– Như Lý tự nhận xét, nếu nhìn riêng từng khía cạnh, thì Lý không đàn giỏi, giọng hát cũng không thuộc dạng quá xuất sắc. Có lẽ vì sự thô mộc, giản dị mà khán giả dành nhiều tình cảm cho Lý. Tôi thì lại cảm giác chưa tin tưởng sự tự nhiên ở bạn, vì bạn ý thức rõ điều này (sức hấp dẫn ở sự giản dị, thô mộc của mình), đôi khi thể hiện nó theo cách không tự nhiên lắm. Bạn thấy sao?
– Đúng rồi, vì cũng có những lúc không tự nhiên mà. Như khi có nỗ lực để làm tốt vượt quá khả năng của mình thì sẽ bớt đi tự nhiên.
– Nhạc của bạn, như bạn dùng chữ, là “sự kế thừa” của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… , nhưng là kế thừa “cái đẹp”. Nếu tới giờ vẫn có người nghe cho rằng không chỉ kế thừa “cái đẹp”, bạn còn kế thừa chất liệu, kế thừa tinh thần… Lý sẽ nói gì?
– Cũng rất đúng. Chất liệu và tinh thần được bao bọc trong cái đẹp mà.
– Chừng 4-5 năm trước, Lý có tâm sự rằng bạn sẽ tiếp tục học hỏi, chuẩn bị nội lực và sức mạnh để mở ra cánh cửa tương lai của riêng mình. Đến bây giờ, bạn có thể chia sẻ về cánh cửa tương lai ấy?
– Đó là sự lựa chọn mà ở đó mình chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi quyết định của mình, vui buồn với nó mà không phải đổ lỗi cho ai hay cái gì.
– Lý có nói rằng bạn chọn tỏa sáng, nhưng nổi tiếng thì không. Lý có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về sự khác nhau của hai điều này?
– Lý có nói vậy à? Nếu có thì đúng là tuổi trẻ nông nổi nhỉ (cười).
– Lý không nghĩ nhiều về cái gọi là thiền đâu. Lý cũng chỉ là người bình thường, vẫn luôn bị đời sống tác động mà nảy sinh cảm xúc và hành vi tiêu cực chứ.
– Thế còn bế tắc, Lý có gặp bế tắc trong âm nhạc và trong cuộc sống không?
– Có chứ. Bế tắc là điều mà con người ta gặp thường xuyên, và thường xuyên né tránh mà. Lý viết nhạc cũng là để tự giải phóng mình thôi.
– Còn né tránh, viết nhạc có phải là một cách để né tránh bế tắc?
– Đúng rồi (cười). Nhưng Lý chẳng tự đẩy mình vào thế buộc phải mạnh hơn đâu. Thường người yếu thì mới phải tỏ ra mạnh để tự vệ. Nhưng có lẽ, khi mà hiểu mình yếu thì cũng là thời điểm để mình trở nên khỏe mạnh.
– Trước đây bạn từng nói bạn lựa chọn sẽ tự phát huy những gì mình có bằng thực lực của mình. Nói như thế có đúng không? Nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người, Lý hay những nghệ sĩ khác có thể phát huy những gì mình có trong sự hỗn loạn và xô bồ của hôm nay?
– Thực lực là điều kiện chủ quan, còn để làm nên thành công thì cấu thành từ vô số điều kiện khách quan khác nữa. Không có gì mâu thuẫn cả giữa hai ý này. Nó tương tác và nương nhau phát triển, hình thành.
– Có một thời điểm Lý hay xuất hiện trên sân khấu cùng hai nghệ sĩ Ngô Hồng Quang (nhị) và Đức Minh (đàn môi). Gần đây nhất, trong đêm nhạc “Anh chưa từng có tên”, Lý xuất hiện cùng Vũ Đặng Quốc Việt (piano) và Nguyễn Thanh Tú (cello); còn khi Lý mới bắt đầu biểu diễn lại là những người khác nữa. Sự thay đổi những người cùng cộng tác có lý do từ đâu, và mang tới hiệu quả gì?
– Lý làm việc theo kiểu trực giác cũng nhiều lắm. Gặp người nào hay là mình muốn chơi ngay. Thế thì mời họ chơi cùng, chơi được với nhau thì đi diễn cùng nhau. Đơn giản vậy thôi.Hiệu quả lớn nhất có lẽ là niềm vui, và cảm giác được yêu, được tươi mới và được phép thay đổi.
– Cảm ơn Lý đã chia sẻ!
Bài: Linh Hanyi
Ảnh: Maika Elan
>>> Có thể bạn quan tâm: Bột (Nguyễn Công Hải) là người được vị nhạc sĩ vốn được xem là người khó tính, kỹ càng trong âm nhạc và phong cách làm việc Quốc Trung nói rằng: “Tôi không mời Hải Bột vào ê kíp của tôi mà hợp tác với anh chàng nghệ sĩ trẻ này. Tôi muốn là thành viên ê kíp của Bột, chứ không phải muốn anh là thành viên ê kíp của tôi.”