Alice ở xứ sở củ sâm - Tạp chí Đẹp

Alice ở xứ sở củ sâm

Review

Bữa tôi nói chuyện sách xong, thằng bạn cho ý kiến: “Giờ mới thấm cái câu, anh muốn em sống sao. Mê nhạc Hàn cũng bị nói, mê game online cũng bị nói, giờ mê đọc sách Việt cũng bị nói, chẳng biết giải trí bằng gì cho vừa lòng thiên hạ.”

Nhạc Hàn, phim Hàn… đã làm tốn giấy mực, nước miếng của nhiều người trong một thời gian dài, nhưng nói xong rồi thôi, ai thích cứ tiếp tục thích, ai nói cứ tiếp tục nói. Cũng như chuyện ăn thịt chó, ai lên án cứ lên, ai ăn cứ ăn, không bao giờ đi đến được kết luận cụ thể.

 

Nhớ mấy bữa trước, dân trên mạng tự dưng xôn xao về một bộ phim tên “Vì sao đưa anh tới”. Tình tiết phim chắc lạ, vì kể về anh chàng nọ sống hoài không chết tại là… người hành tinh khác. Anh này đem lòng yêu một cô đẹp, rồi cả hai trải qua bao nhiêu chuyện bi hài đủ để làm thành một bộ phim cho bà con coi xong bàn tán. Bạn bè tôi ai cũng coi, chỉ có riêng tôi bật phim lên được vài phút là nằm ngáy, vì ngoài hai diễn viên nhìn đẹp lung linh (mà tôi nghi ngờ là đã giải phẫu) thì dòng phim này không phù hợp lắm với mình.

Mặc dù vậy, phim vẫn thành công ngất trời, tới nỗi nhiều người coi đến tập cuối thì không dám coi tiếp, sợ coi xong rồi hết. Nhiều người còn chụp hình nước mắt nước mũi tèm lem, đăng lên Facebook, ghi chú là “Mới coi phim xong, buồn quá.”  Mấy buổi tôi đi cà phê với bạn, nghe tụi nó ngồi bàn tán xôn xao, tự dưng thấy mình cũng giống như vừa mới từ vì sao nào tới, lạc lõng vô cùng.

Nguyên nhân sâu xa có lẽ vì dân ta mê cái đẹp, giống như vụ vừa rồi có anh râu ria bị trục xuất là dân ta hốt về liền cho bà con chiêm ngưỡng. Lần này nhân dịp anh từ vì sao khác tới còn hot, cũng được mời sang bên này giao lưu. Anh qua Việt Nam, nhìn đẹp như trên hình nên không gây ra cảnh “thất vọng trên diện rộng” như anh râu ria vừa rồi. Chỉ khổ cái, do nước anh đang có chuyện buồn, thiệt hại nhiều mạng người nên lần này anh nhất quyết không cười, bất quá thì nhếch nhếch môi vài cái cho tươi một chút. 

Dĩ  nhiên việc này đâu thể thoát khỏi tai mắt của những anh hùng được gọi là “cư dân mạng”. Làn sóng phản đối xuất hiện từ mọi nơi, tập trung đông nhất là trên Facebook. Họ nói nôm na là “muốn buồn thì về nước mà buồn, mang cái mặt đưa đám qua đây làm chi.” Nhưng mọi người quên một chuyện, bạn đang mời một “diễn viên” qua giao lưu, anh ấy đang thể hiện hết khả năng diễn của mình, và vai diễn lần này là anh chàng trĩu nặng tâm tư cùng câu hỏi “buồn làm sao buông?”

 

Trách mấy bạn mê văn hóa Hàn Quốc cũng oan. Vì rõ ràng, nền văn hóa ấy đủ đẹp để người ta mê. Sự cổ vũ cho cái đẹp ở Hàn Quốc đơn giản nhất là thông qua việc giải phẫu thẩm mỹ. Một đứa bạn đi Hàn Quốc về từng nói:“Ra đường nhìn ai cũng đẹp, các bậc phụ huynh cũng có trong đầu tư tưởng nếu con mình xấu thì sẽ cho tiền nó sửa. Từ nhỏ đã được dạy như vậy, lớn lên người ta chạy theo việc làm mình đẹp thì có gì là sai?” Bởi vậy giờ nhìn anh “tới từ mấy vì sao”, thấy ảnh đẹp nhưng trong đầu tôi lúc nào cũng hiện lên suy nghĩ: “Ở hành tinh của anh có thẩm mỹ viện không anh?”

Cái tư tưởng “xấu là giải phẫu” giờ cũng không còn lạ ở xứ ta. Mở mạng lên đọc, đâu khó khăn để thấy cô người mẫu nọ nổi tiếng dao kéo giờ tự hào đi khoe chuyện mình đã sửa hết bao nhiêu. Có chàng kia mới hôm rồi chả ai biết là ai, hôm nay đã thấy nhan nhản trên mạng với cái biệt danh, “hotboy 10 lần giải phẫu”. Ngày trước, dân ta đi sửa sắc đẹp là chuyện gì ghê gớm lắm, phải giấu vì sợ mắc cỡ với nhiều người, còn bây giờ, nhờ ảnh hưởng tư tưởng nước bạn, chuyện giải phẫu trở thành tự hào, bởi “Đâu phải ai cũng có tiền mà sửa như tôi!”

Còn nhớ trong thời kỳ chiến tranh, một trong những chỗ đầu tiên cần đánh chiếm là đài phát thanh, đó là việc xâm chiếm về văn hóa tinh thần, vô cùng quan trọng. Việc văn hóa Hàn xâm nhập đời sống dân ta, nhìn lại đã là một quá trình lâu dài.

“Alice ở phố Cheongdamdong” – một phim Hàn gây sốt năm 2013

Bật TV lên, phim bộ dài tập thì cứ nhan nhản các “oppa”, âm nhạc thì các cô nàng nhảy tưng bừng hoa lá hẹ, miệng hát “sarang he-yo”. Ngồi cà phê ngắm đường phố, tôi thấy các nàng da trắng bong bóc, mắt đeo lens to tròn, nói chuyện với nhau miệng mở to “oh-oh” để biểu lộ cảm xúc. Chạy xe về, tôi lại thấy dọc đường mấy quán ăn mọc lên như nấm, quán nào cũng có bán kim chi. Đi mua bánh ngọt cũng gặp cái thương hiệu Hàn Quốc, cả việc coi phim cũng bỏ tiền cho một anh có gốc gác của các “oppa”. Về nhà nhìn xung quanh, cái TV, cái điện thoại thông minh kết hợp cùng cái đồng hồ cũng là từ một tập đoàn bên xứ Hàn sản xuất.

Và thế là dù cho có bao nhiêu người nói, bao nhiêu người chê trách, làn sóng văn hóa Hàn Quốc vẫn cứ âm thầm, len lỏi rồi lớn mạnh. Chả ai chống cự hay phản kháng, vì một lẽ đơn giản là không ai chống lại cái đẹp bao giờ, dù cho cái đẹp đó chỉ là giả tạo.

Yêu thích văn hóa nước bạn không sai, nhưng trong cái hòa nhập vẫn nên giữ gìn và phát huy chất riêng, tránh tình trạng hòa tan, mất chất. Đừng để làm sao vài năm nữa, người Hàn Quốc qua thăm nước ta mà cứ ngỡ được quay về cùng đồng hương. Cũng như đùng một sáng thức dậy, nhìn xung quanh, tôi bỗng thấy mình giống như “Alice lạc vào xứ củ sâm”.

Chẳng cần phải đợi tới lúc Kim Soo Hyun lên kế hoạch sang Việt Nam quảng cáo cho một hãng mỹ phẩm và khiến giới trẻ háo hức ngóng đợi nhiều tháng trời; từ trước đó rất lâu, những thông tin như phim “Vì sao đưa anh tới” đạt hơn 2 tỉ lượt người xem tại Trung Quốc, kênh truyền hình StarWorld của Mỹ có hẳn một chương trình K-style hướng dẫn cách ăn mặc, trang điểm như sao Hàn; hay chuyện 90% sinh viên đăng ký vào chuyên ngành Hàn Quốc học tại trường ĐHKHXH&NV Tp.HCM là do đam mê âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc… cũng giúp những độc giả của Đẹp Online phần nào hình dung sức mạnh của làn sóng này.

Chùm bài “Câu chuyện kỳ tích Hallyu” của mục Giải trí, Đẹp Online không tham vọng có cái nhìn toàn cảnh về sức mạnh kỳ diệu của làn sóng Hallyu, nhưng muốn nhấn mạnh rằng Hallyu thành công chính là sự cộng hưởng của tư tưởng, tri thức và văn hóa đại chúng.

Các bài viết trong chuyên đề:

–    “Hàn hóa” – Kỳ tích từ cổ tích dành cho người lớn
–    Kim Soo Hyun – anh đến Trái đất để làm vui lòng các cô!
–    Những bong bóng từ làn sóng Hallyu
–    Alice ở xứ sở củ sâm
–    Chạy trời không khỏi làn sóng

Tổ chức: Đinh Phương Linh

Bài: Bỉ Ngạn 

Ảnh: Hancinema


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Nói đi cũng phải nói lại, đồng ý rằng dòng “văn học status” đó bị nhiều người lên án, nhưng nhìn ở mặt tích cực, nó đang tập cho giới trẻ thói quen đọc sách, một tín hiệu đáng mừng. Vì trước giờ, người ta lên án nhạc Hàn, lên án game online, thì nay giới trẻ Việt cầm sách của người viết Việt (Dù cái tên có lai Tây một chút) thì phải hoan nghênh, cổ vũ chứ.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

24/04/2014, 11:42