Tên tuổi và uy tín của hai thủ lĩnh – Huy Tuấn, Quốc Trung – là một bảo chứng, nhưng sức lan tỏa nhanh và mạnh của phong trào này khẳng định một điều chắc chắn: Nghe có ý thức là một tâm nguyện của hàng ngàn người có ý thức.
Quốc Trung
“Chúng tôi muốn có một chiến dịch vận động mọi người quan tâm đến vấn đề bản quyền âm nhạc.(…) Ý thức ở đây không chỉ là nghe nhạc online mà ý thức xây dựng ý thức và văn hóa ứng xử với âm nhạc. Bảo vệ bản quyền âm nhạc chính là đóng góp xây dựng đời sống âm nhạc, nâng cao chất lượng âm nhạc Việt Nam.
Áo vest Emporio Armani
Thời gian qua, các trang web chia sẻ công khai vi phạm bản quyền, đó chính là nguyên nhân âm nhạc Việt vốn chưa thật sự phát triển lại càng ngày càng xuống dốc. Nhà sản xuất ngưng hoạt động, các nghệ sĩ cũng gặp rất nhiều khó khăn và không còn động lực sáng tạo khi mọi sản phẩm âm nhạc đều bị đánh cắp một cách ngang nhiên”.
(Trích nhạc sĩ Quốc Trung trả lời phỏng vấn Báo điện tử Dân Trí ngày 10/10/2012)
Huy Tuấn: “Ý thức cần xây dựng qua nhiều thế hệ”
Áo khoác Emporio Armani
– Lý do vì sao anh và ê kíp phát động phong trào “Nghe có ý thức”?
– Chúng ta đã sống quá lâu trong một môi trường mọi sự “cho không – biếu không”. Thế là quá đủ rồi, giờ cần sự thay đổi. Khán giả chưa có “ý thức nghe” và “ý thức” cần được hiện thực hóa bằng việc thanh toán tiền bản quyền, tác quyền cho nhạc sĩ – ca sĩ. Việc nghe có ý thức, có bản quyền và thanh toán tiền bản quyền, với tôi nó mang ý nghĩa sống còn cho đời sống âm nhạc Việt. Nó sẽ là yếu tố tiên quyết cho việc xây dựng đời sống âm nhạc hay một thị trường lành mạnh tạo nên môi trường kích thích sáng tạo nghệ thuật và là động lực lao động cho mọi nghệ sỹ.
– Cứ đụng đến tiền là mọi việc khó khăn ngay, anh có thấy thế?
– Tôi có tham gia vào công tác sản xuất nên đương nhiên tôi biết. Nhưng phong trào này không đặt mục tiêu ngay lập tức phải thu được tiền tỉ mà quan trọng là chúng ta cần xây dựng một nền tảng nghe nhạc – thanh toán có ý thức để việc sao chép lậu, sử dụng tùy tiện dần dần được chấm dứt. Việc chúng tôi làm không phải để phục vụ mục đích trước mắt mà xây dựng thói quen cho các thế hệ sau.
– Nhưng việc hình thành thói quen nghe cũng như những thói quen khác để đến được với việc “nghe có ý thức” là do nghệ sĩ quyết định chứ không phải công chúng, đơn giản là họ tiếp nhận thụ động, thưa anh!
– Đúng, mọi thói quen hay ý thức của khán giả đều bắt nguồn từ nghệ sỹ và nhà sản xuất nhưng xin hiểu “Nghe có ý thức” là tên một chiến dịch vận động mọi người quan tâm về bản quyền âm nhạc mà đặc biệt là nghệ sỹ. Muốn thay đổi, cần phải có sự ủng hộ đông đảo của mọi người. Theo tôi, khán giả luôn quyết định sự nghiệp của nghệ sĩ. Việc khán giả ủng hộ, trả bản quyền chính là việc họ tôn trọng tình yêu của mình đối với ca sĩ mà họ đang ủng hộ và yêu quý. Chỉ có sự tự giác, ý thức của người nghe, mà cụ thể nhất là thanh toán tiền bản quyền minh bạch, rõ ràng mới có thể làm cho một nền giải trí phát triển lành mạnh và bền vững được.
– Đến bây giờ, hình như mọi chuyện vẫn chỉ là “hô hào”?
– Không, mọi việc đã đi vào thực tế! Rất đông các ca sĩ thuộc nhiều lớp – lứa khác nhau đã tham gia. Các ca sĩ từ sân chơi Vietnam Idol, “Bài hát yêu thích” cũng hưởng ứng nhiệt tình. Các đơn vị kinh doanh đã ngồi lại, bắt đầu thu phí từ ngày 1/11/2012, mọi chuyện cũng đã bắt đầu có hiệu quả. Hiệu quả lớn hay nhỏ, có lẽ hãy tính sau, còn chuyện cần vui mừng là phong trào đã nhận được sự ủng hộ ngay từ những ngày đầu phát động. Tôi tin rằng, sẽ ngày càng nhiều người tham gia và hiểu hơn về ý nghĩa chương trình cũng như cái lợi trước mắt và lâu dài do phong trào mang lại.
Bài: Nguyễn Hà
Nhiếp ảnh: Bobby Nguyễn
Trang điểm: D.Y
Chuyên đề Đẹp Giá trị vàng Live show Điện ảnh Âm nhạc Nghệ sĩ của công chúng Những người lặng lẽ Thời trang Việt Bài đã đăng: >> Tùng Dương: “Đi bên em bắt… live show” >> Tùng John: Sau ánh đèn sân khấu >> Yxine: Marcus Mạnh Cường Vũ >> Nguyễn Hữu Tuấn & lát cắt của tháng Sáu >> Nghe có ý thức Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuyên đề: >> Nghệ sĩ của công chúng: Bình Minh, Mỹ Tâm, Thành Lộc >> Những người lặng lẽ >> Thời trang Việt: Một thế hệ Vàng |