Chính vì vậy chúng ta cần hiểu rằng phim ra rạp chắc chắn sẽ có người xem, vì bộ phim sẽ dành cho một nhóm khán giả nào đó. Họ sẽ xem và hiểu câu chuyện của bộ phim, sẽ gật gù với ý đồ được gởi gắm của đạo diễn.
Thế nên khi người dùng trên trang IMDB đồng loạt chấm “He Who Dares” thang điểm 1/10 (hiếm hoi có điểm 2 và 3, kéo tổng điểm của phim về mức 2,6) thì chúng ta vẫn có quyền hy vọng là “khán giả thật sự” của phim vẫn chưa xuất hiện. Hy vọng như thế để chúng ta đi xem, và biết đâu mình chính là khán giả mà Paul Tanter muốn tìm kiếm.
![](/Uploaded/phanhai/He_who_dares2.jpg)
Chắc chắn bạn đã từng xem những phim có nội dung kiểu một băng nhóm tội phạm đột nhập vào một nơi nào đó để bắt cóc ai đó (quan trọng), sau đó đưa các yêu sách với chính phủ; rồi chính phủ một mặt thương lượng, một mặt cử cảnh sát, quân đội đến bao quanh nơi bọn tội phạm giam giữ con tin; và rồi sẽ có một hoặc hai nhân vật kiểu anh hùng ngang bướng thích hành động một mình xuất hiện. Anh này (hoặc cô này) sẽ phá bỏ mọi nguyên tắc thông thường để giải cứu con tin, tiêu diệt khủng bố, đất nước lại yên bình. Những phim với mô típ như thế, Hollywood làm đã bao nhiêu năm nay với đủ mọi tình tiết, bối cảnh, nhân vật. Các nhà làm phim sáng tạo, làm mới liên tục để phục vụ cho thị hiếu của khán giả. Chung quy, điều khán giả mong mỏi không phải là câu chuyện mới mà là cách kể mới. Các nhà làm phim biết điều đó.
“He Who Dares” cũng có nội dung phim như vậy, nhưng không phải một phim của Hollywood, mà là của Anh, với bối cảnh diễn ra ở Anh. Câu chuyện trong phim bắt đầu khi con gái thủ tướng bị một nhóm khủng bố bắt cóc. Nhóm này rất nguy hiểm, nhân vật đứng đầu cực kỳ biến thái và nói nhiều. Chúng giết người một cách dã man, đụng ai là bắn người đó, rồi đặt bom, rồi càn quét… Nói chung là đủ trò. Sau đó thì anh hùng xuất hiện và giải cứu con tin, tựu chung lại là y chang phần kể ra ở trên.
Vậy phim này có gì để xem? Lý do nào để chúng ta đến rạp?
Thiệt ra câu trả lời này người viết vẫn chưa trả lời được. Kỹ xảo và góc quay là một điều rất đáng ngạc nhiên, với những khung hình rung, được xử lý nhòe nhòe như phim kinh dị, mặc dù “He Who Dares” là phim hành động. Âm thanh thì khỏi phải bàn. Những pha hành động thì như phim của hơn năm mươi năm trước. Và diễn viên… rất khó có thể lý giải rằng họ đang giữ vai trò gì trong phim. Những diễn viên nữ thì… như một khán giả nhận xét trên IMDB “chắc họ được đóng phim này vì có họ hàng hay có quen biết với đạo diễn“.
Lý do thuyết phục nhất để quyết định xem “He Who Dares” có lẽ là cái poster và tên phim. Cả hai đều được làm rất khéo léo, bởi sau khi xem phim xong bạn sẽ phải đồng ý là cả hai thứ này đều chẳng liên quan gì đến bộ phim.
Cuối phim, nhân vật người hùng có nói với nhân vật bị bắt cóc là “Cô nên về ngủ một giấc, đêm nay là một đêm dài với cô rồi“. Bạn sẽ đồng ý với anh người hùng này, vì chỉ 88 phút xem thôi nhưng bạn sẽ thấy đây đúng là một đêm quá dài và cái tên Paul Tanter chắc sẽ làm bạn nhớ mãi với nhiều câu hỏi: Tại sao trong rất nhiều nghề, Paul không làm gì khác mà lại làm đạo diễn? Tại sao trong rất nhiều thể loại phim, Paul không làm thể loại nào khác mà lại làm phim hành động?
Và tại sao người ta lại nhập phim này về và chiếu tại Việt Nam?
Đẹp Online “đồng lõa” với các khán giả của IMDB trong phim này, 2/10 điểm thôi.
Bài: Phan Hải
Ảnh: IMDB
![logo](/Uploaded/logo_DOL.png)
>>> Có thể bạn quan tâm: Hoành tráng, bom tấn, đẹp mắt, kịch tính, không thể tưởng tượng được… và nhiều mỹ từ nữa là những gì người ta sẽ dùng để nói nhiều về phim này. Đập phá mọi thứ, đổ nát, điêu tàn một cách bi tráng và đẹp mắt đến sững sờ là sở trường của người Mỹ. Ở phim này, điều đó được làm quá xuất sắc.
![](/Uploaded/phanhai/2014_05_21/godzilla.jpg)
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!