Rồi ông sai, mẹ nó ra hàng cá ngoài chợ, tìm mua một cái mật cá mè mang ngay về đây cho ông. Mẹ xanh mặt hỏi lại, mật cá mè hả ông (!?) Ừ, không cần to đâu nhé, chỉ cần tươi thôi (!?) Nhưng để làm gì ạ? Sốt ruột, ông gắt, thì cứ mang về đây rồi khắc biết!.
Tuy hoang mang cực độ, mẹ vẫn phải mang ngay cái mật cá mè về nhà. Ông cẩn thận lấy mật ra cho vào cái chén, rồi nhỏ ngay mấy giọt vài tai cháu. Mẹ nhìn ông làm mà lòng như lửa đốt, chỉ mong bố về ngay để “ứng cứu” trong tình huống khẩn cấp này.
Chả là ông nội Miu xưa kia vốn là y sĩ ở trường trung cấp điện, nhưng việc của ông quanh năm chỉ là phát thuốc đau đầu đau bụng hay thuốc B1 cho mấy anh chị sinh viên bị ốm (hoặc vờ ốm để trốn học). Vì không được phát huy “tài năng” ở chỗ làm việc nên từ khi về hưu, ông tích cực nghiên cứu thêm sách đông y, rồi thành “thầy lang” ở nhà từ lúc nào không biết. Ông khoe có thể chữa đủ thứ bệnh, từ hắt hơi sổ mũi đến “tứ chứng nan y”, bệnh gì cũng “khỏi tuốt”. Có lần, ông pha chế thuốc mọc tóc cho bà, hướng dẫn “trong uống ngoài bôi”… Bà nội Miu nói vụng với các con, bố mày cứ hay “chém gió”, may mà không có ai “tứ chứng nan y” tìm đến, chứ không thì … Rốt cuộc thì chỉ có mấy bà hàng xóm quanh khu phố có ai chẳng may lên lẹo mắt thì hay bảo nhau đến nhờ ông chữa mẹo. Trong nhà chỉ có mỗi bà dám dùng thuốc của ông pha chế hay kê đơn, còn con cái ai cũng hoài nghi về “y thuật” của bố.
Từ khi nhà có cháu nội, ông càng tích cực phát huy sở trường chữa bệnh cho cháu. Rắc rối ở chỗ, con dâu ông (là mình) lại không mấy tin tưởng vào những thứ thuốc (hầu hết đều có công thức khả nghi) mà bố chồng pha chế. Mình chỉ tin vào bác sĩ, cùng lắm là lên mạng tra để tham khảo cách chữa bệnh cho con, chứ nhất quyết không dám phó thác cho ông nội. Ông nội bực lắm nhưng vẫn kiên quyết ra tay. Ông cho Miu uống đủ các loại thuốc nam thuốc bắc theo trường phái “tân cổ giao duyên”.
Ông đặc biệt hâm mộ thuốc cam. Miu tưa lưỡi, loét miệng, táo bón, biếng ăn … ông đều chỉ định mua thuốc cam về dùng gấp. Thậm chí ông còn khăng khăng, Miu hay ốm vặt là do mẹ nó không chịu cho uống thuốc cam đều, không uống ngay là sắp suy dinh dưỡng đến nơi rồi vì Miu bẩm sinh nguyên khí kém, lại bị “trùng tích” (tức là hoạt động tiêu hoá thất thường) (!?).
Dịch tay chân miệng bùng lên, ông phán xanh rờn, bệnh cam tẩu mà chứ có gì ghê gớm, cứ bôi thuốc cam là khỏi hết. Đến khi báo chí ồn lên vụ ngộ độc chì ở thuốc cam, ông mới thôi không nhắc đến loại “thần dược” chữa bách bệnh này nữa.
Một hôm bà đón Miu về, lo lắng kể trong lớp có mấy bạn bị sởi rồi, hay là cho Miu nghỉ ở nhà để “cách ly”. Ông gạt đi, thế bà định cách ly cháu đến bao giờ, rồi sai bà đi chợ mua cá mè về nấu canh cho cháu ăn. Miu ăn được một bữa, bữa sau nhất quyết không chịu nuốt, ông khuyến cáo bà và mẹ Miu, phòng bệnh sởi phải ăn canh cá mè một đợt từ 5 đến 7 ngày đấy nhé (!?).
Ông rất có ác cảm với thuốc tây vì khăng khăng rằng “chúng không tốt cho trẻ nhỏ”. Vì thế ông rất bức xúc mỗi khi cháu nội phải dùng đến thuốc Tây. Trời vừa hôm trước nắng to, hôm sau trở lạnh đột ngột, Miu đã ho và hâm hấp sốt. Ông bảo ho gió ấy mà, cứ ở nhà ông dùng thuốc đông y chữa cho, “khỏi ngay tắp lự”. Rồi ông cho cháu uống đủ thứ, từ lá chanh, xương sông rồi cả … phổi ngựa bạch ngâm mật ong mà bệnh cháu ngày một nặng. Một tuần sau đưa được Miu đến bệnh viện thì bệnh viêm họng đã chuyển sang viêm phổi, sốt cao, ngay lập tức phải truyền nước và tiêm kháng sinh Bố mẹ Miu bị một phen hú vía!
Chiều nay bố Miu vừa đi làm về, ông đã gọi ngay vào phòng sai ra hàng thuốc đông y đầu phố mua cho ông một ít da rắn. Cả nhà ngơ ngác nhìn nhau, ông mới thủng thẳng bảo: trẻ con bị thối tai thì dùng bột da rắn sao vàng tán nhỏ rắc vào tai, nếu cần thì dùng cả bột ngải trắng đốt lên thổi khói vào tai nữa. Cách ngày lại một lần nhỏ thêm mấy giọt mật cá mè, hiệu nghiệm lắm!
Mới nghe đến đây, mình đã sợ phát khóc, nhìn chồng cầu cứu. Ngờ đâu bố Miu cười toe toét, ngày xưa anh bị tối thai, ông dùng mấy cách này chũa mà khỏi luôn đấy. Bà nội phụ hoạ, mà từ hồi ấy đến giờ tuyệt nhiên không bị tái phát lần nào mới hay chứ. Rồi cả nhà nhìn nhau cười phấn khởi.
Ngô Hồng Vân (theo Sành điệu)