Những người lặng lẽ - Tạp chí Đẹp

Những người lặng lẽ

Sao

Cô gái nhỏ bé Maika, dành 2 năm rong ruổi trong Nam ngoài Bắc thực hiện bộ hình về người đồng tính. Lật từng trang cuốn sách ảnh “The Pink Choice” của Maika, rất nhiều đạo diễn (nếu chịu dành thời gian xem bộ hình này một cách nghiêm túc) sẽ phải nhìn nhận lại cách khắc họa nhân vật đồng tính trên màn ảnh.

Biên đạo múa Tấn Lộc là cái tên đã quá quen thuộc với DFS, các show truyền hình nổi tiếng, những bộ phim điện ảnh ăn khách… nhưng anh chẳng mấy khi chịu trả lời báo chí. Anh lặng lẽ xây dựng vũ đoàn Arabesque như một chốn lý tưởng cho những nghệ sĩ yêu nghề múa. Năm 2012, anh cùng cộng sự tiếp tục duy trì series “Chuyện kể những chiếc giày” và trình làng thêm 2 vở múa đương đại mang tên “Mộc” và “Sương sớm“.

Maika

Không chụp đồng tính, mà là Tình Yêu


Maika, cô gái “từ trên trời rơi xuống” với lối chụp ảnh thủ thỉ, bỗng gây sốc khi ra mắt bộ hình “The Pink Choice” – ghi lại cuộc sống của hàng chục cặp đôi đồng tính.

Điều gì đã “lóe lên trong đầu”, để chị đi tới quyết định thực hiện dự án này?

Pink Choice được nghiêm túc thực hiện sau rất nhiều những gặp gỡ vụn vặt hàng ngày, từ rất nhiều những lần tôi vô tình “đụng” phải vấn đề này. Có lẽ nó chập chờn trong đầu tôi trong một khoảng thời gian nhất định, đến ngày thấy đủ năng lượng thì sáng thôi, chứ không phải dạng ý tưởng lóe lên một cái rồi mình vồ lấy.

Trước khi thực hiện bộ hình này, chị có đặt ra vấn đề tư tưởng nào không? Qua tiêu chí chọn nhân vật chẳng hạn. Đơn giản là những-người-đồng-tính-sống-cùng-nhau, hay cần sự xác nhận về tình cảm của họ dành cho nhau?

– Nhân vật của tôi trong bộ ảnh này không phải là bản thân các bạn đồng tính, không nhằm thể hiện tính cách hay đời sống của các bạn, cái mà tôi nhắm tới là tình yêu, hay cụ thể hơn là cách thể hiện tình yêu của các bạn. Người đồng tính khác với người dị tính, cái đấy thì tất nhiên, đến bàn tay phải của mình còn khác với bàn tay trái. Nên ở đây cái tôi tìm kiếm là những điểm chung, là ai cũng thích được quan tâm, cũng mong có một tình yêu, và có cơ hội để được chăm lo cho tình yêu đó.

Người ta khi tìm được người mình yêu và yêu mình, một cách thật lòng, thì luôn muốn khoe điều đó ra với người khác – cá nhân tôi rất tin tưởng điều này. Nên với bất cứ cặp đôi nào, dù thời gian đến với nhau và cùng chung sống chỉ mới 1 năm hay 10 năm đằng đẵng, tôi cũng đều đón nhận. Vì một khi đã chấp nhận tham gia thực hiện bộ ảnh The Pink Choice, tức là chấp nhận công khai thân phận và tình yêu của mình, thì hẳn phải là họ cũng muốn “khoe” cái hạnh phúc mà mình đang có được.  

Và dự án của chị, từ ý tưởng khởi đầu tới khi đóng máy, không có gì thay đổi?

– Gần như không, chỉ có những lần tôi củng cố lại chính bản thân mình thôi. Cụ thể là việc xác định ranh giới giữa một dự án nhiếp ảnh cá nhân đơn thuần, và một dự án xã hội. Dự án nhiếp ảnh cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn và tư duy thẩm mỹ của người chụp, cách đặt vấn đề của mình có thể đúng, có thể sai nhưng mình là người thực hiện và chịu trách nhiệm – nói đơn giản, tôi sẽ là người đi kể chuyện, và đó là câu chuyện của riêng tôi. Còn một dự án xã hội, thì lại phải phản ánh cái xã hội mong muốn và yêu cầu, như trong dự án này thì là phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của chính các cặp đôi đồng tính chẳng hạn: họ muốn được chụp thế này, họ muốn được chụp thế kia, họ muốn được đẹp và hào nhoáng trong ảnh… liệu mình có phải theo họ không? Nếu không thì mình đủ kiên quyết đến đâu để các nhân vật chấp nhận điều này?

Thời gian chụp những đôi đầu tiên, tôi bị nhập nhằng nhiều lắm, vì mình cũng tham, nên có rất nhiều đôi phải chụp chiều theo ý họ, nhưng rồi cũng không dùng được ảnh, vì theo cách nhìn của mình, tôi không thấy nó đẹp. Nên sau này, tôi tự rút kinh nghiệm, thẳng thắn với các nhân vật của mình hơn, chụp chắt lọc hơn và thậm chí dám đưa ra cả những lời từ chối.

Trước khi công bố các tác phẩm, chị có e ngại rằng chủ đề – và cách thực hiện – của mình có quá nhạy cảm? Chị có bao giờ tin rằng nó sẽ được quan tâm nồng nhiệt như vậy?

– Không e ngại rằng sẽ nhạy cảm, vì bản thân không thấy nhạy cảm, và vì tôi có niềm tin là mình đã tiếp cận vấn đề một cách trực tiếp và đàng hoàng nhất có thể.

Quan tâm nồng nhiệt ư?

– Tin chứ, và hy vọng nữa. Ai chả thích điều này, dù vì lý do gì đi nữa.

Vậy trong các đôi đã chụp, trường hợp nào chị khó thuyết phục nhất? Và khó bấm máy nhất?

– Gần như không có, vì cả tôi và họ đều tương đối thẳng thắn với nhau, hợp tác với nhau phải dựa trên sự thoải mái đầu tiên. Có những đôi không thích họ từ chối luôn, có những đôi phân vân tôi cũng không nài ép, để họ có thời gian tự suy xét với nhau, nếu không còn phân vân hay e ngại gì nữa tôi mới đến chụp.

Với mỗi cặp đôi thì cách làm quen hoặc tiếp cận cũng khác nhau. Có đôi làm quen xong có thể đến nhà chụp ảnh ngay, có những đôi phải đến chơi rất nhiều lần, ngó nghiêng xem xét một thời gian đủ để hiểu thói quen sinh hoạt của họ rồi mới hẹn một ngày đến chụp. Công việc của tôi là chụp ảnh, và tôi chỉ chụp khi thấy họ, hoặc chính bản thân mình sẵn sàng.

Tôi từng đọc chị tâm sự thế này: “Hôm đó Sài Gòn mưa tầm tã, đường xa, điện thoại hết tiền và bị lạc // cái phòng 6m2 có 2 đứa con gái ngồi ôm nhau len lén xem phim ma, bọn trong phim cứ làu bàu làu bàu toàn tiếng Tàu chả hiểu gì // mình thì ngồi trong xó xem chúng nó rúm ró rúm ró ngó cái màn hình // lúc đó mình nghĩ, tại sao mình phải dầm mưa ướt nhẹp đi đến đây chỉ để ngồi một xó (dưới cái bồn rửa bát, bên cạnh thùng rác và cái chạn bát) rúm ró xem chúng nó ngó cái màn hình? // tại sao tại sao tại sao…” Chị có nhiều lần rơi vào tâm trạng “tại sao” như vậy không? Và điều gì đã giúp chị vượt qua những “tại sao” đó?

– Cũng không quá nhiều lần, chỉ trong một vài lần… trớ trêu như tình huống trên thôi. Thực ra tôi thực hiện bộ ảnh này trong tâm trạng rất thoải mái, cảm giác giống như mình đi một số nơi, gặp gỡ thêm nhiều bạn bè mới, rủ nhau cà phê dăm ba bữa, tán phét trên trời dưới biển đủ thứ chuyện tầm phào, được mời đến nhà họ ăn vài bữa cơm, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm… cứ như vậy một năm trôi qua vèo vèo… cũng chả mấy khi mà “tại sao” vậy đâu.

Còn nếu trót có “tại sao” thì tôi cũng chỉ AQ mà nghĩ, cái việc này nó chọn mình, rõ ràng chỉ có một mình mình đang làm điều này, và có khi cũng chỉ có một mình mình làm được điều này, nên nếu có vất vả tý chút, thì chắc đúng là dành cho một mình mình rồi, chả chạy đi đâu được, mà cũng chẳng nhường lại cho ai được, thôi thì cứ tận hưởng thôi, biết đâu mình lại trưởng thành lên từ đó.

Khi sống trong không gian của họ, chứng kiến và hòa mình vào cuộc sống của họ, cảm giác của chị là gì?

– Tôi thấy họ hồn nhiên, đấy là điều đáng quý, không phải ai cũng sống hồn nhiên nhất với đúng những gì mình đang có như thế được.

Tôi cũng thấy họ can đảm, vì đây không đơn giản chỉ là việc công khai cuộc sống của mình, mà còn là việc đối mặt với rất nhiều những hệ lụy lớn hơn đằng sau sự công khai đó.
Và nếu tôi có thể rành rọt gọi tên đầy đủ những cảm xúc của bản thân mình khi bấm máy, thì chắc mỗi bức ảnh sẽ phần nào bớt đi giá trị của chính nó.  

Xem bộ hình này của chị, tôi thường có cảm giác buồn bã. Tại sao vậy Maika?

– Thậm chí là u uất và tù túng? Một số người đã nói như vậy. Kỳ vọng cụ thể nhất của tôi khi thực hiện bộ ảnh này là mong người xem tin vào những gì họ chứng kiến. Tin là đã và đang có những cặp đôi đồng tính có thể sống và gắn bó với nhau lâu dài như các nhân vật trong bộ ảnh The Pink Choice. Người ta tin vì lẽ gì? Có thể vì chính sự trần trụi của nó, vì những khung cảnh bình dị, gần gũi; những chăm lo không quá lãng mạn, có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó hàng ngày; vì cả những âu lo hiển hiện rõ ràng trong đó không gì che giấu được…

Hơn nữa, có thể tôi quá tự tin, nhưng tôi cho phép mình bỏ qua giai đoạn mô tả tình yêu hạnh phúc bằng những nụ cười, bằng cái nhìn đắm đuối hay những điệu bộ quan tâm lộ liễu… Với tôi, dù cuộc sống có buồn, có khó khăn và tù túng đến mấy, thì việc có 1 người ở kề bên, dù chẳng làm gì, chỉ đơn giản là ở ngay đó trong tầm với của mình, cũng có thể khiến người ta thấy ấm áp.

Có thể những cặp đôi tôi may mắn được gặp và chụp họ không phải là đại diện cho tất cả; và cũng có thể cuộc sống của họ buồn ơi là buồn thật đi chăng nữa, thì cũng đúng thôi, với tư cách là người được chứng kiến, tôi có nghĩa vụ phải phản ánh lại chính xác những gì mình trông thấy và cảm thấy. Mà miêu tả chúng lại bằng nhiếp ảnh ư, tôi chỉ dám chọn những “chi tiết màu hồng” và làm nổi bật chúng lên thôi chứ cũng không thể “tô hồng” thêm cho chúng được.

Cứ thử nghĩ mà xem, nếu bộ ảnh này tràn ngập những cảnh yêu thương rạng rỡ, những khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc, những không gian sáng sủa và chỉn chu, liệu người ta có tin vào nó không nhỉ?
Thôi thì thà buồn, còn hơn là chả tin, hoặc chả cảm thấy gì.

Còn riêng chị, với những gì đã chứng kiến, các nhân vật và cuộc sống của họ có mang tới cho chị sự thay đổi nào trong suy nghĩ, nhận thức không?

– Tôi thấy cuộc sống đa dạng hơn, có thể mình chỉ đang sống trong một cái hộp, và ngoài cái hộp đó thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Và tôi yêu hiện tại nhiều hơn, hài lòng với những gì mình đang có cũng nhiều hơn nữa.

Chị có muốn thay các nhân vật của mình nói điều gì với cộng đồng không?

– Tôi không thay mặt được cho ai hết, chỉ muốn chia sẻ trên quan điểm cá nhân, là nếu chúng ta có thể coi tất cả những gì không giống với chính bản thân mình – không phải là sự khác biệt, mà đơn giản chỉ là sự đa dạng của cuộc sống, rồi tôn trọng chúng, học hỏi từ chúng – thì cuộc sống này có lẽ sẽ dễ chịu, sẽ thú vị và đáng yêu hơn nhiều.

Bài: Vũ Thuỷ
Ảnh: Ba Sáu Một
 

* Tấn Lộc


Một năm thực hiện 3 chương trình múa với 8 đêm diễn trong điều kiện suy thoái kinh tế, múa vẫn còn ít khán giả, là điều chỉ có biên đạo Tấn Lộc cùng thành viên vũ đoàn Arabesque làm được tính đến nay. Ba chương trình giúp người ta thấy được tư duy sáng tạo và khả năng phát triển dài lâu của Arabesque mà Tấn Lộc là người dẫn dắt. Anh đưa múa đến gần với khán giả, giúp họ chạm được vào thế giới nhọc nhằn nhưng đầy đam mê rồi giữ chân họ bằng sự đầu tư chỉn chu, tài năng của biên đạo, diễn viên.

Bài: Phan Lương
Ảnh: Tang Tang

Chuyên đề Đẹp Giá trị vàng 

Live show

Điện ảnh

Âm nhạc

Nghệ sĩ của công chúng

Những người lặng lẽ

Thời trang Việt

Các bài viết đã đăng:

>> Tùng Dương: “Đi bên em bắt… live show” 

>> Tùng John: Sau ánh đèn sân khấu

>> Yxine: Marcus Mạnh Cường Vũ

>> Nguyễn Hữu Tuấn & lát cắt của tháng Sáu 

>> Nghe có ý thức

>> Nghệ sĩ của công chúng

>> Những người lặng lẽ

Mời các bạn đón đọc bài viết tiếp theo trong chuyên đề:

>> Thời trang Việt: Một thế hệ Vàng

Thực hiện: depweb

29/12/2012, 11:08