Đây là nhận định của một chuyên gia về quan hệ quốc tế (đề nghị không nêu tên) tại Hà Nội liên quan đến việc AMM-45 kết thúc mà không ra được thông cáo chung. Theo chuyên gia này, mặc dù nền ngoại giao của Campuchia đã trưởng thành nhưng họ đã quá nhượng bộ trước áp lực từ phía Trung Quốc (TQ), từ đó không đưa ra được sáng kiến cần có. Sự kiện chưa từng có tiền lệ vừa qua cho thấy sự phân hóa trong nội bộ ASEAN cũng như thế yếu của ASEAN trong quan hệ với TQ trong thời điểm hiện tại.
Một mặt gia tăng các hoạt động gây căng thẳng trên biển Đông, mặt khác Trung Quốc không ngừng phân hóa nội bộ ASEAN – Ảnh: Global Times
Việc AMM-45 không ra được thông cáo chung là một hệ quả từ những tác động của TQ đối với ASEAN, chuyên gia này nhận định. Theo chuyên gia này, sự việc xảy ra đối với AMM-45 là một lời cảnh báo với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch sắp tới. Nếu họ chỉ đi theo sức ép của TQ mà quên mất vai trò cần có của một nước Chủ tịch ASEAN thì hành động đó sẽ mang lại những hậu quả rất xấu đối với ASEAN.
TS Đinh Hoàng Thắng (Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển): Lợi ích riêng không tách rời lợi ích chung
Trước hết có thể nhìn nhận đây là một sự việc đáng tiếc khi mà AMM-45 không ra được thông cáo chung để từ đó phản ánh quá trình trao đổi và các kết quả của các hội nghị của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lạc quan, việc này cũng cho thấy ASEAN là một thực thể sống động, một tổ chức có sự đấu tranh, có những ý kiến khác nhau chứ không chỉ là một câu lạc bộ “chỉ nói mà không có hành động” như nhiều người quan niệm. Không có thông cáo chung cũng không có nghĩa là các quyết định đã có của ASEAN không được triển khai, trong đó có việc thúc đẩy cho ra đời COC.
Một ASEAN đoàn kết sẽ nâng cao vị thế của toàn khối cũng như của mỗi thành viên – Ảnh: AFP Sự kiện này cũng cho thấy TQ vẫn không ngừng tác động nhằm chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN. Từ trước tới nay, xuất phát từ lợi ích quốc gia của mình, TQ vẫn luôn muốn tách vấn đề biển Đông trở thành vấn đề song phương giữa TQ với các quốc gia và ASEAN đóng vai trò trung gian để giải quyết. Đây là một ý đồ cực kỳ nguy hiểm vì nếu thực hiện thành công nó sẽ làm cho nội bộ ASEAN bị chia rẽ sâu sắc.
Nó đồng thời cũng biến COC thay vì là một Bộ quy tắc giữa ASEAN và TQ trở thành một COC chỉ mang tính chất song phương. Việc mà ASEAN cần làm hiện nay là không để bị lái theo ý đồ của TQ dẫn đến bị chia rẽ. Các quốc gia ASEAN cần phải thấy được rằng nếu bị chia rẽ ASEAN sẽ bị mất đi vai trò trung tâm của mình và tiếng nói của ASEAN sẽ trở nên không có giá trị. Vấn đề biển Đông liên quan đến lợi ích sống còn không chỉ của Việt Nam hay Philippines mà là lợi ích của ASEAN với tư cách một khối cũng như các đối tác của ASEAN là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nếu các quốc gia ASEAN chỉ xuất phát từ lợi ích của riêng quốc gia mình mà quên đi lợi ích chung thì sớm muộn các “lợi ích riêng” cũng sẽ bị tước đoạt.
PV |
TQ đẩy mạnh hợp tác với Campuchia
Trước thềm Hội nghị ASEAN diễn ra tại Campuchia từ ngày 9-12.7, nước này đón tiếp không ít phái đoàn của Trung Quốc kèm theo những cam kết tăng cường hợp tác song phương. Cụ thể, trong ngày 13.6, ông Hạ Quốc Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Tại cuộc gặp, hai bên ký kết 7 thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực tài chính, y tế, hàng không, thông tin, giao thông vận tải. Theo The Phnom Penh Post, Bắc Kinh còn hứa cho Phnom Penh vay 430 triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Cũng tại Phnom Penh, ngày 28.5, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự trị giá 20 triệu USD. Theo Tân Hoa xã, gói hỗ trợ này sẽ được dùng để giúp Campuchia xây dựng các viện quân y, trường đào tạo quân sự.
Tương tự, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Campuchia ngày 3-4.4, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Phnom Penh trong 3 ngày, kết thúc vào ngày 2.4. Khi đó, Bắc Kinh và Phnom Penh cam kết nâng kim ngạch thương mại song phương từ 2,5 tỉ USD (năm 2011) lên 5 tỉ USD trước năm 2017, theo Reuters. Tính từ năm 1994 đến tháng 6.2011, Trung Quốc đầu tư tổng cộng 8,8 tỉ USD vào Campuchia, trở thành nhà đầu tư lớn nhất của nước Đông Nam Á này. Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như thủy điện, khoáng sản, dệt may, ngân hàng, tài chính, du lịch và nông nghiệp. Hội đồng phát triển Campuchia cũng ước tính nước này nhận đầu tư trực tiếp khoảng 1,19 tỉ USD từ Trung Quốc trong năm 2011, nhiều gần 10 lần so với đầu tư trực tiếp từ Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là nhà tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất của Campuchia với giá trị hơn 2,1 tỉ USD. |