tiền như nước khiến nhà văn vĩ đại nợ như chúa Chổm, trong khi ông chỉ có một cách duy nhất để kiếm tiền là ngồi vào bàn, “bật” trí tưởng tượng lên và viết. Trong hoàn cảnh này, cưới một người vợ giàu có lẽ là giải pháp khả dĩ giúp ông.

Balzac vẫn tiếp tục thư từ cho Evelyna, thề nguyền mãi yêu nàng. Tuy nhiên, chẳng thể nào chừa được thói phiêu lưu tình ái, nhà văn đào hoa này tiếp tục dan díu với các quý bà xung quanh. Đặc biệt ông có mối quan hệ sâu đậm kéo dài đến 5 năm với nữ bá tước người Anh Visconti và thậm chí đã có con với người phụ nữ này. Trong những thời khắc khó khăn, Balzac cũng đã được bà Visconti giúp đỡ rất nhiều. Bất chấp mọi đàm tiếu của dư luận, người đàn bà này thậm chí còn cho Balzac tá túc tại tư gia của vợ chồng mình để lẩn tránh chủ nợ. Rốt cục thì Evelyna cũng biết chuyện và nàng đã viết một bức thư đầy phẫn uất để từ mặt người tình bội bạc. Balzac ra sức thanh  minh rằng mọi chuyện chỉ là đơm đặt, mọi phụ nữ khác với ông chỉ là bạn bè, ông chỉ sống và để chờ đợi ngày có thể lấy Evelyna.

 

 Evelyna Ganskai – người tình cuối cùng của nhà văn đào hoa Balzac

Mùa xuân năm 1941, chồng Evelyna qua đời. Mặc dầu quan hệ của Balzac với Evelyna thời điểm ấy khá gượng gạo, nhà văn vẫn không ngần ngại cầu hôn góa phụ giàu có mà ông từng lừa dối. Nhưng người phụ nữ thông minh và đầy uy quyền ấy đã khước từ. Gia đình Evelyna cũng phản đối vì trong mắt họ Balzac chỉ đơn giản là một kẻ “đào mỏ”!

Tháng 6/1843, Balzac lại đến Peterburg gặp Evelyna để tiếp tục bày tỏ tình cảm. Nhà văn ở ngay trong ngôi nhà đối diện với lâu đài của Evelyna và họ thường xuyên gần gũi nhau nhưng ông vẫn không thuyết phục được nàng đồng ý kết hôn. Đến mùa thu thì nhà văn đành quay về Paris để tiếp tục công việc, sức khỏe của ông đã giảm sút nhiều.

Năm 1845 hai người cùng nhau đi du lịch châu Âu. Evelyna lúc này đang mang thai và khi đến Dresden thì nàng chuyển dạ và sinh non. Đứa con gái nhỏ không sống nổi khiến hai người khá đau buồn…

Tháng 9/1847 Balzac đến thăm thái ấpVerkhovno sang trọng của nhà Ganski và được đón tiếp như một quý tộc thật sự. Thể theo yêu cầu của nhà văn, người ta đã thu xếp cho riêng ông ba phòng, trong đó có một thư phòng. Nhưng trong điều kiện tiện nghi ấy, không hiểu sao Balzac không sáng tác được. Nàng thơ dường như đã bỏ ông mà đi. Ngoài ra, Balzac hiểu ra rằng Evelyna cũng như con gái nàng không hề trân trọng công việc của ông.Cả đời họ không hề phải động tay làm bất cứ việc gì và họ quan niệm rằng chỉ có những người hạ đẳng mới phải lao động! Rốt cục, vẫn trong tình trạng sức khỏe thảm hại, Balzac lủi thủi quay về sau khi lời cầu hôn của ông một lần nữa bị chối từ.

Tình hình tài chính của nhà văn thời kỳ này đã được cải thiện đáng kể, ông thậm chí đã mua được nhà ở Paris, bắt đầu sưu tầm tranh, đồ cổ,… Nhưng với thể trạng suy sụp, sức sáng tác sa sút, chuyện tình cảm không như mong muốn, cuộc sống đối với ông trở nên thật sự bi kịch. Khỏe hơn một chút, Balzac quyết định trang bị cho ngôi nhà của mình thật lung linh. Ông tiêu rất nhiều tiền vào việc sắm đồ gỗ, bọc tường bằng gấm vóc, còn cầu thang thì trải toàn thảm Ba Tư. Balzac muốn khi đến Paris với ông, Evelyn cũng được sống tiện nghi như ở Verkhovno…

 Phần mộ của Honore de Balzac tại nghĩa trang Pere Lachaise (Paris)

Tháng 9/1848, nhà văn lại đi Ucraina, lúc này ông đã rất yếu, liên tục bị bệnh tim và những cơn suyễn hành hạ. Vừa đến Verkhovno, ông đã được người nhà đưa lên giường nằm rồi gọi ngay bác sĩ. Sau khi khám, bác sĩ cho Evelyna  hay: nhà văn sẽ không sống được bao lâu nữa… Hẳn là vì thế mà lần này nữ bá tước đã chấp thuận lời đề nghị kết hôn từ Balzac. Có lẽ nàng muốn ông có được một chút hạnh phúc cuối đời, hoặc cũng có thể bởi nàng nghĩ ông chẳng còn nhiều thời gian để có thể khiến nàng khánh kiệt…

Tháng 5/1850 hôn lễ của họ đã được cử hành tại nhà thờ, chỉ với có hai người làm chứng. Trong bữa tiệc tối hôm đó, hớn hở với hạnh phúc mới nhà văn đã nói rằng ông đã làm được điều mà thần tượng của ông, Napoleon không thể làm  –  chinh phục được nước Nga, thông qua Evelyna!

Đôi tân lang tân nương ở Verkhovno hai tháng rồi lên đường đi Paris. Trong ngôi nhà mới của mình, nhà văn chỉ sống được vỏn vẹn vài tháng – ngày 18/8/1850 Balzac qua đời. Evelyna đã chăm sóc ông trong những ngày cuối cùng và giúp ông thanh toán hết mọi nợ nần. Ba mươi năm sau, khi Evelyna qua đời, theo nguyện vọng của bà, người ta an táng nữ bá tước tại nghĩa trang Pere Lachaise (Paris), bên cạnh phần mộ của Balzac. Nữ bá tước từ Ucraina xa xôi đã đi vào lịch sử như “người phụ nữ ở độ tuổi Balzac ưu thích” và là tình yêu cuối cùng của ông.

(Xem P1 tại đây)

  Bài: Phan Minh Ngọc

Ảnh:wikipedia.org,biography.com

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Coco Chanel có biệt tài nghĩ ra những mẫu mã mới. Mỗi chiếc mũ của nàng như một tác phẩm độc đáo, đầy tính sáng tạo, hết sức tao nhã và duyên dáng. Nàng đã vượt lên công việc của một người thợ may để trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Mỗi chiếc mũ mà nàng may đều tôn lên nét đẹp riêng cho từng khách hàng và chẳng bao lâu cái tên Coco Chanel đã được dân sành điệu Paris biết đến.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category