Nếu đã chạm ngõ điện ảnh Nhật Bản, có lẽ hiếm ai lại chưa từng xem qua một phim nào của Yasujiro Ozu. Với hầu hết tác phẩm chỉ xoay quanh chuyện gia đình với vài tuyến nhân vật cố định quanh quẩn trong nội cảnh, những “Tokyo Story”, “Late Spring”, “Early Summer”… đều thuộc hàng kiệt tác điện ảnh, làm rung động nhiều lớp người và khơi dậy cảm hứng sáng tác mạnh mẽ cho nhiều thế hệ đạo diễn. Ozu được coi là bậc thầy của điện ảnh tối giản, đồng thời là một trong những nhà làm phim tinh tế và nhân văn bậc nhất.
Nổi bật lên trong lớp đạo diễn Nhật Bản tiếp tục khai thác đề tài gia đình, Hirokazu Kore-eda (sinh năm 1962 tại Tokyo) được coi là người kế thừa xuất sắc truyền thống Ozu. “Nobody Knows” (2004) – câu chuyện dựa trên một sự kiện có thật về bốn đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi – gây tiếng vang tại Cannes với giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc trẻ nhất trong lịch sử liên hoan phim dành cho Yuya Yagira. Tiếp nối với “Still Walking” (2008), “Air Doll” (2009) và “I Wish” (2011), những câu chuyện gói gọn trong phạm vi cá nhân và gia đình, Kore-eda thể hiện khả năng kể chuyện tinh tế với cái nhìn nhân bản ngay cả giữa những bi kịch sâu thẳm tưởng như không có lối thoát. “Like Father Like Son”, (tạm dịch Cha nào con nấy), bộ phim mới nhất của ông dự liên hoan phim Cannes 2013 đã giành Giải thưởng của Ban giám khảo. Đối với người hâm mộ một Kore-eda đậm đặc chất “tác giả“ và sáng tạo như trong “Marobosi” (1995) hay “After Life” (1997), “Like Father Like Son” có thể là một bước lùi trở về lối kể chuyện truyền thống và khuôn thước khiến thông điệp có phần bị đơn giản hóa. Dù vậy, đây vẫn là một phim ngọt ngào và quyến rũ bởi cái nhìn ấm áp và tinh nhạy đặc trưng Kore-eda.
Hirokazu Kore-eda giành giải đặc biệt của BGK tại LHP Cannes 2013
Bộ phim bắt đầu với cảnh Keita – sáu tuổi, vẻ ngoài đáng yêu – đang trải qua một buổi phỏng vấn để vào một trường tiểu học danh tiếng. Khi được hỏi thích làm gì vào ngày nghỉ, cậu bé trả lời thích nhất là được đi thả diều với bố. “Bố cháu (chơi diều) rất giỏi“, cậu khẳng định. Kết thúc buổi phỏng vấn, khán giả được biết câu trả lời ấy là do cô giáo dạy kèm mớm cho Keita. Sự thật là Ryota, bố cậu bé, dạo gần đây hầu như không có thời gian chăm sóc con mình. Là một kiến trúc sư thành đạt và bận bịu, anh làm việc cả cuối tuần từ sáu tháng nay.
Thông qua một xét nghiệm máu để làm thủ tục cho con vào trường, bố mẹ Keita bất ngờ nhận được tin DNA của cậu bé không trùng khớp với họ. Đứa con đẻ của họ là Ryusei bị trao nhầm cho một gia đình khác và sáu năm qua họ thật ra đã nuôi dưỡng bé trai của gia đình đó. Hai cặp bố mẹ buộc phải thỏa thuận quyết định nhận lại con hay tiếp tục nuôi dạy hai đứa trẻ không cùng huyết thống với mình. Càng bất ổn hơn khi cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình đã để lộ sự khác biệt không thể san bằng của hai giai tầng xã hội. Cậu bé con một Keita được nuôi dạy trong môi trường lịch thiệp của tầng lớp trung lưu với đủ đầy cơ hội tiếp xúc với hội họa, âm nhạc… Ryusei lớn lên trong nhà Saki – một gia đình lao động đông con – nơi bố mẹ dường như không mấy quan tâm đến việc rèn giũa con cái vào khuôn phép và những giờ học dương cầm có vẻ như không nằm trong khả năng tài chính của họ. Nhưng việc Ryota là một người thành đạt có vẻ không đồng nghĩa với việc anh là một người cha hoàn hảo. Yuda Saiki – người ban đầu tưởng như là một kẻ trục lợi thô thiển với cung cách xốc nổi hoàn toàn tương phản với Ryota – qua hành xử dần thể hiện mình là một người cha thiếu thốn tiền bạc nhưng giàu có tình cảm. Càng tiếp xúc nhiều với Yuda, Ryota càng nhận ra nhiều khoảng hụt trong kỹ năng làm cha của mình.
Khi nào thì người ta thực sự làm cha? Cảm giác ấy đến một cách tự nhiên khi đón nhận đứa trẻ sơ sinh hay như một sự phản tỉnh sau nhiều năm gắn bó? “Like Father Like Son” tập trung vào nhân vật Ryota như một hành trình tự vấn về bản năng làm cha mẹ và bản chất của tình yêu thương. Cốt truyện dựa trên việc tráo đổi nguồn gốc của hai đứa trẻ một cách tự nhiên sẽ đưa câu hỏi về sự sinh thành và dưỡng dục thành câu hỏi chủ đạo. Nhân tố nào đóng vai trò quan trọng hơn trong mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình: mối liên hệ máu mủ hay những ràng buộc tình cảm bồi đắp qua những tháng ngày chia ngọt sẻ bùi cùng nhau? Ryota, người đã quen với việc luôn đạt được mục tiêu đề ra, lần đầu tiên phải đối mặt với một quyết định khó khăn mà dường như những yếu tố giúp anh thành công cho đến nay như sự chăm chỉ và kiên định không thể giải quyết được. Anh sẽ đón Ryusei – giọt máu của mình về nhà hay giữ lại Keita – đứa bé sáu năm qua anh đã bế bồng đến khôn lớn? Ryota dường như đã lựa chọn. Keita và Ryusei bước vào một điệp vụ mà bản thân các em không hiểu nguyên do: trở về sống với bố mẹ ruột – những người đối với các em hoàn toàn xa lạ. Phải chăng mọi sự sẽ an bài như thế?
Đúng theo phong cách Kore-eda, bộ phim đi đến kết luận bằng một chuỗi tình tiết nhỏ vừa bi vừa hài trong đó kịch tính dần tích tụ và tâm lý nhân vật từ từ biến chuyển. Để nhận ra được sợi dây kết nối giữa anh và Keita, Ryota phải trải qua một loạt các sự kiện mà mỗi trải nghiệm là một lần anh phải đặt dấu hỏi về quyết định của mình: chuyến viếng thăm người cha và người mẹ kế – sự kiện phần nào lý giải phản ứng ban đầu của anh, cuộc gặp gỡ gia đình người y tá trong nhà hộ sinh ngày ấy, phản ứng của hai đứa trẻ cùng hai bà mẹ sau một thời gian chung sống và một “bí mật“ của Keita mà anh vô tình khám phá ra …
Kore-eda rất giỏi trong làm việc với trẻ em, như từng thể hiện trong “Nobody Knows” và “I Wish”. Để các em được tự nhiên, có vẻ Kore-eda chú trọng chọn vai theo cá tính diễn viên cho phù hợp với nhân vật hơn là kỹ năng. Trong khi cậu bé Keita Ninomiya hiền hậu với đôi mắt biết nói khiến khán giả không khỏi rưng rưng cảm động ngay cả trong những trường đoạn không lời thì Shogen Hwang vai Ryusei lại toát lên vẻ lanh lợi không gượng ép. Trong giàn diễn viên trưởng thành, gánh nặng dồn lên vai ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Masaharu Fukuyama vai Ryota. Ngoại hình điển trai toát lên vẻ kiêu hãnh rất hợp vai, phần lớn thời gian Ryota của Fukuyama giữ vẻ ngoài bình thản, chỉ có ánh mắt đôi lúc gợn ưu tư. Fukuyama diễn tỉnh táo và kiềm chế nhưng cũng hé lộ vừa đủ nỗi hoang mang trong Ryota, khiến nhân vật vừa gần lại vừa xa, dẫn dắt khán giả đi suốt hành trình tâm lý vừa với niềm cảm thông vừa với khoảng lùi để tự vấn.
Là nhà làm phim nhân văn, ưu tiên của Kore-eda là câu chuyện ông muốn kể và vì thế, phần kỹ thuật thường lùi lại phía sau như các nhân tố phụ trợ. Hình ảnh, ánh sáng, dựng phim hay âm nhạc của “Like Father Like Son” là kỹ thuật đạt đến mức tự nhiên khiến người ta quên đi sự tồn tại có tính sắp đặt kỹ lưỡng của nó. Những khung hình của Kore-eda thường có bố cục cân bằng, sắc độ ôn hòa nhưng mỗi khung hình là một tập hợp các chi tiết thể hiện sự quan sát tinh nhạy di chuyển với nhịp điệu khoan thai như một cuộc dạo chơi. Phần âm nhạc vốn luôn được Kore-eda sử dụng cần kiệm mà hiệu quả tiếp tục phát huy sức biểu cảm trong “Like Father Like Son” với đoạn mở đầu trích từ biến tấu Goldberg là giai điệu chính. Vẻ đẹp của giai điệu giản dị này như chính vẻ đẹp của điện ảnh của Ozu, của Kore-eda: nó đơn giản đến mức tối giản nhưng toàn mỹ và thiêng liêng.
Đạo diễn, diễn viên chính và 2 diễn viên nhí trong chuyến quảng bá phim tại LHP Cannes 2013
Từ “Still Walking” cho đến “Like Father Like Son”, Kore-eda trải qua hai biến cố lớn trong đời: mẹ ông mất và ông có con đầu lòng. Nếu ý thức về sự mất mát thúc đẩy ông làm “Still Walking” thì ý tưởng của “Like Father Like Son” nảy sinh trong chuỗi ngày ông đón nhận vai trò làm cha. Trong khi vợ ông nhập vai người mẹ một cách nhanh chóng, Kore-eda cảm thấy vừa hạnh phúc lại vừa lạ lẫm. Trước khi nhận vai Ryota, Fukuyama cũng rất lo lắng không thể diễn tròn vai vì anh chưa lập gia đình và cũng chưa có con. Nhưng Kore-eda tin Fukuyama sẽ tìm thấy mình trong nhân vật bởi “Like Father Like Son” không miêu tả tình phụ tử như một thực thể sẵn có mà muốn diễn giải quá trình tìm kiếm và vun đắp tình cảm đặc biệt này: Ryota không tự nhiên làm cha, anh phải “học” để “trở thành” cha. Cũng như Fukuyama, khán giả sẽ đến với “Like Father Like Son” dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Bộ phim chắc chắn dành cho các bậc cha mẹ, nhưng cũng là phim cho những ai sẽ làm cha mẹ, và phổ quát hơn, một phim khiến ta soi lại bản thân để học cách yêu thương.
Bài: Hoai Anh