Kịch bản của “Âm mưu giày gót nhọn” được xây dựng theo motif của những bộ phim hài tuổi teen đơn giản hồi năm 2006, mà dễ liên tưởng đến nhất là “Cô nàng lắm chiêu” có Lindsay Lohan. Motif của dạng phim này thường là, một cô nàng nhà quê, xấu xí, sau khi có một sự cố nào đó, bị khích tướng, bèn điên tiết, nhờ một chuyên gia là bạn thân của mình, giúp mình từ con vịt bầu lột xác thành thiên nga để chiến đấu chống lại mấy con diều hâu, đại bàng khác. Nhưng khi cô nàng đoạt được cái mình muốn, cũng là lúc nhận ra bản thân đã phải đánh mất rất nhiều thứ, thậm chí mất luôn điều mình đang theo đuổi. Sau đó, bằng sự hối hận, cô nàng sẽ đi sửa sai, và kết cục đại đoàn viên để… cả nhà cùng vui.
Xây dựng “đường dây” kịch bản trên cái nền chung này, “Âm mưu giày gót nhọn” kể về chuyện Anne, trợ lý trẻ của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của New York. Thói quen của Anne là thích lập kế hoạch chặt chẽ cho cuộc đời mình, mà gần nhất là bảng kế hoạch hai năm hoàn hảo, bao gồm, sự nghiệp, kết hôn và sinh con.
Một ngày đẹp trời, Anne được chú ý với một mẫu thiết kế của bản thân, đồng thời có cơ hội giới thiệu một bộ sưu tập của riêng mình. Tuy nhiên cũng trong thời gian đó, Kiệt, người yêu của Anne được công ty cử về Việt Nam 3 tháng công tác. Trong khoảng thời gian này, Anne phát hiện ra một đôi giày cao gót của ai đó trong phòng Kiệt tại Việt Nam, thế là cô nàng lập tức gác công việc, bay ngay về nước, nhờ cậu bạn tên Danny, là chuyên gia trang điểm cho giới người mẫu, dìu dắt mình vào thế giới của những cô nàng chân dài, hòng tìm ra chủ nhân của đôi giày kia là ai. Thế nhưng, khi mọi sự thật được phơi bày, cũng là lúc Anne nhận ra mình đã đánh mất những thứ tưởng luôn sở hữu.
Với kịch bản trên, yếu tố bất ngờ không phải là thứ “Âm mưu giày gót nhọn” muốn người xem nhớ tới. Việc đoán được chủ nhân của đôi giày đỏ trong phòng, với những người thường xuyên coi phim sẽ không quá khó, nên cú chuyển hướng cuối phim coi bộ chưa đủ độ “ép-phê” lắm. Cao trào, kịch tính lớn nhất của phim được giải quyết khá chóng vánh, không có vài đoạn hồi tưởng, flashback khiến cho cách giải quyết mâu thuẫn, cũng như đường dây tâm lý nhân vật đang trôi chảy mượt mà, tự dưng bị gãy đứt khiến khán giả có cảm giác hơi… chưng hửng.
Nhưng, ngoài hai điểm chưa thỏa đáng vừa kể, “Âm mưu giày gót nhọn” vẫn hoàn toàn là một bộ phim đáng để ra rạp thưởng thức, sau hàng loạt những bộ phim hài Việt Nam gây thất vọng trong thời gian vừa qua.
Một nét dễ thấy nhất ở “Âm mưu giày gót nhọn” chính là các tình huống gây cười được dựng lên rất duyên dáng, nhịp nhàng, không cường điệu, quá lố hay thô tục không cần thiết như các bộ phim hài trước đó mắc phải. Lối diễn hài thường thấy trước đây của phim Việt, thường mượn hình thể nhân vật, xoáy vào những nhân vật có chiều cao khiêm tốn nhưng cho đóng vai đại ca giang hồ, thậm chí, lấy tật nói ngọng, nói đớt ra làm trò cười. Tuy nhiên, “Âm mưu giày gót nhọn” chọn lối hài tình huống dễ chịu và dễ thương hơn. Đơn cử như việc phát âm không chuẩn của những người Việt sống lâu năm trên đất Mỹ được đưa vào tình huống hài, mang đến tiếng cười cho khán giả, “đâu phải cái gì cũng có thể viết ra trên ‘dái’ đâu em.”, “trời ơi, là giấy chứ không phải ‘dái’, giấy, paper đó anh.” Có thể tục, nhưng vẫn chấp nhận được.
Một điểm cộng khác cho bộ phim, chính là việc đạo diễn Hàm Trần biết cách chọn dàn diễn viên từ chính đến phụ đều đẹp và có diễn xuất ổn định. Cách chọn diễn viên của đạo diễn là “đúng người đúng việc”, nên không có cơ sở nào để họ diễn không tốt vai của mình. Kathy Uyên và vị hôn phu đều là hai Việt kiều được chọn cho vai… Việt kiều về nước. Trương Chi Trúc Diễm, Phương Mai, Trương Nhi được đưa vào vai những chân dài người mẫu trong làng thời trang, Don Nguyễn chọn cho vai chuyên gia trang điểm đồng tính, có lối diễn hoạt ngôn, hơi cường điệu… với cách chọn vai diễn như vậy, bộ phim được đảm bảo bởi tính ổn định diễn xuất khi các nhân vật được hóa thân thành… chính họ ngoài đời. Các tuyến nhân vật phụ có thể gây chú ý cũng có thể kể đến Hứa Vĩ Văn xuất hiện ở 10 phút cuối phim, hay dàn người mẫu của Vietnam Next Top Model như Kha Mỹ Vân, Thiên Trang… cũng xuất hiện trong phim với vai trò (đương nhiên) là người mẫu trong chừng 5 đến 10 giây.
Kathy Uyên, sau “Để mai tính”, phải mất 3 năm khán giả mới được gặp lại Uyên trong một vai diễn mới. Đánh giá công tâm, Uyên diễn lên tay rất rõ, từng nụ cười, sự tức giận, cái nhăn mặt hay những giọt nước mắt của Uyên khiến người xem cảm nhận được rằng, đó là Uyên đang khóc, đang vui, đang buồn thực sự, chứ không chỉ là một vai diễn đơn thuần mà Uyên hóa thân vào. Nếu so với Mai của “Để mai tính” thì rõ ràng Anne trong “Âm mưu giày gót nhọn” là bước tiến rõ rệt của Uyên.
Các vai phụ khác của Don Nguyễn, Phương Mai, Trúc Diễm hay Trương Nhi, nhìn chung đều dừng ở mức tròn vai, không có nhiều đột phá, có vài đoạn thoại, Trúc Diễm diễn còn hơi gượng gạo, tạo cảm giác “hơi kịch” cho khán giả. Vai phụ sáng giá nhất, có lẽ nên đề cử cho Sigmund Watkins, vào vai anh đồng nghiệp đồng tính của Anne bên New York với cách diễn tự nhiên, khiến người xem ấn tượng và khoái trá.
Với tiêu chí một bộ phim hài đơn giản, các câu thoại trong phim cũng không nặng nề kiểu triết lý gượng ép, mà thay vào đó là lối thoại tự nhiên, đời thường, phù hợp với cảm xúc của nhân vật đặt trong đó. Các mảng miếng gây cười cũng tiết chế vừa đủ vui, vừa đủ duyên dáng, đây, có lẽ là thế mạnh, điểm sáng giá của “Âm mưu giày gót nhọn”.
Trong bối cảnh các bộ phim hài ra rạp trong thời gian vừa qua thường nhận được những đánh giá tiêu cực từ phía báo chí như “Săn đàn ông”, “Lọ lem hoàng tử” hay “Biết chết liền”, “Âm mưu giày gót nhọn” là màn chào sân điện ảnh Việt đầy ấn tượng của đạo diễn Hàm Trần. Cái tên Hàm Trần, có lẽ còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam trong vai trò đạo diễn, nhưng anh lại là một cái tên được nhiều người biết đến trong nghề khi đã tham gia các dự án phim lớn như Dòng máu anh hùng, Long ruồi…. Chắc chắn rằng trong tương lại, những sản phẩm của đạo diễn Hàm Trần sẽ thu hút được sự quan tâm từ người người yêu điện ảnh nước nhà.
Quay trở lại quan điểm đầu tiên, hoàn toàn có thể nói rằng “Âm mưu giày gót nhọn” là một bộ phim Mỹ “trá hình” và “rẻ tiền”. Trá hình ở chỗ, đạo diễn và diễn viên đều là người Mỹ gốc Việt, tư duy điện ảnh Mỹ, và “rẻ tiền” ở chỗ, chi phí sản xuất không quá cao, nhưng đáng giá cho người mua vé để xem nó.
Bài: Chú Hề
Ảnh: Lotte
Có thể bạn quan tâm: “Like Father Like Son” – một bộ phim hay của Nhật Bản: