Cái cảm giác dễ thương của món quà trẻ con bỗng lợn chợn thói hư khó ưa của người lớn, nhưng chị vẫn mua vì con cá lớn rất đẹp, đinh ninh trước khi mang tặng sẽ tháo bỏ con cá bé. Nhưng rồi không tháo nổi vì nó được may chằn dính theo tư thế… bị nuốt, nếu dụng công lấy ra thì miệng con cá lớn sẽ… te tua. Sau một hồi bứt rứt, chị tặc lưỡi giữ nguyên, với hy vọng cháu mình chưa đủ lớn để nhận thức tính bon chen, thì chắc chắn món đồ chơi đã rách, hoặc nó đã chán. Nâng niu gói quà vô hộp, chị cứ bần thần con cá nhỏ tốn công, tốn vải nhưng không làm đẹp gì hơn sản phẩm, thậm chí gây mẻ vụn; rằng phải chi đừng có nó thì tốt hơn cho nhà sản xuất lẫn khách hàng.
Nói chuyện ít – nhiều trong hàng hóa, bỗng nhớ có khá nhiều món ăn Việt Nam truyền thống rất ngon xuất khẩu ra ngoài nước cho người Việt, nhưng rốt cuộc bán không chạy. Lý do chúng quá… ngọt. Thí dụ người viết bài này rất thích hai thực phẩm ăn ngay, là mắm sống các loại và bánh bò các loại. Nhưng buồn thay chúng quá ngọt. Bánh ngọt đã đành, mắm (mà sao) cũng ngọt như… bánh! Cứ vậy nhiều người Việt tha hương như chị phải phân vân, quay lưng trước biết bao hương vị quê nhà, bởi ngoài khẩu vị, ăn ngọt quá sẽ sinh ra đủ thứ bệnh… Không biết có lúc nào những nhà sản xuất nghĩ đến chuyện bớt đường, tức bớt tiền, để bán được thêm sản phẩm?
“Chị ấy thường bỏ phí nhan sắc khá đặc biệt của mình vì những trang phục quá cầu kỳ, sến súa, rườm rà”. Một người trẻ nào đó đã nói như vậy về một đại gia kiều nữ có cái tên rất lạ. Công bằng mà nói nàng cũng đẹp, gương mặt sáng, da trắng, dáng thanh thoát; tiếc thay, có thể do nhiều tiền mà ít dịp phô trưng, nên mỗi lần xuất hiện, nàng lại khoác lên mình lủ khủ “đạo cụ” kim cương, đá quý hiệu này mác nọ – những thứ chỉ có tác dụng lấy đi ở nàng chút sang trọng vốn không mấy gì nhiều… Không biết nàng có nhận ra rằng trong vài lần hiếm hoi, vì lý do nào đó, nàng tiết chế trang sức, bớt kiểu đeo diện vòng vèo lung tung đủ bộ, chọn trang phục đơn giản, thì khi đó nàng “mới thực sự tỏa sáng”, vẫn như cách nói của người trẻ kia.
Mỗi lần nước ta có lễ hội quốc gia là mỗi lần người dân bị… đuối mắt vì màu đỏ xếp lớp, dày đặc. Nhiều người tự hỏi, vì sao người ta cố ý nhồi nhét bất thường như vậy khi biết chắc không ai bỏ công đọc hết, và tệ hơn, cái số lượng nhồi nhét phản cảm kia chỉ làm được chức năng gợi tưởng những tấm hóa đơn, những số thống kê phí phạm đáng ngờ. Chưa nói nó còn khiến người ngoại quốc hoặc đám trẻ con người Việt sinh ở xứ Tây thấy… hài hước.
Chị rất thích một thương hiệu thời trang Việt dành cho lớp trẻ, nghe nói cũng do một nhóm anh em trẻ sáng lập. Vậy rồi chị cứ dần thôi không tới nữa chỉ vì sự… ân cần quá thể của nhân viên bán hàng. Bạn sẽ làm gì khi luôn luôn có một hoặc hai người quấn quýt theo sau, bủa vây bạn bởi những lời mời rao rối rít? Bạn có còn tự nhiên, thoải mái, hay sẽ bối rối, ơn ớn và sau đó – như nhà văn Đỗ Phấn viết trong bài tản văn “Hàng ảo”, về một cửa hàng đồ sứ Trung Hoa ở thủ đô: “Từ rất lâu tôi đã luôn đề cao cảnh giác, gặp trường hợp ấy thường lễ phép chào và nhanh chóng rút lui”. Đúng vậy, sau vài lần nấn ná, chị đã nhanh chóng rút lui khỏi thương hiệu mình yêu thích, tự hỏi ông chủ này hoặc những nhà kinh doanh nọ có biết và có bao giờ nghĩ tới sự nồng hậu… nguy hiểm?
Chuyện đời vậy, nghệ thuật cũng gần như vậy. Một bộ phim rất xưa của Tây mà chị quên mất tên, có trường đoạn như sau: Cô đào hát vừa diễn xong màn kịch vội chạy vô hậu trường cho con bú. Đạo diễn không ghi hình cảnh cô đào vạch vú cho con – hẳn rất tự nhiên chủ nghĩa và vô vị – mà chỉ ghi cảnh lưng cô quay về khán giả, và bên hông cô là hai bàn chân nhỏ xíu thò ra, cong quíu hoan mãn… Một cảnh tượng cắt cúp, ngắn thiếu mà khiến ta nhớ hoài…
Bức tranh “U hoài của đêm hè” cũng là đỉnh cao xúc cảm tiết chế. Hậu cảnh trung tâm tranh là khung cửa sổ với gương mặt sầu tư trông ngóng của con chó hàng xóm… Tiền cảnh bên phải tranh, cũng trên cửa sổ, con mèo đang ngồi ngó vu vơ đâu đó khác hướng với con chó, nhưng chỉ thấy lưng và đuôi. Ôi, chỉ có cái lưng và cái đuôi của con mèo vô diện thôi (hay cũng chính nhờ vậy?) mà sao bức tranh của Michael Sowa mang cảm giác buồn vô tả…
Bài: Việt Linh