"ARTPOP" của Lady Gaga - ồn ào và thiếu đột phá - Tạp chí Đẹp

“ARTPOP” của Lady Gaga – ồn ào và thiếu đột phá

Review
Điều đầu tiên cần phải công nhận là Lady Gaga có cố gắng trong việc đưa âm nhạc từ các loại hình “nghệ thuật” khác vào sáng tác của mình của mình để tạo nên một tác phẩm “nghệ thuật” khác, từ nhạc nền trên sàn catwalk cho đến nhạc phim hành động Hollywood. Đặc biệt là ca khúc đầu tiên mang tên “Aura”, mở ra một không gian ngập tràn mùi thuốc súng của phim cao bồi Viễn Tây, gợi nhớ đến những cảnh chém giết lẫn nhau trong “Kill Bill” của Quentin Tarantino. Bài hát trước đó vốn mang tên Burqa”, ám chỉ tấm khăn choàng mà phụ nữ Afghanistan vẫn hay dùng để che mặt, nhưng về sau được đổi thành “Aura” cho phù hợp với yếu tố “pop” (đại chúng) cũng là chủ đề của đĩa nhạc.

Cấu trúc của “Aura” liên tục thay đổi, từ guitar nảy tung tóe, synth dữ dội cho đến bass nổ bùm bùm bên tai. Giọng hát của Lady Gaga cũng biến hóa khôn lường. Đầu tiên cô thủ thỉ như đang hù dọa: “Tao đã giết bản ngã trước đây của mình, vứt nó vào một cái hòm trên quốc lộ số 10 và đặt một con dao ở dưới nắp. Nếu mày tìm thấy, thì cứ gửi thẳng đến Hollywood”. Và nếu như trong “The Fame” Lady Gaga hát về những tham vọng muốn được nổi tiếng, thì phần điệp khúc của “Aura” lại là một lời mời gọi, rằng bạn đã sẵng sàng để ngắm nhìn “cô gái đằng sau ánh hào quang, đằng sau cánh gà” chưa? Câu hát cuối cùng vang đột ngột ngay khi âm nhạc đang ở cao trào, vừa kết thúc bài hát đồng thời cũng mở ra một không gian mới, chào mừng bạn đến với thế giới của “ARTPOP”­.

lady gaga

“Venus” là sự lựa chọn không thể tốt hơn để tiếp nối “Aura”. Nữ ca sĩ đã chủ động đưa thần thoại Hy Lạp vào âm nhạc của mình, gợi nhớ đến “nghệ thuật” điêu khắc cổ điển. Cụ thể, “Venus” là lời ngợi ca dành cho thần Vệ Nữ Aphrodite – nữ thần tượng trưng cho tình yêu và sắc đẹp. Lady Gaga cả gan thách thức tất cả các vị thần còn lại trên đỉnh Olympus, từ Pluto, Saturn, Mercury cho đến Jupiter và dành một tình cảm đặc biệt cho Venus: “Các người không biết ta nổi tiếng lắm sao?” (“Don’t you know my ass is famous?”). Trọng tâm của bài hát nằm ở bốn câu điệp khúc ngắn gọn dễ nhớ đúng chất Lady Gaga, cộng thêm giai điệu dồn dập chìm trong những tiếng synth điện tử mạnh mẽ, nên sẽ không khó hiểu nếu “Venus” nhanh chóng trở thành bài hát được mở thường xuyên trong các câu lạc bộ.

Đến ca khúc thứ ba “G.U.Y” cô lại tiếp tục nhắc đến thần tình ái Eros – con trai của Aphrodite. Ở đây, Lady Gaga xin tình nguyện trở thành nàng Psyche thứ hai để được thờ phụng Eros. Cô liên tục mời gọi Eros bằng những lời lẽ hết sức mùi mẫn: “Hãy cứ chạm vào em đừng thẹn thùng”. Nhưng cả Venus lẫn Eros cũng chỉ là những ẩn dụ thú vị mà Lady Gaga muốn sử dụng để nói về sự dâng hiến trọng vẹn cho tình yêu. Bởi vì: “Em tuyệt vời nhất khi yêu và người em yêu chính là anh”.

Có thể nói rằng “ARTPOP” đã có một phần mở đầu rất ấn tượng. Hầu như không có một giây nào Lady Gaga để cho người nghe kịp “nghỉ ngơi” mà cuốn họ vào những bản dance-pop dồi dào năng lượng. Tuy nhiên, nữ ca sĩ đã không giữ được phong độ đó trong suốt một tiếng đồng hồ của đĩa nhạc. Ở ca khúc chủ đề cùng tên, Lady Gaga tuyên bố: “ARTPOP của tôi có nghĩa là bất cứ thứ gì”. Song, đôi khi cô lại cho thấy những gì mình hát thực tế chẳng có ý nghĩa gì. Chẳng hạn, “Sexxx Dreams” đơn giản nói về tình dục. Lady Gaga trở thành cô gái đồng tính khao khát dục vọng và chìm trong những ảo tưởng đen tối.

Nếu như phần đầu của “ARTPOP” Lady Gaga đua theo trào lưu hiện tại là EDM (viết tắt của Electronic dance music, nghĩa là nhạc dance điện tử) thì phần sau của đĩa nhạc lại là một chút hoài cổ cũng đang được ưa chuộng. “Fashion!” mang âm hưởng disco thập niên 80 mà Daft Punk vừa thành công với “Random Access Memories”, trong khi “Dope”, “Gypsy” lại tận dụng sự mộc mạc của piano. Sốc nhất đĩa nhạc là khi cô gọi kẻ đối diện bằng từ “Swine” (một từ rất bẩn trong văn hóa châu Âu nghĩa là con lợn) và đặt hẳn nó làm tên ca khúc.

Về ca từ, có thể xem Lady Gaga là nữ hoàng của những tuyên ngôn. Âm nhạc của cô luôn luôn đề cao sự tự do: “Tôi là người phụ nữ của lựa chọn chứ không phải là con nô lệ lang thang” (“Aura”). Bên cạnh đó, cô cũng luôn là người tự tin và kiêu hãnh với chính mình: “Tôi thật là phi thường. Xem này, tóc tôi vàng chóe, thân hình mảnh khảnh, đã vậy lại còn giàu có” (“Donatella”). Tuy nhiên, chính việc lạm dụng quá nhiều tuyên ngôn vào âm nhạc lại khiến chúng thành ra giống với những câu slogan dành cho quảng cáo nhiều hơn là khẩu hiệu cần phải học tập.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Lady Gaga liên tục biến hóa thành những hình ảnh đã gắn liền với tên tuổi của mình, từ thời “Just Dance” cho đến “Telephone” trên sâu khấu của lễ trao giải MTV nhân ngày trở lại. Đơn giản, âm nhạc trong “ARTPOP” có thể xem là sự kết hợp từ những gì cô đã thực hiện trước đó. MANiCUREđược viết theo công thức đã tạo nên thành công cho Lady Gaga với những “Bad Romance”, “Telephone”. Riêng “Gypsy” gợi nhớ đến “The edge of glory” còn “Mary Jane Holland” lại giống một phiên bản khác của “Heavy Metal lover”. Lady Gaga cũng cố tình lặp lại những gì đã từng hát: “I don’t speak German but I try” (trong cả “Gypsy” lẫn “Scheiße”) hay “marry to the night” (trong cả “Fashion!” lẫn “Marry the night”),…


Lựa chọn “Applause“Do what you want” làm những single đầu tiên, mở màn cho đĩa nhạc là một lựa chọn khá an toàn, bởi lẽ cả hai đều thiên về phần “pop” nhiều hơn, dễ nghe và dễ được đón nhận. Chính xác thì “Applause” như một lời cảm ơn mà Lady Gaga dành cho những khán giả đã ủng hộ cô trong thời gian qua – những “little monsters” (những con quỷ nhỏ) theo cách cô gọi họ. “Tôi sống là vì những tràng vỗ tay”, Gaga tuyên bố như thể nhấn mạnh rằng mục tiêu của mình chính là làm vừa lòng khán giả và cống hiến hết sức vì khán giả.

Trong khi đó, “Do what U want” lại là sự đáp trả dành cho phía dư luận vẫn luôn công kích cô với đủ lý do. Song, khi chất pop điện tử của Lady Gaga kết hợp cùng R&B theo trường phái “old school” của R. Kelly thì lại tạo thành một sáng tác dành cho chất giọng của Mariah Carey, còn phần lời lại là những gì mà Christina Aguilera thể hiện nhuần nhuyễn. Tương tự, “ARTPOP” vẫn còn những thiếu sót không đáng có khác. Bản ballad “Dope” trở nên hoàn toàn lạc lõng giữa những âm thanh sôi động và náo nhiệt trước đó của dance, disco và electronic. Nhưng thất bại lớn nhất của đĩa nhạc phải thuộc về “Jewels N’ Drugs”. Lady Gaga phải mời đến ba ngôi sao nhạc rap vào góp giọng cho bài hát là T.I., Too $hort và Twista, nhưng kết quả cuối cùng chỉ là một mớ âm thanh hỗn độn.

Tóm lại, “ARTPOP” là một đĩa nhạc ồn ào cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ âm nhạc cho đến ca từ. Ngay cả cái cách tuyên bố đĩa nhạc của mình là một sản phẩm “nghệ thuật” cũng ồn ào không kém (cô đặt từ “art” lên trước để nhấn mạnh điều đó). Đáng tiếc, khi Lady Gaga vay mượn các yếu tố “nghệ thuật” (art) để tạo nên một sản phẩm “đại chúng” (pop) thì lại không thể tạo nên được yếu tố “nguyên bản” (original) – điều vô cùng quan trọng đối với việc sáng tạo. Nói về sáng tạo, thì âm nhạc của “ARTPOP” cũng không có nhiều đột phá nếu so với hai đĩa trước đó là “The Fame Monster”“Born This Way”.

Túi ba gang không thể nào đựng hết một bãi vàng. Nếu như Andy Warhol – người gắn liền với khái niệm “pop art” – từng tuyên bố rằng trong tương lai, tất cả chúng ta sẽ đều nổi tiếng trong vòng 15 phút, thì “ARTPOP” của Lady Gaga lại chứng tỏ ngược lại. Sau 5 năm “tắm” mình dưới hào quang của ánh đèn sân khấu, cô còn phải nỗ lực rất nhiều để giữ vững ngôi vị của mình.

Bài: Sơn Phước
Ảnh: ladygaga.com

>>> Trong khi đối tượng khán giả của mình ngày càng tăng lên về độ tuổi thì Avril Lavigne lại cố gắng “cưa sừng làm nghé” để có thể trẻ trung hơn, ít nhất là trong âm nhạc.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

17/11/2013, 21:25