Những ngày còn yêu nhau, tôi đã luôn phải tập làm quen với cô đơn ngay cả khi khoảng cách chỗ trọ của tôi và anh cách nhau không đến 7km. Chúng tôi nhiều lần xảy ra “chiến tranh lạnh” mà nguyên nhân chính là tôi dỗi hờn anh vì tính vô tâm. Tôi thấy mình không được yêu thương, không được chiều chuộng và nhiều khi cứ như một kẻ phải đi van nài tình yêu từ anh. Anh thì chỉ một mực khẳng định rằng anh yêu tôi, và mong tôi ghi nhớ như thế mà đừng chú tâm vào những tiểu tiết.
Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu tiểu tiết với anh nghĩa là như thế nào. Có phải là việc anh không bao giờ nhắn trước cho tôi một tin, chỉ để hỏi rằng “Em đang làm gì đấy?”, gọi cho tôi đôi ba phút để hỏi thăm xem tôi đã ăn tối chưa? Có phải là việc anh để mặc tôi chải chuốt gọn gàng, nóng lòng đợi anh trễ vài ba tiếng trong mỗi cuộc hẹn? Có phải là việc anh bỏ mặc tôi một mình trong những ngày nghỉ lễ, điện thoại tút dài không người thưa?… Hay khi tất cả những việc này xảy ra rất nhiều lần, dù tôi đã góp ý dăm bảy khi mà anh vẫn không thay đổi, thì vẫn là tiểu tiết với anh?
Nhưng rồi chúng tôi vẫn kết hôn với nhau, như chuyện đời vốn phải thế. Vì về cơ bản, tôi có cảm giác yên tâm khi ở bên cạnh anh và cho rằng sự chín chắn của anh là đức tính cần có trong một gia đình. Còn về trái tim khô cằn của anh, tôi tin mình có thể biến nó thành một khu vườn mát lành, đầy màu sắc. Tôi cũng tin, rồi thời gian sẽ khiến anh trở thành người đàn ông nhạy cảm, biết chia sẻ với người mà anh từng khẳng định là yêu rất nhiều.
Nhưng thời gian chỉ đủ để tôi biết rằng mộng tưởng ngày nào đã tan vỡ. Anh vẫn là anh của ngày nào, vẫn là một người đàn ông chỉ răm rắp làm mọi việc theo lịch trình đã được sắp sẵn từ trước. Một ngày của anh gói gọn trong những việc làm cụ thể: ăn sáng, đến cơ quan, về nhà, ăn tối, nghỉ ngơi độ mươi phút, lại ngồi vào bàn làm việc một chút và sau đấy là tắt đèn đi ngủ. Cái quy trình này diễn ra đều đặn và không mấy khi anh bận tâm xem tôi đã “lót đường” ra sao để nó vận hành được trơn tru đến thế. Đến ngày lễ, bộ nhớ của anh cũng như được lập trình sẵn, là một bó hoa mua vội trên đường đi làm về. “Lễ nghĩa chỉ tổ mệt người”, anh vẫn thường bảo vậy.
Dần dà, tôi chọn cách sống độc lập như một bà mẹ đơn thân, dù vẫn luôn có chồng tồn tại bên cạnh cuộc đời. Nghĩa là, tôi cố gắng tự lực cánh sinh trong mọi việc, nghĩ rằng mình sẽ không nhận được sự trợ giúp nào từ anh và quên hẳn thói quen kêu ca những khó khăn, kể lể những mệt nhọc với chồng. Xe hỏng trên đường, tôi tự mình dắt bộ hơn 5 cây số đến trạm bảo hành. Con ốm đau, tôi thức đêm với con, xin nghỉ làm để đưa con đi khám, tự mình tìm hiểu những phương pháp chăm con, hỏi thăm trường nào là tốt cho con để có thể chọn cho con được một môi trường sinh hoạt tốt nhất. Kinh tế khó khăn, tôi cũng tự hỏi vay người này người kia, thay vì sĩ diện mà ỷ lại vào anh như trước đây. Những bó hoa ngày lễ, tôi cũng mạnh dạn bảo anh là tôi không muốn nhận nữa và mong anh bỏ nghi thức này đi…
Sau một thời gian, tôi tự thấy mình khác trước nhiều, nói ít hơn, làm nhiều hơn, mạnh mẽ hơn và bản lĩnh hơn. Dù trong sâu thẳm, tôi vẫn khát sự quan tâm từ anh, nhưng bảy năm trong mối quan hệ với anh là đủ để tôi hiểu và chấp nhận một điều, rằng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.”
Nay, tôi cắt phép ở công ty một tuần để đưa con gái về quê ngoại chơi. Tôi không nói cho anh nghe về quyết định này, vì sợ sẽ bị anh ngăn cấm như những lần trước đây. Lần này, đợi anh đi làm trước, tôi chỉ viết lại một lá thư ngắn gọn với đôi dòng thông báo: “Em và con về quê ngoại chơi một tuần. Thức ăn em đã làm sẵn và để trên ngăn đá, anh có thể lấy nem ra để rán, gà ra để luộc, thịt bê, thịt bò ra để xào, còn rau củ em để dưới ngăn mát!”
Rồi tôi an tâm cùng cô con gái năm tuổi lên xe về quê, về thăm những lũy tre xanh mát, con kênh uốn lượn, ngọn núi trập trùng và cả những cánh đồng bát ngát hương lúa. Tôi muốn thăm lại một phần ấu thơ của mình và muốn dành tặng cô gái bé bỏng của tôi những ký ức thật ngọt ngào, bình yên.
Ông bà ngoại đón mẹ con tôi bằng bữa cơm tuyệt ngon, có rau đay nấu canh cua đồng, bát cà pháo muối giòn tan và một con cá mè hấp sả thơm lừng. Hoàng hôn dần buông, một ngày ở quê nhà khép lại, tôi cảm giác như mình đã được vỗ về, được bé lại và thực sự chỉ muốn quên hết đi những bộn bề, gồng gánh nơi thành phố. Nhưng, tôi lại thấy nhớ anh. Tôi thầm lo không biết anh có tự nấu cơm được không, có đùng đùng nổi cơn thịnh nộ khi đọc được lá thư tôi để trên bàn hay không, hay tại sao anh vẫn chưa nhấc điện thoại lên để gọi cho mẹ con tôi?
Để con ngủ cùng ông bà, một mình tôi ra ngoài sân đứng hóng mát một lúc. Tôi gọi điện cho anh, muốn hỏi thăm xem anh đang làm gì và muốn vợ chồng cùng tâm sự với nhau vài điều, chợt muốn xóa khoảng cách dài rộng bấy lâu nay. Nhưng chuông điện thoại đổ dài mà anh không nhấc máy. Lòng tôi bỗng thấy nóng như lửa đốt, một vài suy nghĩ không hay thoáng qua trong đầu. Tôi không biết làm thế nào nữa, cứ tiếp tục gọi cho anh liên hồi, dăm mười phút một cuộc. Vẫn là những tiếng tút dài…
Cho đến khi bất ngờ nghe tiếng trả lời của anh, nước mắt tôi ứa ra, dồn dập hỏi lại anh “Anh đang ở đâu đấy? Sao mãi mà em không gọi được cho anh?”. Ngoảnh mặt lại theo câu trả lời: “Anh đang đứng trước sân nhà ngoại đây!” của anh, tôi chỉ biết há hốc, trân trân nhìn vào anh.
Trăng mười sáu tròn vành vạnh, sáng rõ cả một vùng không gian rộng lớn. Anh đứng đó, cười hiền nhìn tôi. Rồi anh bước lại, trao cho tôi một hộp quà nhỏ xinh và thì thầm: “Chúc mừng sinh nhật em!”
Vậy là, khi tôi vì thất vọng quá mà chọn thái độ sống độc lập, không dựa dẫm vào anh, không còn kể lể, trách móc anh nhiều nữa, thì anh lại trở thành một người chồng tuyệt vời như thế đấy.
Bài: Dương San
Xem thêm: Phụ nữ đã chuẩn bị gì cho ngày mai?