Anh Quân - Anna Trương và những nhắn gửi yêu thương - Tạp chí Đẹp

Anh Quân – Anna Trương và những nhắn gửi yêu thương

Giải Trí

Ba câu chuyện thế hệ hay Những cuộc đối thoại với “Tương lai”

Tựa những dãy núi, có những thế hệ được kế tiếp, nhưng cũng có những thế hệ bị đứt gãy. Nhưng ẩn sâu đâu đó trong các mạch ngầm, vẫn có những dòng nham thạch nuôi dưỡng ngay cả những niềm đam mê bị đánh cắp.

Và con đường phía trước vì thế cứ ẩn hiện chập chờn giữa khát vọng và đánh đổi, được và mất, mang theo hay để lại…

Ba cuộc đối thoại giữa “hiện tại” và “tương lai”, hay ba câu chuyện thế hệ mà Đẹp kể ở đây, sẽ vẽ ra những con đường phía trước ấy, kể cả khi nó được nối với ngày hôm qua bằng những nét đứt…

Đọc thêm:
Cuộc đối thoại xúc giữa mẹ con Thanh Lam – Đăng Quang

– Yu Dương: “Tôi từng rất giận sự hi sinh của mẹ”

Khi Anna quyết định đi du học, mong muốn của Anh Quân là con gái sẽ theo học ngành biểu diễn và sáng tác. Nhưng cuối cùng, lựa chọn của Anna lại là trở thành một nhà sản xuất âm nhạc, như chính con đường anh đã chọn. Mỗi người đều có những lý do riêng của họ…

Thư Boston:
“Bố ạ, cuối cùng thì con đã không chọn con đường trở thành một singer – songwriter như bố vẫn thường khuyên nhủ mà làm theo lời khích lệ của mẹ Linh. Đúng hơn là theo mong muốn của chính con, vì con luôn khao khát trở thành một nhà sản xuất âm nhạc, như chính công việc bố đang làm. Không phải vì con quá thần tượng bố, mà vì con muốn khi về lại Việt Nam, con có thể tự mình hoàn thành các công đoạn từ A đến Z trong việc sản xuất một album cho riêng mình hay những ca sĩ khác… Nên con mong bố sẽ tha thứ cho con về việc đã nói dối bố là sẽ thi vào khoa sáng tác, chỉ vì lúc đó, con không muốn làm bố buồn…”

Thư Hà Nội:
 “Anna, con! Trái lại, bố cảm thấy rất vui là khác, khi con báo tin đã thi đỗ vào khoa Music Production and Engineering (đào tạo về sản xuất âm nhạc – PV), trường Berklee College of Music – ngôi trường mơ ước mà bố biết có tỷ lệ chọi rất gắt (35% – PV).

Dù luôn tin tưởng con nhưng thực sự bố không ngờ con đã làm được điều đó một cách nhẹ nhàng hơn mức bố có thể tưởng tượng. Bố thậm chí đã xúc động đến nỗi chỉ nhắn được cho con một dòng ngắn ngủi: ‘Bố chúc mừng con gái’ – như con cũng biết đấy, bố vốn kiệm lời… 

“Anna, hãy nên nhớ, con đang được sống những ngày tuyệt đẹp. Con đang được bước đi trên chính đôi chân của mình, trên một mặt đất bao la như chính con vẫn hằng mong muốn. Niềm vui sướng ấy của con cũng chính là niềm vui sướng của bố, khi thấy con được làm những điều con thích…”

Nhưng Anna, con phải biết rằng, phản ứng của bố giống như sự lo ngại hơn là phản đối. Vì không phải ngẫu nhiên mà rất ít phụ nữ lựa chọn công việc như bố đang làm và con đang theo đuổi. Bởi vì, nó đòi hỏi quá nhiều: khả năng bao quát, sự hiểu biết sâu sắc về âm nhạc lẫn kỹ thuật phòng thu, tư duy nghệ thuật lẫn tư duy thị trường… và quan trọng là phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối mọi công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Để làm được điều đó, con chắc chắn sẽ phải trải qua nhiều đêm thức trắng, ngồi lỳ trong phòng thu như con đã từng chứng kiến. Thế nên, bố không nghĩ công việc đó lại phù hợp với phụ nữ. Bố thực sự không muốn con phải vất vả, trong khi con có thể có nhiều lựa chọn khác, nhẹ nhàng hơn…” 

Thư Boston:
“Con biết, trong hình dung của bố, con có thể trở thành một nghệ sỹ biểu diễn, bằng những gì mà con có và được bố mẹ trao truyền. Hoặc có thể, nhiều người sẽ nghĩ, con chọn rẽ sang ngả này, hẳn là để cố gắng thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của mẹ Linh. Dù khi qua đây, không như định kiến con từng gặp ở nhà, điểm thi môn xướng âm mà con đạt được là 3,9/4 – số điểm gần như tuyệt đối…

Phải, con cũng biết là con có thể, ít ra là chọn một con đường nhẹ nhàng hơn như bố nói. Nhưng con thực sự không tiếc cái tương lai (cứ cho là sẽ) xán lạn kia. Con tin là con có những ước mơ và khả năng riêng để khiến mình hạnh phúc. Trở thành giống như ai đó, hay sống theo mong muốn của ai đó không phải mục đích sống của con.

Hẳn bố cũng nhớ, từ nhỏ con đã thích ca hát, nhưng chưa bao giờ con nghĩ lớn lên con sẽ là một ca sĩ, sẽ dành cả đời mình cho công việc đó. Đó cũng chính là sự khác biệt lớn nhất giữa con và mẹ Linh. Mẹ nói, từ bé, mẹ đã ước mơ trở thành ca sỹ, và mẹ hạnh phúc vì điều đó. Còn con, con tự thấy mình không có tố chất ngôi sao, cũng không hào hứng với việc trang hoàng lộng lẫy để xuất hiện trước đám đông. Con ghét váy bướm, cườm hoa, dù hồi ở nhà, con vẫn thường được mẹ nhờ chọn giúp đồ diễn. Con thích được làm việc đó, để chuẩn bị cho mẹ. Và chấm hết, con chẳng mảy may thèm muốn một ngày sẽ mặc chúng trên sân khấu.

Con quan trọng việc mình được đi ra ngoài. Bỏ lại mọi thứ  để sang bên này học, con thấy con được là chính mình hơn, con cảm thấy rõ ràng là con đang lớn, từng ngày, khi may mắn được học những thầy cô giỏi nhất, trong một môi trường đào tạo trong mơ. Mỗi ngày, được học thêm những điều mới mẻ, con lại càng nung nấu ý định có ngày được về Việt Nam, làm một người cộng sự kế cận, đi tiếp con đường của bố, sẽ tìm ra những kỹ sư âm thanh giỏi, sản xuất được những album, chương trình thật hay cho các ca sỹ trong nước, như bố đã làm…”  

Thư Hà Nội:
“Học, thực ra, chưa phải là điều kiện đủ để con trở thành một nhà sản xuất giỏi. Phải là khi bắt tay vào làm, con mới có thể hình dung hết khối lượng công việc con cần làm, cách thức làm việc trực tiếp với từng người ra sao, trong điều kiện làm nghề cụ thể ở Việt Nam. Như con đã biết, ở nước ngoài, bất cứ ai vào showbiz cũng phải đầu quân cho một hãng thu âm, và phải đi theo con đường đó thì mới phát triển được. Còn ở nhà mình thì cứ lộn tùng phèo, mạnh ai nấy chạy. Chính vì vậy, cái khó nhất với người sản xuất âm nhạc ở ta là phải làm thế nào để mọi người hiểu đâu là cái mới. Vì những ca sỹ trẻ ở ta hiện nay, họ rất nôn nóng, sốt ruột. Ý thức hệ trong gu thưởng thức âm nhạc của công chúng và giới làm nghề, cùng vấn đề bản quyền khiến âm nhạc đương đại khắc nghiệt không chỉ với nghệ sỹ biểu diễn mà còn đặt ra nhiều thách thức cho những nhà sản xuất âm nhạc.

Nhưng dẫu sao thì việc mình mình vẫn cứ phải làm thôi. Anna vẫn cứ phải học thật giỏi để trở về như bố và chú Tuấn đã trở về, chứ không thể vì ngại khó khăn mà ở lại bên ấy được, con nhé!”

Thư Boston:
“Con thấy thế hệ bố, chú Tuấn (nhạc sĩ Huy Tuấn – PV), chú Trung (nhạc sĩ Quốc Trung – PV)… đã làm được quá nhiều điều cho âm nhạc Việt Nam, suốt từ đó đến giờ. Đến giờ này con nghĩ thế hệ của bố đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Điểm khuyết thiếu, nếu có chăng chính là tuổi trẻ, để đủ mới với hơi thở âm nhạc của thế hệ chúng con bây giờ, bố có nghĩ thế không?

“Phải, con tin là con có những ước mơ và khả năng riêng để khiến mình hạnh phúc. Trở thành giống như ai đó, hay sống theo mong muốn của ai đó không phải mục đích sống của con.”

Nhưng bên cạnh đó, đúng như bố nói, ở mình còn quá nhiều người hoạt động âm nhạc chưa được kỹ tính. Còn quá ít ca sỹ dám đưa ra những “đơn đặt hàng” khắt khe, trong khi con biết những nhà sản xuất như bố, chú Tuấn, chú Trung…, có thể làm được nhiều hơn thế…

Trong khi đó, ở bên này, con phải học rất nhiều cho một khâu rất nhỏ để sản xuất âm nhạc. Ở mỗi khâu đều có sự tính toán rất kỹ lưỡng và bài bản. Chưa kể, để sản xuất âm nhạc thành công, ngoài yếu tố kỹ thuật, chuyên môn, thì điều thiếu hụt ở ta còn là khả năng quảng bá, kinh doanh nữa…”


Thư Hà Nội:

“Đó là công đoạn quan trọng nhưng đã bị bỏ qua rất lâu ở ta. Trong khi ở  nước ngoài, kinh phí để quảng bá cho một tác phẩm đôi khi còn lớn hơn khâu sản xuất. Con biết vì sao không? Chính là vì tệ ăn cắp bản quyền âm nhạc. Khi mọi thứ dễ dãi, tác phẩm luôn bị ăn cắp, xài chùa thì đừng bao giờ mơ công chúng sẽ bỏ tiền ra mua nó. Bây giờ, ca sỹ không còn đoái hoài đến bán được bao nhiêu đĩa mà là câu được bao nhiêu view. Đó mới là cái gốc của vấn đề, nếu không chấn chỉnh và siết chặt thì mọi chiến lược kinh doanh cũng đều vô nghĩa.



Những nhà sản xuất âm nhạc thế hệ trước và lớp ca sỹ trẻ hiện nay, họ không gặp nhau ở vấn đề kinh tế. Chúng ta không có thị trường âm nhạc đúng nghĩa. Ca sỹ trẻ, đôi khi chỉ vì những cái lợi trước mắt mà sẵn sàng đốt cháy giai đoạn. Rất nhiều bạn trẻ đang đi sai đường.



Tuổi tác, bố nghĩ cũng chỉ đúng một phần. Mỗi thế hệ có một gu âm nhạc khác nhau. Nhưng sản xuất âm nhạc cần rất nhiều kinh nghiệm. Bố, cũng như chú Tuấn, chú Trung… đang làm nhiều dự án với những người trẻ cũng chính là để cố gắng gây dựng một môi trường âm nhạc tốt hơn. Bố nghĩ, thế hệ nào thì cũng sẽ bị “chênh” trong một môi trường âm nhạc “lệch chuẩn” như ở ta. Thế nên, già hay trẻ đều cần phải có những ý nghĩ lớn lao về thế hệ mình, để cùng chung tay tháo gỡ, chứ chẳng thể ì ạch mãi.”

 Thư Boston:
“Có chuyện này con phải kể cho bố nghe mới được. Khi sang đây, con đã mang theo album ‘Một ngày’ mà bố sản xuất cho mẹ để mọi người biết đến âm nhạc Việt Nam qua sản phẩm của một diva trong nước. Thật ngạc nhiên, mọi người nghe rất chăm chú và  trầm trồ. Rõ ràng, không thể phủ nhận, những nhà sản xuất thuộc thế hệ trước như bố, chú Tuấn, chú Trung, chú Đức Trí… đã cùng ra nước ngoài học tập và khi trở về đã góp phần làm nên cú hích cho âm nhạc Việt Nam, với những thế hệ vàng diva nhạc nhẹ. Thế hệ chúng con, dù được học hành bài bản hơn, cũng không dễ gì làm được điều đó…”

Thư Hà Nội:
“Con chưa biết đấy thôi, bố và chú Tuấn khi về nước cũng đã phải đương đầu với bao áp lực. Người ta thậm chí từng khép cho Anh Em một cái ‘tội’ rất lớn là đã ‘hủy hoại diva’, bằng một thứ âm nhạc quá ư lạ lẫm. Nhưng bố và chú vẫn cứ làm và trả lời bằng sự bền bỉ. Sự khắc nghiệt trong môi trường âm nhạc ở Việt Nam chính là cái mới sẽ không ngay lập tức được chấp nhận, từ nghịch tai đến quen tai là cả một chặng đường dài… 

Là nghệ sỹ, còn say mê thì cứ làm thôi, Anna ạ! Cái khó thì bao giờ cũng có, thời nào cũng vậy, có điều chúng ta có vượt qua được hay không mà thôi. Anna, hãy nên nhớ, con đang được sống những ngày tuyệt đẹp. Con đang được bước đi trên chính đôi chân của mình, trên một mặt đất bao la như chính con vẫn hằng mong muốn. Niềm vui sướng ấy của con cũng chính là niềm vui sướng của bố, khi thấy con được làm những điều con thích.

Khác dấu nhưng thuận chiều, bố nghĩ, đó là gạch nối đáng kể nhất giữa hai bố con ta, phải vậy không, Anna…”

 

 Bài: Thích Nhất K’lơ

Ảnh: Tuấn Anh – Thai Pham

logo

Thực hiện: depweb

07/01/2015, 15:19