Từ trái qua: Trịnh Vĩnh Trinh, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Ảnh: T.L
Những ngày qua, báo chí ráo riết “săn tìm” người em gái út của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để có thể được chị bật mí phần nào mối quan hệ, tình thân của hai con người tri kỷ trong âm nhạc, “đến với nhau qua sự run rủi của định mệnh” (chữ của Khánh Ly). Phải mất một ngày, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh mới giãi bày tâm trạng của mình:
Cũng như nhiều người hâm mộ nhạc Trịnh, gia đình Trinh rất vui khi biết Cục NTBD đã cấp phép cho chị Khánh Ly lần đầu tiên về Việt Nam biểu diễn. Trinh và gia đình cũng đã gửi thư chúc mừng chị về việc này. Lúc sinh thời, anh Sơn cũng dự định cùng chị Khánh Ly thực hiện một số buổi biểu diễn tại Việt Nam cho cộng đồng. Bởi nhiều lý do, việc này đã không thực hiện được”.
– Theo chị, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly gắn bó thân thiết đến thế nào?
– Chị Khánh Ly đã gắn bó rất gần gũi ở một giai đoạn quan trọng trong dòng nhạc Trịnh trước 1975. Hiện nay, gia đình còn lưu giữ những cuộn băng cassette cho những buổi trình diễn tại quán Văn, Đại học Văn khoa thời đó. Giọng ca mộc mạc, chỉ với một guitar thùng, đơn giản như thế mà đã mang đến rất nhiều kỷ niệm cho Trinh và các anh chị em. Cả một thời lãng mạn, cả một thời dấn thân cho hòa bình, cho dân tộc Việt Nam!
Chị Khánh Ly từng đã nói: “…Tôi được gần anh Sơn nhiều nên tôi được anh cắt nghĩa rõ ràng những nhạc phẩm của anh. Tôi thấy rõ, hiểu rõ được con người anh cũng giống như tác phẩm của anh vậy”. Và anh Sơn cũng đã từng nhận xét: “Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất”.
Nhưng có lẽ một điều quan trọng nhất về anh Sơn mà nhiều bạn thân của anh rất tâm đắc khi nói về anh, đó là nhận xét của chị về anh Sơn: “Bởi vì ở ông Trịnh Công Sơn, điều vĩ đại nhất, vĩ đại hơn cả những tác phẩm của ông là nhân cách, nhân phẩm của ông”.
Trinh và gia đình vẫn thường xuyên liên lạc với chị Khánh Ly và cho chị biết các chương trình nhạc Trịnh hằng năm vào ngày giỗ của anh Sơn, dự án khu lưu niệm Trịnh Công Sơn tại Huế mà Trinh và gia đình đang thực hiện. Chị Khánh Ly cũng từng tâm sự với Trinh: “Lúc nào anh chị cũng muốn về Việt Nam, để được tới mộ anh và mộ mẹ thắp một nén nhang. Đó là ước vọng cuối cùng trước khi giã từ cuộc sống vô thường này”.
– Thời bé, chị còn nhớ những kỷ niệm nào với chị Khánh Ly và Trịnh Công Sơn?
– Làm sao kể hết được những kỷ niệm của các anh chị em Trinh với chị Khánh Ly! Riêng Trinh ngay từ lúc còn bé đã được anh Sơn cho phép đi xem những buổi sinh hoạt, những buổi tập, những ngày trình diễn cho sinh viên, học sinh, nhất là ở Huế. Anh Sơn, chị Khánh Ly và Trinh cũng đã có một CD với nhau ra mắt ở California với chủ đề “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” gồm 10 ca khúc.
– Xin cảm ơn chị.
“Em theo đời cơm áo/ Mai ra cùng phố xôn xao/ Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo…”. Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh dành cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Đời cơm áo quả thật đã cho tôi lắm ê chề, khổ đau, nhưng những ngày yêu dấu bên anh và bạn bè đã chẳng bao giờ tôi quên… dù đời sống có làm tan vỡ, có làm chìm sâu những mơ ước của một đời người – thì trong trái tim bầm giập của tôi, những ngày tháng cũ vẫn là một điểm son, là một bám víu cuối cùng và duy nhất… (Khánh Ly viết về Trịnh Công Sơn) |
M.T thực hiện
(Theo Lao động)